in

Thơ viễn tưởng của Joe Dolce

NGUYỄN MẠNH HÀ

Truyện, phim, thậm chí kịch có thể viễn tưởng. Thì thơ cũng vậy. Không chỉ ở Việt Nam loại thơ này mới xa lạ mà ở Úc hay New Zealand cách đây chưa lâu, vẫn có người không tin nó tồn tại. Được nhà thơ Úc Joe Dolce cho xem hai sáng tác viễn tưởng của ông, tôi nhận ra mình cũng từng viết kiểu đó.

NHÀ THƠ ÚC MÊ BÚN CHẢ

Hai năm trước, một đồng nghiệp rủ tôi đi ăn bún chả Hàng Mành với cặp đôi nghệ sĩ Úc: Ca sĩ, nhạc sĩ kiêm nhà thơ Joe Dolce và bạn đời của ông – nhà văn, ca sĩ, họa sĩ Lin Van Hek. Việt Nam là điểm đến ưa thích của họ.

Joe Dolce – người Mỹ gốc Ý sống ở Úc –  sở hữu đĩa đơn bán chạy nhất mọi thời của Úc: Shaddap You Face (cách nói bỗ bã của người lớn khi muốn đứa trẻ trật tự). Nhưng trước khi nổi danh toàn cầu với bài hát này vào 1980, ông đã viết Boat People (Thuyền nhân) về những người Việt di tản đến Úc vào 1979. Lúc đó nhiều luồng dư luận vẫn phản đối việc đón nhận người di tản từ Việt Nam, nên không hãng đĩa nào nhận phát hành bài hát. Joe tự in 500 đĩa tặng cộng đồng người Việt ở Melbourne. Ông cũng trở nên thân thiết với họ và làm quen với phở từ đó…

Khi tôi gặp Joe Dolce ở Hà Nội, tình hình COVID-19 vẫn còn khá căng. Mỗi người sẽ có cách riêng để đối mặt với các đợt dịch. Thơ là một cách. Tôi chia sẻ những bài thơ mình mới viết với Joe. Ông muốn chuyển ngữ trên bản dịch thô của tôi. Chúng tôi ngồi với nhau trong một quán cà phê ngay phố Nhà Thờ nhưng lúc nào cũng vắng, để bàn định về câu chữ.

Hai bản dịch được hoàn tất tại Úc. Ông tích cực gửi đi vài nơi và Sự tích Chúa (A Fairy Tale of God) cuối cùng đã được tạp chí chuyên phê bình nghiên cứu thơ Cordite Poetry Review (“Cordite” nghĩa là “thuốc nổ không khói”) số ra ngày 1/10/2020 chọn đăng. Ông tán thưởng ý tưởng ra hẳn một tập thơ về virus của tôi, dù chính tôi lúc đó cũng chưa tin tưởng cho lắm.

Hai năm sau, đúng là tôi có ra được tập thơ đầu tay, không chỉ nói về virus. Không thể thiếu hai bản dịch của Joe Dolce. Tôi nhờ ông viết vài lời nhận xét để “giật” lên bìa. Ông gửi tôi số chữ nhiều hơn yêu cầu. Không quên nhắc lại kỷ niệm gặp gỡ hai năm trước: “Ngay lập tức chúng tôi trao đổi thơ với nhau” và “Một chiều, anh chở tôi trên chiếc xe máy để giúp tôi tìm mua vài đôi giày…” Tất nhiên tôi vẫn nhớ vẻ hồ hởi của Joe chiều hôm đó khi tìm được đôi giày hàng “xuất dư” ưng ý với giá tất nhiên là rất mềm nếu so với bên Úc.

Cũng vẻ mặt giãn nở tương tự khi ông húp cạn bát bánh đa đỏ trên phố Quang Trung (Hà Nội). Ông đặc biệt thích nấu ăn và thường xuyên đăng lên Facebook ảnh các món hấp dẫn từng nấu. Trên trang web của ông, bên cạnh các bài thơ, tiểu luận, bài báo… có hẳn một mục toàn các công thức món ăn. Không những biết nấu phở, ông còn nấu được theo phong cách dân tộc Mông mà ông từng được ăn ở Cán Cấu (Lào Cai). Ông sáng tác ra món bánh nướng phở bò bề ngoài nhìn như một ổ bánh mì gối vàng ươm khiến tôi không khỏi nuốt nước bọt, nhưng đành ngắm qua mạng. Ông cho biết lần tới sẽ là món bánh táo vị phở. Ông cũng khoe ảnh chụp cây tía tô khá to trồng trong chậu, dành cho món bún chả ưa thích.

