in

NHỮNG NỖI NIỀM THÀNH KHỐI VẪN KHÔNG TAN

                                                                          KIỀU BÍCH HẬU

                                                                                                           (Thực hiện)

Khó có thể tưởng tượng một Trần Nhuận Minh không gắn với thơ ca. Thơ có ý nghĩa lớn lao với ông đến nỗi, khi tiếp xúc với con người ông, ta có thể tưởng chính thơ tạo nên Trần Nhuận Minh, chứ không phải ông đã sáng tạo thơ.

Chúng ta cùng chuyện trò với nhà thơ Trần Nhuận Minh sau khi tập thơ “Flared Up Subconscious” (Bừng thức) của ông, được xuất bản bằng tiếng Anh tại Canada.

Thưa ông, lúc lên 10 tuổi, ông đã viết thơ, ông lại còn là anh trai của một thần đồng thơ. Vậy yếu tố gia đình có ảnh hưởng thế nào tới cuộc sống và quá trình theo đuổi thơ ca suốt đời của ông, cũng như những thành tựu mà ông đạt được?

-Khi Trần Đăng Khoa làm thơ từ năm lên 8 tuổi, đến năm 10 tuổi đã được dịch và xuất bản ở Pháp, một số báo chí đã nói tới yếu tố gia đình.  Nhà tôi trong Cải cách ruộng đất là Bần nông. Khi các nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên… nhiều lần về thăm, nhà vẫn 3 gian nhỏ, không có chái, mái lợp rạ, tường trát đất bùn, cửa là các thanh tre đan cài vào nhau (quê tôi gọi là “cái rại”) ai nhấc ra nhấc vào đều được. Các cụ tôi xưa, 2 đời làm Tể tướng, 3 đời làm Thượng thư, 3 đời làm Phó đô Ngự sử… ở nửa sau nhà Hậu Lê, vẫn ở trong nhà tranh vách đất (theo ghi chép của nhà văn Phạm Đình Hổ thời Lê), cả đời không ăn một đồng hối lộ nào và cũng không hối lộ ai một đồng nào (luật Phong kiến: chỉ ăn hối lộ một quan tiền thì đã chém đầu không phải xử). Khi nói trái ý vua, bị hạ xuống 6 cấp, đi hầu cho người hầu mình 10 năm trước, “vẫn không ca thán, cũng không nhờ ai nói hộ cho”. Đấy là nguyên văn lời của vua Lê Hiển Tông ghi trong “Niên phả lục”, khi phục chức cho cụ.  Có ba cụ làm thơ, hai cụ viết văn. Về văn xuôi có thành tựu lớn, sách đến nay vẫn được tái bản, đặc biệt là nhà văn, nhà sử học Trần Tiến được ghi danh trong Sách giáo khoa phổ thông lớp 10 nâng cao, vì cụ được coi là người sáng lập ra thể kí tự thuật trong văn xuôi Việt Nam từ năm 1764 với tập kí tự thuật đầu tiên “Trần Khiêm Đường niên phả lục” (Khiêm Đường là tên tự của Trần Tiến). Còn thơ, dù thơ các cụ được in trong “Toàn Việt thi lục” “Niên phả lục”, trong đó có thơxướng họa với Hữu Thị lang bộ Binh Nguyễn Nghiễm, thân phụ đại thi hào Nguyễn Du, cùng ở trong Chính phủ và dưới cụ ba cấp, thì những bài thơ này đều ít có sức lan toả, vì thơ quan phương, ca ngợi triều đình và sự trung thành với thể chế. Do cha ông nhiều đời ăn cơm mặc áo của nhà vua, nên cụ nội tôi hưởng ứng lời Hịch Cần Vương chống Pháp của vua Hàm Nghi, đã đi theo Nguyễn Thiện Thuật và hi sinh trong trận chiến cuối cùng bảo vệ căn cứ Bãi Sậy…

Xin được hỏi thêm. Cụ nói câu gì mà bị vua hạ chức đến 6 cấp?

-Nay bắt dân xây thành, mai bắt dân đắp lũy, sức dân đã kiệt. Bệ hạ tuy có lòng thương dân, nhưng lòng thương ấy không đến được với dân. Các quan lại thừa hành lệnh của nhà vua, nhất là ở các làng xã, nói là vì dân, nhưng thực chất chỉ ra sức đàn áp bóc lột dân, chúng cướp đất, vơ vét đến cả chổi cùn rế rách của dân, nên dân không còn cách nào mà sống được, do đó buộc phải gửi thân cho giặc, chứ họ không muốn chống lại triều đình. Vậy lỗi của họ không phải chỉ là của họ.

Xin nói thêm: Khi vua Lê Hiển Tông bắt được lãnh tụ và nghĩa quân, hạ lệnh giết hết, vì quân triều đình đã tổn thất quá nhiều. Cụ dâng sớ, xin chỉ chém chủ tướng, chặt chân phó tướng, còn tha hết, để họ về nhà cấy cày. Các tướng lĩnh phản đối rất gay gắt. Vua bảo: ông Trần bị “giặc” san phẳng làng xóm, giết cả nhà người trông coi, khai quật mộ mẹ đẻ giã xương trộn với phân, đổ xuống ruộng… vậy mà còn xin tha cho “giặc” thì ta nghe lời.

Những cốt cách đó, ảnh hưởng rất sâu sắc đến lối sống và bút pháp của thơ tôi.  Tôi sống giản dị, không có “bồ bịch”, không biết dùng rượu chè cà phê thuốc lá, chú Khoa cũng thế – dù dùng những thứ ấy cũng tốt, luôn trung thành với nhà nước, rất ghét sự “trở cờ”, nhưng cũng rất ghét thói giả dối, xu nịnh. Các cụ tôi dạy: “Khi thấm đạo lí của ai, thì mới ăn cơm mặc áo của họ, và có thể chết cho họ!” Tôi cũng thế, không chống lại ai, nhất là người đã ủng hộ, bồi dưỡng mình. Nếu họ trở mặt, thì bỏ đi, nhưng không nói xấu họ, không làm hại họ. Tôi nghĩ, phải hiểu cái tốt của người ta rồi hãy ghét, phải biết cái xấu của người ta rồi hãy yêu. Như thế, khi có biến động, trong tâm can mình vẫn có được sự bình hòa. Tôi tin bạn đọc sẽ nhận ra những điều ấy trong thơ tôi và trong cả lối sống của tôi.

Vì thế, từ khi còn là một cán bộ chủ chốt ở tỉnh Quảng Ninh, tôi vẫn có sự mà một nhà khoa học nghiên cứu về tôi, nói là tôi có “tiết tháo”, nghĩa là biết ứng xử linh hoạt, nhưng không nhân nhượng, luôn giữ được cái căn cốt của lẽ sống và về khoa học, tôi vẫn phản biện, nhất là bảo vệ sự trung thực lịch sử thời Trần. Như thế, tôi phải đối mặt với không ít thế lực và trong một số trường hợp đã làm tôi rất phiền lòng. Các bài viết, tôi đều gửi trước hàng tuần, thậm chí hàng tháng tới lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng của tỉnh, trước khi đăng báo và in sách. Tôi đã xuất bản hai tập sách về những việc đó.  Đến nay, tôi vẫn không biết đi xe máy, thích ăn cơm nhà cá kho rau luộc, uống nước sôi để nguội… không lo kiếm tiền, vì thấy không cần, nhưng tiền giành dụm được (cũng không ít đâu) tôi đều tặng các cháu học sinh và tuyệt đối không cho công bố… Còn thơ tôi là sự gắn bó sống chết với số phận của nhân dân, chia sẻ những bất hạnh không ai lường hết được của từng cá nhân họ, dù xã hội ta đã vượt lên, cải thiện được rất nhiều… Các tập thơ đã xuất bản của tôi, dù ở trong nước, hay ngoài nước, đều thấm đẫm tinh thần đó… Và đó chính là kết quả cụ thể của Công cuộc Đổi mới đất nước từ năm 1986…  Không có cuộc cách mạng vĩ đại đó, không có thơ tôi hiện nay.

Cho đến nay, khi đã gần 80 tuổi, nhìn lại cảc chặng đường dài sống và viết, để tự miêu tả mình, ông sẽ viết thế nào?

