in

Cái túi đựng trầu

Truyện ngắn Đặng Huỳnh Thái*

Akina từ Nhật Bản sang, cùng học với tôi tại khoa Y học cổ truyền, năm thứ hai chúng tôi mới có dịp trò chuyện, bởi hàng ngày đến lớp nghe giảng, rồi vội vã ra về.

– Sao cậu, sang mãi đây học cái nghề này? Bên Nhật giỏi lắm mà. Tôi hỏi.

– Vì cụ nội tớ Sato Sensei vẫn còn nằm nơi đây – Việt Nam.

Tôi sững người, nhìn Akina

– Cậu nói lại đi? Thế là sao.

Cái tên Akina cũng đủ nói lên con người thông minh, lém lỉnh. Hoa mùa xuân. Thật đẹp, nhưng giờ đây Akina buồn buồn nói: 

– Chuyện dài lắm, đã gần một trăm năm rồi, cậu có đủ hiểu không?

Tôi nghĩ nhanh và nảy ra ý định:

– Có thể như thế. Mời cậu về nhà, kể cho dân bản, già làng, người của thế kỷ trước cùng nghe, chắc sẽ giúp được cho cậu.

 

Tối hôm đó, bà con dân bản kéo đến nhà trưởng bản Á Bung xem mặt. Nói đến người Nhật, cái ghét ai cũng để bụng từ lâu. Nó tàn ác, chiếm đất của Bản bao năm trời. Mổ bụng ngựa, ấn người vào mang chôn, vì ăn mất ngô của ngựa. Dã man. Nói đi thì vậy, nói lại người Sán Dìu quý mỗi Đốc tờ Sato Sensei. Nghe nói có con gái Nhật, học cùng A Sinh về bản. Dân bản đến, hỏi xem nó có quen biết ông Đốc Tờ này không. Tội nghiệp. Tôi kể:

– Chị Akina cùng học, đông y cổ truyền với con. Nghe nói, bên ta có nhiều cây thuốc quý. Nghề chế biến lại giỏi hơn. Chị muốn nối nghiệp ông nội. Ông đã từng sang ta chữa bệnh cho quân đội Nhật năm bốn nhăm và chết ở bên này, không biết ở đâu. Chị muốn đi tìm để mang xương cốt về. Chị Akina sẽ kể cho chúng ta nghe, mong được giúp đỡ.

Akina lấy ở trong cặp ra cái túi đựng trầu. Báu vật được gìn giữ gần tám mươi năm nay, vượt qua bao thăng trầm của lịch sử, vẫn còn nguyên vẹn tình người và những trái tim bất tử. Akina nói bằng tiếng Việt mới học được:

– Đây là báu vật. Cụ Niran vị chỉ huy đơn vị của cụ tôi, trao lại cho bố tôi, bảo rằng: Sang Việt Nam, lên rừng núi cao của người Sán Dìu, nếu ai nhận được cái túi đựng trầu này, người ta sẽ chỉ cho nơi chôn cất Đốc tờ Sato Sensei, cụ tôi.

Mọi người sững sờ, cái tên Sato nghe quen thuộc, còn cái túi đựng trầu thì… A Hiêng, vợ Á Bung vội vàng lấy cái túi đựng trầu của mình ra so sánh… Hai cái giống nhau như hệt. Ồ lên một tiếng:

– Đúng rồi, đây là túi đựng trầu của A Hoa. Hai đứa chúng tôi cùng thêu, có hai chữ H. Hẹn nhau đi lấy chồng mang theo. Sống chết có nhau mà.

Mọi người túm vào xem, vui mừng, ồ lên. 

Akina cúi đầu cảm tạ. A Hiêng nén lòng nuốt lệ.

Đau buồn. Mẹ A Hoa và A Hoa đã chết, Á Coi là người chứng kiến A Hoa trao cái túi này cho chủ đồn điền Khe Cau. Họ đều không có mặt trong giây phút vui mừng cảm động này. 

