in

TỪ “ZERO” ĐẾN “HERO”

Em xuất hiện, toàn khán phòng hướng mắt dõi theo em. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh một cậu bé trong chiếc áo màu cam, với gương mặt sáng và nụ cười tươi trong trẻo. Có lẽ tràng vỗ tay vừa rồi làm em có chút ngượng ngùng. Em núp sau thầy, ngại ngùng bước lên sân khấu. Trước ánh mắt hàng trăm người, cậu bé lễ phép cất giọng chào hỏi. Đằng sau những từ ngọng líu và những câu ngô nghê như cuốn lại với nhau, là chất giọng trong trẻo của một em bé bị tự kỷ.

Tiến sĩ Phan Quốc Việt, em Khắc Hưng và tác giả Minh Ngọc

Đó là Khắc Hưng, một cậu bé mắc chứng tự kỉ cấp độ 3. Bố em mất sớm, mẹ em thụ án trong trại khi em mới lên hai. Trong hoàn cảnh đặc biệt ấy, nhắc đến một đứa trẻ như em, vô hình trung người ta sẽ nghĩ đến những đứa bé có hành động lầm lì, hay phản ứng dữ dội với những tác động từ bên ngoài, chỉ biết thu mình lại như chú tằm thu vào cái kén nhỏ mỏng manh. Nhưng, Hưng là một ngoại lệ, cậu bé như cây non tưởng chừng sẽ “chết yểu” lại quật cường lớn lên mạnh mẽ, nhờ được nuôi dưỡng bởi tình yêu thương. Được biết, gần đây em được Tổ chức Guinness thế giới công nhận xác lập kỷ lục nhờ tài năng biểu diễn xiếc và chơi đàn khi đứng thăng bằng trên một quả bóng với thời gian lâu nhất – hơn 35 phút.

Từ “không thể” trở thành “có thể”; từ “zero” hóa thành “hero”. Một em bé bị tự kỷ, để trở nên mạnh mẽ và có được thành công như ngày hôm nay thực sự là một hành trình dài không ngừng nỗ lực của cả em và người thầy đã dạy dỗ, nâng đỡ em.

Tôi đọc bài viết về em và ngay lập tức rung động bởi câu chuyện về nghị lực phi thường ấy. Cậu bé hơn mười tuổi đã bắt đầu hành trình của mình từ “con số 0 tròn trĩnh”, phải học từ những việc nhỏ nhất. Học từ việc biểu hiện cảm xúc và diễn đạt mong muốn đến việc cầm đũa, ăn uống, vệ sinh cá nhân  – với em, tất cả đều là những thử thách. Thầy Lưu Anh Chức cùng các thầy cô ở trung tâm chính là những người cha, người mẹ tận tâm, là người bạn thân thiết cùng em đi trên hành trình khai mở tiềm năng của mình. Kiên trì luyện tập trong thời gian dài, đôi bàn tay vụng về, lóng ngóng của Hưng đã học được cách cầm đũa gắp lạc, học được cách rửa bát, học thăng bằng trên bóng,… và đặc biệt, em học làm xiếc và chơi đàn ghi ta. Lương y Lưu Anh Chức đã dành rất nhiều thời gian và công sức để giúp Hưng luyện tập mỗi ngày, chia nhỏ các đoạn nhạc từ 20-30 phút để Hưng tập nhuần nhuyễn từng phần nhỏ. Để Hưng có thể thành thục một bản nhạc, hai thầy trò đã cùng nhau tập luyện hàng trăm lần mỗi ngày, không mệt mỏi, không nao núng vì thầy hiểu rằng, với những đứa trẻ như em, phải dạy từng bước như thế và điều gì cũng phải lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi em nhớ và làm được.

Giờ đây, em đã có thể đứng thăng bằng trên một quả bóng đồng thời tung ba bóng tennis và đội một bóng tennis trên đầu trên nền nhạc thiền. Xen kẽ là tập thuyết trình… Hưng còn là trợ giảng cho TS Phan Quốc Việt và thầy Lưu Anh Chức tại các tổ chức, doanh nghiệp, trường học… Em đi biểu diễn khắp nơi trên cả nước để truyền cảm hứng. Quá trình khổ luyện của Hưng được thầy Chức sử dụng phương pháp “năng lượng kép”: trong yêu thương có nghiêm khắc; trong kỷ luật có khích lệ, động viên. Nhờ vậy mà em có thể phát triển khả năng tự chủ, trở nên mạnh dạn hơn so với chính em trước đó và tìm ra được tài năng đặc biệt của mình.

Khắc Hưng biểu diễn tại trường PTTH Chuyên Thái Nguyên tháng 1.2024

Bằng tình yêu và sự tận tụy với trẻ tự kỷ, lương y Lưu Anh Chức đã nuôi dạy Hưng từ một đứa trẻ chỉ có thể ngọng nghịu lặp lại lời của người khác trở nên cứng cáp hơn. Đôi tay và chân vụng về ấy đã làm nên kỳ tích 35 phút 9 giây đứng thăng bằng trên một quả bóng biểu diễn tài năng của mình. Câu chuyện ý nghĩa về em Nguyễn Khắc Hưng và lương y Lưu Anh Chức không chỉ là hành trình “phá kén” thành công, mà đó còn là thông điệp mạnh mẽ về sự kiên trì, tình yêu thương, niềm tin vào sức mạnh của giáo dục. Hai thầy trò đã chứng minh rằng không điều gì là không thể, chúng ta sẽ trở nên xuất sắc nếu chúng ta có niềm tin, sự kiên trì và quyết tâm cố gắng bền bỉ không ngừng nghỉ.

Cuối cùng, trước khi khép lại đôi dòng cảm xúc, thật cầu mong cho Khắc Hưng và biết bao đứa trẻ giống em ngoài kia sẽ gặp được may mắn, gặp được những người tốt, sẽ yêu thương, chăm lo, và dẫn dắt các em, đưa các em đến gần hơn với xã hội; mong cộng đồng sẽ nhìn các em bằng đôi mắt nhân ái hơn nữa, bao bọc và nâng niu những đứa trẻ tội nghiệp ấy, vì nụ cười các em rất hồn nhiên, rất trong trẻo cũng tựa như những thiên thần…

Minh Ngọc (HS PTTH Chuyên Thái Nguyên)

What do you think?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

Trao 02 căn nhà thanh niên tại xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh

Tọa đàm về giải pháp chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỷ