Phương Ly
Được biết gần đây nhà văn/Dịch giả Khánh Phương vừa hoàn thành một số cuốn sách rất hay, đặc biệt trong đó có 3 cuốn triết học của Arthur Schopenhauer.
Theo nhà văn/Dịch giả Khánh Phương, thực ra đó là 6 cuốn sách đã hoàn thành từ năm 2023 nhưng giờ mới đủ duyên xuất bản. Chờ đợi hàng năm chưa được xuất bản nhưng khi đủ chín thì cùng một lúc 6 cuốn. Đó là (1) Đừng bao giờ lùi bước – chân dung vị lãnh tụ bất tử Abraham Lincoln (tác giả Dale Carnegie); (2) Thao túng tâm lý đám đông (tác giả Dale Carnegie); (3) Chìa khóa vạn năng của sự thịnh vượng (tác giả: Napoleon Hill) và 3 cuốn sách triết học của Arthur Schopenhauer (Tự do đích thực; Sự đau khổ của tình yêu và sự sống; Trí tuệ nhân sinh).
Theo nhà văn/Dịch giả Khánh Phương, 3 cuốn sách triết học của Arthur Schopenhauer là những sách dịch mà chị tâm đắc nhất. Triết gia vĩ đại Arthur Schopenhauer, người Đức là một nhân vật vô cùng mâu thuẫn với những dòng triết lý nhân sinh kinh điển. Ông sinh ngày 22/2/1788 ở Dansig (nay là Gdansk thuộc Ba Lan) trong một gia đình thương gia giàu có. Cuộc đời của ông đầy mâu thuẫn với những bi kịch nhưng ông được xem là một người có bộ óc vĩ đại.
Cuốn 1: “Trí tuệ nhân sinh” bao gồm những luận điểm được cho là một trong những ấn phẩm xuất sắc của Arthur Schopenhauer, trong đó phân tích yếu tố hạnh phúc và giải thích làm sao để chúng ta có thể đạt được nó. Thật thấm thía biết bao khi bắt gặp những dòng chữ “Phát triển Đời sống trí tuệ không chỉ là sự bảo vệ bản thân chống lại sự nhàm chán; mà nó cũng tránh được tác hại của sự phiền muộn, u uất. Nó giúp chúng ta tránh xa những người bạn xấu, khỏi nhiều nguy hiểm, bất hạnh, mất mát và xa hoa. Đó là những thứ mà người bình thường đặt hạnh phúc của họ hoàn toàn vào thế giới khách quan nên rủi ro và bất hạnh là điều chắc chắn sẽ gặp phải.”
Cuốn 2: “Tự do đích thực” – Ở đây Schopenhauer chia sẻ với chúng ta những châm ngôn và lời khuyên về cách có thể làm cho cuộc sống của mình trở nên đáng sống hơn. Những lời khuyên lành mạnh về các khía cạnh khác nhau của cuộc sống cần được đọc và suy ngẫm một cách chậm rãi, không nên vội vàng xem qua và được đưa vào triết lý sống của riêng mỗi người. Thật may mắn cho những người trẻ và trung niên khi xem được cuốn sách nhỏ này và được hưởng lợi từ nó. Điều này không chỉ khiến môi trường sống trở nên dễ sống hơn mà còn giúp họ chuẩn bị cho những năm tháng vàng son của mình. Còn đối với những người có tuổi, nghiêng hơn về dốc bên kia cuộc đời sẽ thấy Schopenhauer như một người bạn tuyệt vời soi sáng quãng đường còn lại của chúng ta.
Cuốn 3: “Sự đau khổ của tình yêu và sự sống” – theo tác giả, đau khổ không phải là vô nghĩa bởi vì tất cả đều là một phần của kế hoạch của vũ trụ. Trong các luận điểm của mình, ông đưa ra quan điểm về mức độ có thể tránh được hoặc ít nhất là giảm thiểu nỗi đau khổ này. Đó là những lời khuyên rất có ích. Ông cũng viết rất hay và khi có tâm trạng, có thể khá hóm hỉnh. Nhưng không chỉ kết hợp triết học phương Đông vào các tác phẩm của mình, ông còn đưa ra những ý tưởng của riêng mình. Ông có một bộ óc vĩ đại.
Những tác phẩm của ông được viết vào giữa thế kỷ 19 ở Đức và do đó, nó chứa đựng một số khía cạnh mà thế giới hiện tại rất khó thực hiện được. Một số quan điểm trong đó có thể không đúng với một số khu vực trên thế giới. Thế nên, rất nhiều từ ngữ cổ và vô cùng khó để tìm từ tương đương. Khi biên dịch, nhà văn Khánh Phương phải nỗ lực hết sức để làm sao cố gắng truyền tải nội dung, giữ được thông điệp thâm thúy của tác giả nhưng cũng phải nghiền ngẫm để không quá sa đà, chọn lọc tinh túy nhất nội dung trong quá trình chuyển ngữ.
Dịch 3 cuốn này ngốn thời gian của chị bằng cả 30 cuốn dịch khác, tiêu tốn hết bao nhiêu năng lượng cũng như vật chất dùng để tập trung làm việc tốt nhất có thể. Đó là sự chuẩn bị cho những điều kiện tốt nhất có thể để làm việc, ví dụ ở trong môi trường tốt nhất có thể ở một khu nghỉ dưỡng yên tĩnh chỉ có một mình, đồ ăn tinh khiết thuần chay, âm nhạc cổ điển, xem hình cổ điển, chơi đồ cổ điển… thậm chí để ảnh của Arthur Schopenhauer trước bàn và màn hình để có lúc bí từ thì tôi “thì thầm” với tác giả “ý của ngài ở đây là gì hỡi vĩ nhân Arthur Schopenhauer?”
“Áp lực nhưng cũng vô cùng tự hào vì bản thân đã vượt qua chính mình!” – nhà văn/dịch giả Khánh Phương cho hay. Một điều vô cùng quan trọng mà nhà văn/dịch giả Khánh Phương tâm đắc trong triết lý của ông, đó là hãy tận hưởng sự tĩnh lặng và bình an của ngày hôm nay! Đó là điều cần thiết để tận hưởng khoảnh khắc hiện tại nếu không thì không thể đạt được niềm hạnh phúc của cuộc sống. Chúng ta nên luôn nhớ rằng ngày hôm nay chỉ đến một lần và không bao giờ trở lại. Chúng ta tưởng tượng rằng ngày mai nó sẽ lại đến, nhưng ngày mai lại là một ngày khác, đến lượt nó cũng chỉ đến một lần.
Những tác phẩm của ông nên đọc ít nhất một lần, đặc biệt dành cho những người quan tâm đến triết học về trí tuệ và hạnh phúc trong cuộc sống, cũng như những người đang tìm kiếm một số ý tưởng về cách phát triển bản thân để có một sức khỏe thể chất và tinh thần lành mạnh. Mục đích và khát khao tột đỉnh nhất của triết gia Schopenhauer chính là chuẩn bị cho cái chết thanh thản. “Đọc Schopenhauer sẽ khiến bạn chấp nhận thực tế hơn, trưởng thành hơn, hạnh phúc hơn. Đọc Schopenhauer để nhìn ra chân ái cuộc sống”.
GIPHY App Key not set. Please check settings