Akina kể tiếp:    

– Cụ Niran, trở về từ Việt Nam sau khi Phát xít Nhật đầu hàng trong thế chiến thứ hai. Bao năm sống trong đau thương, day dứt. Trước khi chết cụ tìm gặp bố tôi, trao cho báu vật. Cụ bảo, phải mang được xương cốt Sato về thì tao mới nhắm mắt, xuôi tay được. Chính tao đã gây nên tội ác với đồng loại, đồng đội…

 

3

Sự thể thế này:

Năm một nghìn chín trăm bốn mươi ba, cụ Sato Sensei là đốc tờ của một bệnh viện lớn ở Tokyo. Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, Sato Sensei bị điều động vào quân đội Nhật, đưa ra chiến trường đánh vào Trung Quốc rồi tiến sang Việt Nam. Sau khi quân đội Nhật tước vũ khí của quân đội viễn chinh Pháp. Đồn điền chè Khe Cau chuyển sang trồng thầu dầu, lấy nguyên liệu ép dầu phục vụ cho kỹ thuật quân sự. Ngoài ra Nhật còn xây dựng trại thương binh để cấp cứu và chữa bệnh cho binh lính Nhật. Đốc tờ Sato Sensei được điều động về đây. Trong lúc chiến tranh, từ Nhật sang, đường sá xa xôi hàng vạn dặm, thuốc men không đủ, binh lính bị thương nhiều. Sato phải tìm mọi cách để cứu chữa. Ông đi vào bản người dân tộc hỏi về cách chữa trị bằng thuốc lá. Rừng Việt Nam và rừng Nhật có nhiều cây lá giống nhau, đều có thể làm thuốc được. Một lần Sato đi sâu vào trong rừng, gặp Á Coi đang đi săn, nhỡ tay bắn một mũi tên vào đùi, máu chảy lênh láng. Á Coi đã lấy lông cây cu ly dịt vết thương và cõng Sato về bản. Cả dân bản kéo đến, đòi hỏi tội tên Nhật lùn đã cướp đất, chiếm bản. Sau khi hỏi han và nhìn những tín hiệu bằng tay chân, mọi người hiểu: “ông ta là bác sỹ ở đồn điền Khe Cau đi tìm lá thuốc chữa bệnh”.

Trưởng bản Á Bung vui vẻ và cho thêm một gùi cây lông cu ly. Sato cúi người cám ơn. Từ ngày ấy Sato luôn luôn về bản và được dân bản cho nhiều cây thuốc quý như: Củ phóng sỳ, củ tam thất, lá khỉ, lá chè đắng, lá sạ đen… Sato cũng cứu giúp dân bản nhiều ca hiểm nghèo như sốt rét rừng, ỉa chảy… Mỗi lần về bản, Trưởng bản Á Bung và Sato cùng nhau uống hết bát rượu này, đến bát rượu khác…

Các cô gái bản Núi Đèo mê Sato đẹp trai và vui tính. Sato theo các chàng trai, cô gái học hát Soọng cô. Theo truyền thuyết “truyện quả bầu” kể rằng thuở xa xưa trời đất còn gần nhau, có một làng quê đông đúc trù phú soi bóng xuống dòng sông thơ mộng. Bỗng một hôm ông trời nổi giận, cho nước sông dâng cao làm chết muôn loài. Trong làng có hai chị em họ, nhanh chân chui vào quả bầu khô, nổi lên theo dòng nước nên sống sót. Khi nước rút, vì trong vùng không còn ai, họ bèn lấy nhau, sinh nhiều con cháu, làm cho người Sán Dìu hồi sinh trở lại. Tuy làng đông người nhưng toàn con cháu cùng huyết thống, không thể lấy nhau được nên phải sang làng khác tìm hiểu. Để bạn tình ở làng bên rung động, họ dùng tiếng hát để diễn tả lòng mình. Hát Soọng cô ra đời từ đó và tồn tại theo thời gian. 

Ngày dân bản mở Hội, hội hát Soọng cô chia làm hai bè. Bên nam sáu người có Sato do Á Coi lĩnh xướng. Bên nữ cũng sáu người do A Hoa lĩnh xướng. Giọng nữ cao, vút lên như tiếng chim hót dặt dìu: 

“Xuân đến trăm hoa nở trên cành.

Chim rừng nhảy nhót, hót véo von.

Người người chăm chỉ ruộng nương rẫy.

Sao anh nhàn rỗi thế anh ơi…”.

Bên này, Á Coi giọng nam trầm như tiếng suối rì rầm chảy, đáp lại: 

“Xuân đến anh đi tìm bạn đời.

Cùng anh lo việc ruộng nương đây.

Hoàng anh ríu rít cùng làm tổ.

Ong lượn trong vườn tìm hoa tươi”.

Sato lúi lô nhưng rất đúng âm điệu. Đôi chỗ ngọng mọi người cười ồ lên, bắt Sato phải hát một bài dân ca Nhật Bản. Sato nói đại ý rằng: Quê anh cũng có những bài hát dân gian chất phác, nói lên tâm tư, tình cảm, ước vọng của lòng người xứ sở hoa anh đào: 

“Sakura sakura.

