Năm 1909, sau 8 mùa giải Nobel, vào mùa giải thứ 9, lần đầu tiên một nhà văn nữ đã được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao tặng giải thưởng Nobel Văn học, vì sự “đánh giá cao chủ nghĩa lý tưởng cao cả, trí tưởng tượng sống động và nhận thức tinh thần đặc trưng cho các tác phẩm của bà”. Bà là Selma Lagerlöf (1858 – 1940), nhà văn nữ người Thụy Điển, tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết, truyện dài nổi tiếng, trong đó tác phẩm Cuộc phiêu lưu kì diệu của Nils Holgersson, rất quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả tuổi thơ Việt Nam.
Nhân mùa giải Nobel năm 2023, chúng tôi xin giới thiệu toàn văn Bài phát biểu thuyết trình của Claes Annerstedt, Chủ tịch Viện Hàn lâm Thụy Điển, thay mặt Viện Hàn lâm Thụy Điển tuyên dương sự nghiệp văn chương của Selma Lagerlöf và Diễn từ của bà trong buổi Lễ trao giải tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển),vào ngày 10 tháng 12 năm 1909, qua bản dịch của nhà thơ, dịch giả Bùi Xuân.
Lời Tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển
(Bài phát biểu thuyết trình của Claes Annerstedt, Chủ tịch Viện Hàn lâm Thụy Điển, ngày 10 tháng 12 năm 1909)
Lịch sử cho chúng ta biết rằng đã có lúc Thụy Điển chiến đấu để giành giải thưởng quân sự danh dự trên thế giới. Thời của vũ khí đã qua, nhưng trong cuộc cạnh tranh quốc tế để giành giải thưởng hòa bình, người dân của chúng ta, từ lâu, đã giành được một vị trí đáng kính; song giờ đây, cuối cùng cũng đã đến lúc Thụy Điển có thể tham gia vào cuộc thi đua văn học với các quốc gia lớn. Vương quốc của trí óc được xác định bởi sức sống, không phải được đo lường bằng dân số hoặc tiền vàng bạc triệu, mà bằng nhu cầu lý tưởng và đạo đức mà nó tin theo.
Nếu đề cập đến một vài người, Geijer, Tegnér hay Runeberg đã có thể đoạt giải Nobel một cách xứng đáng, và những bước phát triển do những con người vĩ đại này đi tiên phong đã trở nên toàn diện hơn nhiều. Nhưng trong số các nhà văn trẻ, có nhiều đóng góp cho nền văn học của đất nước, có một cái tên đã nổi lên với ánh hào quang đặc biệt của một vì sao sáng rực rỡ nhất. Trong các tác phẩm của Selma Lagerlöf, dường như chúng ta nhận ra những nét thuần khiết và tốt đẹp nhất của Người Mẹ Thụy Điển vĩ đại của chúng ta. Năm năm trước, Viện hàn lâm Thụy Điển đã trao cho bà Huy chương vàng vì tầm quan trọng và sức mạnh của những thành tựu của bà trong nền thơ ca Thụy Điển “vì trí tưởng tượng phong phú, chủ nghĩa lý tưởng và tài kể chuyện tinh tế được chứng minh qua các tác phẩm của bà, được cả trong và ngoài nước Thụy Điển yêu mến”. Sự tôn vinh này nhận sự hưởng ứng của tất cả các tầng lớp xã hội ở nước ta. Hôm nay,chắc hẳn rằng nhân dân trong nước sẽ rất tự hào khi biết rằng Viện Hàn lâm Thụy Điển đã đánh giá cao những thành tựu văn học của Selma Lagerlöf, đặt những các tác phẩm của bà ngang hàng với những tác phẩm được xem là tài sản của toàn nhân loại, và chúng thấm nhuần những lý tưởng cao đẹp mà Nobel yêu cầu đối với giải thưởng Nobel do ông sáng lập. Không nên nghĩ rằng quyết định này khơi mào từ lòng tự tôn dân tộc thái quá, trong khi nhiều ý kiến quan trọng ở nước ngoài nhiệt thành ủng hộ bà. Cũng không thể được coi là thiếu khiêm nhường khi Giải thưởng Nobel, hiện tại đã được trao lần thứ chín, vẫn bó hẹp trong phạm vi đất nước của người sáng lập ra nó; ngược lại, sự khiêm nhường có thể bị hiểu là thiếu tự tin dân tộc.
