Nữ nhà văn Lauren St John sinh năm 1966 tại Gatooma, Rhodesia, nay là Kadoma, Zimbabwe. Năm 11 tuổi, cô cùng gia đình chuyển đến một trại bảo tồn động vật hoang dã có tên là Rainbow’s End tại Gadzema, đây là nơi khiến đam mê văn chương của cô bung nở.
Mời gọi độc giả đến với châu Phi
Tại Zimbabwe, Lauren St John lớn lên cùng tám con ngựa, hai con lợn rừng và một con hươu cao cổ. Cuộc sống nơi đây được tái hiện vô cùng sinh động trong cuốn hồi kí sau này của cô, cũng là những chất liệu sống phong phú cho vốn văn chương của Lauren St John.
Cô là tác giả của nhiều cuốn sách về thể thao và âm nhạc, và loạt sách dành cho trẻ em. Những cuốn “Chú hươu cao cổ trắng”, “Khúc hát cá heo”, “Chú báo hoa cuối cùng”, “Câu chuyện bầy voi”, “Chiến dịch tê giác” đã giúp cô giành nhiều giải thưởng danh giá dành cho sách thiếu nhi: giải Sách thiếu nhi xuất sắc nhất của East Sussex năm 2008, giải thưởng danh giá Rebecca Caudill năm 2010…
Đáng nói, “Chú hươu cao cổ trắng” – câu chuyện khiến độc giả nhiều lứa tuổi trên thế giới rung động và ngưỡng mộ về tình bạn của cô bé Martin và chú hươu cao cổ trắng Jemmy – đã được dịch giả Bùi Xuân chuyển thể thành công sang tiếng Việt.
Lauren St John kể, cô đã dành cả một mùa đông mưa rơi dầm dề ở London để viết cuốn sách này. Ngay khi hoàn thiện, cô đã mong ước rằng cuốn sách sẽ khiến độc giả cảm thấy vui vẻ, thú vị. Và nếu rằng câu chuyện về Martine và chú hươu cao cổ trắng Jemmy khuyến khích dù chỉ một người muốn giúp động vật hoang dã, hoặc đến thăm, hoặc muốn biết về châu Phi, điều đó đã khiến cô vô cùng hạnh phúc rồi.
Thưởng thức cuốn sách “Chú hươu cao cổ trắng”, độc giả thấy rõ sự kết nối đặc biệt giữa Lauren St John và Bùi Xuân. Ở Lauren St John là tình yêu vô vàn dành cho thiên nhiên và động vật hoang dã; thì ở Bùi Xuân là sự thấu cảm tận cùng. Qua lời dịch của anh, độc giả bị cuốn vào thế giới thực tế, sống động, rực rỡ mà như mơ của cô bé Martine.
Vừa phải trải qua nỗi đau mất cha mẹ trong một vụ hỏa hoạn, Martine đã phải chuyển đến Nam Phi sống với bà ngoại và đối diện với cuộc sống hoàn toàn xa lạ. Nơi đây lưu truyền huyền thoại bí ẩn về một sinh vật trong truyền thuyết – chú hươu cao cổ trắng. Một đêm giông bão, Martine dường như không tin nổi vào mắt mình: trước khung cửa sổ phòng cô, chú hươu cao cổ với bộ lông trắng bạc lung linh xuất hiện…
Được viết ra bằng trải nghiệm thật, cảm xúc thật nên cuốn sách của Lauren St John khiến độc giả say mê dõi theo cuộc phiêu lưu của cô bé Martine, tham gia chuyến thám hiểm châu Phi li kì, hồi hộp cùng cô bé đi tìm lời giải về chú hươu cao cổ trắng, cảm thấy hạnh phúc, ấm áp khi chứng kiến tình bạn của cô bé Martine và chú hươu cao cổ trắng nảy nở, nghẹt thở để rồi mỉm cười sung sướng khi Martine giải cứu thành công “người bạn” quý giá của mình,…
Ngoài đời, Lauren St John không chỉ viết về đề tài thiên nhiên, cô còn điều hành một dự án bảo tồn được gọi là Animals Are Not Rubbish, làm việc với tổ chức từ thiện bảo vệ động vật hoang dã, Born Free Foundation.
