in

Tới thăm xứ đồng chiêm trăm nghề, Làng Cựu cổ đưa ta về ký ức

Sáng ngày 26.02.2024, các thành viên nhóm Nữ dịch giả Hà Nội (Hanoi Female Translators), nhà thơ Lại Hồng Khánh và nhà thơ Thanh Thường đã khởi hành về thăm Làng Cựu, thuộc xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, nổi tiếng với nghề buôn vải và may âu phục từ hơn 100 trăm nay.

Các nhà thơ và dịch giả Hà Nội đến giao lưu cùng các nhà văn, nhà thơ, doanh nhân và những người gìn giữ văn hoá tại Làng Cựu.

Huyện Phú Xuyên nằm ở phía Nam Thủ đô, vốn là xứ đồng chiêm đất trũng. Trải qua bao nhiêu gian truân, bằng sự chịu thương chịu khó, tính nhẫn nại và sức sáng tạo bền bỉ, những người con của miền đất này đã biến nó thành cái nôi của vô số làng nghề thủ công, được mệnh danh là “đất trăm nghề”. Đây cũng là quê hương của nhà thơ Lại Hồng Khánh, nơi ông từng xót xa: “Nhớ ngày đồng trắng… lúa đâu/ Trắng trời, trắng nước, trắng câu gọi đò” (Cây lúa đồng chiêm). Trong huyện Phú Xuyên, Làng Cựu nổi lên với nghề may âu phục và buôn vải từ những năm đầu tiên của thế kỷ thứ 20, thời kỳ Pháp thuộc, rồi trở nên nức tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Người Làng Cựu định cư và mang cái nghề độc đáo của mình đến mọi miền đất nước. Rất nhiều người dân hiện đang sống tại các con phố buôn bán và may mặc trang phục sầm uất bậc nhất Hà Nội như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Trống đều có nguồn gốc từ Làng Cựu. Tay nghề giỏi đưa đến nguồn thu nhập lớn cho người dân làng, họ bắt đầu trở về để xây dựng quê hương khang trang đẹp đẽ hơn.

Kiến trúc cầu thang lối qua ngõ rất đặc biệt ở Làng Cựu.

Do ảnh hưởng từ văn hóa Pháp, rất nhiều người con làng Cựu đã quyết định xây nhà theo phong cách kiến trúc giao thoa giữa nét truyền thống của Bắc Bộ và nét cách tân từ kiến trúc Pháp. Bởi vậy, những căn nhà và công trình tại đây kết hợp lại thành một quần thể Làng Cựu cổ kính vừa đậm chất làng quê Việt Nam vừa rất Tây, một hình ảnh độc đáo đến ngỡ ngàng.

Hình ảnh bên trong một nhà cổ tại Làng Cựu, được xây dựng từ năm 1924. Chủ sở hữu căn nhà hiện đang sống ở Hàng Trống.
Từ trái sang phải: nhà văn Kiều Bích Hậu, trưởng thôn Làng Cựu, nhà thơ Bùi Xuân Mệnh, nhà thơ Thanh Thường, nhà thơ Lại Hồng Khánh, ông Vũ Quốc Anh – Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ Phú Xuyên và tác giả Kiều Bích Thuỷ chụp ảnh lưu niệm tại nhà cổ.
Cổng một ngôi nhà cổ được xây từ năm 1907 tại Làng Cựu, pha trộn phong cách Á Đông và Tây Phương.
Bên trong một ngôi nhà cổ, những người thợ đang làm thủ công giày da kiểu âu.

Ngoài nhiều ngôi nhà cổ, Làng Cựu vẫn gìn giữ được cả nghề may âu phục vốn là một truyền thống lâu đời mang đậm bản sắc văn hóa. Đoàn nhà thơ và dịch giả Hà Nội đã được hân hạnh gặp doanh nhân trẻ Lê Hồng Phong (sinh năm 1988), một ngôi sao sáng của Làng Cựu.

Nhà thơ Lại Hồng Khánh trao tặng bài thơ chúc Tết do ông sáng tác cho doanh nhân trẻ Lê Hồng Phong.

