in

Lê Thanh Bình, những vần “thơ xanh”

Công Nguyễn

(Nhân đọc tập thơ Chim xanh tiếng hót xanh trời của Lê Thanh Bình, Ukiyoto Publishing, 2024)

Tôi cứ nghĩ Lê Thanh Bình dù có viết thơ lúc tuổi già nhất thì thơ anh mãi mãi là những vần “thơ xanh”. Tâm hồn Lê Thanh Bình luôn sống những “ngày xanh”. Nghĩa là anh không biết đến tuổi già. Lấy cụm từ “Chim xanh tiếng hót xanh trời” đặt tên cho tập thơ này của Lê Thanh Bình quả là khéo, thật đúng và trúng. 

Tác giả Lê Thanh Bình

Xuyên suốt 156 bài thơ là tiếng hót của một “loài chim” có tên Lê Thanh Bình! Đọc Lê Thanh Bình bỗng dưng làm ta nhớ đến Xuân Diệu: “Tôi là con chim đến từ núi lạ/ Ngứa cổ hát chơi/ Khi gió sớm vào reo um khóm lá/Khi trăng khuya lên ủ mộng xanh trời” (Gửi hương cho gió). Thi sĩ là một loài chim cất tiếng hót riêng của mình mà ca những khúc ca đẹp cho đời. Cái đẹp của đời có trong muôn hình, vạn trạng. Đẹp trong hùng ca, trong bi ca, trong vui, trong buồn… Vẻ đẹp trong thơ Lê Thanh Bình là cái đẹp của đời tự nhiên trong suốt bốn mùa. Nói đúng hơn, thơ Lê Thanh Bình là tiếng hót của con “chim xanh” hót giữa “ngày xanh”suốt cả bốn mùa. Thanh âm trong trẻo ấy nằm trong âm hưởng vang vọng của toàn tập thơ. Nó là hồn cốt của thơ Lê Thanh Bình. Tuy nhiên, nhặt ra những bài có nhắc trực tiếp đến tiếng chim cũng đủ cho ta thụ hưởng được những khoảnh khắc thật đẹp qua tiếng “chim xanh”. Có thể kể tên loạt bài như vậy: Bướm và chim (tr.24); Đại bàng (tr.25); Vẹt (tr.26); Chim ruồi (tr.27); Hót đối đáp (tr.28); Cánh cò (tr.29); Cu Gáy (tr.30); Chim cánh cụt (tr.31); Sẻ và Cún (tr.33); Biển chiều (tr.34); Về quê (tr.35); Sinh sôi (tr. 36); Đông sớm (tr.37); Tiếng hót mùa xuân (tr.44); Mùa hè chim xanh vẫn hót (tr.45); Chim hót trong rừng (tr.49); Chim kêu trên đỉnh núi (tr. 50); Chim gọi nhau trong vườn (Tr. 51); Chim bay về Nam (tr.52); Chim bay trên biển (tr.53); Chim Chích (tr.65); Tiếng chim rơi (tr.66 ); Cúc cu (tr.134); Haiku mùa xuân (tr.156).

Tiếng chim hót, cánh chim bay trong nghệ thuật, đương nhiên là biểu tượng của sự sống trong sự hoạt động, nảy nở sinh sôi của nó. Phải có một tâm hồn luôn yêu đời, hướng về hoạt động tích cực của đời sống, tìm cái đẹp động cựa, tìm cái đẹp hướng về ánh sáng thì hình tượng tiếng chim trong thơ Lê Thanh Bình mới sinh động, nhiều sắc thái đến vậy. Tuy nhiên hồn thơ Lê Thanh Bình lan tỏa một cách tự nhiên theo lối thơ Haiku, ghi nhận sự tồn tại của sự vật một cách khách quan như nó vẫn tồn tại thường nhiên như vậy làm cho thơ anh có màu sắc nhã đạm, thản nhiên (sống động, rộn ràng mà không ồn ào náo động). Cảm xúc thẩm mỹ của Lê Thanh Bình như lặn vào trong những tương tác âm thầm, sâu kín của sự vật. Đây là chỗ độc đáo của thơ Lê Thanh Bình. Mọi hoạt động của sự vật xuất hiện bất ngờ giữa khung cảnh cuộc sống nhưng lại có mối liên hệ âm thầm nào đó làm cho sự vật, sự việc và cảnh vật mang vẻ đẹp hài hòa, tự nhiên, đầy sức gợi. Đây là hình tượng Đại bàng, thật kỳ vĩ và lãng mạn: “Đại bàng rỉa lông/ Trên đỉnh núi mây phủ/ Tít xa, thác rầm rì” (Đại bàng). Một cánh bướm hoạt động trong thế này cũng thật đáng yêu: “Bướm cánh trắng, xanh, vàng/ Nô đùa giữa vườn hoa hồng, đỏ/ Chim chích vội chuyền cành”(Bướm và chim). Một chú chim ruồi và một chú Ong đều thật dễ thương: “Chim ruồi hút mật ngọt/ Bông hoa trắng nhạt màu/ Ong tìm sang hoa đỏ” (Chim ruồi). Một cây đào già tự tại như nhiên công việc của mình, thật đáng nâng niu: “Bầy chào mào chào xuân/ Hót đối đáp nhiều giọng/ Cây đào già nở hoa” (Hót đối đáp)…

