in

Nhà thơ Kuma Raj Subedi tới thăm Việt Nam

Tiểu Linh

Sinh năm 1977 tại quận Parbat, Nepal, và sau đó di cư sang Úc, Kuma Raj Subedi là một nhà thơ, một dịch giả song ngữ đáng chú ý của Úc. Là một giảng viên dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (ESL), ông đã để lại dấu ấn với nhiều tác phẩm xoay quanh chủ đề thiên nhiên, quyền bầu cử của phụ nữ, ký ức và danh tính. Nhiều bài thơ của ông đã được đăng tải trên các tạp chí văn học quốc tế, tuyển tập thơ và các tập phê bình. Ông cũng là thành viên của hai nhóm thơ nổi tiếng tại Nam Úc: Friendly Street Poets và TramsEnd Poets. Năm 2023, ông được vinh danh với giải thưởng “Nhà thơ Xuất sắc Nhất Sự kiện” tại Liên hoan Thơ Nazrul Quốc tế ở Bangladesh.

Mặc dù sinh sống và làm việc tại Úc, Kuma Raj Subedi có mối quan tâm đặc biệt đến Việt Nam. Điều này đã thúc đẩy ông chủ động kết nối với các nhà văn, nhà thơ Việt Nam. Vào mùa hè năm 2024, thơ của ông đã được nhóm HFT chuyển ngữ sang tiếng Việt và xuất bản trên một tạp chí văn chương Việt Nam. Sau khi nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ các độc giả Việt, ông quyết định tới thăm Việt Nam vào tháng 10 năm 2024.

Sau khi đặt chân đến Thành phố Hồ Chí Minh, ông tiếp tục hành trình ra Hà Nội và gặp gỡ nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu. Trong buổi gặp gỡ này, cả hai đã có dịp trao đổi tác phẩm với nhau. Kuma Raj Subedi tặng Kiều Bích Hậu và Ban biên tập Tạp chí “Nhà văn & Cuộc sống” tập thơ “Những sắc màu Xuân” của ông. Đáp lại, Kiều Bích Hậu đã tặng ông ba tập thơ của các tác giả Việt Nam: Trần Nhuận Minh (tập Cõi người), Nguyễn Đình Tâm (tập Thức với biển) và Kiều Bích Hậu (Từ Hồng Hà tới Danube) (phiên bản tiếng Anh).

Kuma Raj Subedi nhận ba tập thơ của các tác giả Việt Nam: Trần Nhuận Minh (tập Cõi người), Nguyễn Đình Tâm (tập Thức với biển) và Kiều Bích Hậu (Từ Hồng Hà tới Danube) (phiên bản tiếng Anh). Ảnh: Hồng Tín
Tập thơ “Những sắc màu Xuân” của nhà thơ Kuma Raj Subedi được trao tặng bạn thơ Việt. Ảnh: Hồng Tín

Trong cuộc trò chuyện, nhà thơ Kuma Raj Subedi chia sẻ rằng tại thành phố Adelaide, miền Nam Úc, nơi ông sinh sống, mỗi tuần đều tổ chức sự kiện đọc thơ. Điều đáng chú ý là khi tác giả đọc thơ của mình, tất cả khán thính giả đều nín lặng lắng nghe và sau đó vỗ tay hưởng ứng, cổ vũ nhiệt tình. Dù trong quá trình thưởng thức, có khán giả cảm thấy khó hiểu hoặc có ý kiến trái chiều, họ cũng không thể hiện sự phản đối. Thay vào đó, họ sẽ đặt câu hỏi cho tác giả sau buổi đọc để hiểu rõ hơn về tư duy của tác giả và hoàn cảnh sáng tác bài thơ. Ông cho rằng đây là một nét văn hóa đẹp, thúc đẩy sự giao lưu và hiểu biết lẫn nhau giữa tác giả và người yêu thơ. Ông cũng ngỏ ý muốn sẽ hỗ trợ việc kết nối để đăng tải các tác phẩm văn chương của Việt Nam trên các nền tảng truyền thông của Úc.

Nhà thơ Kuma Raj Subedi thưởng trà tại D & C Gallery and Luxury Décor (Hà Nội). Ảnh: Hồng Tín

Hành trình của Kuma Raj Subedi tại Việt Nam không chỉ dừng lại ở những cuộc gặp gỡ văn chương. Ông còn dành thời gian tham quan các địa danh nổi tiếng, những điểm đến văn hóa và thưởng thức ẩm thực độc đáo của Việt Nam. Ông chia sẻ sự thích thú với các món ăn truyền thống như phở, bún và đặc biệt là món bún chả Hà Nội. Chiều ngày 7 tháng 10 năm 2024, ông đã có dịp ghé thăm D & C Gallery and Luxury Décor (Hà Nội), nơi ông được tiếp đón bởi nhà sưu tập tranh Trần Minh Cường và thưởng thức trà do trà nhân Trần Phi Vũ giới thiệu. Sau đó, ông đã thưởng thức món bún chả tại quán Hương Liên – nổi tiếng với hình ảnh cựu Tổng thống Obama từng dùng bữa tại đây. Kuma Raj Subedi đã vui vẻ chụp ảnh bên bức tường có hình ảnh Obama, để lưu lại những kỷ niệm đẹp tại Hà Nội.

Kuma Raj Subedi tại quán bún chả Hương Liên (Hà Nội)

Nhà thơ Úc chia sẻ rằng ông dự định quay lại Việt Nam cùng vợ con để họ có thể cùng thưởng ngoạn cảnh đẹp, văn hóa phong phú và ẩm thực đa dạng của đất nước này. Chuyến thăm của ông lần đầu tiên này là một bước xây cầu nối văn hóa và khởi đầu cho những kết nối bền vững trong tương lai giữa nền văn học Việt Nam và Úc.

What do you think?

Từ Người Suy tư đến Nhà Tư tưởng: Chuyện về Thạc sĩ – Doanh nhân Nguyễn Hòa

Tàn Tuyết lại được dự đoán thắng Nobel Văn học