in

Đọc tập thơ “Ba áng mây và núi” của Lê Thanh Bình

PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn

Đồng hành với công cuộc Đổi mới (1986), các nhà ngoại giao mới có tâm thế và điều kiện nhập cuộc đời sống văn chương, viết văn, làm thơ và dịch thuật. Trong nhiều lẽ, có chuyện thơ văn của họ thiên về đề tài “tầm cao”, hướng tới những vùng trời xa lạ, những suy tư và nỗi niềm vọng cố hương cũng có phần khác biệt cuộc sống đời thường. Sau biết bao những công việc đối ngoại sôi động và thầm lặng ở tầm quốc gia, quốc tế, vẫn có những cây bút cần mẫn sáng tác và dịch thuật văn thơ như Lê Bá Thự, Nguyễn Sanh Châu, Tạ Minh Châu, Hồ Anh Thái, v.v… Gần cận với thế hệ trên có thể nói đến cây bút nhà ngoại giao, nhà giáo, nhà khoa học truyền thông và văn hóa Lê Thanh Bình với 8 tập thơ đã in: Khúc hát (1996), Khúc giao hòa (2003), Cung đàn thơ (1008), Tôi yêu thế giới này (2013), Lên núi cao thổi sáo, Cầu vồng nhỏ (2019), Thơ Haiku và thơ tự do (2020) và Ba áng mây và núi (2022)…

Tác giả Lê Thanh Bình

Riêng với tập thơ song ngữ Việt – Anh Ba áng mây và núi có hai phần (Mây bay giữa đời và Khắp nơi núi non trùng điệp ngoạn mục), cộng chung 157 bài, chia ra 95 bài thơ Haiku và 64 bài theo thể lục bát và thơ tự do. Khác với mạch thơ chiến trận, cuộc sống đời thường và lao động sản xuất nơi quê hương, đất nước, thơ Lê Thanh Bình vừa nối tiếp dòng thơ bang giao truyền thống (trách nhiệm kẻ sĩ đi sứ, cảm hứng đề vịnh lịch sử và nỗi niềm vọng cố hương) vừa mở ra nguồn cảm hứng mới (ý thức công dân nước Việt, cách cảm nhận trước những vùng đất mới, sự vận động trong nhận thức về những cái mới, cái khác, tâm thế thơ du ký và tầm nhìn tương quan dân tộc – quốc tế)… Nhìn chung, Lê Thanh Bình sở trường ở lối thơ Haiku, theo phong cách Haiku và gần cận với Haiku. Lối thơ này thiên về phác vẽ sự đối nghịch và giao hòa giữa chủ thể trữ tình “cái tôi” với những cảnh, những sự, những trạng thái, hiện tượng đang diễn ra trong thế giới tự nhiên. Chẳng hạn, đối nghịch ở tầm đất trời và sự sống đời thường ở bài Tạnh mưa:

Mưa đêm vừa tạnh,

Ếch nhái tranh nhau kêu,

Thi sĩ ngồi trằn trọc.

Đối sánh ở tầm không gian đất trời có đêm mưa vừa tạnh (Âm), thay vào đó là tiếng ếch nhái và sự trằn trọc xao động của nhà thơ (Dương), gợi mở sự sống tiếp nối miên viễn.

Đối sánh và hòa hợp, hòa đồng với tâm thế “các dòng sông đều chảy”, mỗi người có công việc riêng, phận sự riêng và niềm vui riêng trong bài Ngắm:

Ngắm vườn xuân nở hoa,

Mấy chú sóc uống nước,

Còn tôi nhấp cà phê.

Đối sánh trong tâm thế bình đẳng, ung dung tự tại và một lối sống mới, khác lạ, cao sang, hiện đại, phi truyền thống, đang dần trở nên phổ biến, bình thường hóa, rất Tây như ở bài Dạo mát:

Đêm hè lộng gió,

Như kẻ về hưu ở nhà bên,

Tôi dạo cùng chó nhỏ.

Đối sánh  giữa “tích” và “tản”, không gian gần và xa, hướng nội và hướng ngoại, nội tâm và ngoại cảnh, tâm linh và đời thường như trong bài Xa:

Ngôi chùa quá xa,

Ngồi trong phòng sách,

Tôi nghiền ngẫm Thiếu Lâm.

Có khi là tâm thế khơi gợi sự đối diện với thiên nhiên, đất trời, sự chuyển mùa, thời gian biến chuyển và dự cảm trước một điều gì yêu kiều, tốt lành, bình dị đang đến, sẽ đến như với bài Đất vườn:

Giọt sương rơi dỗi hờn,

Đất mềm đi, thu lạnh,

Tôi nhẹ bước ra vườn.

Có khi là sự quan sát, cảm nhận, dự cảm, gợi mở, phát hiện các khả năng ẩn chứa trong bức tranh tĩnh lặng (sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên trăng, chủ thể cô láng giềng, sự trông đợi, niềm vui, nỗi buồn, tấn bi kịch hay cuộc trốn tìm trước rơn ngợp trăng thanh) như trong bài Cảnh đêm:

Trở về từ nhà bạn,

Tôi thấy cô láng giềng,

Đứng trước cửa đầy trăng.

