in

Đối thoại với chính mình qua tập sách mới nhất của Phan Đăng

Trần Quỳnh Hoa

Sáng ngày 21/9/2024, tại NXB Hội Nhà văn đã tổ chức lễ ra mắt hai tác phẩm mới nhất là tập thơ “Tôi ngỡ tôi là người” và tập tản văn “39 câu chuyện cho Tâm an” của tác giả Phan Đăng. Trong đó, “Tôi ngỡ tôi là người” là tập thơ đầu tay của anh. Tham gia sự kiện có nhiều nhà văn, nhà báo, văn nghệ sĩ, bạn bè và học trò từ các lớp học thiền của Phan Đăng… 

Phan Đăng (áo xanh) chụp ảnh lưu niệm cùng khách mời.
MC Hồng Nhung và tác giả Phan Đăng chia sẻ về hai tác phẩm mới. 

Phan Đăng được biết đến nhiều với vai trò nhà báo, bình luận viên bóng đá, người dẫn chương trình “Ai là triệu phú”, thư ký tòa soạn tờ An ninh thế giới Giữa và Cuối tháng, diễn giả… Năm 2016, anh ra mắt cuốn sách về chân dung bóng đá Việt Nam với nhan đề “Ơ kìa, làng bóng trong mắt tôi”, là tập ký về 50 nhân vật trong làng bóng đá Việt Nam. Sau thời gian làm ở báo An ninh thế giới, anh tiếp tục viết cuốn “Ở trong đầu trí thức”, ghi lại cuộc trò chuyện của anh với các trí thức trong nước ở nhiều lĩnh vực. Năm 2023, khi bước vào tuổi 39, Phan Đăng xuất bản ba cuốn sách với con số 39: “39 câu hỏi cho người trẻ”,  “39 cuộc đối thoại cho người trẻ” và “39 đoản thiền để thấy”. Năm 2024, anh quyết định ra mắt thêm một cuốn sách với con số 39 là tập tản văn “39 câu chuyện cho Tâm an” cùng tập thơ đầu tay của mình, “Tôi ngỡ tôi là người”.

Cuốn “39 câu câu chuyện cho Tâm an” của tác giả Phan Đăng
Tập thơ đầu tiên của tác giả Phan Đăng, “Tôi ngỡ tôi là người”. Ảnh: Binhbook
Tiến sĩ khoa học, nhà báo Vũ Công Lập phát biểu tại sự kiện. 

Tiến sĩ khoa học, nhà báo Vũ Công Lập đã đến sự kiện chúc mừng Phan Đăng, sau khi vừa hoàn thành chuyến công tác dài ngày ở Đức. Theo ông, sự hiện diện của Phan Đăng tại đây ngày hôm nay là kết quả của quá trình biến đổi lớn lao trong bản thân anh: từ một người trẻ ham mê theo đuổi, tìm kiếm vinh quang sự nghiệp trong làng báo; trở thành một người sâu lắng, trở về với nội tâm, suy tư về bản thân và tìm lại chính mình. Sau đó, anh tìm cách trao đi giá trị mình đã tìm thấy cho xã hội. Bản thân nhà báo Vũ Công Lập cũng là một học trò trong lớp thiền của Phan Đăng. Ông thấy rằng sự bất an của tâm trí thường gây ra nhiều bệnh tật cho con người, dẫn đến trầm cảm, kiệt sức… Thiền là phương pháp luyện cho tâm an, và chỉ khi tâm an thì sức khoẻ mới được đảm bảo và chất lượng cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Theo nhà văn, nhà phê bình văn học Văn Giá, sau khi tìm về với bản thân mình, việc Phan Đăng đến với thơ là điều rất tự nhiên. Vì thơ là thế giới nội tâm. Trong “Tôi ngỡ tôi là người”, thơ và thiền đã gặp nhau. Thơ cũng chính là một dạng thức của thiền. Là người thầy giáo từng dạy Phan Đăng tại Học viện Báo chí, nhà văn Văn Giá cảm thấy thật mừng khi cậu học trò rất nghịch ngày xưa giờ đây đã trở thành một người đầy triển vọng, trở thành một nhà thơ trong đời sống văn chương. 

Bàn về hai tác phẩm mới nhất của Phan Đăng, nhà thơ Trần Đăng Khoa thấy rằng Phan Đăng có tài gợi chuyện rất khéo, biết cách dẫn người đọc vào câu chuyện của mình, kéo người đọc vào cuộc để người đọc cùng sáng tạo với anh. Anh đúng là một học trò giỏi của thiền sư Thích Nhất Hạnh, một ông sư tu tại gia có những bài giảng thiết thực cho cuộc sống thời nay. 

Tác giả Phan Đăng hướng dẫn thiền cho tất cả khách mời.

Người ta bỏ đá vào trong nỗi nhớ/ Nỗi nhớ chẳng nặng thêm/ Người ta bỏ mây vào trong quên/ Quên không vơi nhẹ/… Người ta bỏ người ta vào mê/ Mê bỏ đói người ta vào thực”, những lời thơ của Phan Đăng gợi mở thế giới nội tâm con người, hướng tới sự buông bỏ, chữa lành cho chính mình. Mong rằng bạn đọc sẽ tìm thấy bản thân mình thấp thoáng trong những trang sách của Phan Đăng, qua đó hướng cái nhìn của mình vào thế giới nội tâm để tìm lại cân bằng trong cuộc sống. 

What do you think?

Thơ Attila Szabó Palócz (Hungary)

Thơ Louise Glück (Mỹ) – song ngữ