Đào hoa thắm khoe tươi khắp vườn.

Trên cành cây bướm bay muôn vàn.

Trời xanh thắm khoe xuân sáng ngời.Tấm lòng tôi thấy thêm yêu đời.

Sakura, sakura nguồn hương sắc muôn đời”

Sato hát với cả tấm lòng của một người xa quê, tha thiết nhớ nhung…

Đang say mê ca hát, tất cả hoảng loạn chạy nhốn nháo. Một người lính Nhật phi ngựa thẳng lên dốc và xông vào lễ hội, đứng trước mặt Sato y ra lệnh, hai bên xì xồ với nhau một hồi:

– Đốc tơ Sato Sensei phải về ngay.

– Không phải phiên trực của tôi.

– Lệnh nhà binh, chấp hành.

– Không phải lúc này.

– Đốc tơ chống lại quân lệnh?

– Cần phải tôn trọng nền văn hóa của dân tộc An Nam. 

– Nước Nhật cần tài nguyên và đất đai. 

– Nhầm rồi…

– Nhầm à… một phát súng nổ vang trời, Sato ngã gục tại chỗ, dòng máu vọt ra từ trái tim…

Tất cả trai tráng trong bản, người tay súng, tay nỏ đuổi theo tên lính, nhưng không kịp, hắn nhảy lên ngựa cao chạy xa bay, về đồn điền Khe Cau…

Đốc tơ Sato Sensei bị bắn chết, cuộc vui của dân bản Núi Đèo vỡ hội. Trưởng bản Á Bung bố trí các trai tráng mang theo cung tên, súng kíp, gậy đá phục ở các đường đi, lối lại để chặn quân Nhật kéo lên. Bà già trẻ con đóng cửa ở trong nhà không được ai ra ngoài. Tất cả sẵn sàng cho cuộc đánh nhau bảo vệ bản Núi Đèo. Mặt khác Á Bung cùng tám người mang thi thể Đốc Tơ Sato Sensei lên đỉnh núi Bàn cờ cao nhất để làm ma theo tập tục người Sán Dìu.

 

4

Đúng như vậy, chiều hôm ấy một đoàn lính Nhật phi ngựa, theo sau là rất nhiều lính Tây đen, Tây trắng tàn quân thất trận ở các nơi trong thế chiến thứ hai, dồn về làm phu cho Nhật. Chúng từ đồn điền Khe Cau ào ào kéo lên. Vào đoạn đường vòng, hẹp, quân của Á Bung do Á Coi chỉ huy đã mai phục ở trên núi cao. Những tay nỏ cừ khôi, bắn tên tẩm thuốc độc bay xuống như mưa. Những hòn đá khổng lồ nặng vài người khênh bay ra từ bẫy đá, đồng loạt đè bẹp người và ngựa, không còn một tên nào sống sót trở về. 

Thất bại, chủ đồn điền đã phái tên Sần Sù Dếnh người bên Tàu, nhưng sinh sống lâu năm với người Sán Dìu ở vùng này, thuộc tiếng và thông thổ ra làm thông ngôn. Từ ngày Đồn điền Khe Cau thuộc người Pháp, Sần Sù Dếnh đã vào làm phu xe. Rồi người Nhật chiếm lại để trồng thầu dầu, Sần Sù Dếnh được chủ cho lên làm cai, hàng ngày phải tiếp xúc, nên Sần Sù Dếnh nói và nghe được dăm ba tiếng Nhật. Đứng ở dưới chân dốc, uốn hai tay để gần mồm, Sần Sù Dếnh gào:

– Thằng chủ Đồn điền muốn xoa dịu chúng mày.

Á Bung lưu loát nói với nó là:

– Chúng mày muốn gì?

Sần Sù Dếnh gào to:    

– Không ném đá xuống, để tao còn vào nhặt xác chết. 

Á Bung ra điều kiện:

– Tao không ném, đổi cho tao cái gì?

Sần Sù Dếnh do dự:

– Để tao hỏi thằng chủ Đồn điền đã.

Á Bung kiên quyết:

– Không cần, gọi nó lên đây.

Sần Sù Dếnh dè dặt:

– Mày có bắt nó không?

Á Bung vênh mặt:

– Cái bụng chúng tao không xấu như chúng mày tưởng đâu.

Chủ đồn điền đành phải lên thương lượng.

