Trong vai trò sứ giả văn hóa và tình hữu nghị Việt – Trung, Bành Thế Đoàn không chỉ hoàn thành tốt công việc của mình, mà khi cầm bút, anh đã vô tình thổ lộ cho độc giả thấy tình yêu đặc biệt dành cho phong cảnh, con người Hà Nội và những địa danh của Việt Nam mà anh từng đến. Điều đó được thể hiện vô cùng sâu lắng và chân thành trong tập thơ song ngữ “Hà Nội vắng em – 2”.
Khác với nhiều thành phố ở Việt Nam, Hà Nội mang trên mình vẻ đẹp giao hòa đặc biệt giữa quá khứ và hiện tại, cổ điển và hiện đại. Sự kết hợp này đã tạo nên nét riêng của Hà Nội.
Ngay cả những gánh hàng rong nhỏ bé cũng mang theo nét mộc mạc, giản dị đến với thành phố phồn hoa đô hội. Len lỏi vào từng ngõ ngách Hà Nội, Bành Thế Đoàn còn phát hiện thêm nhiều nét đẹp thú vị khác nữa.
“Mùa hè/ Một cây bàng xanh/ Như chiếc ô lớn, đã mở/ Tại thành phố và làng quê nước Nam/ Dưới tán cây một điếu thuốc lào/ Biết bao câu chuyện lan man trên bàn trà…”
“Đêm tối/ Đến thăm Ba Đình/ Nơi đây có đèn sáng, cỏ xanh/ Ngọn cờ phấp phới trong đêm/ Có bóng dáng và hơi thở của em/ Êm đềm, bình dị…”
Tiếng chổi giòn/ Vang trong phố phường tĩnh mịch/ Trong chợ đã đóng cửa/ Trong công viên vắng khách/ Chở chiếc xe chất đầy…”
Ảnh: “Hà Nội vắng em – 2” – thơ song ngữ Việt – Trung.
Bành Thế Đoàn đam mê quan sát đến mức “tiếng chổi giòn” của công nhân môi trường cũng lọt vào thơ anh.
“Năm 2017 tôi bắt đầu ghi lại cảm nhận của mình về Hà Nội và những gì tôi chứng kiến, những người mà tôi gặp gỡ bằng những vần thơ. Cảm giác về mưa nắng, cây cỏ sương mai, chim đậu bướm bay, em bé mới sinh hay người đã khuất, những niềm hân hoan hay sự u sầu… Những vần thơ này đã làm những người yêu quý Việt Nam quan tâm”, Bành Thế Đoàn tâm sự.
Thông hiểu tiếng Việt là một thế mạnh để tâm hồn bay bổng thi ca của Bành Thế Đoàn có dịp cất cánh. Chẳng những thế, anh còn có rất nhiều bạn bè ở Việt Nam. Họ giúp anh hiểu hơn về tâm tư tình cảm, phong tục tập quán, nền văn hóa, nếp sống của nhân dân Việt Nam sau nhiều năm sống tại đây. Thậm chí, trong thời gian sinh sống tại Trung Quốc, Bành Thế Đoàn đã bắt đầu nghiên cứu về sân khấu truyền thống Việt Nam. Những nghiên cứu hao tổn nhiều công sức đó cũng giúp anh hiểu sâu và rộng hơn về văn hóa truyền thống Việt Nam.
Thưởng thức tập thơ “Hà Nội vắng em – 2”, độc giả như được bước lên chuyến tàu du hành cùng tác giả, khám phá và trải nghiệm rất nhiều cảnh sắc tuyệt đẹp trên dải đất hình chữ S.
“Mây là dành riêng cho núi/ Núi là nguồn gốc của mây/ Tại đất nước xanh mướt phương Nam/ Mỗi quả núi đều có một đám mây cho riêng mình…”
Thú vị ở chỗ, cứ mỗi khi đứng trước cảnh sắc thiên nhiên, trái tim tác giả lại nhung nhớ về ai đó.
