in

AI dịch thuật: đối thủ hay công cụ?

Trần Quỳnh Hoa

Chiều ngày 04/05/2024, tại Ngôi nhà Ý Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm “AI & Dịch sách” với sự tham gia của các nhà văn và dịch giả nữ: nhà văn Di Li, nhà văn Kiều Bích Hậu, biên tập viên NXB Kim Đồng – dịch giả Thanh Thủy, dịch giả Phương Nga, dịch giả Phương Lan, ca sĩ – dịch giả Hiền Nguyễn trong sự chào đón của ông Mattia Farris – Phó Đại sứ phụ trách Văn hóa Chính trị của Đại sứ quán Italia và chị Trần Hồng Hạnh – Trưởng phòng Du học và Hợp tác Đại học Uni Italia. Rất nhiều dịch giả, nhà văn, nhà thơ, người yêu văn học và các em học sinh trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đã có mặt tại tọa đàm để cùng trao đổi về một chủ đề đang nóng trên toàn cầu: trí tuệ nhân tạo liệu có thay thế con người trong lĩnh vực văn học và dịch thuật? Tọa đàm được tổ chức bởi đại sứ quán Italia thông qua Văn phòng Uni Italia và nằm trong chuỗi sự kiện thường niên Những ngày Văn học Châu Âu 2024 tại Việt Nam.

Ông Mattia Farris – Phó Đại sứ phụ trách Văn hóa Chính trị của Đại sứ quán Italia (giữa) phát biểu khai mạc chương trình.

Phó Đại sứ phụ trách Văn hóa Chính trị của Đại sứ quán Italia, ông Mattia Farris chia sẻ rằng, nhân chủ đề “xuyên (thế) giới” (hay “xuyên giới”) của Những ngày Văn học Châu Âu năm nay, ông rất vui mừng được chào đón khách mời là các nữ nhà văn và dịch giả. Trí tuệ nhân tạo (AI) là thách thức nhưng cũng là cơ hội trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất bản sách. Ngoài ra, ông Mattia cũng rất phấn khởi khi buổi tọa đàm có sự hiện diện của nhiều dịch giả chuyển ngữ các thể loại sách khác nhau: sách cho thiếu nhi, tiểu thuyết, thơ, sách lịch sử, sách chuyên ngành…

Từ trái qua phải: chị Trần Hồng Hạnh – Trưởng phòng Du học và Hợp tác Đại học Uni Italia, nhà văn Di Li và biên tập viên NXB Kim Đồng – dịch giả Thanh Thủy

Nhà văn Di Li cho rằng sự ra đời của trí tuệ nhân tạo sẽ khiến cho nhiều nghề cũ biến mất và nhiều nghề mới xuất hiện. Có lẽ một trong những nghề bị “thanh lý” đầu tiên là nghề phiên dịch. Việc có một chiếc đồng hồ thông minh có thể dịch lời nói của mình sang mọi ngôn ngữ là vô cùng hiệu quả và tiện lợi, ví dụ như khi chị đi du lịch hay cần giao tiếp với người nước ngoài. Thế nhưng với công việc dịch thuật trong văn học, nhà văn Di Li thấy rằng rất khó để trí tuệ nhân tạo có thể dịch thuật các tác phẩm văn học ở bậc cao. Bản thân chị khi dịch thuật đã nhiều lần phải trao đổi trực tiếp với tác giả để hiểu hết được ý tứ đằng sau câu chữ. Đặc biệt, nếu nói về sáng tác văn học thì còn khó hơn nữa, vì tác giả cần đưa vào tác phẩm của mình tính tư tưởng và sáng tạo ra cách hành văn riêng, đôi khi là cả một hệ từ mới. Xét về mặt tiểu thuyết, AI có thể sáng tác được các tiểu thuyết tầm thấp nên các tác giả viết ngôn tình và tiểu thuyết bình dân có thể bị “thanh lý” đầu tiên. Còn tiểu thuyết hàn lâm sẽ đòi hỏi người viết phải chắt lọc hơn nữa về chất lượng và cạnh tranh không chỉ với tác giả khác mà thêm cả AI. 

Từ trái sang phải: nhà văn Kiều Bích Hậu và chị Trần Hồng Hạnh – Trưởng phòng Du học và Hợp tác Đại học Uni Italia

Nhà văn Kiều Bích Hậu mang đến buổi tọa đàm những thông tin mới nhất từ chuyến đi Maroc (Châu Phi) để tham dự Liên hoan Văn học Quốc tế tại đây với tư cách là đại diện Việt Nam trong những ngày cuối tháng 4. Chị nói rằng các nhà văn quốc tế có phản ứng rất đa dạng về AI: có người hào hứng, người chê bai, có người lưỡng lự, người thấy rằng AI đưa ra được rất nhiều lựa chọn, người nhất quyết không bao giờ dùng… Nói sâu hơn về dịch thơ, nhà văn Kiều Bích Hậu cho rằng thơ là ngôn ngữ tinh lọc nhất và thường mang nhiều ẩn dụ. Những phiên bản AI hiện tại chưa thể dịch thơ một cách xuất sắc, thường chỉ dịch theo nghĩa đen hay theo lối máy móc. Để hiểu được sâu sắc ý tưởng của nhà thơ, người dịch cần có kinh nghiệm, vốn sống và sự thông thái. AI có thể đưa ra nhiều lựa chọn nhưng không thể nào thay thế được sự thông thái của con người. Tuy nhiên, bản thân chị thấy AI là công cụ hỗ trợ rất tốt cho người dịch, sau này chắc chắn sẽ có nhiều phiên bản tốt hơn. Hơn thế, AI còn là trợ lý đắc lực cho người viết. Ví dụ như AI có thể đưa ra nhiều cốt truyện đa dạng, gợi ý nhiều tình huống có tính xung đột cao, sử dụng những từ ngữ sáng tạo không có trong luồng suy nghĩ của tác giả… Chúng ta cần chấp nhận sự tồn tại của AI và sử dụng nó để nâng tầm tác phẩm của mình, nâng tầm đẳng cấp của chính mình. 

