Cuốn sách ảnh mang tên “Những khoảnh khắc của thời gian” do NXB Quân đội Nhân dân ấn hành (2022) là kết quả từ sự dày công sưu tầm và hồi tưởng của Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu.
200 trang được trình bày trang trọng, tỉ mỉ chính là “cuốn album” rực rỡ về cuộc đời của ông, về ân tình với quê hương, với đất nước, Quân đội, gia đình, đồng đội và bạn bè quốc tế.
Những bức ảnh trong cuốn sách được lựa chọn trong hơn 17.000 ảnh tư liệu của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu. Trong đó có những hình ảnh quý giá về những ngày tháng 4 lịch sử, đó là khoảng thời gian vào chiều ngày 29-4-1975, trên cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, cùng với Chính ủy Trịnh Văn Thư, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã có cuộc gặp lịch sử với má Sáu Ngẫu (Huỳnh Thị Sáu).
Người có duyên với sách
Tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ lúc 18 tuổi, Nguyễn Huy Hiệu trực tiếp có mặt tại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (năm 1968), Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào (năm 1971), Chiến dịch Quảng Trị (năm 1972) và Chiến dịch Hồ Chí Minh (năm 1775).
Tháng 12 năm 1973, ông được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu “Anh hùng quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam” vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Dù ở cương vị công tác nào, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu luôn có những đóng góp cho xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Dù là công tác hay nghỉ hưu, ông cũng luôn hướng về quê hương, về đồng đội từng sát cánh bên mình. Với ông, làm sách cũng là để hướng về những điều cao quý đó.
Trước khi ra mắt cuốn sách ảnh “Những khoảnh khắc của thời gian”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã nổi tiếng trên văn đàn khi xuất bản nhiều cuốn sách do ông trực tiếp biên soạn và các nhà văn, nhà báo viết về ông, tiêu biểu phải kể đến: Một thời Quảng Trị, Vị tướng 9 năm ở nhà con rồng, Vị tướng với an ninh môi trường, Ngọn đèn trong bão lửa, Vận dụng phương châm bốn tại chỗ trong phòng, chống thiên tai, Ký ức tháng Tư năm 1975 và những điều suy ngẫm, Một số vấn đề nghệ thuật quân sự trong chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc, Quân đội với vấn đề giải quyết hậu quả sau chiến tranh, Một số vấn đề về công tác đối ngoại quốc phòng,…
Có lần, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chia sẻ, nếu không đánh giặc, ông sẽ trở thành nhà giáo. Thế nên mới có chuyện đeo ba lô lên đường đi đánh giặc, người chiến sĩ trẻ Nguyễn Huy Hiệu vẫn mang sách đi học, nuôi ước mơ sau này hết chiến tranh sẽ trở thành nhà giáo.
Sau này, khi theo đuổi binh nghiệp, tướng Hiệu lại tập trung đọc sách, nghiên cứu tài liệu lịch sử ông cha ta đánh giặc. Điều đó rất hữu ích cho tư duy quân sự của ông. Do định hướng phấn đấu vị trí chỉ huy trong quân đội từ cấp thấp đến cấp cao, nên ông còn nghiên cứu lịch sử chiến tranh thế giới, và tướng Hiệu đã tiếp cận được cuốn sách quý “Suy nghĩ và nhớ lại” của G.K Giu-cốp (một vị tướng tài của nước Nga).
Bên cạnh đó, ông cũng được chiến đấu và công tác dưới sự chỉ huy của những người thầy và cấp trên tài giỏi, uyên bác, có kiến thức cao về quân sự, cũng như kinh nghiệm quý, nên ông tiếp thu được kho tàng kiến thức vô giá từ họ. Những kiến thức này được ông cần mẫn tích lũy, suy tư thêm để sau này viết thành những cuốn sách khoa học quân sự.
Những độc giả đã từng xem sách của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu có thể dễ dàng nhận ra, dù là hồi ký hay công trình khoa học nghệ thuật quân sự thì những tác phẩm của ông đều nêu bật phẩm chất tư duy, tình cảm, ý chí đối với đồng đội và nhiệm vụ của người lính, người chỉ huy trong thời chiến cũng như thời bình. Bên cạnh đó, sách của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu luôn thể hiện rõ 3 thông điệp lớn mà ông muốn truyền tải tới tất cả mọi người. Đó là thông điệp về hòa bình, thông điệp bảo vệ môi trường và thông điệp về tình yêu thương giữa con người với con người.
Đặc biệt, ông đã có những năm chiến đấu tại Quảng Trị, mảnh đất vô cùng ác liệt mà sau này được thể hiện trong cuốn “Một thời Quảng Trị” khá chi tiết. Cuốn sách ảnh “Những khoảnh khắc của thời gian” có những hình ảnh quý giá về những năm tháng hào hùng đó, được biên tập và trình bày một cách khoa học và logic.
Như sinh ra để nghiên cứu khoa học quân sự, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu luôn tìm tòi và phát hiện cái mới, kế thừa và phát huy kiến thức bằng trí tuệ, sáng tạo, đổi mới của mình phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Linh hoạt – chủ động – sáng tạo là chủ trương của ông trong nghiên cứu khoa học, và điều đó được thể hiện rất rõ nét trong những cuốn sách của ông.
Kho báu kiến thức đa dạng
Tại sao ký ức lại quý giá đến thế? Câu trả lời chỉ có thể là lịch sử là thứ không thể thay đổi. Lịch sử là di sản của quá khứ trong hiện tại. Hiểu được mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại là điều cơ bản để tiếp tục định hướng tương lai.
Trong một bài viết về Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nhà văn Kiều Bích Hậu nhận định, một điểm sáng độc đáo trong cuộc đời ông, đó là trong từng giai đoạn cuộc đời, trong từng mảnh hoạt động đa dạng, ông đều có sách để lại, và đó là “một kho báu kiến thức đa dạng” được truyền đạt một cách giản dị, dễ hiểu qua lẽ sống ông trải nghiệm, đúc rút được.
Ra mắt cuốn sách ảnh “Những khoảnh khắc của thời gian”, một lần nữa Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu lại cho độc giả thấy lịch sử luôn là dòng chảy mãi mãi, không bao giờ ngừng nghỉ, nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Cuộc đời là những khoảnh khắc đáng nhớ, là thước phim sống động và quý giá.
Tiểu Mai
GIPHY App Key not set. Please check settings