Dù tuổi đời còn rất trẻ, anh Lê Hồng Phong đã lãnh đạo một doanh nghiệp gia công đồ may mặc phong cách châu Âu dành cho nam giới với sản lượng 15000 bộ/năm, cung cấp cho mọi miền Tổ quốc, mang lại công việc cho 50 nhân viên. Doanh nghiệp của anh có tên là Phong Hoa, cái tên làm người Làng Cựu rất tự hào và họ đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển của doanh nghiệp để gìn giữ giá trị bản sắc đã làm nên tên tuổi cho ngôi làng cổ kính.

Tiếp theo, cả đoàn được ông Vũ Quốc Anh mời bữa trưa thân mật tại Trung tâm Chính trị Huyện uỷ Phú Xuyên. Tại đây, nhà thơ Thanh Thường – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Thơ ca Việt Nam và nhà văn Kiều Bích Hậu đã trao tặng sách cho ông Vũ Quốc Anh.

Nhà thơ Thanh Thường trao tặng ông Vũ Quốc Anh cuốn “Chùm thơ mùa thu” do bà tự sáng tác.

Cuối chuyến thăm bổ ích tại Làng Cựu, đoàn nhà thơ và dịch giả Hà Nội vô cùng cảm động trước tình cảm chân thành cũng như sự chào đón chu đáo và nồng nhiệt của Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Phú Xuyên, các trưởng ban của làng, gia đình doanh nhân Lê Hồng Phong và người dân Làng Cựu. Ai nấy đều cảm thấy nao nao, xốn xang khi ra về trên con đường rợp bóng xà cừ dẫn vào làng.

Tiếp theo, nhà thơ Lại Hồng Khánh mời đoàn nhà thơ và dịch giả Hà Nội đến thăm ngôi nhà quê hương ông ở Làng Đại Đồng, thuộc thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên. Tại đây, ông đã giới thiệu không gian thư viện sách quý giá của mình với rất nhiều cuốn sách hay về thơ ca và lịch sử. Ông cũng trao tặng từng người trong đoàn một cuốn sách do ông sáng tác.

Nhà thơ Lại Hồng Khánh giới thiệu một cuốn sách với các nữ nhà thơ và dịch giả Hà Nội.
Nhà thơ Lại Hồng Khánh tặng mỗi vị khách một cuốn sách do ông sáng tác.

Chuyến du xuân về huyện Phú Xuyên và Làng Cựu khép lại vào cuối ngày. Dù đang trên đường về Hà Nội, trong tâm hồn những vị khách về thăm xứ đồng chiêm hình như vẫn bảng lảng hình bóng một bức tường cổ kính, một hoạ tiết kiến trúc cổ vừa Việt vừa Tây, đồng lúa trắng xóa nước mưa, người thợ nghề đang cần mẫn làm lụng, bài thơ ngâm trong buổi gặp gỡ tại Trung tâm Chính trị… Đồng lúa trắng xoá đây nhưng cuộc sống của những người con mảnh đất Phú Xuyên không còn lam lũ như xưa nữa. Nhờ bàn tay lao động siêng năng, năng lực sáng tạo vô biên, ý chí kiên cường và lòng kiên trì của họ, Phú Xuyên ngày nay đẹp đẽ, giàu có và phong phú, như những câu thơ trong phần cuối bài thơ “Cây lúa đồng chiêm” của người con Làng Đại Đồng, Lại Hồng Khánh: “Mùa xanh vây lấy mùa vàng/Tình yêu ngày ấy mang mang một thời/Có gì nói nữa mình ơi/Anh cầm tay hỏi những lời trong veo”. Mong rằng Làng Cựu nói riêng và huyện Phú Xuyên nói chung sẽ tiếp tục gìn giữ và phát huy truyền thống và bản sắc văn hóa của một di sản làng nghề để thu hút nhiều hơn nữa sự quan tâm chú ý của người dân cả nước và những người bạn trên khắp thế giới.

(Ghi chép của Trần Quỳnh Hoa)

What do you think?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

Đoàn nhà thơ Hàn Quốc tham quan và giao lưu tại Hà Nội

Anh Hồng và những câu thơ xô lệch