in

Phập phồng văn học dịch Việt Nam

Nguyễn Hữu Vỹ

Dường như người yêu văn học Việt Nam có một dạo buộc phải dìm mình xuống để tiếp cận luồng gió mới qua các bản dịch văn học bằng tiếng Anh hoặc bằng các ngôn ngữ khác. Sự “Cầm lòng ấy” buộc phải vậy do nhiều nguyên nhân nhưng một thực tế cho thấy ngày càng ít đi những dịch giả yêu thích văn học Pháp không thể vượt qua những rào cản, hay vướng phải những cụm phanh bó cứng làm họ đành phải ngậm ngùi chờ thời.

Dịch giả tiếng Pháp Nguyễn Hữu Vỹ

Nhưng với máu nghề nghiệp họ vẫn không thôi hy vọng là một ngày gần nhất những tác phẩm văn học dịch lại rộ lên như cơn sốt ở Việt Nam giống như thời kỳ những năm đầu của thế kỷ 20. Sự thức tỉnh ấy, gần đây, có những tín hiệu làm chúng ta cảm nhận sự trỗi dậy đang đến: Nhà xuất bản Tri Thức Trẻ đã có buổi tọa đàm “Dấu ấn văn hóa Pháp qua một số tác phẩm xuất bản ở Việt Nam” dưới sự điều phối của GS Chu Hảo, với sự tham gia của ba diễn giả: PGS. TS Phùng Ngọc Kiên, Trưởng Ban văn học Nước ngoài, Viện Văn học; TS. Dịch giả Nguyễn Giáng Hương, Thư viện Quốc gia Pháp; ông Mai Anh Tuấn, Giảng viên đại học Văn hóa Hà Nội. Gần đây nhất, vào chiều ngày 13/7/2024, tại Hội nhà văn Việt Nam, số 9 Nguyễn Đình Chiểu cũng đã diễn ra một cuộc trao đổi diện hẹp giữa các Dịch giả Pháp ngữ và Đại diện từ các tổ chức liên quan về giải pháp để đưa các tác phẩm văn học Pháp tới bạn đọc ở Việt Nam một cách thân thiện hơn. Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu là người điều phối nội dung buổi trao đổi này.

Nhìn lại lịch sử, có thể nói các tác phẩm văn học bao gồm thơ, truyện và tiểu thuyết Pháp đã có mặt tại Việt Nam từ những năm 1884, trước hơn hai chục năm sau khi Liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở đầu cho cuộc xâm lược Việt Nam. Các tác phẩm văn học Pháp qua bản dịch của các dịch giả Việt Nam như Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh… đã ồ ạt tràn vào Việt Nam như một luồng gió mới. Nếu không kể các nhà thơ ngụ ngôn, các tác phẩm thơ của những thi sĩ nổi tiếng như Lamartine, Hugo, Musset, Ronsard, Verlaine, Ronsard và Sully Prudhomme. Sự ảnh hưởng của nó mạnh mẽ đến nỗi đã mang đến cho tác giả Việt Nam nguồn cảm hứng mới và những hình thức biểu đạt mới. Nhiều nhà thơ đã lột xác để đến với phong trào thơ mới như: Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mạc Tử, TTKH, Ngọc Cẩn, Lê Khách, Vũ Quốc Thúc, Phong Thấp,… cùng với sự truyền bá các tác phẩm thơ của các nhà thơ Pháp qua bản dịch của các dịch giả Việt Nam. Các tác phẩm văn xuôi như truyện và tiểu thuyết cũng rầm rộ chẳng kém. Đơn cử:

– 1927 A. Dumas, Les trois mousquetaires (1844) (Truyện ba chàng ngự lâm pháo thủ)

– 1927 Fenelon, Les aventures de Télémaque (1699) (Tê-lê-mặc phiêu lưu ký)

– 1932 Abbé Prévost, Histoire du chevalier des Grieux et de Manon Lescault (1731) (Mai-nương Lệ-cốt)