Giáo dục trẻ em bằng câu chuyện giàu tính nhân văn
Trẻ em sinh ra là để yêu Trái đất. Chúng chăm sóc chim, hoa, thực vật và động vật theo cách thuần khiết và ngọt ngào nhất. Nhìn thấy những đứa trẻ ngửi một bông hoa, ngạc nhiên trước một con ong vo ve xung quanh và nhảy lên sung sướng khi nhìn thấy một con nai chỉ là một vài trong số những cách mà trẻ em thể hiện sự kết nối, tình yêu và sự kính trọng của chúng đối với Mẹ Thiên nhiên. Sự thật là những đứa trẻ thuần khiết sẽ không muốn làm bất cứ điều gì để hại thiên nhiên.
“Chú hươu cao cổ trắng” được Lauren St John viết ra với mục đích lan tỏa thông điệp này. Thế nên cuốn sách cũng đóng vai trò như một cẩm nang dạy trẻ về tình yêu dành cho thế giới tự nhiên. Những trải nghiệm của cô bé Martine trong truyện thu hút trí tuệ và cảm xúc, đồng thời khiến độc giả nhí không chỉ cảm thấy được kết nối mà còn nhận ra mình là một phần không thể thiếu của tự nhiên.
Động vật có thể giúp trẻ em phát triển sự nhạy cảm với người khác, chúng có thể mang lại sự thoải mái và thậm chí chúng có thể cung cấp một bảng thông báo an toàn cho những bí mật và cảm xúc mà trẻ em không chia sẻ với người lớn.
Dù tình yêu của trẻ dành cho động vật ở dạng nào thì rõ ràng động vật rất đặc biệt đối với trẻ. Một số đứa trẻ cởi mở hơn về tình yêu của chúng hơn những đứa trẻ khác. Một số trẻ có rất nhiều sở thích, trong khi những trẻ khác chỉ yêu thích một hoặc hai sở thích. Điều dường như đúng trên toàn cầu là bất kỳ đứa trẻ nào bạn hỏi đều có thể cho bạn biết điều gì đó mà chúng yêu thích về động vật.
Ngôn ngữ giao tiếp giữa cô bé Martine và chú hươu cao cổ trắng là điều làm độc giả chú ý và liên hệ với thực tế. Giao tiếp với động vật mang đến cho trẻ em sự tự do mà không phải lúc nào chúng cũng có được khi nói chuyện với người lớn. Ngược lại, động vật lắng nghe mà không thắc mắc, không đòi hỏi. Chúng nghe những gì trẻ nói và không ép trẻ nói gì thêm. Và cho dù cảm xúc của một đứa trẻ có vẻ ngớ ngẩn hoặc tầm thường đến mức nào, thú cưng dễ tiếp thu sẽ không bao giờ cười nhạo, xua đuổi hoặc coi thường đứa trẻ đó vì đã có những cảm xúc đó.
Hơn nữa, câu chuyện đầy ý nghĩa mà Lauren St John viết ra và được truyền tải bằng lời dịch gần gũi, sinh động, dễ thương của Bùi Xuân, khiến độc giả cứ gấp – mở cuốn sách liên tục bởi những triết lý giá trị về cuộc sống: “Nếu bạn yêu một cái gì đó thì hãy để nó tự do. Nếu nó trở lại với bạn thì nó là của bạn. Nếu không thì nó chẳng bao giờ là của bạn”…; “Đôi khi, điều gây tổn hại cho kẻ thù của bạn nhất là để chúng thấy rằng bạn không giống chúng”,…
Chắc rằng, không chỉ độc giả nhí, mà bất cứ ai vốn dành tình yêu sâu đậm cho thế giới tự nhiên, ngay khi thưởng thức cuốn “Chú hươu cao cổ trắng”, sẽ ước ao được một lần đặt chân đến châu Phi, được chiêm ngưỡng động vật hoang dã, và lãng mạn hơn, là được bầu bạn với chúng.
Tiểu Mai
GIPHY App Key not set. Please check settings