Ngày 8/3, tôi nhận được thư mời tham dự từ Ban tổ chức Liên hoan thơ tại Zalau (Romania). Liên hoan thơ lần thứ 21 này có chủ đề “Mùa xuân thơ ca” diễn ra từ 4-6/5/2023.
1/Khi mới được thành lập, Liên hoan nhằm giúp các nhà thơ gốc Hungary đang sống tại Romania, các nhà thơ Romania và các nhà thơ từ Hungary sang Zalau có cơ hội giới thiệu tác phẩm mới đến công chúng và trao đổi văn hóa hai nước. Sau nhiều lần tổ chức, Liên hoan đã tiến gần hơn tới lứa độc giả trẻ tuổi bằng cách tổ chức giao lưu, sáng tác giữa các tác giả và sinh viên, học sinh tại địa phương.
Cho tới lần thứ 21 này, Giám đốc sự kiện là ông Daniel Săuca đã mạnh dạn mời thêm nhà thơ từ Việt Nam, Slovenia, Slovakia, Hy Lạp và Italy với mong muốn quốc tế hóa cao hơn nữa liên hoan. Sự kiện được Trung tâm văn hóa – nghệ thuật Zalau, thuộc hạt Sălaj (Romania) tổ chức với sự hỗ trợ của Hội đồng hạt Sălaj và Bộ Văn hóa, Bộ Giáo dục Romania.
2/Đầu tháng 5, tôi lên đường đến Romania, hân hạnh là tác giả Việt Nam đầu tiên tham dự liên hoan thơ này qua lời giới thiệu của nhà thơ Attila F. Balazs, thành viên Ban tổ chức. Tôi cũng được đề nghị gửi bảy bài thơ của mình bằng tiếng Anh… để giới thiệu trong Liên hoan thơ và chuyển ngữ tiếng Hungary, Romania. Vui nữa khi một bài sẽ được chọn để in trong hợp tuyển thơ của các tác giả tham gia sự kiện bằng hai ngôn ngữ Hungary, Romania.
Nhận được hợp tuyển, tôi xúc động thấy bài thơ “Sự sụp đổ của nhân tính” đã được chọn in (Do nhà thơ Attila F. Balazs chuyển ngữ từ bản tiếng Anh) và Hungary (Do nhà thơ Sandor Halmosi chuyển ngữ). Thơ và việc dịch thơ chính là cây cầu vàng khiến chúng tôi quen biết, kết bạn, trân trọng và thấu hiểu và làm được những việc ý nghĩa cho nhau và luôn hướng về nhau với tình cảm trân quý.
Bài thơ của tôi còn được chuyển tới các em học sinh Trường trung học Gheorghe Sincai Tanitokepzo trước cả tháng trời để các em đọc hiểu, từ đó sáng tạo trên ý nghĩa cảm nhận về thơ, bằng tranh, nhạc, tác phẩm nghệ thuật thị giác bằng công nghệ, cũng như trao đổi về ý nghĩa tác phẩm. Các em đã chọn một từ tiếng Việt miêu tả cảm giác khi đọc bài thơ và cùng học cách phát âm từ đó. Từ tiếng Việt mà các em học sinh lớp 10 do cô giáo chủ nhiệm Kovacs Tunde đã chọn để đồng thanh nói to với tôi trong buổi giao lưu tại lớp học là “Thật sự đau”! Tôi ngạc nhiên xiết bao!
Tôi cũng được trải nghiệm cảm giác hào hứng khi cùng các em dịch một bài thơ của tác giả Romania, sau đó cùng sáng tác một bài thơ mới. Tôi viết một dòng thơ, sau đó đại diện nhóm học sinh sẽ viết tiếp một dòng và cứ thế chúng tôi hoàn thành một bài thơ với nhau, trong 5 phút, thật áp lực nhưng cũng thú vị không kém. Cuối cùng, nhóm chúng tôi trình diễn bài thơ trước cả lớp, cô giáo và bốn nhà thơ khác của Hungary, Slovenia, Romania. Các em tặng tôi bức tranh vẽ hai cô gái mặc trang phục truyền thống của Romania và Việt Nam.
3/Nhà thơ Sandor Halmosi đã 15 lần tham gia Liên hoan thơ Zalau. Luôn dành thời gian cho sự kiện này, không chỉ bởi anh là một thành viên quan trọng trong Ban tổ chức, mà còn nhận thấy sự gần gũi, thấu hiểu chân tình giữa các nhà thơ tham gia với Ban tổ chức. Cùng với cách thức tổ chức khiến thơ được phổ biến không chỉ giữa nhà thơ mà còn trực tiếp đến các em sinh viên, học sinh. Các em thể hiện sự hiểu biết sâu sắc với các vấn đề của cuộc sống, quan điểm sáng tạo. Chính bài thơ làm cùng với sinh viên năm ngoái đã được nhà thơ Sandor Halmosi xuất bản trong tập thơ mới ra đời năm nay mà anh trân trọng mang tặng các em.
Chúng tôi còn được đọc thơ trong hội trường lớn với các trí thức, văn nghệ sĩ tại Zalau, tham gia các chuyến thăm trải nghiệm văn hóa địa phương. Chúng tôi đọc thơ bên cánh rừng, trong hầm sâm-panh có tuổi đời cả trăm năm, trong tiệc liên hoan, cùng nhau sáng tác và thưởng thức các giọng ca đặc sắc, những vở diễn đầy màu sắc dân gian Romania… Liên hoan thơ Zalau đã đem đến sự gần gũi, thấu hiểu và trân trọng giữa những người tham dự qua việc phổ biến thơ của tác giả đương đại trong những cách thức giản dị mà hiệu quả.
Kiều Bích Hậu
Nguồn: Nhân dân và Lao động
GIPHY App Key not set. Please check settings