in

Ra mắt Tuyển Thơ và Truyện Ký về tình yêu quê hương và nước Nga của nhà văn Nguyễn Huy Hoàng

Chiều ngày 3.4.2024, tại Hội trường Tòa nhà Hội nhà báo Việt Nam đã diễn ra Lễ ra mắt Tuyển Thơ “Trông trời, trông đất, trông mây…” và Tuyển tập Truyện Ký “Giữa những cơn dâu bể” của tác giả Nguyễn Huy Hoàng. Ông là một nhà văn, nhà thơ và dịch giả thân thuộc với bạn đọc trong nước và quốc tế. Nguyễn Huy Hoàng đã xuất bản hơn 30 đầu sách bao gồm dịch thuật, nghiên cứu văn học, thơ và văn xuôi, trong đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Lịch sử văn học Nga thế kỷ XIX”, “Thi pháp truyện ngắn N. Gogol”, “Nguyễn Du, nhà thơ vĩ đại Việt Nam và tác phẩm Truyện Kiều”, “Moskva thời mở cửa”, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” (dịch sang tiếng Nga), “Truyện Kiều” (dịch sang tiếng Nga), “Nối hai đầu thế kỷ” (Thơ tuyển chọn cùng Châu Hồng Thủy, Nguyễn Quang Thiều)…

Nhà văn Nguyễn Huy Hoàng (thứ hai từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng các bạn hữu trong Lễ ra mắt Tuyển Thơ “Trông trời, trông đất, trông mây…” và Tuyển tập Truyện Ký “Giữa những cơn dâu bể”.

Nhà văn Nguyễn Huy Hoàng sinh năm 1953 tại quê hương Hà Tĩnh. Ông vốn là học sinh chuyên Văn trường THPT Hà Tĩnh, sau đó là sinh viên Khoa Ngữ Văn tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, do tốt nghiệp loại giỏi nên được giữ lại làm giảng viên bộ môn Văn học Nga – Xô Viết cho đến khi sang định cư tại Liên Bang Nga từ năm 1991. Từ đó, Nguyễn Huy Hoàng làm cộng tác viên khoa học ở Đại học Tổng hợp Moskva (M.V Lomonoxov). Hiện nay, ông sống và làm việc tại Moskva, Nga và là hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Các tác phẩm của Nguyễn Huy Hoàng xoay quanh chủ đề về quê hương Việt Nam và đất nước Nga. 

Nhà văn Nguyễn Huy Hoàng phát biểu tại Lễ ra mắt.

Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ rằng ông may mắn được sống vắt qua hai thế kỷ 20 và 21, chứng kiến cuộc kháng chiến chống Mỹ cùng thời kỳ Đổi Mới ở nước ta và bước ngoặt chuyển biến từ chính quyền Xô Viết sang chính quyền Liên Bang Nga khi ông sống tại thủ đô Moskva. Ông đã được nghe, được thấy, được đi, được gặp rất nhiều. Có lẽ vốn sống giàu có ấy chính là động lực thôi thúc ông liên tục viết và chia sẻ với bạn đọc, nhờ đó sở hữu kho tàng tác phẩm đồ sộ. Như nhà phê bình Văn Giá đã nhận xét về bộ sách “Giữa những cơn dâu bể” là “phải có sức khỏe mới đọc được”. 

Không chỉ vì bộ sách gần 1000 trang in khổ lớn với 24 truyện ngắn và 66 ký, người đọc còn choáng ngợp vì “Giữa những cơn dâu bể” chính là “mảng hiện thực về cảnh vật đổi, sao dời của nước Nga sau khi Liên Xô sụp đổ”, một thời kỳ hỗn loạn, dữ dội và tang thương, từ góc nhìn của tác giả là một người trong cuộc. Tác phẩm phản ảnh bao thăng trầm xảy ra với con người sống trong thời giông bão ấy và xảy ra với chính ông, một người Việt đến nước Nga mưu sinh với muôn vàn trắc trở.

Tuyển tập Truyện Ký “Giữa những cơn dâu bể” và Tuyển Thơ “Trông trời, trông đất, trông mây…” của tác giả Nguyễn Huy Hoàng

Và trên mảnh đất xứ người, Nguyễn Huy Hoàng khắc khoải nhớ về quê hương mình, nhớ về “nước Việt lầm than mang nặng đẻ đau tôi”. Vậy nên trong những năm tháng ấy, ông tìm đến thơ để làm nguôi ngoai nỗi nhớ, để giãi bày nỗi lòng mình và ghi chép lại tình cảm ông dành cho nước Nga và những người Nga nhân hậu. Tuyển Thơ “Trông trời, trông đất, trông mây…” gồm ba tập, tuyển chọn các bài thơ của tác giả từ năm 1995 đến nay, là những trải lòng của ông trong gần một phần ba thế kỷ.

Nhà văn Nguyễn Huy Hoàng trao tặng sách cho các thầy cô giáo và bạn hữu.

Phó GS, TS. Phạm Quang Long, một người bạn thân thiết của Nguyễn Huy Hoàng, đã đến chia vui và nhắc lại nhiều kỷ niệm về Nguyễn Huy Hoàng ngày xưa: anh dùng tay không vặn mở con ốc xe đạp, khi chấm thi hay đùa với nhau “chấm mà không mút gọi là chấm thi”, trí nhớ siêu phàm của anh… Phạm Quang Long thấy rằng tập truyện ký thể hiện tình người sâu đậm và tâm hồn tinh tế, dễ tổn thương của Nguyễn Huy Hoàng, rất khác với vẻ bề ngoài vội vàng, sấp ngửa, ào ạt của anh. 

Một người bạn thân khác cùng khoa văn tại trường ĐH Tổng hợp Hà Nội của Nguyễn Huy Hoàng, nhà văn Bùi Việt Thắng cho rằng Nguyễn Huy Hoàng đến từ ba không gian văn hóa rất đặc biệt: một là quê hương Hà Tĩnh, vùng đất nghèo mà giàu văn hóa, văn chương, là đất “địa linh nhân kiệt”; hai là Khoa Văn trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, một địa chỉ văn hóa đáng tin cậy; và thứ ba là văn hóa Nga. Một nhà văn như vậy chắc chắn sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều điều thú vị. 

Bà E. N. Bakeeva, tham tán công sứ Đại sứ quán Liên Bang Nga tại Việt Nam

Bà E. N. Bakeeva, tham tán công sứ Đại sứ quán Liên Bang Nga tại Việt Nam, gửi lời cảm ơn sâu sắc đến nhà văn Nguyễn Huy Hoàng. Những nỗ lực của ông đã giúp vun đắp tình cảm nồng hậu, thân thiết giữa hai dân tộc và là nhịp cầu văn hóa kết nối bạn đọc Nga và Việt Nam.

Mong rằng các tác phẩm của Nguyễn Huy Hoàng sẽ sớm đến tay bạn đọc tại Việt Nam và Nga, và nhà văn sẽ tiếp tục là vị sứ giả xây đắp những nhịp cầu giao lưu văn hóa Nga – Việt.

Trần Quỳnh Hoa

What do you think?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

‘Cởi bỏ’ ý nghĩ để chơi đùa với chính mình

Truyện ngắn TRÊN ĐỈNH PHÙ VÂN