“Gió gọi ban mai” – hợp tuyển thơ của 6 tác giả tài năng được ấn hành bởi Nhà xuất bản Văn học (3/2023) mang đến nét chấm phá lung linh trong thế giới thi ca.
Sau 4 năm thành lập, nhóm Nữ dịch giả Hà Nội (HFT) với 5 thành viên nữ là các nhà văn, nhà thơ, dịch giả văn học (Kiều Bích Hậu, Đỗ Mai Hòa, Võ Thị Như Mai, Khánh Phương và Phạm Vân Anh) đã kết nối, cộng tác với hàng chục dịch giả, biên tập viên, chủ bút tạp chí và nhà xuất bản nước ngoài nhằm giới thiệu vẻ đẹp tâm hồn Việt Nam qua thi ca tới bạn đọc toàn cầu.
Năm 2022, HFT có duyên gặp gỡ Thầy thuốc ưu tú- Dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu, một tâm hồn đam mê thơ, nhạc. Giữa ông và HFT có sự đồng điệu về ý chí vươn lên trong đời sống và đóng góp tài năng phát triển cộng đồng. Đó là lý do hợp tuyển thơ “Gió gọi ban mai” ra đời. Đây là hợp tuyển thơ song ngữ tập hợp 62 bài thơ của 6 tác giả: Trần Tựu, Kiều Bích Hậu, Đỗ Mai Hòa, Võ Thị Như Mai, Khánh Phương và Phạm Vân Anh. Biên tập bản tiếng Anh do Bob Chee đảm nhận.
Có thể nói, “Gió gọi ban mai” là cuộc gặp gỡ của 6 tâm hồn thuần khiết đam mê thi ca. Xuất phát điểm của họ không giống nhau nhưng họ chạm nhau ở cùng một sân ga mang tên “vẻ đẹp của cảm xúc”. Với họ, thi ca giống như hơi thở đầy đủ đầu tiên của một đứa trẻ sơ sinh.
Mở đầu hợp tuyển “Gió gọi ban mai” là bài thơ “Thăm mẹ” của Trần Tựu – tác phẩm thoạt nghe cái tựa đã gợi lên sự thân quen, gần gũi, nhưng thực ra đầy đủ sức nặng để dắt độc giả lật giở những trang tiếp theo một cách háo hức, say mê: “Về quê thăm ngôi nhà Cha Mẹ/ Lặng trầm nhớ năm tháng tuổi thơ/ Ngày Cha mất, Mẹ còn rất trẻ/ Thương con, Mẹ nuôi dưỡng ước mơ…”
Phơi bày trái tim bằng nét bút
“Gió gọi ban mai” tập hợp những cảm xúc thô sơ, rải rác được tôi luyện qua nhịp điệu và vần điệu thành một dòng chảy du dương của chữ viết. Có những tác phẩm giống như những bài hát thầm lặng trong lòng tác giả, là những bí mật của tâm hồn mà nếu không vào thơ thì có thể không bao giờ được nói ra.
“Dịu dàng đêm ấy… Quy Nhơn/ Ánh đèn tàu cá chập chờn ngoài xa/ Rặng dừa tóc xõa la đà/ Ngân hà rải ánh sao xa điệp trùng”– (Đêm Quy Nhơn – Trần Tựu)
“Chậm rãi đồng điệu thịt da cùng hơi thở/ Sóng mắt đắm say, nụ hôn dài cháy khát” – (Sự trống rỗng thiêng liêng – Kiều Bích Hậu)
Có người nói, thi ca có thể nâng bạn lên những tầm cao mới hoặc khiến bạn rơi lệ. Điều này có lẽ đúng với những tác phẩm mà các nhà văn, nhà thơ đóng góp trong hợp tuyển “Gió gọi ban mai”:
“Chân thực, nồng nàn, cay xé…/ Hồn em lay thật khẽ/ Yêu anh trong ánh trăng/ Yêu anh trong ánh trời”- (Sự trống rỗng thiêng liêng – Kiều Bích Hậu)
“Em về rực rỡ bình minh/ Mang theo khúc nhạc lung linh ngọt ngào/ Cánh chim én khẽ nghiêng chao/ Sóng đùa, sông chảy dạt dào mênh mang” – (Ngân Vọng – Trần Tựu).