Cuộc bàn tròn được sắp đặt trên một phiến đá to, bằng phẳng ở đỉnh núi cao hơn đỉnh Núi Đèo. Tương truyền đây là bàn cờ tiên hay còn gọi là Thạch Bàn Tiên. Đứng ở đây ta có thể ngắm nhìn toàn cảnh núi rừng bạt ngàn xanh biếc. Từ chân núi lên Thạch Bàn Tiên, đường mòn khúc khuỷu, phải đi từ lúc bóng ngả hai cây sào đến lúc đứng bóng mới tới nơi. Có nhiều đoạn dốc đứng, hai bên là vực sâu. Ai yếu bóng vía ngã xuống thì ngủ một giấc ngàn thu. Trên đỉnh núi là rừng thông mã vĩ tầng tầng, lớp lớp mọc hàng trăm năm nay, ngoài ra còn nhiều loại trúc, tre, sim, mua và nhiều hoa thơm cỏ lạ. Phía bên kia là dãy núi Hồng Linh, trên đỉnh cao nhất của dãy núi có miếu cổ, thờ thần Thiên Lôi, rất linh thiêng và một bàn cờ nhỏ. Tiếp giáp giữa hai ngọn núi có một khe suối lớn, đó là suối Hồng Linh, nước chảy suốt ngày đêm, trong vắt mát lạnh. Mùa khô cũng như mùa mưa quanh năm đầy ắp, mang nước về cho dân bản Núi Đèo. Thạch Bàn Tiên là một phiến đá to bằng phẳng, rộng bốn mét, dài hai mươi mét. Những đêm trăng sáng hai ông Tiên từ trên trời xuống đây đánh cờ, làm thơ và bàn luận về sự đời, thế thái. Một lần hai ông đánh ván cờ suốt hai tuần trăng mà chưa phân thắng bại, không về được Tiên giới. Thấy vậy Ngọc Hoàng sai Thiên Lôi xuống tìm. Đến nơi hai ông vẫn say sưa suy nghĩ đi tìm nước cờ thắng bại, đầu tóc bạc trắng. Thiên Lôi tức giận, cho sấm sét nổi đùng đùng, xé đôi bàn cờ và quả núi thành hai. Dấu vết còn lại là con suối Hồng Linh và hai bàn cờ hai bên. Bên thắng được bàn cờ to. Bên thua nhận bàn cờ bé và thờ thần Thiên Lôi để học thêm cách đánh cờ. 

Cuộc bàn tròn hôm nay lại diễn ra tại Thạch Bàn Tiên, thật ý nghĩa. Trưởng bản Á Bung nói: “Để cho chúng nó biết, núi rừng này thiêng lắm chứ. Đừng có cậy giàu, cậy súng đạn mà ăn sống nuốt tươi, như con báo con hổ à. Thua tao thì phải thờ tao, để người Sán Dìu dạy cho à…“. Chưa biết đã phải chịu nhận bài học gì, nhưng thầy và tớ Đồn điền Khe Cau phải leo lên Thạch Bàn Tiên, bở hơi tai, phều phào nói không ra lời. Mỗi bên có hai người. Bên ta là Trưởng bản Á Bung ăn nói mềm dẻo, thông thạo sẽ đưa đẩy mọi việc vào bẫy. Bên kia là chủ Đồn điền Khe Cau người Nhật và thông ngôn Sần Sù Dếnh. Chung quanh Thạch Bàn viên, Á Bung bố trí các tay nỏ, gậy gộc do Á Coi dẫn đầu, ẩn nấp chung quanh để ứng phó kịp thời khi các bất trắc xảy ra. Á Bung yêu cầu bên đồn điền tất cả bỏ vũ khí ra khỏi người, đặt xuống mặt phiến đá, mọi người làm theo. 

Chủ Đồn Điền cúi đầu lễ phép chào, thông ngôn Sần Sù Dếnh dịch lại:

– Xin chào, tôi rất hân hạnh được gặp các ngài.

– Tôi cũng chào ngài, mời ngài ngồi – Á Bung đáp lễ.      

Mọi người ngồi xếp bằng trên phiến đá. Chủ Đồn điền mở đầu câu xã giao: 

– Đất nước các ngài đẹp quá. Lâu nay chỉ ở phía dưới, bây giờ lên cao, mới thấy rộng mênh mông và mở được tầm mắt.

– Vì vậy các ngài mới sang đây xâm chiếm? – Á Bung nói phủ đầu luôn.

– Không phải thế. – Hắn ta lắc đầu, xua tay ra hiệu.