Hiếm có trường hợp một cuốn tiểu thuyết đầu tay lại gây được sự chú ý của nhiều người như Truyền thuyết về Gösta Berlings (Gösta Berlings Saga,1891). Ý nghĩa của tác phẩm này không chỉ nằm ở chỗ nó đoạn tuyệt với chủ nghĩa hiện thực sai lầm, bệnh hoạn của thời đại, mà còn do tính độc đáo của nó. Nhưng không phải mọi người đều ca ngợi cuốn tiểu thuyết; trong khi số đông ngưỡng mộ nó thì một số khác lại chỉ trích nó gay gắt. Đó có lẽ đó là bằng chứng không thể tốt hơn về tính độc đáo phi thường của tác phẩm này. Người ta không thể không ngưỡng mộ một trí tưởng tượng chưa hề có kể từ thời Almqvist. Cho dù các nhân vật và tình huống do trí tưởng tượng của bà tạo ra có đặc biệt đến đâu, chúng vẫn được phủ những bông hoa diệu kì của thiên tài nghệ thuật, mà đôi khi là vẻ đẹp mê hồn. Người đọc đặc biệt cảm động sâu sắc khi bắt gặp trong tác phảm này một mảnh đời bị lãng quên của đất nước Thụy Điển; trái tim anh ta bị quyến rũ, giống như khung cảnh kỳ lạ và rực rỡ của bức tranh làm mê hoặc các giác quan của anh ta vậy. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên này có điểm yếu của nó; làm sao có thể khác được! Tìm đâu ra vàng ròng? Chừng nào thì một thiên tài bước vào thế giới hoàn hảo? Nhưng một điều đã hết sức rõ ràng: một thiên tài mới, mang căn tính Thụy Điển đích thực, đang vỗ cánh bay lên.
Chẳng bao lâu sau, bà bước vào vương quốc di sản thực sự của mình, thế giới thần bí của những câu chuyện cổ tích và truyền thuyết. Chỉ có một tâm hồn được nuôi dưỡng bằng những huyền thoại từ thời thơ ấu, và cộng thêm tình yêu vào trí tưởng tượng phong phú, mới có thể dám lí giải về những bí mật của thế giới vô hình mà người nhìn xa trông rộng luôn nhìn thấy ở cạnh mình, hay đúng hơn, là ở bên dưới của thế giới hữu hình. Phẩm chất nhìn xa trông rộng vốn rất đặc trưng trong các tác phẩm của Lagerlöf , nó đã bộc lộ mạnh mẽ ở trong bà hơn bất kỳ ai khác, kể từ thời của Thánh Birgitta. Giống như sự khúc xạ trong không khí sa mạc nóng bỏng đã tạo ra áo tượng sống động cho lữ khách, trí tưởng tượng ấm áp và đầy màu sắc của bà sở hữu một sức mạnh kì diệu, mang lại cho bà một năng lực quan sát thực tế sống động, điều mà bất kì ai nghe thơ của bà, bằng bản năng, cũng đều cảm nhận được. Điều này đặc biệt đúng với mô tả của bà về thiên nhiên. Đối với bà, mọi thứ, kể cả những gì gọi là vật vô tri vô giác, đều có cuộc sống riêng của nó, vô hình, nhưng có thật; và do đó, bàn tay nghệ sĩ của bà không bằng lòng với việc thể hiện vẻ đẹp bên ngoài của thiên nhiên. Đôi mắt yêu thương của bà dõi theo cuộc sống bên trong của thiên nhiên, còn đôi tai thính nhạy của bà thì nắm bắt ngôn ngữ thầm lặng của nó. Đó là lý do tại sao bà thành công khi mô tả những bí mật đẹp đẽ của những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết dân gian sống động và những câu chuyện về các vị thánh; những bí mật đó không thể cảm nhận bằng ngôn ngữ trau chuốt mà phải bằng những ngôn ngữ giản dị, bởi vì, như một cụ bà đã nói với nhà thơ, nó “có đôi mắt để nhìn thấy những bí mật của Chúa”.
