Với một khởi đầu khá tình cờ mà ý nghĩa, câu chuyện về hành trình gian nan nhưng đã có được thành công của anh Nguyễn Đức Chính, chủ doanh nghiệp Đá quý Chính Biển, từng bước từ quê hương Ninh Bình đến vùng đất Yên Bái nổi tiếng với nghề đá quý, đã được hé lộ trong cuộc trò chuyện này.
Từ những bước chân đầu tiên tại xã Tân Hương, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, cho đến những thành tựu đáng kinh ngạc như tác phẩm tranh đá quý “Ba Bông Hoa Hồng”, mỗi chặng đường của anh là một hành trình trải nghiệm và khám phá mới.
– Xin chào anh Nguyễn Đức Chính, chủ doanh nghiệp Đá quý Chính Biển. Cảm ơn anh đã trò chuyện với chúng tôi và bạn đọc ngày hôm nay. Xin hỏi cơ duyên nào đã đưa anh đến với nghề đá quý và cụ thể là với quê hương đá quý Yên Bái?
– Xin gửi lời chào đến quý báo và tất cả bạn đọc. Tôi rất vui khi ngày hôm nay được trò chuyện và chia sẻ câu chuyện của mình. Tôi đến với nghề đá quý và quê hương Yên Bái khá tình cờ. Tôi vốn sinh ra tại Kim Sơn, Ninh Bình, và theo nghề khắc truyền thần ảnh trên đá bia mộ, thường thu hút được đông đảo khách hàng. Tôi có một người anh làm trong nghề đá, khi đó quan sát thấy tôi có tay nghề khéo léo nên gợi ý tôi vào làm đá quý. Ngày 8 tháng 2 năm 1998, anh đưa tôi lên xã Tân Hương, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái để học nghề tạo tác đá quý. Tôi cảm thấy yêu thích nên đã bén duyên và theo đuổi lâu dài từ đó.
– Khi đó, anh nhận thấy tiềm năng gì ở đá quý Yên Bái?
– Tôi đã tập luyện rất kiên trì và đặt hết đam mê, tâm huyết vào nghề làm đá quý từ đó. Chỉ sau 3 tháng, đã có rất nhiều khách hàng đến đặt tôi chế tác nhiều loại đá và trang sức. Tôi thấy các sản phẩm làm ra rất đẹp và cao quý, phục vụ đủ nhu cầu của các khách hàng ở mọi lứa tuổi, tiềm năng phát triển rất lớn nhưng lúc đó vẫn chưa nhiều người biết đến đá quý Yên Bái.
– Sau đó, điều gì khiến anh nghĩ đến ý tưởng làm tranh đá quý?
Năm 2000, tôi nghe nói bên Thái Lan có làm tranh đá quý và có một công ty đá quý đã treo một bức tranh đá quý như vậy tại nơi làm việc. Tôi rất mong muốn được đến chiêm ngưỡng bức tranh đó để học hỏi nhưng lại không thể tiếp cận được. Tôi trăn trở và ngắm những viên đá vụn rất nhỏ với rất nhiều màu sắc phong phú, tưởng tượng và mong được xếp chúng thành một bức tranh thật đẹp. Có lẽ tôi đam mê nghệ thuật tranh đá quý từ đó. Thế là tôi tự ghép lại những viên đá quý nhỏ đó, tự tìm tòi, thử nghiệm, làm đi làm lại nhiều lần. Đến tháng 3 năm 2001, tôi đã ghép thành công bức tranh “Ba Bông Hoa Hồng” được trưng bày tại chợ Đá quý Lục Yên ngày đó.
– Trong quá trình làm tranh đá quý, anh đã gặp những khó khăn gì?
– Sau khi là người đầu tiên làm tranh đá quý thành công, tôi bắt đầu vận động anh em trong nghề làm tranh đá quý. Khi đó chúng tôi còn rất khó khăn về kinh tế, nên tôi động viên những anh chị có sẵn đá để làm những bức tranh đầu tiên. Người có đá thì bỏ đá, người có công thì bỏ công. Rất đáng tiếc là có bức tranh đá quý sau khi làm bị thất lạc, không thể tìm thấy…
– Vậy khách hàng đã đón nhận tranh đá quý như thế nào?
– Hồi đó chưa có điện thoại di động và các ứng dụng mạng xã hội chưa được quảng bá rộng rãi, chỉ có sóng truyền hình thì anh em chúng tôi lại không có điều kiện đầu tư. Nhiều khi làm ra sản phẩm đẹp cũng không biết tìm đến đâu để giới thiệu được sản phẩm của mình. Tôi cảm thấy buồn vì không thể lan tỏa được thông tin về sản phẩm tranh đá quý nên quyết định về ở ẩn. Sau đó tôi lập gia đình và quyết định cùng vợ tạo dựng sự nghiệp, thành lập Đá quý Chính Biển.
– Sau đó nhờ đâu mà anh đạt được thành công trên con đường phát triển đá quý Yên Bái và Đá quý Chính Biển?