Tất nhiên Joe Dolce vẫn tiếp tục chia sẻ thơ với tôi. Nhưng thú thật là thơ ông nhiều “điển tích điển cố” hơi phức tạp so với vốn Anh ngữ của tôi. Tuy nhiên tôi cũng dịch được hẳn một bài là Phép thuật phở (Conjuring Phở). Toàn văn: “Thuật giả kim đường phố Hà Nội/ vô giá chỉ với hai đô-la” (Bản gốc: “Hanoi street alchemy/ priceless at two dollars”). Ông dùng hẳn tiếng Việt để đặt tên cho các bài Thịt chó, Thịt mèo Chả ốc

THƠ VIỄN TƯỞNG CÓ THẬT

Joe làm thơ ban đầu để rèn tay viết ca từ. Sau đó ông xuất bản một số lời hát giàu chất thơ như những bài thơ độc lập. “Chưa nghệ sĩ nhạc pop nào làm điều đó trước đây”, ông cho hay. “Tôi nhận ra mình có một sở trường về thơ ca chứ không chỉ ca từ. Và tôi bắt đầu tập trung làm thơ nghiêm túc hơn. Trong khi vẫn viết nhạc. Thơ hay lời hát đều cùng một thứ cả”.

Tháng Mười năm ngoái, Joe gửi tôi Không thể chạm tới (Unfathomable). Đọc cái tôi bỗng hiểu ngay. Ông nói, nó khiến ông gợi nhớ tới một số bài thơ của tôi. Còn với tôi nó đơn thuần chỉ kể chuyện, chứ không dính dáng gì tới quan điểm hay các dữ kiện lịch sử loằng ngoằng. Ông chia sẻ: “Bài thơ được viết từ một ý tưởng duy nhất: chúng ta biết quá ít về chiều sâu của biển. Tôi nghĩ, nếu có thứ gì đó sống cả đời dưới biển khi nhìn lên bờ cũng sẽ có suy tư tương tự chăng”.

Thú vị với mùi viễn tưởng hậu tận thế của bài thơ, tôi hỏi còn bài nào kiểu kiểu như thế. Ông đưa ngay Aliens – đã đăng trên Eye To The Telescope (Nhìn Qua Viễn Kính) số 2 phát hành tháng 8/2011. Đây là tờ báo chuyên về thơ viễn tưởng của Mỹ, ra hằng quý. Chữ “viễn tưởng” ở đây là “speculative fiction”, hoặc cũng có thể hiểu hẹp hơn là “science fiction” (khoa học viễn tưởng). Mỗi số gồm chùm thơ cùng chủ đề kèm lời giới thiệu của người biên tập. Số mới nhất phát hành tháng Bảy năm nay bàn về chiến tranh với các hành tinh khác. Không thể chạm tới được Joe viết theo chủ đề “Biển” cho tờ này.

Số 2 dành riêng cho các tác giả New Zealand và Úc. Biên tập viên số này – Tim Jones (nhà thơ New Zealand) kể, một tác giả có thơ được chọn nhắn với ông: “Tôi chẳng hề thấy ai khác ở nước tôi viết thơ kiểu này!”. Vì thế Tim mong số báo không chỉ giới thiệu các nhà thơ với công chúng rộng rãi mà cả với nhau.

Tim cũng nhắc lại vụ làm tuyển thơ viễn tưởng New Zealand. Khởi sự vào 2004, từ đề xuất của nhà thơ, biên tập viên xuất bản Mark Pirie. Khi loan báo về dự án, họ nhận được khá nhiều phản ứng kiểu như “Thơ viễn tưởng là gì?”, “Người New Zealand từng viết loại đó sao?” và “Hả, đó sẽ là một quyển sách rất mỏng!”. “Không hề”, Tim kể. “Chúng tôi tìm thấy không ít những bài thơ phù hợp trong những tập thơ đã ấn hành, phần lớn từ những năm 1950- 1960, phản ánh nỗi sợ chiến tranh hạt nhân, sự phi nhân tính. Lượng thơ gửi về cũng rất lớn, trong đó tỷ lệ bài hay nhiều hơn những gì chúng tôi hy vọng. Chúng tôi nhanh chóng tin chắc sẽ có trong tay một tuyển thơ như ý”.