– Vậy vì sao? – Á Bung dồn, làm hắn khó xử.

– Chúng tôi cũng chỉ làm theo mệnh lệnh.

– Cướp của giết người đó là mệnh lệnh? 

Suy nghĩ một lát, chủ Đồn điền nói:

– Không, không phải thế. Chúng ta chỉ nên nói với nhau thế này thôi!

– Là thế nào? – Á Bung hỏi lại.

Chủ Đồn điền dè dặt:

– Các ngài giết của chúng tôi nhiều người quá.

Á Bung cười đắc thắng:

– Vì các ngài đưa quân vào bản chúng tôi?

– Chúng tôi vào lấy xác Đốc tờ Sato Sensei.

– Ông ta bị người của ngài giết chứ.

– Lỗi của chúng tôi, nhưng chúng tôi muốn xin lại xác ông ta về mai táng.

– Không dễ thế đâu.

Chủ Đồn điền kiên quyết:

– Còn bao nhiêu xác binh lính trên đường, chúng tôi sẽ lấy về hết.

Á Bung đứng phắt dậy, đập tay xuống phiến đá:

– Phải có điều kiện. 

– Xin Ngài cứ nói? – Chủ đồn điền hiểu ý.

– Các ngài đã biết – Á Bung nhẹ nhàng phân giải – Để có được Đồn điền Khe Cau các ngài đã cướp đi bao sinh mạng. Dân chúng tôi mất bản Khe Cau phải phiêu bạt lên đỉnh Núi Đèo, cơm không có ăn, áo không có mặc, cuộc sống khổ cực. Trong khi đó Khe Cau đã mang lại cho các ngài bao nhiêu của cải? Chắc các ngài tính được chứ? 

– Ồ việc đó thuộc người Pháp, chứ không phải chúng tôi – Hắn ta phân bua.

– Các người cướp lại của người Pháp, tội càng nhiều. Vì vậy chúng tôi yêu cầu các ngài hoàn lại tất cả.           

– Ồ ồ, đây là việc của các quan trên, đâu phải của tôi và các ngài. 

– Cái gì làm được, yêu cầu các ngài làm ngay. – Á Bung kiên quyết.

– Chúng tôi không thể làm được điều gì – Hắn giơ hai tay từ chối.

Á Bung dứt khoát:

– Dân bản tao cần thóc gạo. Cứ lấy về một xác lính phải trả ba mươi gùi thóc. Ngài tính sao? – Á Bung nhấn mạnh.

Suy nghĩ một lát, hắn mặc cả:

– Hai mươi gùi thôi, ba mươi nhiều quá.

– Vậy thì hai mươi nhăm.

– Còn thi hài của Đốc Tờ Sato Sensei? – Chủ Đồn điền hỏi.

Trưởng bản Á Bung giải thích:

– Đốc Tờ Sato Sensei là người của bản Núi Đèo. Người Sán Dìu chúng tao rất quý nó, nó biết hát Soọng cô, biết nhảy lửa, biết chữa bệnh cho dân bản. Chúng tao sẽ chôn cất nó theo tập tục, mày không mang đi được à. 

– Chúng tôi phải mang ông ta về, lệnh nhà binh là vậy.

– Không được. Bao giờ con cháu nó sang, chúng tao sẽ cho, không tin chúng mày à. Chúng mày bắn nó, sao bảo vệ nó được. – Trưởng bản Á Bung nói. 

Căng thẳng gay cấn, lúc nói nặng, lúc ôn hòa, cuối cùng chủ Đồn điền phải chịu thua. 

– Sau này, chúng tôi biết tìm ở đâu?

Á Bung gọi A Hoa mang cái túi đựng trầu đến. Trưởng bản hãnh diễn nói:

– Cứ lên đỉnh núi Bàn Cờ và đưa báu vật này ra, sẽ được phép. Túi đựng trầu, là đồ trang sức đặc biệt của người con gái Sán Dìu. 

Chủ Đồn điền mừng rỡ, cúi đầu cảm tạ:

– Xin các ngài gìn giữ cho. 

Nói rồi chủ Đồn điền xin phép ra về và thực hiện những điều cam kết. 

Á Bung ra lệnh cho trai tráng rút quân về không bẫy đá xuống đường để quân Nhật vào thu dọn chiến trường, mang xác binh lính về…

Cùng lúc, Á Coi dẫn đầu dân bản kéo vào Đồn điền Khe Cau lấy thóc gạo. Chủ Đồn điền mở kho phát thóc theo những điều đã quy ước. Người gùi, người vác, ngựa thồ rầm rập chuyển về bản. Trưởng bản Á Bung ra lệnh phải chia phát cho từng nhà, cất giấu cho thật kỹ không được để tập trung ở nhà cộng đồng, dành một phần cho người Mường, người Tày ở các bản lân cận. 