-Trần Nhuận Minh là một gã chơi được, không lợi dụng ai cũng không ham hố cái gì. Tiền bạc, đàn bà và quyền lực, không khuất phục được gã. Gã luôn biết mình có thể sai, thơ mình có thể dở, nên chịu học, chịu sửa chữa. Gã không giận ai đã từng “giết” mình (vì mình không có tội nên không chết) bởi chính họ đã dạy gã những bài học sâu sắc hơn hẳn những người khác; cũng không ghét ai đã coi thường gã, không khinh ai đã từng ăn cắp tài sản của gã. Nhưng ơn ai thì gã công bố công khai và cố gắng đền đáp một cách nhẹ nhàng, lặng lẽ và hợp lí, trong cả một quá trình cho đến lúc gã chết. Gã làm việc được giao rất chí thú, tận tụy và không vụ lợi.  Khi làm Tổng biên tập một tờ báo, tiền quà mừng ngày tết, ngày 21/6, gã cho chia đều, mọi thành viên đều hưởng như nhau, kể cả người bảo vệ. Gửi tiền và gửi vợ cho gã, hoàn toàn yên tâm. Nhà văn Lí Biên Cương nói với vợ: “Trần Nhuận Minh là người duy nhất được ngủ ở nhà ta, khi tôi đi vắng”. Nhưng gã đến nhà bạn mà bạn không có nhà, gã chỉ ở sân nói cái gì đó xong rồi đi. Khi chạm đến tuổi 60, gã viết đơn xin hưu, dù nhà văn Đỗ Kim Cuông đã báo cho biết, anh Trần Hoàn trong sáng nay sẽ kí công văn của Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Tỉnh ủy giữ Trần Nhuận Minh lại và Tỉnh ủy đã cấp cho gã kinh phí khá lớn để xây cái trụ sở cao rộng nhất nước. Vì là Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh, gã có cuộc kiểm điểm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trước lúc hưu, do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Văn Hiền chủ trì. Gã thưa: “Cứ theo hướng dẫn của Thường trực Tỉnh ủy, thì tôi chỉ có một khuyết điểm là không có một khuyết điểm nào cả”. Mọi người cười ồ. Bí thư Hiền hỏi có ai có ý kiến gì không? Trả lời: Không.  Ông Nguyễn Danh Kí, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy gần đây vẫn nhớ và nói: “Chưa thấy ai nói trước Thường vụ như Trần Nhuận Minh”. Gã sống thế nào thì viết như thế. Cốt cách gã với thơ gã là một, chân phương, thành thực, đau xót. Có pha đôi chút hài hước nhưng trong lành. Có những nỗi niềm với nhân dân, với cuộc đời, với nhân thế…  gã viết đến hết đời vẫn không bao giờ nguôi ngoai: “Có thể sau này khi tôi chết/Những nỗi niềm thành khối vẫn không tan.” Thơ tình của gã không phải là thơ tán gái, thơ về cảnh vật hay về con vật… đều nhuốm mùi thế sự. Có nhà phê bình viết: “Nếu không nhuốm mùi thế sự, thì không phải là thơ Trần Nhuận Minh”. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo bảo: thơ gã “đặc chất miền Trung, rất ít chất Bắc”. Thơ gã là của những người bất hạnh, những người chịu nhiều thua thiệt, rủi ro… mà không than thở với ai được. Một cháu Mừng từ Hải Dương ra Quảng Ninh đào than thổ phỉ, để lấy tiền nuôi mẹ, sập lò chết, chủ lò bỏ xác cháu vào trong túi nhựa, đặt dưới đáy xe tải, rồi đổ 4 tấn than cám lên trên, nửa đêm xe về đổ cả than và xác người xuống cổng nhà cháu mà không nói năng gì… Gã ghi lại thực cảnh đó và thảng thốt kêu lên: “Xe than đổi một mạng người/Chú biết kêu cùng ai được/Mừng ơi!”. GSTS Trung Hoa –  Phùng Trọng Bình dịch 163 bài thơ gã ra tiếng Trung, viết: thơ ấy “rỏ máu ra ở từng chữ.” Việc đó chỉ một lần xẩy ra, nhưng qua thơ gã mà còn đến tận bây giờ, đã dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Ông William Tennison, từng làm việc ở một Bảo tàng Mỹ thuật của Hoa Kì viết: gã có khả năng “đóng đinh vào cái thoáng qua, để nó còn lại mãi, như ghim một cánh bướm đang bay vào trang vở…” Nhiều nhiều cảnh đời như thế, dường như ngoài thơ gã, ít thấy có ở bất cứ đâu. Những cảnh ấy, rất tiếc là còn xảy ra ở nhiều nơi, không chỉ ở Việt Nam.  GSTS Tưởng Vi Văn, người dịch thơ gã, in và phát hành ở Đài Loan, nói: “Thơ Trần Nhuận Minh không có biên giới”.  Ông cho biết, thơ gã được dạy và học ở Khoa Việt Nam học trường Đại học Đài Loan.  Gã đã kí hợp đồng nhượng toàn quyền xuất bản 20 năm thơ gã cho Đài Loan. Nhà thơ, nhà phê bình văn học Canada Nguyễn Đức Tùng viết, in ở bìa 4, tập thơ gã vừa xuất bản ở Canada: “Chừng nào trên thế gian này, vẫn còn có những người bất hạnh… thì chừng ấy, người ta vẫn còn tìm đến Trần Nhuận Minh mà đọc thơ ông” … Vậy là gã đã được an ủi, sau bao nhiêu hệ lụy, sau bao nhiêu thiệt thòi…