Là một họa sĩ của cuộc sống làng quê, bà có đầy đủ sự độc đáo và có thể ganh đua với những người xuất chúng nhất của các quốc gia khác. Những cảnh tả chân và xác thực trong Cô gái đến từ đầm lầy (Tösen fån Stormyrtorpet, 1908) là không thể bắt chước, đồng thời nó chứa đựng một vẻ đẹp mới mẻ và sâu đằm trong một sức mạnh không cưỡng lại được của tình yêu vị tha làm cơ sở cho toàn bộ tác phẩm. Và còn nhiều tác phẩm khác cũng đẹp không kém. Nhưng tài năng của Selma Lagerlöf bộc lộ rõ ràng nhất, với một thành tựu đáng tự hào có nhan đề là Jerusalem (Thành Thánh,1901-1902). Những chuyển động sâu sắc trong đời sống tâm linh thi thoảng khuấy động tầng lớp nông dân của đất nước chúng ta hiếm khi được trình bày một cách rõ ràng như các trang mô tả về cuộc hành hương của người dân Dalekarlia đến miền Đất Thánh ở trong tác phẩm này. Người đọc cảm nhận mọi thứ một cách thân thương như thể chính mình đang trải nghiệm cách thức giống người mạnh mẽ, với tính cách nghiêm nghị và hướng nội, đi theo con đường của mình, nghiền ngẫm nhiều về những bí ẩn của cuộc sống. Và chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu những người này, bị giằng xé giữa tín ngưỡng và mê tín, trong cuộc đấu tranh đau đớn giữa tình yêu mảnh đất thừa kế và nỗi sợ hãi rằng họ có thể không đi với Chúa, cuối cùng họ đã bỏ nhà ra đi, vì họ tin rằng tiếng chuông trên cao khuyên răn họ hành hương về miền đất thánh. Nhưng cũng hoàn toàn tự nhiên nếu những người con tự nguyện tha hương, giữa niềm hân hoan của họ khi nhìn thấy mặt đất đã được bàn chân của Đấng Cứu Rỗi chạm đến, thì sâu thẳm trong lòng họ bị nung nấu bởi ước muốn về một vùng đất xanh tươi giản dị ở phương bắc xa xôi, là miền đất Dalarna cổ kính. Âm thanh của sông, của rừng luôn ở bên tai họ. Bằng cảm thức yêu thương, nhà thơ đã lắng nghe được chiều sâu thầm kín của tâm hồn họ và một chùm thơ trong sáng nhất đã biến đổi sự mô tả chân thực và trung thực về cuộc sống bình dị và cảm động của họ. Trong chương mở đầu cuốn tiểu thuyết Jerusalem, có tiêu đề là Những đứa con trai của Ingemar (Ingemarssönerna), bà ngụ ý một cách xúc động rằng cuộc đời và chiến công của ông cha sẽ quyết định số phận của con cháu sau này. Phong cách của Selma Lagerlöf xứng đáng để chúng ta ca ngợi. Giống như một người con gái trung thành, bà đã bảo tồn di sản tiếng mẹ đẻ giàu có của mình; từ nguồn này dẫn đến sự trong sáng của từ ngữ, sự rõ ràng trong cách diễn đạt và vẻ đẹp âm nhạc đặc trưng trong tất cả các tác phẩm của bà.