 

 

5

Ở trên đỉnh núi cao, dân làng đã tập trung đông đủ để làm ma cho Đốc tờ Sato Sensei theo tục tập của người Sán Dìu nhưng đơn giản, bỏ đi nhiều nghi lễ vì Sato không có gia đình, cha mẹ, vợ con ở đây. Thầy cúng Á Liêng lấy nước nấu với lá thơm lau hết những vết máu trên người Sato, rồi mặc cho bộ quần áo dân tộc Sán Dìu mới tinh, đầu đội mũ trắng có hình chữ thập đỏ. Á Liêng vuốt mắt, nắm chân tay, bỏ vào miệng một đồng bạc hàm khẩu, để trả tiền đò khi qua sông biển, nếu Sato muốn về nước Nhật với ông bà Tổ tiên. Á Liêng còn đặt vào quan tài hộp đồ nghề, kim tiêm, bông băng để Sato xuống âm phủ, tiếp tục chữa bệnh cho những con ma ở dưới đó. Trong hoàn cảnh nghèo đói và loạn lạc, người trong bản chết trận, chết đói cũng không có ván chôn. Đối với Sato ưu ái được bốn miếng gỗ xẻ ghép lại, làm quan tài. Á Liêng làm phép thu hồn để khỏi lẩn quất đâu đó, trở lại quấy nhiễu dân bản. Quan tài đặt đầu hướng về phía mặt trời mọc, như lá cờ nước Nhật có mặt trời ở giữa, lưng tựa vào đất nước ta. Xong xuôi thầy Á Liêng làm lễ lấp huyệt và làm nhà mồ mái bằng, dựng bốn cột bốn góc trên lợp lá rừng. Từ nhà mồ, lên Bàn Cờ Tiên là năm mươi bước chân người. Giữa nhà mồ đặt một phiến đá to, khắc hình chữ thập giống như hình trên mũ của Sato, để cho đời sau biết đường tìm về.

Dân bản Núi Đèo, yên lòng chờ đợi ba năm nữa, nếu có ai từ Nhật sang nhận thì được mang hài cốt về. Nếu không thì sang cát, lúc đó thực sự có mồ yên mả đẹp theo tập tục của người Sán Dìu.

Nghe tin bên bản Núi Đèo có đám ma, các bản người Mường, người Tày kéo sang chia buồn. Nhưng sau khi biết sự thể, mọi người hết lời khen ngợi trưởng bản Á Bung, có lòng nhân hậu và tài ba khéo léo, dẫn dắt dân bản. Trưởng bản Á Bung đã chia cho mỗi bản số thóc vừa lấy ở Đồn điền về, gọi là hoa thơm cùng hưởng, trong lúc khó khăn. Đêm ấy, ba bản anh em đã mở hội mừng thắng lợi, uống rượu cần và nhảy múa suốt đêm. Các trưởng bản ngoặc tay nhau hứa hẹn, mỗi tháng một lần lại mở hội, không mua bán sản vật gì, chỉ nhảy múa, hát soọng cô để các nam nữ thanh niên có dịp hò hẹn, yêu nhau. Nghe thấy hay hay, bọn trẻ gọi là chợ tình. 

 

6

Cuộc chơi đang vui, thì từ trên đỉnh núi cao nhìn xuống, Đồn điền Khe Cau nhiều đám lửa cháy rừng rực, nổ lép bép, mùi khét như hun chó bốc lên. Không ai đoán được điều gì. Trưởng bản Á Bung phái mấy người xuống xem xét sự thể. Một lát sau về kể lại: Chủ Đồn điền, đặt lính chết trận vào đống củi rất to, rồi đổ dầu thầu dầu vào đốt. Nhiều người đứng xem và cầu niệm lầm rầm. Lão chủ Đồn điền khấn, thằng Sần Sù Dếnh thông ngôn lại cho mọi người nghe rằng: “Cầu mong các linh hồn tha tội, ta không muốn thế này, nhưng không còn cách nào để mang các người anh em về đất mẹ. Ngọn lửa thiêng sẽ biến anh em thành tro bụi, ta sẽ khoác trên vai tất cả về với mẹ. Nam mô Bồ Tát đại bi Quan Thế Âm”…

Á Bung thở phào:

– Ra thế. Nó vẫn còn là con người à. 

