“Phố vợ cũ”, tập thơ của Thy Nguyên lạ từ cái tựa cho đến nội dung. Nhưng, yếu tố gây ấn tượng mạnh nhất đối với người đọc chính là chất nghệ của thi sĩ.
Sự độc đáo khiến chúng ta trở nên đặc biệt, khiến nhận thức trở nên có giá trị, nhưng nó cũng có thể khiến chúng ta cô đơn. Vì cô đơn mà cuộc đời mỗi chúng ta có thêm trăm nỗi khác. Còn với Thy Nguyên, cô đơn đã tạo nên sự độc đáo của chị trên thi đàn.
“Phố vợ cũ” hầu như không giới thiệu về tác giả, có chăng chỉ là vài dòng gọn gàng nhằm giải đáp câu hỏi to đùng của bất cứ ai, khi tình cờ liếc thấy tập thơ này: “Phố Vợ Cũ là gì?”.
Ở bìa 4 của tập thơ, Thy Nguyên viết: “Phố Vợ Cũ ở thành phố nào cũng có, nó nằm trong tâm tưởng của những chồng những vợ từng chung nhau một đoạn đời cũ…”
Còn Thy Nguyên là ai? Khi thưởng thức trọn vẹn tập thơ của chị, hẳn mỗi độc giả sẽ có câu trả lời cho riêng mình.
“Có những ngày như nằm trên sạn/ Em co mình không biết duỗi về đâu…” – Đó là Thy Nguyên. Hiếm ai thở ra nỗi buồn, nỗi cơ đơn, sự chông chênh, mà không hờn giận và phán xét một cách duyên dáng đến thế.
“Hải Phòng có phố vợ cũ anh biết chưa?/ Nắng cứ mềm uống những lần em khóc/ Trăm hiu hắt đuổi nhau thành mưa móc/ Phố gối đầu lên sóng tắm ba mươi…/ An nhiên nằm ngoài, bất định nằm ngang/ Hạnh phúc nhỡ độ đường, dùng dằng hun hút/ Tóc người bạc lẫn gối chăn vuông vức/ Đặt căn phòng trong tam giác heo may…”
Tập thơ “Phố vợ cũ” – Nhà xuất bản Hội Nhà văn
Nỗi buồn, thoạt nghe thì tưởng đáng sợ, nhưng khi đã chìm sâu trong nó, thậm chí chạm tới đáy của nó, ta sẽ thấy nó chẳng có gì đáng sợ, ngược lại, nỗi buồn còn có lợi, chẳng hạn như giúp khơi gợi sự đồng cảm và thanh lọc những cảm xúc tiêu cực.
Với Thy Nguyên, nỗi buồn là màu sắc để chị vẽ nên bức họa thi ca tuyệt đẹp, là vũ trụ sáng tạo để tâm hồn nghệ sĩ của chị được thỏa sức tự do bay bổng. Có cảm giác Thy Nguyên có thể thốt ra thơ bất cứ lúc nào, ngay cả khi vừa tỉnh giấc:
“Hơn cả bài thơ là câu thơ dang dở/ Em giặt những bình minh và treo lên bậu cửa/ Cánh cửa của những ngày chưa xa/ Cánh cửa của những ngày đang cũ…”
“Bông cúc thùa vào tay em ngủ lại/ Hoa sứ cười trong gió gẩy run run/ Ô cửa sổ im im vỗ ngọt/ Có gót chân nắn nót thả về…”
Nhặt nhạnh và nâng niu từng mảnh vụn ký ức mà tạo nên cả một “gallery” tráng lệ như vậy, chỉ có thể là Thy Nguyên. Thẳm sâu trong nỗi buồn lấp lánh của chị, người đọc ít nhiều đều tìm thấy chính mình ở đó, vì thế mà họ có cảm giác được lắng nghe, được đồng cảm rồi lại giật mình khi đọc được gan ruột của Thy Nguyên: “Con người đáng buồn nhất chính là đánh rơi hay phải mất đi ký ức.”
