in

Chuyện lạ về ‘thần đồng thơ’ Trần Đăng Khoa

Trần Đăng Khoa là một thần đồng thơ. Không chỉ vậy, ông còn có cách sống và quản lý công việc rất linh hoạt. Nhà thơ hiện giữ 11 vị trí quan trọng trong xã hội mà vẫn sống thong dong và sung túc.

Đừng nghe Trần Đăng Khoa khen!

Bản thân tác giả bài viết này là nhân viên, là đồng nghiệp của ông cũng hiếm khi thấy Trần Đăng Khoa chạy đôn chạy đáo hay cắm mặt vào máy tính làm việc. Vậy mà sách ông cứ xuất bản đều, hàng ngày ông vẫn xuất khẩu thành thơ đúng nghĩa đen mỗi khi gặp chủ đề hay ai đó thử thách tài thơ của ông. Tập thơ Góc sân và khoảng trời vừa tái bản lần thứ 155, và tập tiểu thuyết mini Đảo chìm của ông cũng vừa tái bản lần thứ 44 vào đầu năm 2024.

Hiện 2 vị trí thấy rõ nhất mà nhà thơ Trần Đăng Khoa đang đảm nhiệm là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn và cuộc sống. Tôi không rõ ông điều hành 9 việc thuộc 9 vị trí còn lại như thế nào. Nhưng riêng 2 việc này ông làm nhẹ nhàng như không.

Thông thường, nếu không phải đi công tác các tỉnh, ông sẽ đến trụ sở Hội Nhà văn tại 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Nhà ông ở bên Gia Lâm, ông đi xe máy, vượt qua sông Hồng, qua vài con phố, dừng lại ở quán phở ngon quen thuộc và chỉ đến cơ quan lúc 9 giờ sáng, thậm chí muộn hơn. 

“Thần đồng thơ” sẽ đủng đỉnh dựng xe, chào hỏi niềm nở từ ông bảo vệ cho đến bất cứ nhân viên văn phòng trẻ trung nào đó, hoặc một bác nhà văn già đến Hội thăm nom đồng nghiệp. Gặp ai hợp chuyện, Trần Đăng Khoa có thể ngồi ngay ở phòng khách tầng 1 văn phòng Hội để uống trà và trò chuyện ít nhất nửa tiếng rồi mới thong thả bấm thang máy lên tầng 5, tới văn phòng Ban Biên tập Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống. 

tran dang khoa va ban van.jpg
Nhà thơ Trần Đăng Khoa và bạn văn tại Văn phòng Ban biên tập Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống

Tại đây, Trần Đăng Khoa sẽ ngồi thư thái trên chiếc sô pha màu đỏ, uống trà ngon và nói chuyện với nhà văn Nguyễn Chu Nhạc, một biên tập viên gạo cội của tạp chí. Hai ông là bạn học nên lắm lúc vẫn xưng hô “mày tao chí tớ”, trêu chọc nhau như hai chàng trai tinh nghịch.

Và chỉ vài phút sau đó nữa, lần lượt các nhà văn tên tuổi lừng danh cũng có, mới có – là hội viên hoặc thậm chí chưa là hội viên Hội nhà văn sẽ kéo đến đây. Họ muốn được nghe Trần Đăng Khoa nói chuyện, nghe ông đọc thơ châm thơ ghẹo, hài hóm cười chảy nước mắt hoặc chụp ảnh cùng ông để khoe lên mạng xã hội, kể cho con cháu xem mình đã được ngồi cùng ông “hạt gạo làng ta”…

Nhà văn Khánh Phương, nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Kiều Bích Hậu.

Cũng có người đến năn nỉ Trần Đăng Khoa đăng cho mình một truyện ngắn, bài thơ, tản văn vào số đặc biệt, số Tết để vừa được vinh dự vừa được nhuận bút cao. Trần Đăng Khoa cứ khen hết, cứ nhận hết rồi giao cho nhà văn Chu Nhạc hoặc nhà thơ Nguyễn Hữu Hà trong Ban biên tập. Nhiều người được ông hứa đăng tác phẩm của họ trong số Tết, nhưng số Tết dung lượng có hạn, nhiều bài bật ra hoặc cũng có thể do chất lượng chưa đạt. Thế là họ trải nghiệm bao khấp khởi hy vọng để rất có thể sau đấy bỗng hụt hẫng vì chẳng thấy bài được đăng, vì thần đồng thơ chẳng muốn làm ai phật ý.