Trong tất cả các loại hình nghệ thuật, thơ mang tính cá nhân nhất. Trái tim của người nghệ sĩ được phơi bày bằng nét bút. Nó có thể truyền cảm hứng, giáo dục và an ủi. Một bức tranh hay tác phẩm điêu khắc có thể đẹp hoặc gây cảm hứng khi nhìn vào, nhưng chỉ có thơ mới có thể ghi nhớ và quấn quanh trái tim của một người.
“Đi qua tuổi thơ nhọc nhằn xóm núi/ nơi em cùng đám bạn thả xe đạp tập đi/ cánh đồng làng mùa lúa non không tuổi/ khói lam chiều bay lên từ căn bếp cũ của bà/ giàn giụa củi rơm…” – (Chiếc xương sườn thứ bảy – Đỗ Mai Hòa).
Ở đâu đó, độc giả cảm thấy ẩn sâu trong những bài thơ của các tác giả “Gió gọi ban mai” là một niềm vui lớn khi họ được cầm bút. Mỗi khoảnh khắc họ trải nghiệm trở nên sống động trở lại qua các con chữ:
“Chỉ có em vẫn đang thức cùng đêm/ kiêu hãnh úp mặt vào gối…/ đợi bình minh mang đến cho em người đàn ông/ biết yêu như tình yêu của trời với đất/ ngút ngàn xanh…” – (Thức với đêm – Đỗ Mai Hòa).
“Khi anh đến đêm không còn đêm nữa/ chỉ có trăng sao luồn qua kẹt cửa/ Cùng hân hoan lêu lổng với chúng mình/ tạ đất trời, ban cho kiếp chúng sinh” – (Chạy trước cơn mưa – Phạm Vân Anh).
Liệu pháp chữa lành bản thân và chữa lành thế giới
Linh hồn của hợp tuyển thơ “Gió gọi ban mai” chính là sự tinh khiết kỳ diệu của cảm xúc. 6 tác giả tạo ra những tác phẩm bằng nguồn năng lượng kết nối với cảm xúc của họ. Mỗi tác phẩm hấp dẫn đến mức khiến người đọc cũng muốn tham gia vào thế giới cảm xúc của tác giả:
“Van em đừng bán hoa/ Mà tặng anh cho hết/ Yêu em anh chết mệt/ Hoa thơm lừng khắp nhà” – (Van em – Võ Thị Như Mai).
“Mưa nhân gian có lúc buồn thăm thẳm/ Bởi trời cao cứ trút nước vô tình”- (Mưa nhân gian – Khánh Phương)
“Đã bao giờ em biết/ Tình yêu là sáng trong/ thiên đường là có thật/ ngay trong trái tim này” – (Sống như một bài thơ – Kiều Bích Hậu)
“Gió thông thốc bồng bềnh run rẩy tóc em bay/ Hạt tí tách nảy mầm cựa mình sững sờ trước rét” – (Vườn cổ tích – Võ Thị Như Mai).
“Tôi nghe âm thanh của sự im lặng/ Đó là sự rên rỉ của tiếng lòng!” – (Khoảnh khắc – Khánh Phương).
Thi ca là một cách vô cùng thỏa mãn để thể hiện bản thân và cảm thấy nhẹ nhõm nếu bạn đang đấu tranh với những cảm xúc đầy thử thách.
“Mỗi sáng/ Gọi tên anh giữa vườn xuân/ Ngàn mắt xanh hướng về em ánh nhìn trìu mến/ Ngỡ gương mặt đẫm môi hôn ngọt dịu/ Ngỡ đôi vai ấm siết những vòng ôm” – (Thức dậy một miền xuân – Phạm Vân Anh).
Mạch nguồn cảm xúc chảy vào những bài thơ trong hợp tuyển “Gió gọi ban mai” như muốn gợi ý người đọc rằng thi ca cũng là một liệu pháp chữa lành bản thân và chữa lành thế giới. Kỳ duyên với thi ca cũng như kỳ duyên với con người. Bởi thế, khi cầm trên tay hợp tuyển “Gió gọi ban mai”, người yêu thơ sẽ có cảm giác như họ vừa gặp được tri kỷ của đời mình.
Tiểu Mai
GIPHY App Key not set. Please check settings