Có khi là sự chạnh lòng trước số phận bông hoa, vừa là nghịch cảnh vừa là quy luật, rút cuộc là tấn bi hài kịch:

Đang là hoa tươi thắm,

Ngã xuống đất hóa ra mục nát,

Đời!

Bài thơ yết hậu có phần giống với tứ thơ của Nguyễn Huy Lượng (1759-1808): Đóa hoa nhị rữa giọt mưa rào,/ Ngẫm phận hồng nhan có khác nào./… Mới hay lừng lẫy về duyên thắm,/ Đừng có khoe khoang những má đào (Thơ Nôm, bài 88). Đây cũng chính là cái nhìn cảnh tỉnh của triết thuyết biến dịch Đông phương: nhìn trong “hoa tươi thắm” – “duyên thắm” thấy vận hạn của những “hoa tươi” – “má đào”, chiêm nghiệm hệ số lưu chuyển của những Âm – Dương, Doanh – Hư, Tiêu – Trưởng, Thừa – Trừ… Hơn nữa, cảm quan “hồng nhan bạc mệnh” còn được thăng hoa trong cách hình dung phổ quát của tạo vật, thiên nhiên, có tính cách toàn vũ trụ, “nhân cách hóa vũ trụ” và “vũ trụ hóa con người”.

Khi khác, nhà thơ đồng nhất Em và Ta khi trằn trọc “không ngủ được” và tạo lập phản đề, tự ru mình thức, tự an ủi, vỗ về, chấp nhận hiện sinh của chòng chành, chơi vơi trong bài Khó ngủ:

Em nằm, ngồi, mãi không ngủ được,

Giấc mộng chòng chành, phía nào cũng chơi vơi,

Thôi mặc kệ những người ngon giấc,

Ta cồn cào, náo nức, có sao đâu?

Như một đặc điểm của dòng thơ đi sứ, tập Ba áng mây và núi của Lê Thanh Bình cũng có tới 51 bài thơ du ký viết về những chuyến viễn du, qua thăm các địa danh lịch sử, danh lam thắng cảnh vốn là ước nguyện của cả triệu con người với tên các bài thơ gợi cảm: Thu Oslo, Lâu đài Hofburg, Một thoáng Paris, Thăm nhà Washington, Hãy đến thăm Na Uy… Một thời chúng ta kiêng kỵ lối thơ “tầm cao”, thiên về “vị nghệ thuật” này nhưng đến nay đã trở nên phổ biến, phổ cập, đại chúng hơn. Chỉ có giao lưu, hội nhập và trải nghiệm Á – Âu, Đông – Tây kim cổ mới nâng cao nhận thức, sự hòa đồng, ngưỡng vọng những vùng đất mới và giúp bạn đọc “Ngồi một chỗ mà thấy ngoài muôn dặm”…

Cũng cần nói thêm rằng, ở phần hai Khắp nơi núi non trùng điệp ngoạn mục (nhan đề như kiểu tùy bút, ký sự) chất lượng không đều nhau. Một số bài thơ, câu thơ, ý thơ giàu chất suy tưởng, tuy không mới, chẳng hạn: Nụ hôn đầu rồi cũng tan vào buồn, nhớ!/Dậy khát khao một giấc điệp hồ./ Để mai này khi đã về cô tịch,/ Linh hồn bay với khúc hát ru tình (Đời người)… Còn có bài triết lý nặng về ý mà hơi thiếu sự liên thông với cảnh, tình, hình ảnh như: Ta ở giữa hài hòa, tình tứ…/ Cứ tùy duyên mà lui tiến, mênh mông (Hỏi); có khi thơ lại văn xuôi hóa, ý thẳng, mạch lộ: Nào ta thử cùng trèo lên đỉnh núi,/ Dù mỏi chân, nhưng lòng hân hoan, tươi mới (Tâm hồn cứ trẻ), lại có cả bài “Thức giấc” có phần xa với dòng chảy chung của phần “Núi non ngoạn mục”…

Có thể nói tập thơ Ba áng mây và núi của Lê Thanh Bình bay trên trên cả ba tầm cao, trung và tà tà sườn núi. Trên tất cả là tiếng thơ trữ tình suy tưởng về đời người, cõi người và dòng thơ du ký khơi rộng nguồn cảm xúc về những miền đất xa lạ. Đặc biệt, tác giả có hoa tay, tự phác vẽ đến 15 ký họa thực sự sinh động. Thêm nữa, tác giả lại cùng Lê Phan Lộc dịch thơ sang tiếng Anh, chắc chắn sẽ giúp bạn đọc ngữ văn tiếng Anh, người học tiếng Anh và độc giả văn chương Anh có điều kiện tham khảo, hiểu biết thêm về một cây bút thơ Việt đương đại.

What do you think?

Poems by Tanya Ko Hong

Thơ Eva Petropoulou Lianou