Kiều Bích Hậu
“Khi chuẩn bị đón chào kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), tôi không thể quên ký ức đậm nét từ một sự kiện quan trọng trong quá khứ. Đó chính là cuộc hội thảo diễn ra 20 năm trước, đánh dấu sự kiện lịch sử này do chính phủ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, với sự tham gia của đại diện từ 150 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Tôi may mắn được Bộ Quốc phòng phân công tham dự hội thảo này cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong những nhân vật quan trọng bậc nhất của chiến thắng Điện Biên Phủ.” – Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chia sẻ trước dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Bất cứ ai có dịp may đến thăm văn phòng tướng Hiệu tại phố Trấn Vũ (Hà Nội) đều ấn tượng về một bức ảnh khổ lớn treo trang trọng trên tường, gần bàn làm việc của ông. Tác giả chụp bức ảnh đã “bắt” được khoảnh khắc vô cùng ý nghĩa, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng tướng Hiệu đang hướng ánh nhìn chăm chú, nhưng vui vẻ về cùng một phía trong sự kiện “Hội thảo 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”.
Bức ảnh này do Đại tá – Nhiếp ảnh gia Trần Hồng chụp cách đây đúng 20 năm, giúp lưu lại mãi mãi khoảnh khắc đầy ý nghĩa của sự kiện. Một bức ảnh có thể kể ra câu chuyện lịch sử cũng như giữ được vẹn nguyên cảm xúc của thời khắc ấy. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu rất trân trọng khoảnh khắc quý giá ấy trong đời, coi đó là kỷ niệm vàng trong cuộc đời ông.
Ông chia sẻ rằng, trong buổi hội thảo, sau lời khai mạc và trình bày nội dung chính bằng tiếng Việt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trả lời phỏng vấn của các đại diện đoàn nước ngoài hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Do nhiều đoàn trong Hội thảo đến từ các nước và vùng lãnh thổ đang đấu tranh giành độc lập, nên trong nội dung trả lời, Đại tướng nhấn mạnh về tình hình trong nước và quốc tế tại thời điểm trận chiến Điện Biên Phủ diễn ra. Ông tóm tắt ngắn gọn diễn tiến của cuộc chiến và sau đó phân tích sâu hơn về quyết tâm của Trung Ương Đảng và ý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tiêu diệt căn cứ địch tại Điện Biên Phủ, và Đại tướng được giao toàn quyền thực hiện nhiệm vụ này.
Tiếp theo, Đại tướng giải thích với các đoàn khách nước ngoài về diễn biến của hai giai đoạn quan trọng trong trận chiến: giai đoạn đầu tiên là giai đoạn ta quyết định đánh nhanh và giải quyết nhanh, nhưng gặp nhiều khó khăn nên phải kéo pháo ra khỏi trận địa; và giai đoạn thứ hai là giai đoạn đánh chắc và tiến chắc, nhằm mục đích giải phóng hoàn toàn miền Bắc. Trong suốt 56 ngày đêm lịch sử tiến công vào Điện Biên Phủ, Đại tướng nhấn mạnh về sự quyết đoán và mạnh mẽ của quân đội Việt Nam, huy động 5 đại đoàn tham gia chiến đấu, đặc biệt là đóng góp của các đại đoàn tiên phong 308 và đại đoàn chiến thắng 312, đã bắt sống tướng Đờ Cát. Ông cũng đề cập đến vai trò quan trọng của lực lượng pháo binh trong việc giải phóng Điện Biên, để trả lời cho những câu hỏi về kinh nghiệm của Việt Nam trong trận chiến Điện Biên Phủ mà đại diện từ các nước đang chiến đấu cho độc lập dân tộc đã đặt ra. Đại tướng phân tích sâu về nguyên nhân dân tộc Việt Nam thắng Pháp, còn do lịch sử, văn hóa truyền thống lâu đời suốt bốn ngàn năm. Pháp tuy đô hộ Việt Nam nhưng không hiểu sâu về văn hóa, lịch sử, con người dân tộc này nên đã thất bại trong cuộc chiến với toàn dân Việt Nam. Khi được hỏi về chiến tranh nhân dân, thì Đại tướng trả lời rất kỹ. Chiến tranh nhân dân gồm có bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, và lực lượng tự vệ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ nói về chiến thắng trên mặt trận quân sự mà còn đề cập đến sức mạnh của đoàn kết dân tộc, những đóng góp và hy sinh của người dân miền Tây Bắc. Đó là sự tham gia vô cùng hiệu quả của lực lượng dân công hỏa tuyến, tiếp lương tải đạn, phục vụ cho chiến dịch 56 ngày đêm. Công tác bảo đảm chiến dịch dài như vậy dựa vào các đoàn dân công hỏa tuyến ở các tỉnh, miền xuôi cung cấp sức người sức của lên vùng cao, tải lương tiếp đạn, giải quyết dứt điểm chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông nhấn mạnh về tầm quan trọng của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam, và tài năng lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng sự hỗ trợ khí tài, vật chất từ Liên Xô, Trung Quốc và sự hỗ trợ về tinh thần từ nhiều nước khác, đặc biệt là các nước đang đấu tranh cho độc lập dân tộc. Nhờ tập hợp được các lực lượng đại đoàn kết ấy, mà sức mạnh của Việt Nam được nhân lên nhiều lần. Ông cũng nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước nhỏ có thể thắng nước lớn nếu đoàn kết, nếu dám giương cao ngọn cờ dân tộc”.
Những câu trả lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho đại diện một số quốc gia trong buổi hội thảo, tấm hình ghi lại khoảnh khắc ý nghĩa và những bài viết về sự kiện này được xuất bản luôn ghi lại những kỷ niệm quý báu của một thời kỳ lịch sử cùng những bài học vô giá từ trận chiến Điện Biên Phủ, đặc biệt là sức mạnh của đoàn kết dân tộc và truyền thống lịch sử văn hóa của Việt Nam trong việc đấu tranh cho độc lập tự do.
GIPHY App Key not set. Please check settings