– Tục thiêu người, ta cũng có – Ai đó nói chen vào.

– Đó là của người Thái đen, cách ta mười hai quả đồi – Một ông già người Mường bày tỏ hiểu biết. 

– Người Thái đen không đốt thành tro như bọn này mà vẫn còn nguyên xương, cho vào chum chọn ngày tốt đem chôn – Á Bung khoe – Tao đã đến rồi mà.

– Nó không lập đàn cúng Phật, trình báo Ngọc Hoàng à? – Ai đó hỏi.  

– Có chứ, nó niệm Bồ Tát Quán Thế Âm là có thờ Phật đấy.

– Người chết nằm xuống, phần xác thì chết nhưng phần hồn vẫn neo bám ở các ngọn cây, con suối trong bản đấy. – Ông già người Mường lo lắng. 

Trưởng bản Á Bung nói:

– Ngày mai ta sẽ cho thằng Á Liêng làm lễ ở đầu dốc, chắn đường không cho con ma Nhật vào bản. Sống đã cướp đất, chết lại còn hại dân của ta à? 

Cuộc bàn luận của các già bản về tập tục đám ma thật rôm rả.

Đám trai tráng ba bản Sán Dìu, Mường và Tày không cần quan tâm, nắm tay nhau hát ca, nhảy múa thâu đêm… 

 

7

Thì ra Cụ Niran là chủ Đồn điền của phát xít Nhật hồi ấy. Trưởng bản Á Bung đứng dậy tuyên bố dõng dạc:

– Chính tôi, trực tiếp thương thuyết với chủ đồn điền Niran. Cái túi đựng trầu là của A Hoa, chính tay A Hiêng thêu. Sự thật là vậy. Mộ của cụ Đốc tờ Sato đặt trên núi Bàn Cờ. Khang trang và linh thiêng. Ngày mai, dân làng cùng cháu Akina lên thắp hương. Cứ yên tâm Cụ sẽ sớm trở về với những vườn hoa anh đào.

A Hiêng, A Sinh, và dân bản vòng tay ôm chặt Akina. Trái tim Akina rộn ràng, đập mạnh. 

Sau khi leo lên núi bàn cờ, thấy mộ của cụ Sato được chăm sóc chu đáo. Thấy dân bản Núi Đèo có tấm lòng rộng mở, chan hòa, bao dung, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt kẻ thù, Akina vội vã điện về Nhật cho gia đình.

 

8

Ít ngày sau, bố của Akina, ông Hayato vội vàng đáp máy bay sang. Cụ Niran muốn đi, nhìn lại đồn điền thầu dầu năm xưa, gặp lại ngài trưởng bản Á Bung, đanh thép, dũng cảm. Rất tiếc, cụ không đủ sức khỏe. Cụ gửi lời thăm và chúc phúc dân làng. Ông Hayato bịn rịn nói:

– Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam, đã dành cho chúng tôi ấn tượng sâu sắc. Các thế hệ cha ông chúng tôi ở thế kỷ trước đã gây ra biết bao đau thương cho đất nước Việt Nam. Chiến tranh, đói khổ, làm hàng triệu người chết. Quá khứ đã qua rồi, nhưng đau thương vẫn còn âm ỷ trong lòng người. Tôi xin dân bản tha thứ.

Hayato, kính cẩn gập mình, cúi đầu, cảm tạ. Tất cả trái tim rung lên cùng nhịp đập.

Trưởng bản Á Bung, nói:

– Chúng tôi không bắt ruộng đất của chúng tôi phục vụ chiến tranh như người Nhật. Đồn điền: cây thầu dầu, cây đay, cây gai, của cụ Niran không còn nữa. Đất, phải trả lại máu xương đã đổ. Đất, phải nuôi sống người. Cây vải, cây xoài, cây lúa… phải ra hoa, kết trái. Nở rộ trên đồi núi Khe Cau. Người Sán Dìu đã đi học Đại học, đã biết làm khoa học, kỹ thuật.

Ông Hayato cúi đầu, chân tình nói:

– Vâng, tôi hiểu. Tôi muốn xin dân làng cho cháu A Sinh cùng con gái Akina của tôi về Nhật học. Cuối đời, cụ Niran đã để lại một số tiền. Gia đình tôi cũng góp thêm, chúng ta sẽ cùng nhau xây một bệnh viện nhỏ. Mai sau, được phép sẽ mở rộng, to đẹp hơn. A Sinh đi học về, có chỗ chữa bệnh cho dân bản. Kính mong được sự chấp thuận. 