Nhưng các nhà xuất bản của New Zealand không tin tưởng đến thế. “Quá hẹp”, “Không có thị trường”, “Quá phiêu lưu để hợp tác” là những phản hồi từ các nhà xuất bản và cả các quỹ tài trợ văn chương dành cho hai cha đẻ của dự án. Cuối cùng họ phải đánh đường qua Úc và tập thơ được Interactive Press xuất bản năm 2009, với tên gọi Những nhà du hành: Thơ viễn tưởng New Zealand (Voyagers: Science Fiction Poetry from New Zealand). Theo Tim thì tuyển tập nhận được những đánh giá tích cực và bán cũng tốt.

PHÓNG THƠ LÊN VŨ TRỤ

Không thể chạm tới dễ dàng được Việt hóa. Ở bài tiếp theo, tôi bị cái tên Aliens điều hướng, và không biết dịch kiểu gì để lột tả sinh vật ngoại tinh mà Joe tạo ra. Nhắn qua Facebook để điều tra thêm về môi trường sống bít bùng của chúng, tôi mới biết bài thơ ban đầu tên là Cây (Plants). “Container” chẳng qua là “chậu cây”.

Khi được Eye To The Telescope mời gửi bài, Joe nhận thấy mình chưa từng viết loại thơ đó. Rồi ông nhớ tới Ray Bradbury, nhà văn viễn tưởng Mỹ. Trong một tập truyện ngắn lấy bối cảnh Mỹ của Ray, nảy nòi ra một truyện về sao Hỏa. Nhà xuất bản thích truyện sao Hỏa và gợi ý ông dời nốt các truyện còn lại lên đó, lấy tên chung là Ký sự Sao Hỏa (The Martian Chronicles). Tập truyện sau đó bán chạy và trở thành một trong những cuốn nổi tiếng nhất của ông. “Nên tôi nghĩ mình sẽ làm điều tương tự với Cây, chuyển nó thành Aliens”, Joe kể.

Chúng ta quen hiểu “alien” là “người ngoài hành tinh”, nhưng nó còn có nghĩa là “người không cùng chủng tộc” hay “sinh vật ngoại lai”. Như thế, tên bài nếu dịch sang tiếng Việt sẽ không còn giữ được trường nghĩa chung mang màu sắc viễn tưởng. Nên tôi quyết định đổi thành Sinh thể, nhấn vào ý cuối bài.

Hai bài thơ tất nhiên lạ lẫm so với phong cách thường thấy của Joe Dolce. Song với tôi, chúng đủ hấp dẫn để mong ông tiếp tục chuyển bối cảnh tất cả các bài ra ngoài Trái Đất (như cách ông gợi ý cho tôi). Theo đó, chả mấy chốc Joe sẽ có riêng một tập thơ viễn tưởng…

Nhưng hóa ra từ tháng 2/2020, hẳn là giữa một đợt giãn cách, tôi đã tưởng tượng chủng virus gây ra COVID-19 là đội quân đến từ hành tinh khác để viết Thơ sau khi ho. Còn trong bài Đời nhựa viết từ 2006, tôi đẩy nhanh thời gian tới lúc Trái Đất không còn loài người. Thế chả là viễn tưởng còn gì!

Joe Dolce vui tính, hay cười- Ảnh: NVCC
Joe Dolce và tác giả bài viết- Ảnh: Nguyễn Hiếu Thảo

Joe Dolce không cho rằng dòng văn chương viễn tưởng bao gồm thơ thấp hay cao hơn các dòng khác. “Trước đây các nhà văn viễn tưởng thường không kiếm ra tiền, chính vì thế mà họ cho rằng nghệ thuật của mình là cao siêu,” ông nói. “Nhiều thứ mà chúng ta cho là điên rồ, hoang tưởng trong những năm 1950-1960 này đang phổ cập. Kiểu đồng hồ đeo tay kiêm điện thoại của nhân vật truyện tranh Dick Tracy nay đã thành lạc hậu.

