Nguyễn Thị Kim là một Tiến sĩ Khoa học lĩnh vực Y Dược nhưng nặng lòng với văn chương. Năm 2022, cuốn hồi ký song ngữ mang tên “Phù sa ký ức” – tập 2 của bà được ra mắt và ngay lập tức để lại nhiều thổn thức trong lòng độc giả.
Nhìn lại để thấy bình yên
“Phù sa ký ức” – tập 2 là những mảnh hồi ức được tác giả ghi lại qua những trải nghiệm thật trong cuộc đời. Thứ tự các câu chuyện được sắp xếp ngẫu nhiên, nương theo cảm xúc của người viết. Có những câu chuyện kể về thời bao cấp, trong khi những câu chuyện khác đưa độc giả trở về thực tại, thời của Covid-19.
“Phù sa ký ức” cả hai phần với 75 câu chuyện trải đều cho một cuộc đời 80 năm. Điều này cho thấy, ở tuổi đáng ra phải được ngơi nghỉ, an nhàn, nhà thơ Nguyễn Thị Kim vẫn lao động hăng say, vẫn miệt mài viết và lan tỏa giá trị tinh thần đến với độc giả. Trong cuốn “Phù sa ký ức” – tập 2, bà đã viết bằng cả trái tim mình:
“Tôi nghĩ chỉ có người Việt Nam mới có cảnh “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”.
Cuộc sống vẫn còn đáng sống phải không mọi người? Dù đau thương gian khổ đến đâu, chúng ta vẫn không đầu hàng.
Đảng – Nhà nước và mọi người vẫn luôn sát cánh bên chúng ta. Đúng là “Cuộc đời vẫn đẹp sao”.
Tôi viết ra những dòng này vì tôi rất hạnh phúc. Trong những năm cuối cuộc đời mình, còn được chứng kiến bao nét đẹp của con người, tôi cũng đang phấn đấu đến phút chót đời, để được là một người TỬ TẾ”.
Mỗi câu chuyện đều được nhà thơ Nguyễn Thị Kim kể lại một cách nồng nàn cảm xúc. Dù vui hay buồn, mỗi trải nghiệm của bà cũng là một mảnh hồi ức đáng được nâng niu và trân trọng.
Cảm xúc đóng vai trò trung tâm trong cuộc đời mỗi con người từ khi chúng ta sinh ra cho đến khi ngừng thở. Bởi thế, khi có dịp kể chuyện đời mình, những người lớn tuổi luôn tìm thấy bình yên. Điều này có lẽ cũng đúng với nhà thơ Nguyễn Thị Kim. Bà viết trong “Phù sa ký ức” – tập 2:
“Thế là tôi ngồi viết, ôn lại những ký ức trong tám mươi năm cuộc đời, tôi viết trong một tháng, viết như lên đồng. Nhớ gì viết nấy, những ký ức vui có, buồn có, hạnh phúc và đau khổ… tất tật, tôi bộc bạch hết, tôi chả giấu gì cả. Cái nghèo, cái khổ, cái vất vả trong cuộc đời có phải là xấu đâu mà phải tìm cách che đậy. Chỉ mong các con cháu tôi sau này đọc tôi, rút ra cách khắc phục những bất hạnh đó như thế nào, vươn lên vượt qua số phận ra sao, nhất là lĩnh vực tri thức, tự thân phải học hỏi trau dồi, chẳng ai cho cũng chẳng ai nắm chân mình kéo lại…”
Cùng với một giọng kể trong trẻo, tự nhiên, thuần khiết, nhẹ nhàng, các câu chuyện lần lượt trải qua trước mắt độc giả như một cuốn phim quay chậm. Để rồi, ở những trang cuối, người đọc cảm nhận được trọn vẹn tình cảm của tác giả.
Giá trị đáng quý nhất của “Phù sa ký ức” chính là “dưỡng chất tinh thần” mà tác giả mang lại cho người đọc. Thứ dưỡng chất này được ví như một loài hoa dại ven đường, khiêm nhường mà tỏa hương theo cách của riêng mình.
Lời động viên nhẹ nhàng dành cho người cao tuổi
Đối với nhiều người, tuổi già mang lại sự tích lũy tổn thất không thể tránh khỏi. Nói một cách đơn giản, họ có thể đánh mất cảm giác được kết nối với một thứ gì đó lớn hơn chính họ. Chẳng hạn, việc mất đi một người thân chính là cách đau đớn nhất để tạo ra một khoảng trống cô đơn mà không một ai khác có thể thay thế.
Sau những cú sốc tinh thần, chúng ta thường nói về việc học cách sống trong thế giới một lần nữa, nhưng chúng ta thường có cảm giác xa lạ, đáng sợ. Đôi khi, trong một hoàn cảnh cụ thể, việc học lại cách làm “những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống” là một trải nghiệm cô đơn và đầy thử thách.
Với nhà thơ Nguyễn Thị Kim, khi đối mặt với những thử thách khó khăn như vậy, bà đã viết. “Phù sa ký ức” là sản phẩm của một người đã đi qua dâu bể cuộc đời. Khi nhìn lại, có lẽ bà không có gì phải hối hận vì đã trao trọn tấm lòng son cho những người thân yêu trong gia đình, bạn hữu, đồng nghiệp,…
Khi đi đến cuối cuộc đời, chúng ta thường mang những gánh nặng chồng chất trong lòng, chẳng hạn như cảm giác hối tiếc. Vết thương từ những gì đã qua có thể ám ảnh chúng ta cả đời. Nhưng nếu chúng ta lựa chọn nhìn lại, ngắm nghía và lắng nghe tất cả những trải nghiệm này, chúng ta sẽ thấy ngay cả sự cô đơn cũng có một ý nghĩa sâu sắc, nó đẹp hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể nghĩ.
“Gian nan, vất vả cả phần đời cũng đã qua đi và phần còn lại chưa hẳn đã hết vất vả. Nhưng tôi vẫn vô cùng biết ơn cuộc sống đã ban cho tôi tám mươi năm cuộc đời. Dù – cho – sướng – khổ – tôi – vẫn – rất – yêu – Người!
Cuộc sống ơi!!!”
Tiểu Mai
GIPHY App Key not set. Please check settings