Đó là định nghĩa của Nguyễn Thánh Ngã về thế giới thi ca của riêng mình. Anh lý giải: “Nhờ tưởng tượng, thơ luôn bắt đầu mà không có kết thúc”.
Khởi nguồn của hạnh phúc và tự do to lớn
Tập thơ “Mặt nạ hương” của Nguyễn Thánh Ngã là một ví dụ điển hình về sự vô tận của trí tưởng tượng. Ngay cả những người chưa từng chạm đến thi ca, cũng phải ví von “Mặt nạ hương” giống như “bầu trời của những con chữ”.
Hãy xem bầu trời của Nguyễn Thánh Ngã vi thường đến mức nào: “Con suối tuôn róc rách/ nhưng róc rách không phải suối/ và nước không phải tiếng/ nước hỏi tiếng/ tiếng trả lời róc rách/ suối hỏi tiếng/ tiếng im lặng vô cùng…”
“Nụ hồng nhạt/ Trong câu thơ tê điếng/ Có hạt lệ nào trong mắt chữ/ Cay cay…/ Hạt muối về/ Lấp lánh trên tay/ Hạt đọng đầu bờ, hạt cuối nghĩ suy / Nhìn hạt muối nhỏ nhoi chợt thấy lòng biển rộng/ Vai mẹ già lại gánh hết bão giông…”
“Những đóa hoa đớn đau/ Ngôn ngữ của sinh thành và cái chết/ Mùa xuân mỏng như hơi thở/ Mà hưng thơm vô cùng im lặng/ Dòng sông nào giác ngộ tiếng gà khuya…”
Tác giả từng nói: “Thơ như sương, được chưng cất bởi tâm hồn của đêm, sẽ lấp lánh dưới ánh nắng ban mai…”. Có lẽ cái lấp lánh này chính là kết tinh từ nỗi cô đơn kéo dài. Đúng như một câu nói của chính anh: “Ai tìm thấy mình trong cô đơn, sẽ tìm thấy sức mạnh trong tâm hồn”.
Thưởng thức 73 bài trong “Mặt nạ hương”, độc giả cảm nhận rõ chất hoang dã trong thơ Nguyễn Thánh Ngã. Anh thành công nhờ mối liên hệ mật thiết với thiên nhiên, với những vùng đất mà anh đặt chân đến. Anh cũng cho thấy, sáng tác thơ và cảm nhận thơ có thể là khởi nguồn của hạnh phúc và tự do to lớn.
Men ủ trong những cơn gió đại ngàn
Thơ là hình thức nghệ thuật viết cao nhất. Nhưng thơ không nhất thiết phải làm nản lòng độc giả bằng những câu chữ quá xa cách. Với Nguyễn Thánh Ngã, thơ cứ đơn giản là một thế giới hoang dã, thử nghiệm và khám phá:
“Ánh sáng em là đường/ nỗi nhớ em là nhà/ nhưng trái tim em là hương/ lan tỏa một tình yêu lặng lẽ…”
“Có ai hỏi tôi là gì/ tôi bảo tôi chỉ là chiếc lá/ lốm đốm nắng rơi…”
“Mảnh trăng ơi hãy dừng lại bến sông này/ Hãy bình lặng với hoang nhiên/ Để hoa cỏ dại có thể nở an lành/ Cánh chim nhỏ có thể đậu mà không nghi ngại…”
“Ai hiểu được trong ân cần sâu nặng/ đóa sen đen làm thức dậy đầm hoang/ bóng bói cá cặp một vài khoảnh khắc/ Ném vào trời xanh đôi hia đỏ huy hoàng…”
Thì ra, quan niệm “không có sự kết thúc” chỉ đơn giản là ở cuối mối bài thơ, Nguyễn Thánh Ngã luôn để dấu “…”. Sự chơi vơi có ý đồ này thể hiện một thứ năng lực để tồn tại. Tồn tại giữa không gian và thời gian mà tác giả đóng vai trò gắn kết.
Một nhà thơ từng nói: “Thơ là một nỗ lực để nói lên sự thật, chuyển động cuộc sống, tình yêu và nỗi đau”. Nguyễn Thánh Ngã cũng vậy, dù cô đơn thế nào đi nữa, anh vẫn viết những bài thơ của riêng mình, một cách tinh tế, dũng cảm, liều lĩnh:
“Mưa tha thiết trút linh hồn vào nước/ mưa ngọt ngào tan chảy trên da/ em nhẹ dạ cả tin mưa ướt tóc/ sẽ làm trôi nhớ ngọc lan hương/ em đâu biết mưa là linh hồn tháng sáu/ là tình nhân vỡ ngực đất cỗi cằn…”
Có thể thấy, thơ của Nguyễn Thánh Ngã là khám phá trải nghiệm của con người chúng ta về thế giới tự nhiên, những mối liên hệ mật thiết và bí ẩn của chúng ta với vũ trụ. Những câu thơ của anh mang lại một cảm giác sống động và kết nối sâu sắc độc đáo. Theo nhận định của nhà thơ Hữu Việt, thơ Nguyễn Thánh Ngã giống như men ủ trong những cơn gió đại ngàn để chưng cất thành sương mù, tiếng hót, nắng sớm,… sống động và da diết, như một đề xuất ứng xử tử tế với thiên nhiên, khát vọng vươn tới những điều tốt đẹp.
Tiểu Mai
GIPHY App Key not set. Please check settings