Có người nói “Thy Nguyên là người đàn bà của yêu thương và những khát khao. Chị yêu thương, trân trọng cuộc sống lứa đôi. Nhưng rồi đa đoan tội tình như một cái án cho kiếp má hồng vướng phải sao thi nhân chiếu mệnh. Thế nên dễ nhận thấy thơ Thy Nguyên là miền day trở, thoi nhói, chơ vơ mà vẫn kiêu hãnh của con số lẻ ra sau một phép chia.”
Nhà thơ Thy Nguyên
Điều này đúng, nhưng có lẽ thơ Thy Nguyên còn có chất thiền. Chìm trong câu chữ của chị, người đọc cảm thấy bình yên. Vui cũng được, buồn cũng chẳng sao, hạnh phúc được thì tốt, mà cô độc cũng thế thôi.
“Ngủ đi em/ Mai là năm khác/ Cánh cửa mở đón ngọn đông phong xù xì…”
Chạm vào từng mảng thời gian và kết nối với chính mình ở đó cũng là một cách chữa lành. Khi chiêm ngưỡng ký ức ở một góc nhìn khác, một tâm thế khác, thì buồn đau hay dằn vặt đều là “vitamin” bổ dưỡng tâm hồn. Suy cho cùng, sự cô đơn cũng là một phần cơ bản của phận người.
“Em vừa đi ra từ cô độc/ Thấy anh xanh lạnh tường rêu/ Thành phố gió mùa đông bắc/ Hạt bụi cát cạnh chỗ nằm…”
Đọc thơ về sự cô đơn khiến người đọc được an ủi vì họ cảm thấy được kết nối với trải nghiệm về sự cô đơn mà người khác thể hiện. Ngay cả khi về mặt ngôn ngữ, người đọc không thể hoàn toàn nắm bắt được sự cô đơn là gì đối với tác giả, thì ít nhất họ cũng có thể coi sự cô đơn của mình như một thứ gì đó được chia sẻ, sẽ tốt hơn là khi bị chôn vùi, bị giấu đi mà chẳng bao giờ biến mất.
Nhà triết học Bertrand Russell từng thể hiện rất hay về trải nghiệm này, sau một thời kỳ cô đơn tột độ, ông viết: “Tất cả những ai nhận thức được cuộc sống con người là gì đều phải có lúc cảm thấy sự cô đơn kỳ lạ của mỗi tâm hồn riêng biệt, và sau đó là sự khám phá ở những người khác về sự cô đơn. Nỗi cô đơn tương tự lại tạo nên một sợi dây ràng buộc mới lạ, và sự lớn lên của lòng trắc ẩn thật ấm áp, giống như sự bù đắp cho những gì đã mất.”
“Tháng Bảy thắp nôn nao trong ly trà con ướp/ Sáng nay lũ chim xao động khu vườn/ Chúng ta cùng gieo tuổi hai mươi gió thắp/ Đợi những yêu thương nơi tháng Bảy nảy mầm…”
Thy Nguyên tâm sự: “Cái cũ có thể không bắt đầu cho bạn một khởi nguồn mới nhưng chắc chắn là thiên đệm của ký ức gốc tích”. Rơi xuống tột cùng của nỗi buồn và cô đơn, con người vẫn kiêu hãnh đứng dậy và bước đi, đưa mình về thực tại. Một kiểu thức tỉnh có thể dẫn đến một trải nghiệm trong cuộc sống, tạo ra một kiểu nhận thức dẫn đến con đường sáng tạo nghệ thuật. “Phố vợ cũ” thể hiện tính cách, bản lĩnh cùng tài hoa nghệ thuật của Thy Nguyên. Thơ chị không chỉ có vẻ đẹp của nỗi đau, mà còn có ánh sáng của tình người.
Tiểu Mai.
“Đất và Máu” – Tiểu thuyết của Đặng Huỳnh Thái, đã vươn xa, bay xa
Nhà thơ Jang Geon – Seob: Mỗi lần đến Việt Nam lại thêm yêu mến
Trỗi dậy giấc mơ bình yên trong tiểu thuyết “Suối Cọp” của nhà văn Hữu Ước
Gặp gỡ nữ sĩ người Qatar Soad Al-Kuwari tại Hà Nội
GIPHY App Key not set. Please check settings