Ông đã được xuất bản 54 tập sách, ở nhiều thể loại, trong đó thơ 27 tập, các tập đều được tái bản nhiều lần, có tập đến 34 lần, được dịch ra 13 thứ tiếng; còn lại là truyện, tiểu thuyết, lí luận phê bình văn học. Ông cũng là tác giả của 2 tập nghiên cứu lịch sử và 15 tập biên khảo… Nhưng thơ vẫn là thể loại ông tốn nhiều tâm lực nhất, chứa nhiều tâm sự nhất. Trong thơ, sáng tạo đặc biệt là ngôn ngữ, ông có bí mật nào về điều này?

-Mọi cố gắng của tôi là muốn vươn tới sự giản dị. Theo tôi, đây là sự phấn đấu cao nhất của ngôn ngữ thơ. Kiến thức có thật uyên thâm mới giản dị được; vốn sống có thật phong phú mới giản dị được; trí tuệ có thật cao sâu mới giản dị được; ngôn ngữ có thật dồi dào mới giản dị được… Giản dị đối lập với giản đơn. Trong thơ, giản đơn là tự sát. Cũng đối lập với các kiểu thơ chơi chữ “hoa lá cành…” Người có bộ răng đẹp, không ai lại dại mà đi bịt răng vàng, thỉnh thoảng lại nhe ra để khoe, nhất là các cô gái… Mẫu mực cao nhất của sự giản dị trong thơ Việt Nam là  Nguyễn Du với Truyện Kiều của Cụ. Tôi học sự giản dị của ngôn ngữ Truyện Kiều. Tôi không quan tâm các chủ nghĩa, các trường phái, chỉ quan tâm làm sao cho có thơ hay. Thơ cổ lỗ sĩ mà hay thì cũng tuyệt vời. Thơ hậu hiện đại đổi mới tít mù mà hay cũng đáng quý. Thơ thưa thoáng mà hay cũng tốt, thơ rậm rạp tầng tầng lớp lớp mà hay cũng đáng trân trọng. Thơ thành kính đọc trong các giáo đường, hay xuề xòa vụng trộm như mối tình hoang dưới bóng rừng âu u, mà hay cũng rất giá trị. Thơ có vần điệu nghiêm chỉnh luật lệ mà hay cũng hay. Thơ viết đặc lối văn xuôi, thậm chí đối thoại như kịch mà hay vẫn hay… Và khi đã đạt đến cái hay, thì mọi giá trị ngang nhau. Nhưng hay là thế nào thì tôi không giải thích được, nhưng tôi biết nó hay thì đúng là nó hay và điều đó, tôi biết là mình rất khó nhầm lẫn hay sai sót.