“…Anh chẳng quan tâm những cuộc gặp trời đất/ Không quan tâm sự thỉnh thoảng ân cần của sóng biển/ Không quan tâm sự vuốt ve của gió/ Chỉ quan tâm trước mắt/ Trên bãi cát dài không có em/ Tất cả đều không còn ý nghĩa/ Kể cả khi gió bão/ Trong lòng anh chẳng có một làn sóng.”
Cần phải nói thêm rằng Bành Thế Đoàn không phải là nhà thơ, nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp nhưng trình độ thơ và ảnh của anh đủ để sánh vai với nhiều người trong nghề. Ở mỗi bài thơ trong “Hà Nội vắng em – 2”, Bành Thế Đoàn đều khiến người đọc lưu luyến bởi những tấm ảnh minh họa vừa giản dị vừa chân thực. Được biết, anh từng xuất bản sách thơ, sách ảnh và viết nhiều cho các tạp chí văn hóa đối ngoại Trung Quốc. Có lẽ vì thế, đối với Bành Thế Đoàn, thơ và ảnh luôn song hành với nhau.
Nhận định về Bành Thế Đoàn, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tình – Giám đốc Câu lạc bộ Giao lưu Văn hóa Việt – Trung, nói: “Có lẽ việc sống và làm việc ở Việt Nam, nhất là ở Hà Nội đã giúp Bành Thế Đoàn dần hiểu rõ và hiểu sâu về từng địa danh, khu phố, cây cầu,… đến những hàng cây bằng lăng, phượng vĩ trong mùa trổ hoa,… đều trở thành đề tài để anh cho ra một bài thơ hay và một bức ảnh sinh động, chân thành.”
“Hoa mười giờ đang nở/ Em ạ, chỉ đến 12 giờ thôi/ Em có đến xem không?…”
“Mặt trời lặn sớm/ Lưu luyến vẫn phải về/ Hát bài Trường ca sông Lô/ Qua núi qua sông, qua đèo qua suối/ Vùng trời xanh biếc, mặt trời ngồi trên quả núi/ Nhìn tôi, đi vào buổi chiều tà khói sương…”
Trong bài “Bằng lăng rực rỡ”, nỗi nhớ của tác giả dành cho người thương dường như chẳng thể giấu giếm được nữa.
“Tại Hà Nội bằng lăng đang nở rộ/ Nhớ em/ Cứ như bằng lăng/ Cứ như mặt trời nóng bỏng/ Hà Nội vắng em/ Tấm lòng như bằng lăng rực rỡ/ Lúc nào cũng nóng bỏng…”
Nỗi nhớ ấy thêm một lần “bung ra” trong bài “Nói hay không nói”- một điểm nhấn mềm mại trong tập thơ “Hà Nội vắng em – 2”. Tác phẩm như nói hộ nỗi lòng của những người đang yêu và đang nhớ người yêu da diết, nhưng lại chẳng biết làm cách nào để tỏ bày.
“Muốn nói nhớ em/ Lại sợ em nghe rồi xao lòng…/ Muốn nói nhớ em/ Lại sợ em mất ăn mất ngủ đêm đông…/”
Đúng như câu nói “Đỉnh cao trong ngoại giao là văn hóa”, để mối quan hệ Việt – Trung phát triển toàn diện, không thể không có sự hiểu biết lẫn nhau trong lòng dân hai nước. Ở khía cạnh này, tập thơ “Hà Nội vắng em – 2” đóng vai trò mang lại những suy nghĩ và chia sẻ mới cho những người yêu thơ của hai nước Việt – Trung.
Box:
Bành Thế Đoàn có bút danh Narsa, sinh năm 1969, tại Sầm Khê, Khu Tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Anh-Việt tại Học viện Ngoại ngữ Bắc Kinh (nay là Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh).
Năm 1993-2002 làm việc tại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam. Năm 2002 được Chính phủ Việt Nam tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn hóa -Thông tin.
Tác giả bắt đầu sáng tác vào đầu những năm 90 thế kỷ 20, với nhiều thể loại: thơ, văn xuôi, truyện ngắn, được đăng trên những tờ báo nổi tiếng của Trung Quốc như Nhân Dân Nhật Báo, Quang Minh Nhật Báo, tạp chí chuyên ngành như Thi San,…
Tiểu Mai
GIPHY App Key not set. Please check settings