Dịch giả Phương Lan (bên phải) đang phát biểu.

Dịch giả Phương Lan chia sẻ một kỷ niệm đẹp về dịch thuật: đó là khi chị chuyển ngữ bài hát “Bella Ciao” từ tiếng Ý. Nhận thấy dòng “Bella Ciao” được lặp lại nhiều lần với âm điệu đậm chất Ý, chị đã quyết định không dịch mỗi chữ này ra tiếng Việt mà để nguyên nhiều dòng như vậy, với dụng ý nhờ những thanh âm ấy mang văn hóa Ý đến gần hơn với người Việt. Ý tưởng táo bạo của chị ngày ấy đã được mọi người ủng hộ, dù nó đi ngược lại với nguyên tắc dịch thông thường. Bởi vậy, đôi khi góc nhìn chủ quan của người dịch mang đến giải pháp tốt hơn. Tuy nhiên, chị thấy rằng AI là một công cụ sinh ra để phục vụ mình và sẽ rất hữu ích nếu mình biết cách chọn lọc và sử dụng AI một cách có ý thức. 

Dịch giả Phương Nga đang phát biểu.

Là một dịch giả của sách dành cho thiếu nhi, dịch giả Phương Nga cảm thấy người dịch cần có hiểu biết về nội dung sách và ngôn ngữ dịch. Nhưng đặc biệt hơn, người dịch cần yêu cuốn sách, cần dành nhiều tình cảm và sự sáng tạo để tạo nên cái hồn cho cuốn sách. Chị đã sống với nhân vật, khóc cùng nhân vật mỗi khi dịch. Ví dụ như với cuốn sách mới đây nhất do chị chuyển ngữ mang nội dung về cuộc sống của một chú chuột Ý kể về nước Ý, chị đã sáng tạo ra “tiếng chuột” qua các cụm từ rất ngộ nghĩnh như: “tuyệt vời ông chuột trời”, “dễ chịu đến rung cả ria”, “tuyệt xoắn đuôi”… Đó là sự sáng tạo ngôn ngữ đặc sắc mà chỉ con người mới làm được.

Ca sĩ – dịch giả Hiền Nguyễn đang phát biểu.

Dịch giả Hiền Nguyễn vừa dịch xong một cuốn sách về lịch sử Opera. Chị chia sẻ rằng đây là dòng sách chuyên môn và chưa có nhiều ở Việt Nam. Khi sử dụng AI vào việc dịch sách, chị thấy rằng AI đưa ra các từ ngữ không chính xác về các kỹ thuật thanh nhạc nên chị đã phải tham khảo rất nhiều từ các giảng viên về những từ chuyên ngành. 

Dịch giả Thanh Thủy đang phát biểu.

Dịch giả Thanh Thủy ghi nhận rằng khi sử dụng AI sẽ không có lỗi chính tả, trong khi con người đôi khi vẫn có sai sót. AI là một nguồn tham khảo rất hay, giúp chúng ta làm việc tốt hơn và giảm bớt sai lầm. Thế nhưng, cá nhân chị vẫn thích những bản dịch bởi con người, “có nhân tính”, dù mắc lỗi, hơn là những bản dịch chính xác đến phát sợ. 

Em Ly (trường THPT Chuyên Ngoại ngữ) đang chia sẻ cảm nhận.

Em Ly, đến từ trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, thấy rằng sử dụng AI để dịch rất nhanh, chỉ cần vài thao tác sao chép. Tuy nhiên, văn dịch của AI chỉ thô sơ và ở mức cơ bản, khiến em không tiếp cận được những từ ngữ tinh túy hơn. Đặc biệt, với hệ thống đại từ nhân xưng phức tạp của tiếng Việt, em cần tự tìm hiểu và quyết định cách dịch.

Ông Mattia Farris tặng hoa cho các nữ nhà văn và dịch giả.

Trí tuệ nhân tạo đang phát triển theo tốc độ chóng mặt với khả năng tự học, tự thích nghi và tự phát triển dựa trên dữ liệu từ hàng nghìn người đang đào tạo AI trên khắp thế giới. Với kho dữ liệu khổng lồ như vậy, rất khó để phủ nhận sự thông minh ưu việt của AI. Chính vì vậy mà việc đảm bảo tính an toàn và tính kiểm soát đối với AI là vô cùng quan trọng. “AI & Dịch sách” là một buổi tọa đàm rất hữu ích nhằm nâng cao nhận thức người dùng về AI và cung cấp một diễn đàn cho cộng đồng học hỏi và trao đổi về cách thức tiếp nhận AI. Mong rằng sẽ có nhiều hơn nữa những buổi thảo luận như vậy với sự tham gia của khách mời đến từ mọi ngành nghề để cùng chung tay xây dựng một tương lai bền vững cùng AI.

What do you think?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

2 nữ sĩ Việt tham gia Liên hoan Văn chương quốc tế lần thứ 2 tại Indonesia

Trần Đăng Khoa đi tìm tri âm