Ông sẽ tiếp khách cho đến hết buổi sáng. Câu chuyện rôm rả và hài hước, cười đó mà nhồn nhột đó. 

Buổi chiều ông sang tầng 2 (văn phòng riêng dành cho Phó Chủ tịch Hội Nhà văn), nhưng các nhà văn, nhà thơ và khách khứa chẳng chịu buông tha, họ vẫn tìm ra ông để nghe trò chuyện, chụp ảnh, đòi ông đọc tác phẩm và viết lời giới thiệu sách.

Nhưng chuyện được thần đồng khen thơ, văn cứ sướng lúc đó đi, sau đó hãy tỉnh lại, bởi Trần Đăng Khoa chỉ muốn mọi người vui thôi! Cứ thế mà hết ngày. Rồi còn hội họp bao nhiêu nơi, bao nhiêu chuyến đi nữa. Tôi chẳng hiểu ông tìm đâu ra thời gian mà ngồi sáng tác.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đi thực tế ở Palestine

Tầm nhìn quản lý hiện đại và nhân văn

Dù vẻ ngoài thư thái, thong dong nhưng Trần Đăng Khoa lại có khả năng làm việc hiệu quả. Điều này được thể hiện rõ qua cách ông điều hành Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống. Trong bối cảnh ngành báo chí gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề tài chính và suy giảm số lượng độc giả, việc duy trì một ấn phẩm in ấn định kỳ, không chỉ tồn tại mà còn phát triển là một thách thức lớn.

Trần Đăng Khoa và Thủ tướng Palestine – ngài Mohammad Shtayyehl.

Nhưng Trần Đăng Khoa đã làm được điều đó. Dưới sự lãnh đạo của ông, Tạp chí không chỉ giữ được sự ổn định mà còn đảm bảo được nguồn thu nhập đều đặn cho cán bộ và nhân viên, nhuận bút cho các tác giả. Ông không chỉ là một nhà thơ có tâm hồn nghệ sĩ mà còn là một người lãnh đạo có tầm nhìn và khả năng đưa ra quyết định chính xác trong môi trường kinh doanh phức tạp. 

Nhà thơ áp dụng một phong cách lãnh đạo mà nhiều người miêu tả là “quản lý mà như không quản lý”. Thay vì áp đặt một khuôn khổ cứng nhắc, ông cho phép mỗi thành viên trong đội ngũ tự do phát huy sở trường và làm việc theo cách riêng. Điều này tạo nên một môi trường linh hoạt, nơi mỗi người có thể khám phá và phát huy tối đa tiềm năng của bản thân.

Trần Đăng Khoa không gò bó nhân viên vào các cuộc họp hoặc những quy trình làm việc phiền phức. Ông tin rằng mỗi cá nhân, khi được trao quyền và không gian, có thể tự chủ và tự giác đạt được mục tiêu mà không cần sự giám sát.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa (thứ ba từ trái sang), nhà thơ Trần Nhuận Minh (anh của Trần Đăng Khoa, thứ hai từ phải sang) cùng bạn bè tại góc sân nhà hai ông ở Điền Trì, Hải Dương.

Có lẽ do Trần Đăng Khoa mang bản năng nghệ sĩ và thấu hiểu một điểm mấu chốt trong quản lý những người tài – đó là tạo không gian tự do cho họ tích cực sáng tạo và sự đổi mới được khuyến khích. Mặc dù có vẻ như là một cách tiếp cận lỏng lẻo song kết quả đáng kinh ngạc. Nhân viên không chỉ cảm thấy được tôn trọng và đánh giá cao, mà còn gắn bó và cam kết với công việc.

Nhà thơ đặt mình vào vị trí hỗ trợ và phục vụ nhân viên, thay vì chỉ đạo và kiểm soát. Điều này không chỉ thể hiện tầm nhìn về quản lý hiện đại mà còn phản ánh triết lý con người sâu sắc và nhân văn của ông.

Sao Khuê

Nguồn: Vietnamnet

What do you think?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

TS. Phan Quốc Việt: Thay đổi bản thân để dịch chuyển số đông

Kỷ lục gia nhỏ tuổi toả sáng tại xứ nhãn lồng Hưng Yên