in

DƯ NGÂN NGÀY THƠ “BẢN HÒA ÂM ĐẤT NƯỚC” – XUÂN 2024

Từ nhiều năm trước thơ đã nở rộ như cỏ cây mùa xuân, thơ làng, thơ xã, thơ huyện, thơ tỉnh… Quốc gia thơ, quốc tế thơ, và danh xưng “Nhà thơ” cũng được xã hội dùng tràn lan rồi mang ra mổ xẻ, người khiêm tốn thì nhận là người yêu thơ, lều thơ, người háo thì rất thích, tự phong cho mình hoặc được người khác gọi mình là “Nhà thơ”.

Đến khi đứng được trong làng thơ thành quen gọi hai chữ nhà thơ thì lại có chuyện, nhà thơ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp… xã hội người thì xã hội chuyện mà, quan niệm khó rạch ròi. Nhưng đến giờ mới vỡ lẽ ra, không chỉ thơ hay mới có đất sống. Thơ quý hiếm sống và sống lâu có ở hai thể loại: Thơ hàn lâm và thơ đại chúng, cây có giá trị của cây, cỏ có giá trị của cỏ, và tác phẩm ấy sẽ làm nên tên tuổi của tác giả.

Ở góc trái chính trị của thơ thì thời nào cũng có chuyện, do ám thị hoặc được cảm tính cảm tình nâng đỡ không trong sáng từ giám khảo các cuộc thi hoặc biên tập của báo chí truyền thông, hoặc theo mốt tâm lý đám đông, trào lưu xã hội, gắn với một số tên tuổi nhà thơ được nổi sóng. Những kiến giải trên càng đi sâu, càng bàn rộng thì càng khó có chuẩn của kết. Và phải nói cùng với sự nở rộ và mất giá của thơ trong thời gian gần đây thì tinh hoa trụ cột của làng thơ Trung ương, cơ quan đầu não của Hội nhà văn Việt Nam rất chú trọng đến công cuộc tìm lại chỗ đứng cho tác phẩm văn học; khơi nguồn sức sống cho thơ trong điều kiện toàn cầu hóa hội nhập sâu rộng; công nghệ IT, AI vũ bão phát triển rộng đe dọa nhấn chìm và thay thế thơ.

Chủ đạo cảm thức của tôi ở ngay chủ đề Ngày thơ là: “Bản hòa âm đất nước” năm nay được nâng cấp cao hơn, trong đó có chương trình tọa đàm để tìm hướng đi trí tuệ cho thơ và giá trị cốt lõi của nhà thơ: “Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ”. Như vậy là khuyến khích thơ văn đồng hành cùng đất nước. Từ hướng đi đúng đắn này, cần cụ thể hóa các cuộc thi và xây dựng tiêu chuẩn các loại hình, chủ đề, phong cách nghệ thuật của thơ và tiêu chí của người phê bình văn học nhằm có đủ tầm đánh giá khách quan và khoa học về tác phẩm thơ, tránh chủ quan cảm tính.

Một gợi ý khác là mở rộng việc sử dụng thơ trong các lĩnh vực cuộc sống (ví như nước Mỹ trong lễ nhậm chức Tổng thống có một chương trình đọc thơ chẳng hạn). Tôi tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể chọn lựa được các tác phẩm thơ có giá trị để chia sẻ với thế giới, nâng tầm chắp cánh cho thơ Việt Nam bay cao và lan xa. Ví như ngày thơ – 2024 xứ Nhãn đã mời một số câu lạc bộ đến dự, tham gia đọc diễn thơ ở sân chơi cấp tỉnh. Tuy chất lượng cũng cần bàn tiếp nhưng cái hay là chương trình đã lan tỏa một không khí mới về thơ trong cộng đồng xã hội. Ngày thơ quốc gia do Hội nhà văn Việt Nam chủ trì tại Hoàng Thành Thăng Long, nơi linh thiêng tại Thủ đô Hà Nội, lại càng giá trị hơn khi có sự tham gia đọc thơ của đoàn nhà thơ Hàn Quốc. Như vậy Ngày thơ Việt Nam cũng là ngày giao lưu quốc tế thơ.

Quay về bàn luận dư ngân buổi tọa đàm: “Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ”. Như trên đã đề cập, ngoài yếu tố “trời cho” là năng khiếu bẩm sinh, thì yếu tố trước tiên là người viết phải trải qua quá trình khó khăn để trở thành nhà thơ. Người viết nào cũng phải học hỏi và khổ luyện rồi tìm tòi, sáng tạo, vươn lên không ngừng để phát triển bản thân mình. Nhà văn Nguyễn Bình Phương, chủ trì buổi tọa đàm, nữ giáo sư tiến sĩ Hoàng Kim Ngọc và các học giả tham luận về việc luận suy, viết cái gì, cách biểu cảm (có khoảng lặng trong thi ca) thế nào; quyết định về tất cả những điều ấy đến từ bên trong người viết. Vì vậy họ cần rèn giũa để hình thành giọng điệu riêng, sắc thái riêng của mình, kế thừa nhưng không viết theo lối mòn của người khác và nghĩ theo cách người khác đã viết đã nghĩ; không bắt chước đạo chữ – đạo văn – đạo ý tưởng; không bám đuôi,… Như vậy mới làm nên bản sắc phong cách riêng của nhà thơ.

Dù vậy, hai chữ “bản lĩnh” theo tôi chưa thật thuyết phục, chưa thật sát với lý giải: trong bối cảnh hiện nay, nhà thơ cần sự kiên định trước những khen chê của báo chí và mạng xã hội, cần can đảm loại bỏ cái cũ để tiếp nhận cái mới, dù trí tuệ nhân tạo siêu việt đến đâu để tham dự vào sáng tác cũng không thể thay thế được cảm thức và tâm huyết của nhà thơ. Và trong quá khứ, đâu đó còn rơi rớt nhiều câu chuyện ấu trĩ, viết theo sức ép, viết theo kiểm duyệt, muốn văn chương làm chức năng tuyên truyền quốc doanh, thì người viết không viết nữa cũng không sao. Thơ không chỉ đơn thuần là một dòng chảy của từ ngữ, mà còn là một cống hiến tinh thần của con người, là nguồn cảm hứng vô tận của cuộc sống. Trong thơ, những tư tưởng, cảm xúc và tri thức được biểu đạt một cách tinh tế và sâu sắc, như là một chiếc gương phản chiếu lại cả thế giới nội tâm của con người.

Vì vậy, để thơ Việt Nam có thể tỏa sáng, cần phải tạo ra một môi trường cởi mở, sôi nổi và đầy cảm hứng cho các nhà thơ. Cần khuyến khích họ sáng tác, khám phá và tôn vinh những giá trị văn hoá độc đáo của dân tộc. Các tác phẩm mới cần là biểu tượng của nghệ thuật, là dấu ấn văn hoá, là những bước chạm đến hơi thở sâu lắng của đất nước. Buổi tọa đàm giữa các tác giả là nơi trao đổi ý kiến và kinh nghiệm, cũng là cơ hội để tinh thần thơ trở nên sâu sắc hơn. Những giao lưu thơ như thế này giúp nâng cao chất lượng sáng tác, là nguồn động viên, động lực cho các nhà thơ tiếp tục hành trình sáng tạo của mình.

Tường Văn (Văn Diên)

What do you think?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

Thơ Trần Nhuận Minh

6 nữ sĩ Việt Nam tham dự Ngày Thơ Thế Giới 2024