Tóm tắt tiểu sử
Tiến sĩ Reshma Ramesh là một nhà thơ song ngữ viết bằng tiếng Anh và tiếng Kannada. Cô từng đoạt giải thưởng cho tác phẩm song ngữ. Cô từng có hai ấn phẩm đặc biệt có tựa đề ‘Sự phản chiếu của Ảo ảnh’ và ‘Nửa vầng trăng”. Cô còn có tập thơ và ảnh ‘Ngôn ngữ của bóng tối’.
Cô là một nhà thơ, nhà văn sáng tạo, biên tập viên, nhiếp ảnh gia và dịch giả. Reshma vinh dự có bài thơ ‘Xin dâng trái tim tôi ở Olympos’ được trưng bày tại khu tàn tích của Thành phố cổ Olympos, Thổ Nhĩ Kỳ.
Cô là đại diện cho Ấn Độ tại các lễ hội quốc tế uy tín như Lễ hội Medellin Colombia, Thơ ca vì Hòa bình Nepal, Lễ hội Văn học và Văn hóa Olympos Quốc tế Antalya, lễ hội UNESCO Istanbul, Đại hội thơ Thế giới lần thứ 37 của Mông Cổ. Cô có bằng xuất sắc trong lĩnh vực nhiếp ảnh KSOU của BFA.
Những ngọn núi có ký ức
Tiến sĩ Reshma Ramesh
(Khánh Phương dịch từ bản tiếng Anh)
Ký ức về sự im lặng, về cơn mưa chầm chậm,
Về sắc tím ẩm ướt, những bài thơ chưa kịp viết lên,
Tiếng gọi của người chăn cừu, sự thanh thản của bông tuyết rơi,
Và cả cơn gió lạnh sinh ra giữa hàng thông ngái ngủ.
Những ngọn núi dường như đã nuốt chửng
Tiếng khóc mỗi bình minh, nắm xương tàn của người lính
Khoảng cách hư vô giữa chiếc lá rơi và mặt đất.
Chúng bình thản như thể chẳng quan tâm đến sự có mặt của ai.
Giống như thể chẳng có gì làm xấu đi hình ảnh thung lũng bị đốt cháy
không ai khóc thương
thậm chí chẳng xót xa gì con chim run rẩy vì đứa con của nó chưa kịp chào đời.
Thế mà, bỗng dưng chúng trở nên sống động
Những ngọn núi trở mình trên con đường có con ngựa dong chơi,
Những chú ong mật no nê, tiếng kêu be be của chú cừu non nào đó.
Chẳng mấy chốc mọi thứ lại đổi thay
Như thể bị nhấn chìm sự cô độc trong lòng bàn tay tôi.
Có lẽ một ngày nào đó chúng sẽ thức dậy
Và ta biết, chúng cũng có trái tim!
Bài thơ này
Bài thơ này ví như ngôi nhà đóng kín cửa
nơi mùa đông tạm ở bên ngoài để ưu tiên cho việc nhâm nhi những cuốn sách
những trang sách được đánh dấu, được nghiền ngẫm suy tư.
Bài thơ này đang nhởn nhơ nhìn ra ngoài ô cửa,
Ngoài kia phố phường tấp nập ngược xuôi
biển được chuyển thể thành những con đường, nối đuôi nhau
như thể người lính bước đi trên đi đôi giày nặng nhọc mơ tưởng về quê hương.
Bài thơ này là con thuyền giấy giăng buồm từ em sang anh
đen trắng, ướt át, mang theo những đứa trẻ ra hải đảo
chúng mơ ước được thức dậy bên cạnh người mẹ của mình.
Bài thơ này là một con phố ở một thời gian nào đó trên một không gian không rõ ràng
chúng ta sẽ gặp nhau để vỗ về em
mà nếu không gặp được nhau thì hãy đặt tay anh lên ngực em.
Bài thơ này là bài thơ xuất hiện lần thứ hai
một cậu bé mà khắp mình bị bao phủ lớp đen bồ hóng,
không lời nhưng như thể đẫm lời, nhắc nhở anh rằng
anh chưa bao giờ thoát khỏi nơi mà anh được sinh ra
Đây không phải là một bài thơ
Đây không phải là một bài thơ
Mà là những lời đẫm máu thịt
Những điều miêu tả trong giờ giới nghiêm
Đó là nội dung chính của một bài hát
Một phong thư không lời
Nút thắt rối rắm của người Trung Hoa đang thiêu rụi
Đầu hàng vì một nửa chiếc bánh
Tấm bảng đen trơ trụi trong trường học
Là sự im lặng ở khu Gupkar
Ánh sáng mờ dần của con ngươi.