Còn bí mật ư?  Xin thưa công khai: Tôi có hai bí mật. Một là tôi luôn thống nhất hai mặt đối lập, bao giờ cũng đặt cái trắng bên cạnh cái đen mà không nói gì. Bài thơ “Cát trắng” của tôi, có câu: “Cát chỉ tự trắng thôi, cát chẳng nói gì/Quên ở bên mình những đen tối, lưu manh và bội phản/Cát chẳng nói gì, cát chỉ tự trắng thôi…”  hay đặt cái xa bên cạnh cái gần: “Tiếng chó sủa ngoài ngàn dặm/Đám mây bay quẩn trong nhà…” và nói cái chết bao giờ cũng đi liền với cái sống. Điều này có trong rất nhiều bài thơ của tôi như một cặp bài trùng. Nhiều lắm, ví như: “Những bông hoa lộng lẫy nhất trần gian/Đều tự tử âm thầm trong đêm vắng/Cứ có nước là cá tự sinh ra/Ao hồ rộn vang tiếng quẫy đạp sinh đẻ…” Bí mật thứ hai là, tất cả những gì cần nói, tôi đã nói hết trong thơ, khi bằng cách này, lúc bằng cách khác, không bao giờ giống nhau. Nhiều lúc tôi nghĩ: hình như không còn cái gì cần nói mà mình chưa nói trong thơ, từ cái lớn nhất đến cái bé nhất. Và thâm hậu nhất là nói bằng sự im lặng. Tôi có câu thơ: “Và lặng im như một tiếng vang”. Tất cả những gì diễn ra trong tâm tưởng, trong đời sống, thậm chí trong hành xử của cá nhân bạn, rất có thể tôi cũng đã nói rồi mà… Bạn chưa đọc thơ tôi, hoặc đọc mà bạn không nhận ra, ngay cả cái điều vì sao bạn không nhận ra, tôi cũng nói rồi mà… “Tôi đã tự đánh mất mình/Tất cả/Trong một câu thơ hờ hững bạn cầm…!”  Nghĩa là lỗi tại tôi…

Thơ ông trong những tập gần đây, nhất là tập “Bừng thức” vừa xuất bản ở Canada bằng ngôn ngữ Anh, mang tính triết lý và phần nào tâm linh. Liệu ông có nghĩ rằng tư tưởng trong thơ ấy sẽ được bạn đọc quốc tế thấu hiểu và đồng cảm trong thời nay?

-Những bài thơ tôi nhắc tới và các câu thơ tôi đã dẫn ở trên, đều rút ta từ tập “Bừng thức” mà tôi hi vọng bạn đã có trong tay. Tập thơ xuất bản ở Canada, và như báo Tuổi trẻ đưa tin, nó được phát hành toàn cầu. Tôi rất tin là các bạn đọc quốc tế hiểu tôi và đồng cảm với tôi, như tôi đã nói ở phần trên. Nhà thơ – họa sĩ Pháp, bà Dominique de Miscault dịch 107 bài thơ tôi xuất bản theo kiểu hàn lâm ở Pháp, từng viết: thơ Trần Nhuận Minh “làm say lòng bạn đọc…” và ông William Tenison, bạn đọc Mĩ mà tôi vừa nêu tên trên, cũng viết: ông bị “hớp hồn” vì những câu thơ…  Như thế, không phải tôi nói thơ tôi hay mà tôi nói các bản dịch thơ tôi đã thành công. Tôi vô cùng biết ơn các Dịch giả.

Với tập thơ “Bừng thức” thông điệp của ông tới bạn đọc quốc tế là gì?

-Hãy xích lại gần nhau hơn nữa, để chống lại sự cô đơn của chính mình, và cũng để chống lại mọi tai ương đang đổ xuống số phận của mỗi chúng ta. Chúng ta đang sống trong khoảng 100 năm, nhưng những biến động kinh hoàng của nó bằng cả hàng ngàn năm trước cộng lại. Trong tham luận đọc tại Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương, tôi đã viết: “Hơn lúc nào hết, thơ phải cất lên từ đó, từ bội số chung lớn nhất ấy của nhân loại, qua nhịp đập riêng của mỗi trái tim nhà thơ – dù khác nhau về tiếng nói và màu da – phấn đấu cho một thế giới không có chiến tranh và khủng bố, không có áp bức và kì thị màu da hay giới tính.”

Tôi nghĩ rằng, đó cũng là thông điệp của mọi nhà văn trên thế giới.

Xin trân trọng cảm ơn nhà thơ!

What do you think?

Written by Trúc Anh

Vietnamese, English, Thai, Chinese

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

Sa Mộc – Phạm Vân Anh (Chapter 3)

Sa Mộc – Phạm Vân Anh (Chapter 4)