in

Di Cảo Đặng Đình Hưng, gánh thơ để lại cho đời sau

Trần Quỳnh Hoa

Ngày 19/12/2024, tại NXB Hội Nhà văn đã tổ chức lễ ra mắt cuốn “Di Cảo Đặng Đình Hưng” nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi sĩ Đặng Đình Hưng (1924 – 2024). Cuốn sách giới thiệu các tác phẩm thơ chưa từng được xuất bản của Đặng Đình Hưng và một số trang thủ bút, bao gồm nhiều bản thảo và ghi chép cá nhân do chính tay ông viết lúc sinh thời.

Bức ảnh “Nhà thơ Đặng Đình Hưng tại nhà riêng” năm 1984 của NAG Hà Tường, triển lãm tại NXB Hội Nhà văn. Trong ảnh, nhà thơ Đặng Đình Hưng đang ngồi cạnh mấy bức tranh giấy, tấm bằng khen của con trai Đặng Thái Sơn; và mặc chiếc áo mới Đặng Thái Sơn vừa gửi về.

Nhà thơ Đặng Đình Hưng (1924 – 1990), quê ở làng Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội. Những tác phẩm đã xuất bản của nhà thơ bao gồm: Một số ca khúc (in bướm), Tranh Đặng Đình Hưng (1989), Bến Lạ (thơ, 1991), Ô Mai (thơ, 1993) và Đặng Đình Hưng – Một Bến Lạ (thơ & họa, 2021). Nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng Việt Nam, Đặng Thái Sơn, là con trai của ông.

Cuốn “Di Cảo Đặng Đình Hưng”, NXB Hội Nhà văn

Cuốn “Di Cảo Đặng Đình Hưng” là tập hợp các tác phẩm thơ của ông, được chia thành các phần: R R A A  / 1965, Song A / 1965, THƠ 3-3 / 1968, Tôi có trăm xu / 1968, Phù Đổng Ca / 1970; cùng với phụ lục là những bức thư và bài viết về Đặng Đình Hưng từ những người bạn đương thời và học trò của ông thời xưa, như “Thư Trần Dần gửi Đặng Đình Hưng”, “Thư gửi người âm – Hoàng Cầm”, “Chân dung Đặng Đình Hưng – Hà Tường”, “Người thầy tôi – Lê Thiết Cương”… trình bày xen kẽ với vài trang thủ bút của ông lúc sinh thời. 

Một trang ghi chép của Đặng Đình Hưng được in trong cuốn Di Cảo
Họa sĩ Lê Thiết Cương phát biểu tại sự kiện.

Họa sĩ Lê Thiết Cương là một người học trò của Đặng Đình Hưng, anh được thi sĩ dạy về hội họa và nghệ thuật nói chung. Thỉnh thoảng được thầy nhờ mang các trang thơ viết tay lên cho bác thợ đánh máy chữ giỏi nhất Bộ ngoại giao đã về hưu ở tầng trên, Lê Thiết Cương đã có thời gian ngồi đọc các bài thơ ấy, trong lúc chờ bác đánh máy. Và anh thích thơ Đặng Đình Hưng từ đó. Năm 2021, anh và nhóm cộng sự đã biên soạn và cho ra mắt tác phẩm “Đặng Đình Hưng – Một Bến Lạ” (thơ & họa) tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace (Hà Nội). Sau hôm đó, nhiều người bạn đã tin tưởng và trao gửi anh thêm nhiều bản thủ bút các tác phẩm của Đặng Đình Hưng với mong muốn chúng sẽ được xuất bản. Đó là lý do Lê Thiết Cương trở thành người tổ chức bản thảo cho cuốn Di Cảo, với quyết tâm đưa thi ca của thầy đến với đông đảo bạn đọc. Công việc này càng ý nghĩa hơn khi cuốn sách được xuất bản đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố nhà thơ. 

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại sự kiện.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã chia sẻ cảm nhận về một bài thơ trong cuốn Di Cảo: “Tôi có trăm xu”. Với ông, gốm có men và ngôn ngữ cũng có men. Ngôn ngữ trong bài thơ “Tôi có trăm xu” như thứ men đẹp tỏa sáng trong lòng ông, thoảng hương mùi gốm chữ, “cái mùi xa xa, hoang hoang, trầm trầm, trong suốt và bí ẩn”. Đọc xong cũng không rõ bài thơ này được viết từ bao giờ, cách đây rất lâu hay vừa mới chiều qua, hay chưa bao giờ được viết mà chỉ là tiếng vọng về từ thời xa xưa hay từ tương lai tới. Không biết mệnh giá của bài thơ này trong thời đại ngày nay là bao nhiêu?

Một sinh viên người Việt của đại học kiến trúc Melbourne (Úc), bạn Phạm Vũ Hoàng Anh, cũng chia sẻ niềm yêu thích thơ Đặng Đình Hưng và đặc biệt là bài “Tôi có trăm xu”. Hoàng Anh thấy mỗi tác phẩm của Đặng Đình Hưng được bố trí và viết một cách tỉ mỉ ở từng trang giấy, còn các bức tranh của ông có nét vẽ nhẹ nhõm và tự do. Tác phẩm của Đặng Đình Hưng rất trung thực, không phải với chính mình, mà là trung thực với bản thân tác phẩm.

Một số bức tranh của Đặng Đình Hưng
Nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn biểu diễn tại buổi lễ. 

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn ngày hôm nay đã chơi lại bản nhạc Chopin chứa đựng kỷ niệm ngày xưa của cậu bé Đặng Thái Sơn và cha Đặng Đình Hưng. Lúc ấy anh mới 12, 13 tuổi, và chơi trên cây đàn piano đứng có âm thanh bị phô của gia đình; nhưng bố anh rất thích và chăm chú lắng nghe anh chơi. Anh cảm thấy xúc động khi cuốn Di Cảo được xuất bản. Giờ đây, cha anh không chỉ thuộc về gia đình, mà thuộc về tất cả mọi người. 

“Tôi có trăm xu

tôi đi tám phố

mua con đường dài

vừa đi vừa nghỉ

mua năm xu ánh sáng

sống ghẹ mặt trời

mua năm xu chơi vơi

mủi lòng viên đạn

mua năm xu mưa lay phay

trang hoàng dậu sắt…”

(Trích đoạn bài thơ “Tôi có trăm xu” của Đặng Đình Hưng)

What do you think?

Thơ Saumyaajit Achharya – Ấn Độ

Người trẻ “vướng mắc” gì với văn chương?