Là bằng chứng của viên đạn
Cơn điên của người đàn ông
Mảnh đạn không thể tha thứ
Làm con mắt bị lồi ra, lưỡi thè lè
Con ốc ngậm lời cầu nguyện
Đây không phải là một bài thơ
Bởi chẳng ai có thời gian
Để viết nên thơ cả
Một nơi mà anh sẽ không bao giờ ghé thăm
Chẳng ai có thời gian để mà lắng nghe
Về ngôi nhà trống rỗng
Chẳng ai có thời gian để nhìn vào mắt
Của những người chẳng chút quyền lực có thể biến mất
ngay trong ngày mai?
…Nếu tình cờ anh có quên
Như anh vẫn thường như vậy…
Đây không phải là một bài thơ
Im lặng
Im lặng là một điều thầm kín của biển cả,
là bức tường bồ hóng,
là ký ức thân mật có yếu tố dung tục.
Im lặng là vùng nước nông quanh mắt cá chân,
là ánh chiều chôn vùi tổ én.
Im lặng là nụ hôn lơ lửng,
ướt át và dang dở.
Im lặng là cánh tay trống rỗng ra tay cứu đói
Vươn tới những ngọn núi
Im lặng là cánh cửa mở ra như một cuốn sách
Và khép lại như một bài thơ.
Những thứ ông bỏ lại phía sau
Ông tôi để lại,
Những cánh hoa rơi, vài cây cam trơ trụi
Một khoảng sân bao la
Có những điều chưa được khám phá
Mọi thứ rất thân quen
Một căn phòng đầy ánh sáng
Dòng sông hiền hòa
Bàn chân đau nhức của bà
Ông bỏ lại phía sau,
tấm rèm trang trí
lời yêu thầm thì
bàn tay hé mở
cây xoài rụng quả
lời cầu nguyện thiết tha
Viên ngói vỡ,
nơi con chim dệt tổ
trên mái nhà
Nơi những con mọt trú ngụ
Trong trang sách những câu chuyện ru ngủ
Ông để lại phía sau,
bà tôi
trong một căn phòng hờn dỗi
có ô cửa sổ mở toang
những thứ từ biển cả lấp đầy ngực bà
nét tang thương của ngôi nhà trống rỗng
Đó là tất cả những thứ mà ông bỏ lại phía sau.
Sống trong thơ
Sống trong thơ là thức dậy với những động từ suy tư trăn trở
Với những mệnh đề nhận thức mộng mơ
Với những giới từ không xa lạ với tình yêu!
Sống trong thơ là gắn với trạng từ mang tính phán xử
Bức tranh nào treo trên tường phù hợp,
Đoạn trích nào quy định ai giặt giũ, nấu ăn
Đại từ nào cần bỏ qua không tính.
Sống trong thơ là thông thổ biểu đạt
Dùng từ nào cho cái chết đau thương,
Ngôn ngữ nào khi nói về người mẹ
Miêu tả nào để tránh những nhàm chán.
Sống trong thơ là có cùng nhịp đập,
Là tiếng nói đồng cảm của số phận mong manh
Để cảm nhận dòng máu trong tĩnh mạch
Ngữ pháp ư, trình tự ư… đừng nên xem trọng
Bởi chẳng có gì là tuyệt đối đúng sai
Sống trong thơ là có ngôi nhà mà chẳng ai muốn ghé qua
Bởi ngôi nhà mà chủ nhân luôn vắng mặt
Có đi xa mới tìm ra mới mẻ
Một chốn vô thường như trái tim bướng bỉnh
Nơi mỗi ngày tôi học cách chịu đựng
Với những người xa lạ trong thế giới chúng ta
Những tay sai của thành phố Sivakasi
Người ta nói ngay cả những con chim không bay cũng có cánh
Và Hoa nhài tỏa hương thơm mang lợi ích cho đời như chiếc ô che mưa
Trong một thế giới có những tay sai
lấp lánh ánh bạc như món đồ trang trí trên áo của bà Amma
xoay xở, chà xát, cán nhôm lên trang giấy
Lỗ mũi lấp đầy lưu huỳnh, da đầu khô do thủy ngân
Người ta đang xây dựng một di sản được tô son điểm phấn và thuốc súng
Nó thối rữa như trái cây hỏng trong nhà máy tối tăm không cửa sổ
Những tay sai của Sivakasi ngày đêm bận rộn với công việc
Thắt vào và cởi ra những tia hy vọng,
Điều này xảy ra mỗi ngày
Ở đâu đó ta biết vẫn chúng đang tồn tại
Có những người chỉ vì tiền
trẻ em có ý thức của chúng
Chúng ta sẽ tới khu đất trống trên Diwali
Và mua những trái pháo cho con em chúng ta
để khi trở về nhà, tất cả chúng ta có thể
Thiêu rụi những tay sai của Sivakasi, cho đến khi bầu trời bừng sáng
và mặt đất bên dưới chứa đầy tro
và họ, những tay sai của Sivakasi được chôn với cái miệng há hốc.
GIPHY App Key not set. Please check settings