Theo Joe Dolce, các dòng nghệ thuật viễn tưởng trước đây không được đánh giá cao về nghệ thuật thậm chí cả về thương mại nhưng ngày càng chứng tỏ thành công vượt trội. Ông dẫn ra một vài trong danh sách không thể liệt kê hết của các phim viễn tưởng mang tính nghệ thuật cao:  Alien, Blade Runner, Avatar, The Day the Earth Stood Still, The Midwich Cuckoos…

ALIENS

Joe Dolce

The aliens have grown together

years in the small container

have caused them to turn to each other

in their yearning

fine silky white roots

braid together they drink

as one feed as one but

are two distinct creatures

if one should fail before the other

the other may survive

but if you try to separate them

too roughly both

will surely die

sometimes gentle shaking

can free lives like this (means the aliens die?)

roots release their grip

delicate white nerves

suddenly pulling loose

when we were torn apart

I said time to die now

one might say I’ve mostly recovered

but often in the dark

the scar aches

where our skins joined

when I breathed deeply inside you

and you slept wrapped all around me

and we were but one creature.

SINH THỂ

Sinh vật ngoại lai lớn lên cùng nhau

nhiều năm trong trong chiếc chậu nhỏ

đã khiến chúng quấn lấy nhau

trong nỗi khát khao

những chiếc rễ trắng mịn như tơ

đan vào nhau khi chúng uống

như thể kẻ nọ nuôi kẻ kia

tuy chúng vẫn là những thực thể riêng biệt

nếu kẻ này ngã xuống trước

kẻ kia vẫn có thể trụ lại

nhưng nếu bạn cố tình chia cắt chúng

cả hai đều chết chắc

thỉnh thoảng những rung lắc nhẹ nhàng

có thể tách rời chúng

những búi rễ nới lỏng

mạng lưới thần kinh trắng mỏng manh

rút cuộc buông lơi

khi chúng tôi bị chia cắt

tôi thấy mình chết cũng được rồi

ai đó có thể nói rồi sẽ qua khỏi thôi

nhưng trong bóng tối

nơi da chúng tôi từng liền

vết sẹo vẫn đau

khi tôi thở sâu bên trong em

và em ngủ trong khi ôm trọn tôi

và chúng ta là gì

nếu không phải một sinh thể.

Nguyễn Mạnh Hà dịch

UNFATHOMABLE

Joe Dolce

The gills started growing

in the eighth year of lockdown.

The shuttle had brought back

a strain of virus so virulent,

nothing could stop it.

I think our bodies knew the spores

couldn’t survive in seawater

and so began reconstructing us

to survive.

It has been ten years

beneath the waves

and what remains of the race

has adapted remarkably.

Our skin is now green-brown

and a clear translucent film

covers eyes, and, of course,

webbing between toes and fingers.

The majority of us

live in communities,

mainly for protection,

and to abate loneliness.

My family and I prefer

to live apart, deeper down,

where it’s cooler,

and less hectic.

Occasionally, we holiday

to the surface, letting the sun

remind us of our youth,

floating briefly, under the warmth,

gazing at the edge of land mass

off in the distance,

as unfathomable to our grandchildren,

as the sea once was to us.

KHÔNG THỂ CHẠM TỚI

Những bộ mang bắt đầu thành hình

vào năm giới nghiêm thứ tám

Sau khi phi thuyền đem về

Giống vi-rút chết người

Không gì ngăn nổi chúng.

Không thể tồn tại trong nước biển,

cơ thể chúng tôi

bắt đầu tái thiết

để sống còn.

Hàng chục năm trôi qua

dưới những con sóng

và những gì còn lại của giống nòi

đã thích ứng đáng kể

Da dẻ chúng tôi giờ ngả sắc nâu đồng

Mắt có thêm màn chắn trong suốt

và tất nhiên giữa những ngón tay- chân

đã hình thành màng.

Phần lớn chúng tôi

Sống theo đàn

cốt để tự vệ

cũng để bớt cô đơn

Cả nhà tôi

Sống tách biệt, dưới sâu

nơi mát hơn,

đỡ nhộn nhạo.

Thỉnh thoảng chúng tôi đi nghỉ

trên mặt nước, để mặt trời

gợi nhớ thời tuổi trẻ

cứ thế nổi trôi, trong sự ấm áp

mắt dõi nhìn về bờ cõi đất liền

đã quá xa vời

đến nỗi đời con cháu chúng tôi không thể nào chạm tới

Như chính chúng tôi với biển trước đây.

Nguyễn Mạnh Hà dịch

What do you think?

Written by Trúc Anh

Vietnamese, English, Thai, Chinese

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

Dịch văn học là cống hiến thẳm sâu

Thơ xuôi của tác giả Hy Lạp: Sandi Nikolareas