Trong cuộc trò chuyện với báo chí, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã chia sẻ những hồi ức đáng trân trọng về ông Lý Văn Sáu – một nhà báo, nhà ngoại giao kiệt xuất, từng là phát ngôn viên của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, người trợ thủ đắc lực của bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris.
Mỗi lần nhắc tới ông Lý Văn Sáu, tướng Hiệu không giấu được sự ngưỡng mộ và tình cảm đặc biệt dành cho ông, tướng Hiệu dành những lời khen ngợi và hồi tưởng lại những hình ảnh đẹp về một nhà ngoại giao đáng nể trọng. Tướng Hiệu chia sẻ, một trong những điều khiến ông ấn tượng ở ông Lý Văn Sáu chính là khả năng ngoại ngữ xuất sắc, khi ông Sáu có thể nói thông thạo 4 thứ tiếng (Pháp, Anh, Nga, Tây Ban Nha). Trong giai đoạn đấu tranh ngoại giao căng thẳng tại Hội nghị Paris (1968-1973), ông Sáu đã đảm nhận vai trò then chốt, là người phát ngôn của Đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, thường xuyên tổ chức họp báo sau mỗi phiên họp của hội nghị, thu hút được nhiều sự chú ý từ phía các nhà báo quốc tế.
Điều ấn tượng thứ hai về ông Lý Văn Sáu là vào ngày 25/01/1969, ở một cuộc họp báo, trước mặt là các nhà báo sành sỏi quốc tế, một nhà báo Mỹ đã đưa lên tấm bản đồ miền Nam và hỏi: “Quân Giải phóng các ngài luôn tự hào nói rằng đã giải phóng và kiểm soát được hai phần ba lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Vậy ngài hãy chỉ vào tấm bản đồ này và cho tôi biết những vùng giải phóng của các ngài ở chỗ nào?” Ông Sáu đã trả lời một cách dứt khoát: “Chỗ nào ở miền Nam Việt Nam có bom đạn Mỹ ném vào, thì những nơi ấy chính là vùng giải phóng của chúng tôi.” Lần nào kể lại câu chuyện này cũng như lần đầu, tướng Hiệu vẫn luôn bất ngờ và khâm phục trước câu trả lời thông minh, sắc bén đến vậy của nhà ngoại giao Lý Văn Sáu, khiến lòng yêu nước và tự hào về dân tộc và những người con tài giỏi của dân tộc trong ông lại càng lớn.
Bằng tài năng của mình, ông Lý Văn Sáu cùng Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình đã góp phần quan trọng trong việc buộc Mỹ ký kết Hiệp định Paris vào tháng 1/1973, đánh dấu chiến thắng lớn của ta trên cả mặt trận ngoại giao và quân sự. Và khoảng thời gian này cũng là cột mốc đánh dấu lần gặp đầu tiên của tướng Hiệu với bà Nguyễn Thị Bình và ông Lý Văn Sáu. Khi đó, tướng Hiệu được phong Anh hùng quân giải phóng năm 1973 nên mới được gặp bà Bình và ông Sáu tại Trụ sở chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam ở Quảng Trị.
Khi gặp gỡ lần đầu tiên, ông Sáu đã kể lại hành trình gần 5 năm tại Hội nghị Paris, nơi ông cùng bà Nguyễn Thị Bình kiên cường đấu tranh, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris vào năm 1973. Hiệp định này được ký kết ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ trên không tại Hà Nội và thắng lợi tại Quảng Trị với các điều khoản có lợi cho Việt Nam.
Tướng Hiệu nhấn mạnh, để đạt được thành quả này, cả nước đã phải thực hiện chiến lược vừa đánh trên chiến trường, vừa đàm trên bàn ngoại giao. Đây là minh chứng cho tài ngoại giao xuất sắc của bà Nguyễn Thị Bình và ông Lý Văn Sáu, những người đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh quân sự và trí tuệ ngoại giao.
Sau khi hoà bình lập lại, tướng Hiệu đã có dịp ra ngoài Bắc ghé thăm ông Sáu tại Ngã Tư Sở, thành phố Hà Nội. Có thời gian tướng Hiệu về quân đoàn 1 ở Tam Điệp, Ninh Bình, ông mời cả gia đình ông Sáu đến thăm và ở lại quân đoàn 1, rồi đưa cả gia đình đến Vườn Quốc gia Cúc Phương tham quan. Trong chuyến đi đó, ông Sáu thích nhất là Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Qua những buổi gặp mặt quý giá, tướng Hiệu và ông Sáu vẫn luôn giữ liên lạc và tới thăm hỏi nhau mỗi khi có dịp. Mỗi lần ra Bắc, tướng Hiệu đều ghé thăm ông Sáu để nghe ông kể lại những câu chuyện tại Hội nghị Paris. Tướng Hiệu cũng chia sẻ với ông về các chiến dịch quan trọng như Mậu Thân 1968, Đường 9 – Nam Lào, và chiến dịch năm 1972. Đây là những ký ức tái hiện lại bức tranh lịch sử, là minh chứng rõ ràng cho sự phối hợp nhịp nhàng giữa “đánh” trên chiến trường và “đàm” trên bàn ngoại giao.
Sau khi ông Lý Văn Sáu qua đời, tướng Hiệu có tham dự một buổi tọa đàm và trưng bày chuyên đề về “Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu: Một tấm lòng son sắt”, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà báo Lý Văn Sáu (5-11-1924 / 5-11-2024). Tới lúc đó tướng Hiệu mới được nghe tất cả các nhà lịch sử, ngoại giao nói về thân thế, về sự nghiệp của ông Sáu lừng lẫy thế nào. Ông Sáu từng tham gia phái đoàn thường trực của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Cuba, trở thành cố vấn, người phát ngôn của phái đoàn Mặt trận và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, Lý Văn Sáu đã trở thành một cái tên vượt ra ngoài biên giới Việt Nam, vang lên tại nhiều diễn đàn và sự kiện quốc tế. Ở đó, ông đã thể hiện xuất sắc bản lĩnh, tài năng, sự sáng tạo và trí thông minh, khéo léo của một người làm báo cách mạng khi tham gia hoạt động thông tin tuyên truyền đối ngoại.
Trong buổi đó, tướng Hiệu cũng đã phát biểu ca ngợi ông Sáu, rằng ông là một người thông minh, giỏi giang nhưng lại rất khiêm tốn. Tướng Hiệu cũng chia sẻ thêm hồi ức về thời kỳ chiến tranh, rằng lúc bấy giờ ngoại ngữ là một thử thách lớn đối với quân giải phóng. Cả trung đoàn chỉ có duy nhất một Đại đội trưởng Đại đội Quân y là bác sĩ biết nói tiếng Anh, còn lại chẳng ai biết nên tất cả mọi người quyết định học tiếng Anh. Nói là học, nhưng cũng chỉ học những từ đơn giản để có thể lệnh cho tù bình Mỹ nghe và hiểu như: “Giơ tay lên”, “Ngồi xuống”, “Đi”, “Ăn” hay “Ngủ”. Còn lại khi nào cần thẩm vấn các tù binh thì bác sĩ sẽ là người đảm nhiệm vai trò thông dịch Việt – Anh, Anh – Việt.
Qua những ký ức mà tướng Nguyễn Huy Hiệu chia sẻ, chúng ta càng cảm phục ông Lý Văn Sáu – một nhà báo – nhà trí thức thông minh, tài trí và bản lĩnh. Những đóng góp của ông trong lĩnh vực ngoại giao, đặc biệt tại Hội nghị Paris, đã trở thành dấu ấn khó phai trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc.
GIPHY App Key not set. Please check settings