in

Lắng nghe giọt nắng, hạt mưa và nỗi nhớ trong thơ Nguyễn Văn Thích

Trần Quỳnh Hoa

Tác giả Nguyễn Văn Thích sinh ra tại quê hương Văn Lâm, Hưng Yên, là hội viên Hội VHNT tỉnh Hưng Yên. Ông đã xuất bản ba tập thơ: “Làng cao”, “Huyền thoại làng”, và “Lặng thầm Tháng hai”. Nguyễn Văn Thích từng đoạt Giải C giải văn học nghệ thuật Phố Hiến lần thứ II; Giải tư cuộc thi thơ, văn xuôi về đề tài phụ nữ; Giải nhì cuộc thi thơ viết về lực lượng vũ trang; Giải 3 cuộc thi thơ “Vì biển đảo quê hương”. Trong số các tác phẩm của ông, “Lặng thầm Tháng hai” là một tập thơ nổi bật về tình yêu thiên nhiên tha thiết đan xen với tình cảm lứa đôi và gia đình. 

Đúng như tên gọi “Lặng thầm Tháng hai”, xuyên suốt tập là những bài thơ về bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Hồn tác giả như hòa nhập vào thiên nhiên, lắng nghe từng hơi thở, ngắm nhìn từng hình thái của tự nhiên:

“Con chim chào mào tinh nghịch

đẩy chùm hoa gạo xuống sông”

Hay:

“Ta lưỡng lự trước cánh hoa rực rỡ

Cuối tháng mười ngọn gió cũng hơi men”

Và cứ như vậy, “tức cảnh sinh tình”, trái tim tác giả như hòa hợp với nắng, với gió, với lá cây… để thổn thức một nỗi niềm nào đó:

“Những giọt nắng rơi

Lá cuối thu xào xạc

Nghe mùa đông rất gần

Ta đứng giữa khoảng giao hai mùa lẫn lộn

Thấy lòng chẳng có vách ngăn”

Sự hòa nhập ấy rất tự nhiên, có phần tinh tế, cho thấy một tâm hồn dễ rung cảm phía sau những vần thơ ấy. Càng đọc, ta càng thấy rằng sự rung cảm ấy đến từ nỗi nhớ của tác giả về một bóng hình xa xăm:

“Những ngày này giá rét

Ta nhìn về nơi không có mùa đông

Tìm giọt mắt người mang đi buổi ấy

Thắp lên một chút lửa lòng”

Nỗi nhớ ấy cứ khắc khoải chờ mong, lãng mạn mà u sầu, day dứt, lẩn khuất trong bóng mưa, bóng nắng… 

“sao lại là tháng ba? 

để nắng cũng gian truân 

để nỗi nhớ, tiếng lòng không rõ nghĩa

để mọi thứ cũng lang thang như gió

thả nỗi niềm hoang hoải chốn hư không”

Rồi: 

“Bến xưa chẳng thấy người xưa

Ta ngồi đan gió, bện mưa, hứng trời”

Tình cảm của tác giả dành cho bóng hồng lãng mạn ấy thật nhiều. Thế nhưng, những dòng thơ của Nguyễn Văn Thích như tiếp tục mở ra một miền ký ức, không chỉ về người con gái “Những giọt trời tinh khiết/ đậu trên cành cây, ngọn lá – thành em”; mà còn về gia đình, về mẹ, về cha, về anh… về miền quê hương. 

“bông lúa ngoài đồng trĩu ngọn

tháng ba giáp hạt đang về

mẹ gánh trên vai hạt sữa

lưng chiều tròng mắt đỏ hoe

rồi ngồi chọn từng hạt tấm

cho dày nồi cháo tháng ba

bát cháo dưới nồi mẹ cất

phần con mai học xa nhà”

Một lần nữa, hình ảnh thiên nhiên như in sâu trong từng câu thơ, trong từng ký ức của tác giả… để từ đó gợi mở những kỷ niệm sâu lắng về người mẹ tần tảo, thương con, một nắng hai sương. 

“Lúc xóm làng còn chìm trong giấc ngủ

Văng vẳng đâu đây tiếng gà quê ta đó

Gọi bình minh bừng dậy giấc mơ tiên

Mây ửng hồng đẹp quá mặt trời lên

Ta ngoảnh lại nghiêng nghiêng chào quê mẹ

Cha đi rồi chẳng cho con biết mặt

Nhưng con hiểu hơn nhiều cha lặng lẽ trầm ngâm

Và giờ đây cha vẫn dạy con

Sửa cho con từng điệu đi dáng đứng”

Nỗi niềm người con cũng dâng đầy, khôn nguôi, như một sự ám ảnh, như một nỗi đau chưa lành hẳn. Quê hương thanh bình vẫn còn đây, nhưng cha đã mãi vắng bóng. 

“Sao thấy lòng cứ quặn đau như xé

Giữa vừng hồng nhè nhẹ áng mây trôi”

Câu chuyện cứ thể được mở ra, hồi tưởng lại, suy ngẫm… Mỗi bài thơ của Nguyễn Văn Thích là một mảnh ghép của trái tim được thổ lộ, khi ngập ngừng, khi tuôn chảy. Luôn hiện diện trong đó là cảnh sắc thiên nhiên sinh động, đa dạng và giàu cảm xúc, hòa quyện nhịp nhàng với tâm tư của tác giả. Bởi vậy nên thơ Nguyễn Văn Thích đi vào lòng người một cách tự nhiên, dễ dàng, tựa như gió thổi, mây bay, và lưu lại như một lời tâm tình, nhắn nhủ về tình yêu thiên nhiên và nỗi nhớ thương những người yêu dấu. 

What do you think?

Các nhà thơ Hàn Quốc vận động ủng hộ Việt Nam khắc phục hậu quả bão số 3

Tính nhân văn trong tác phẩm của Taras Shevchenko và Nguyễn Du