Sung sướng đến tột cùng. Những tràng vỗ tay hân hoan.

Đêm ấy Khe Cau lại thức thâu đêm. Lửa trại bừng sáng cả góc rừng. Trai gái Sán Dìu hát Soọng cô. Cha con Hayato hát lại bài hát mà ông Sato đã hát trước khi bị bắn chết, nói lên tâm tư, tình cảm, ước vọng của lòng người xứ sở hoa anh đào: “Sakura sakura./ Đào hoa thắm khoe tươi khắp vườn/ Trên cành cây bướm bay muôn vàn“… Akina, òa khóc. Thương nhớ ông. 

Vui quá. Tay nắm tay kết thành vòng tròn, rực rỡ sắc áo các dân tộc, như cánh hoa rừng nở rộ. Cảm xúc mãnh liệt, chạm vào lòng người, bật ra tiếng khóc. 

Xa xa ngoài kia, Xoa và A Sinh hai người chạm đầu vào nhau thì thầm: 

A Sinh:

– Ngày mưa, anh không được lên rừng lấy thuốc nữa đâu nhé. Chờ em!

A Sinh là cháu A Hiêng. Tên là Sinh, đúng là xinh thật. Mặt trái xoan, có hai núm đồng tiền, răng khểnh, cười tươi, gương mặt trắng hồng với những đường nét đẹp, thân hình đầy sức sống. Xoa là cháu của Á Bung, lấy được A Sinh thì đúng là “mía ngọt đánh cả cụm”. Ngày đầu còn lạ, bỡ ngỡ, bữa trưa hai người tựa vào cây sồi to, mỗi người một phía, ăn thanh cơm lam mà A Hiêng đã nướng cho từ sáng sớm. Một lần, gặp được nhiều cây thuốc tốt, A Sinh bó một bó thật to, cõng trên lưng như cõng một cánh rừng. Trời sập mưa, sấm chớp, đi vội A Sinh bị mắc vào cành cây, kéo lại. Xoa vội vàng chạy đến gỡ cành cây, mất đà hai người ngã úp vào nhau. Lúng túng, vụng về cả hai vẫy vùng trên đống lá. Hương lá thuốc phả ra, pha với hương người con gái mới lớn thơm thơm, dìu dịu. Xoa đè lên A Sinh, A Sinh nằm im nín thở, ngất ngây. Mưa ào ào dội nước xuống. Tất cả ngâm mình trong “chậu” lá thuốc khổng lồ. Trời cho…

Thì ra vậy, Xoa cười nói:

– “Chậu” lá thuốc khổng lồ. Trời cho. Em mang đi rồi. Còn gì?

Xoa ôm A Sinh vào lòng. Dưới ánh đèn lửa trại, đôi má A Sinh trắng hồng, thân hình đầy sức sống. Hai người kéo nhau, chạy nhanh ra bờ suối…

Sáng nay đoàn lên đường, Cha con Hayato và A Sinh sang Nhật. Mọi công việc chuẩn bị đã xong. Lễ bàn giao được tổ chức trọng thể. Lọ đựng tro cốt Đốc tờ Sato, đặt nghiêm trang trên bàn, phủ tấm khăn thổ cẩm, hoa văn sặc sỡ do A Hiêng thêu cấp tốc. Trưởng bản Á Bung đứng một bên. Ông Hayato đứng một bên. Sau khi đọc lời diễn văn. Trong tiếng kèn, tiếng chiêng, tiếng trống theo nghi thức của dân tộc Sán Dìu, Trưởng bản Á Bung trao tro cốt Đốc tờ Sato cho ông Hayato.

Dân bản xếp hàng dài vào viếng Đốc tờ Sato lần cuối.

Đoàn xe xuống chân đồi, dân bản vẫn đứng trên cao vẫy tay tạm biệt. Các cô gái, bạn A Sinh tay chấm nước mắt, tay vẫy túi đựng trầu. “A Sinh mau về nhé”. “A Sinh, Đốc tờ của Khe Cau”..

*Truyện ngắn trong tiểu thuyết “Đất và Máu” của Đặng Huỳnh Thái, NXB Hội Nhà Văn 2021

What do you think?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Tiến Dũng triển lãm ảnh về trẻ tự kỷ tại Vườn cổ tích Liam

Bà Tiên Hương tạo Vườn Cổ tích mới: Liam Fairy Garden