– 1928 V. Hugo, Les misérables (1862) (Những kẻ khốn nạn)

– 1928 Ch. Perrault, Les contes (1697) (Truyện trẻ con)

– 1928 H. De Balzac, La peau de chagrin (1831) (Truyện miếng da lừa)

– Ngoài ra trong năm 1928, Nguyễn Văn Vĩnh còn dịch ra bốn bản kịch nổi tiếng của soạn giả Pháp Molière ở thế kỷ 17. Ðó là Người bệnh tưởng (Le malade imaginaire), Lão hà tiện (L’avare), Giả đạo đức (Le misanthrope) và Trưởng giả học làm sang (Le bourgeois gentilhomme).

Sau Hội nghị Genève 1954, văn hóa–ngôn ngữ Pháp đã được phục hồi mạnh mẽ nhất là từ khi quan hệ ngoại giao giữa hai nước Pháp – Việt và Hội Việt Pháp được khơi thông. Cùng với đó, chính sách đổi mới được mở cửa nhất là sau khi Việt Nam ra nhập chính thức khối Pháp ngữ (Francophonie). Tuy vậy, trên địa hạt văn hóa dịch thì ngày càng ít đi các dịch giả đầu tư vào lĩnh vực dịch văn học bởi do nhiều nguyên nhân nhưng phải thừa nhận rằng:

Dịch là một hoạt động “cực chẳng đã”, một công việc không “dễ xơi”, có người đã ví công việc này giống như “kẻ kéo cày trên cánh đồng phu chữ”. Chỉ có ai thực sự yêu thích văn chương, muốn trải nghiệm khám phá nền văn hóa Pháp mới dấn thân vì nó không mang lại lợi lộc gì, nhất là về mặt kinh tế. Hơn nữa, đầu tư thời gian để dịch được quyển sách có khi mất hàng năm trời, dịch xong có xuất bản được hay không lại còn là một vấn đề khác. Đã có những dịch giả khi bắt tay vào chuyển ngữ đã không tìm hiểu năm xuất bản và thân thế sự nghiệp tác giả, khi dịch xong không xin được giấy phép xuất bản vì vướng bản quyền tác giả. Thực tế nữa, nhiều dịch giả đã bày tỏ, sự đói tài liệu dịch là có thực. Những tác phẩm kinh điển, phù hợp với công ước Berne về thời hạn bảo hộ thì đã có quá nhiều dịch giả nổi tiếng chuyển ngữ. Những tác phẩm bị điều 7 của công ước Berne chi phối thì không dễ tiếp cận được tác giả. Để tháo gỡ vướng mắc này, có một số dịch giả phải chọn con đường dịch vòng qua các bản dịch tiếng Pháp khác vì không tìm được tài liệu dịch.