– Sau nhiều năm cống hiến và tận tâm với nghề, đến năm 2015 tôi được Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam trao tặng Danh hiệu Nghệ nhân Bàn tay vàng. Năm 2016, tôi thành lập Câu lạc bộ Đam mê Đá quý Km9 Yên Bái quy tụ được nhiều anh em yêu đá quý đến giao lưu và gặp gỡ. Sau đó nhờ uy tín của Đá quý Chính Biển và bề dày hoạt động của tôi, cũng như sự xuất hiện của mạng xã hội và nhiều kênh thông tin báo chí trực tuyến, tôi đã gây được tiếng vang cho Đá quý Chính Biển nói riêng và nghề đá quý Yên Bái nói chung. Tôi được rất nhiều cá nhân và hội đoàn đến thăm, đặc biệt là Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Hà Nội, tôi đã có thêm niềm đam mê nhiếp ảnh từ đó. Tôi cũng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất tranh đá quý trong tỉnh và quảng bá sản phẩm qua rất nhiều kênh thông tin và mạng xã hội.
Tháng 2/2018, tôi được tặng Bảng Vàng Vinh Danh và trao chứng nhận Doanh Nhân Vàng Đất Việt Thời Hội Nhập. Năm 2023, doanh nghiệp Chính Biển được chứng nhận nằm trong Top 10 Thương hiệu tín nhiệm hàng đầu châu Á và Top 10 Sản phẩm chất lượng cao vì người tiêu dùng. Tôi đã đăng ký bản quyền cho thương hiệu Đá quý Chính Biển, và hiện nay tôi đang đảm đương vai trò Phó Chủ tịch Hiệp hội Đá quý Yên Bái.
– Được biết đến là một doanh nhân hào phóng và tận tâm với xã hội, thường tổ chức quyên góp cho các quỹ của tỉnh Yên Bái. Vậy đối tượng thiện nguyện của anh là ai?
– Tôi sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó và đã trải qua nhiều sóng gió, nhọc nhằn trên bước đường tạo dựng sự nghiệp. Vì thế tôi rất trân trọng ân nghĩa và tình cảm đến với tôi trên đường đời. Khi gặt hái được thành công trong sự nghiệp, tôi muốn tìm đến những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, cũng giống tôi ngày xưa, giúp đỡ các em và truyền động lực để các em vượt qua nghịch cảnh và vươn lên trong cuộc sống.
Năm 2016, khi lũ quét xảy ra tại thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái, Đá quý Chính Biển đã kêu gọi các anh chị em cùng nhau chung tay quyên góp và giúp đỡ bà con tại các xã bị lũ cuốn trôi bằng 500 suất quà. Năm 2018, Câu lạc bộ Đam mê Đá quý Km9 Yên Bái cũng tổ chức trao quà cho các em học sinh nghèo vượt khó tại huyện Yên Bình, Yên Bái… Gần đây nhất là trong Triển lãm Đá quý khai xuân 2024 tại Chợ Đá quý Yên Bái, tôi đã tổ chức bán đấu giá nhiều bức tranh đá quý để quyên góp cho Quỹ bảo trợ trẻ em Yên Bái.
– Quay lại với chủ đề đá quý, anh suy nghĩ thế nào về tương lai của đá quý Yên Bái?
– Cá nhân tôi cảm thấy đá quý Yên Bái là trang sức có chất lượng cao, rất đẹp và tinh tế, thêm vào đó năng lượng của đá rất tốt và mang lại nhiều may mắn về mặt tâm linh. Đối với tôi thì mỗi viên đá có linh hồn của riêng mình. Ngoài ra, tôi cũng rất quan tâm đến nét đẹp bản sắc văn hóa truyền thống của bà con người dân tộc thiểu số ở huyện Yên Bình, huyện Lục Yên và nhiều nơi khác tại Yên Bái. Và tôi thấy rằng chưa nhiều người biết đến những điều này. Vậy nên tôi rất mong muốn được đưa đá quý và văn hóa phi vật thể vào chương trình du lịch để quảng bá và bảo tồn những giá trị của quê hương Yên Bái. Tôi cũng hy vọng rằng khách du lịch đến với chúng tôi sẽ được trải nghiệm những chuyến đi bổ ích và chọn được cho mình các sản phẩm trang sức tinh tế, hiểu được tấm lòng người Yên Bái hiếu khách, chân thành và ghi lại nhiều kỷ niệm đẹp về mảnh đất này.
– Xin cảm ơn anh. Chúc anh đạt được tâm nguyện của mình và luôn tràn đầy nhiệt huyết!
– Xin gửi lời chúc sức khỏe và bình an đến quý báo và bạn đọc, xin cảm ơn quý báo vì đã cho Đức Chính được trải lòng ngày hôm nay, xin cảm ơn bạn đọc đã đón nhận và xin cảm ơn những người thân yêu và bạn hữu của tôi!
Trần Quỳnh Hoa
(Thực hiện)
GIPHY App Key not set. Please check settings