Loạt bài thơ ba câu, cấu trúc theo kiểu Haiku của Lê Thanh Bình để lại cho người đọc ấn tượng mạnh về năng lực ngôn ngữ của thơ anh. Câu cuối của bài thơ kết lại bằng một sự chuyển đổi trạng thái hoạt động sang một sự vật mới. Sự chuyển đổi sự vật mới, trạng thái mới mà không gây sự đột ngột. Hoạt động của sự vật diễn biến như bản chất vốn có của nó. Mỗi sự vật thể hiện được chính bản thân nó nhưng không rời rạc, bởi nó nằm trọn vẹn trong bối cảnh tổng thể. Bối cảnh ấy chính là sự hài hòa chất thơ trong tâm hồn Lê Thanh Bình.

Thơ Lê Thanh Bình kết tinh năng lực trực cảm nghệ sĩ và sự cảm nghiệm đời sống tinh tế trong một thứ ngôn ngữ bình dị, có sức dồn nén và lan tỏa mênh mang.

Biết bao nỗi niềm quê dồn nén trong một tiếng chim: “Từ quy kêu khắc khoải/ Ta trằn trọc canh khuya/ Mai về quê thật sớm” (Về quê). Những câu thơ cấu trúc kiểu Haiku nhưng lại có sức chuyên chở nỗi niềm rất lớn làm ta nhớ đến Thơ Đường. Nhưng bao nhiêu khắc khoải, bồn chồn, náo nức lại “rất Việt Nam” được đúc đọng trong 5 chữ: “Mai về quê thật sớm”?

Cánh chim trong thơ Lê Thanh Bình là những “cánh chim xanh” đẹp, lượn giữa trời xanh của những “ngày xanh” nhưng không hiểu sao cánh chim ấy có một ngày trở nên thật dữ dội? Hóa ra đó là cánh chim khát vọng muốn đập vỡ cô đơn, phá vòng vây của nỗi buồn thi thoảng vẫn bủa vây tâm hồn thi sĩ: “Cánh chim đơn chiếc/ Bay vỡ ánh chiều tà/Hồ xuân sương biêng biếc”( Haiku mùa xuân).

Tập thơ song ngữ “Chim xanh tiếng hót xanh trời” của Lê Thanh Bình

Thơ Lê Thanh Bình trong tập Chim xanh tiếng hót xanh trời đa dạng về chủ đề, ghi lại vẻ đẹp cuộc sống trên nhiều khía cạnh ở nhiều thời gian và và không gian khác nhau, nơi anh đã từng sống, từng đi qua với nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên viết về đề tài nào, chủ đề nào cũng là sự nhất quán một tâm hồn Lê Thanh Bình: yêu mến thiết tha cuộc sống, nâng niu từng khoảnh khắc đẹp của cỏ cây, cảnh vật, con người. Hồn thơ Lê Thanh Bình lắng sâu cảm xúc thường nhật thi vị.

Một bài thơ giản dị đến mức này nhưng đọc đi đọc lại bạn mới cảm hết được chất thơ thẳm sâu niềm giao cảm ý vị trong một bức tranh hài hòa tự nhiên đến lạ lùng: “Chim xanh hót khi hoàng hôn mùa hạ ở cuối đèo/Tiếng thánh thót trong chiều buông tím núi/Người gánh củi rảo bước, trăng di chuyển thêm nhanh/ Tiếng chim hót đuổi theo mùi thơm từ củi” (Mùa hè chim xanh vẫn hót). Mùi thơm từ trong cành củi khô là mùi gì ư? Chỉ có chim biết và củi biết. Và hồn người chỉ biết đón nhận một thơm thảo mênh mang của cái đẹp được mở ra nơi đây.

Tiếng “chim xanh”ấy là tiếng hát những “ngày xanh” của hồn thơ Lê Thanh Bình… Thơ Lê Thanh Bình mãi mãi là những vần “thơ xanh”.

 Hà Nội vào thu, hạ tuần tháng 9/2024

What do you think?

Người trẻ “vướng mắc” gì với văn chương?