Việc dịch ngược những tác phẩm văn học trong nước ra nước ngoài để xuất khẩu còn khó khăn gấp bội vì thiếu nguồn kinh phí và nhà xuất bản. Trong những năm qua, phần đông các dịch giả ở Việt Nam chỉ dịch xuôi chứ mấy ai dịch ngược. Gần đây, ở một số hội nghị có một số nhà văn chưa từng làm công tác dịch văn học chuyên nghiệp, mà chỉ có tác phẩm được dịch và xuất bản ở nước ngoài đã “phán” rằng muốn xuất khẩu tác phẩm ra nước ngoài thì phải thế nọ thế kia. Những ý kiến của họ có phần đúng nhưng không phản ánh thực tế. Yếu tố quan trọng bậc nhất, đó là muốn xuất khẩu văn học Việt Nam ra bên ngoài thì việc đầu tiên phải tìm được nhà xuất bản và phải có người dịch tốt. Thực tế cho thấy, những người có khả năng diễn đạt văn chương Việt trong các ngôn ngữ khác hiếm như lá mùa đông. Thời gian qua, có 3 nhà xuất bản Pháp dành một góc riêng cho văn học Việt Nam, đó là L’Aube, Philippe Picquier và Riveneuve. Trong đó, hai tủ sách của L’Aube và Philippe Picquier được thành lập từ những năm 1992 – 1994, đã in nhiều tác phẩm Việt Nam thời Đổi mới, nhưng đến nay, hai tủ sách này hầu như không hoạt động, chỉ còn tủ sách Văn học Việt Nam đương đại của nhà xuất bản Riveneuve là đang hoạt động với đội ngũ dịch giả khiêm tốn gồm 3 dịch giả gốc việt, 3 dịch giả người Pháp. Trong số các nhà xuất bản được mời sang Việt Nam gần đây cũng không có người có tiềm năng hợp tác. Họ là nhà xuất bản chủ yếu sống dựa vào nguồn hỗ trợ của một ngân quỹ nào đó, hoặc dự án nào đó. Một nhà xuất bản ở Bắc Âu trong thời gian qua đã dịch in một bộ sách văn học Việt Nam, thực ra là nhờ vào quỹ phát triển văn hóa của chính phủ nước đó. Một số dịch giả sau khi hân hoan gặp gỡ ở hội nghị, đều đã về nước, trở lại với công việc cơm áo hàng ngày mà không có nhà xuất bản nào thuê họ dịch văn học Việt Nam. Nếu dịch giả nào “có tấm lòng”, tự ý dịch một tác phẩm, thì cũng khó tìm được nhà xuất bản nhận in. Đầu cung những dịch giả cho dịch tác phẩm “xuất khẩu” chung tựa lại cũng chỉ gồm 3 nhà: Dịch giả do nhà xuất bản cung cấp; Dịch giả là người bản địa biết tiếng Việt, đang giảng dạy nghiên cứu tiếng Việt; và một số dịch giả trong nước, con số này không nhiều, công việc của họ chủ yếu là dịch thô, chưa bảo đảm bảo có thể in được. Trong thời gian vừa qua, ở Pháp có Nhà xuất bản L’aube kiên trì với văn học Việt Nam hơn cả, nhưng nhà xuất bản này cũng có chuyện vướng mắc về nhuận bút sách tái bản với một số nhà văn Việt Nam: “Tướng về hưu” và “Trái tim hổ” của Nguyễn Huy Thiệp, “Người vãi linh hồn” của Vũ Bão, “Đảo đàn bà” và “Tiếng thở dài qua rừng kim tước” của Hồ Anh Thái, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, “Ăn mày dĩ vãng” của Chu Lai…

Thiết nghĩ để văn học Việt Nam có thể xuất khẩu được thì rất cần bàn tay của nhà nước và các tổ chức có liên quan với một kế hoạch tổng thể, có định hướng. Một vấn đề nữa, để các dịch giả Pháp ngữ không bị đơn độc hoạt động theo phương thức mạnh ai nấy làm như hiện nay thì Hội nhà văn Việt Nam cần nghiên cứu đề xuất thành lập một tổ chức để liên kết những dịch giả Pháp ngữ, hướng họ vào những công việc cụ thể, giúp họ về mặt chuyên môn, tài chính và kết nối với các tổ chức tương đồng tại Pháp và các nước khác trên thế giới.

Việt dịch và giới thiệu văn học việt Nam ra nước ngoài và văn học nước ngoài vào Việt Nam không chỉ là câu chuyện của những người yêu văn chương mà đó còn là một hình thức quảng bá hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế, đồng thời cũng còn là nỗ lực gây cảm tình để nhận được sự chia sẻ của bạn bè trên thế giới.

What do you think?

Ngôi Sao Thuốc Việt SAVIPHARM – Doanh nghiệp được cấp đồng thời ba chứng nhận GMP Quốc Tế cao nhất

Cậu bé tự kỷ viết tiếp câu chuyện kỳ diệu