Sự trong sáng và giản dị trong cách diễn đạt, vẻ đẹp của phong cách và sức mạnh của trí tưởng tượng của bà còn gắn liền với sức mạnh đạo đức và cảm giác tôn giáo sâu sắc. Thật vậy, đối với một người coi cuộc sống con người là “những sợi chỉ trong khung cửi vĩ đại của Chúa” thì đây là điều không thể khác được. Trong thi ca cao quí như vậy, bầu không khí luôn luôn trong lành; có không ít những truyền thuyết đẹp đẽ của bà đã phản ánh được sự giản dị và cao cả của Kinh thánh. Nhưng điều khiến các tác phẩm của Selma Lagerlöf trở nên đáng yêu là dường như chúng ta luôn nghe thấy trong đó tiếng vọng đặc biệt nhất, mạnh mẽ nhất, tốt đẹp nhất đã từng lay động tâm hồn người dân Thụy Điển. Ít có ai hiểu được bản chất sâu thẳm nhất của dân tộc này với một tình yêu nồng nàn như bà. Chính trái tim của bà đã lên tiếng khi mà vị thẩm phán trong tác phẩm Cô gái từ trang trại đầm lầy (Tösen fån Stormyrtorpet), một con người nghiêm khắc đã trở nên rạng rỡ trước đức hi sinh quên mình của cô gái trẻ, cuối cùng đã nói với chính mình niềm xúc động sâu xa: “Đó là dân tộc tôi. Tôi sẽ không nổi giận với họ vì có quá nhiều tình yêu và sự kính Chúa trong số những sinh linh bé mọn đó.” Một cái nhìn gần gũi và sâu đằm như vậy chỉ có ở những người mà tâm hồn gắn bó thiết tha với đất nước Thụy Điển, những người được nuôi nấng bằng dưỡng chất thần thoại, lịch sử, văn hóa dân gian và thiên nhiên của đất nước này. Thật dễ hiểu vì sao cảnh chiều hôm huyền bí, hoài cổ và ảo diệu rất đặc trưng của thiên nhiên Bắc Âu lại được phản ánh trong hầu hết tác phẩm của bà. Sự vĩ đại của bà chính là khả năng vận dụng trái tìm cũng như thiên tài của mình để cho chúng ta tự nhận ra mình qua các đặc điểm và tính cách đặc thù của dân tộc mình.
Chúng ta đang làm đúng di nguyện của người sáng lập khi trao vinh dự cho những người biết khơi gợi lên những gì là tốt đẹp nhất trong tâm hồn con người, những người mà tên tuổi và đóng góp của họ vượt ra ngoài biên giới Thụy Điển. Bất kì một tên tuổi văn học nổi tiếng nào, dù trong hay ngoài nước, cũng sẽ không ghen tị nếu hôm nay Viện hàn lâm Thụy Điển tuyên bố trao giải thưởng Nobel Văn học năm nay cho người con gái ưu tú của Thụy Điển, Selma Lagerlöf.
Diễn từ Nobel của Selma Lagerlöf
(Diễn từ của Selma Lagerlöf tại Buổi tiệc chiêu đãi Nobel tại Grand Hôtel, Stockholm, tháng 12 năm 1909)
Cách đây vài ngày, tôi ngồi trên xe lửa đi Stockholm. Trời đã nhập nhoạng tối; trong toa tàu của tôi có đôi chút ánh sáng mờ nhạt, nhưng ngoài trời bóng tối mịt mù. Những hành khách đi cùng toa tàu với tôi đang ngủ gà ngủ gật, còn tôi thì ngồi yên lặng, lắng nghe tiếng tàu chạy.
Thế rồi tôi bắt đầu hồi tưởng về tất cả những lần tôi đã đến Stockholm. Trong mỗi chuyến đi, tôi thường phải làm việc gì đó khó khăn, giống như là vượt qua các kì thi hoặc tìm nhà xuất bản cho bản thảo của mình. Còn bây giờ tôi đến để nhận Giải thưởng Văn học. Việc này, cũng vậy, tôi nghĩ là sẽ khó khăn.
Suốt mùa thu, tôi đã sống cô độc hoàn toàn trong ngôi nhà cũ kĩ của mình ở hạt Varmland và giờ tôi phải đứng trước rất nhiều người. Cuộc sống ẩn cư đã khiến tôi cảm thấy ngại ngùng trước cuộc sống hối hả và nhộn nhịp, và tôi bất an khi nghĩ đến việc đối mặt với thế giới.
Tuy nhiên, trong sâu thẳm, niềm vui không thể giải thích được khi nhận được giải thưởng này, tôi cố gắng xua tan nỗi lo lắng của mình bằng cách nghĩ đến những người sẽ vui mừng trước vận may của tôi. Có những người bạn tốt của tôi, anh chị em của tôi, và trước hết là người mẹ già của tôi đang ngồi ở nhà, vui mừng vì còn sống để chứng kiến ngày hôm nay.
Và rồi tôi lại nghĩ đến cha tôi và cảm thấy một nỗi buồn thăm thẳm vì ông đã không còn nữa, và tôi không còn cơ hội gặp ông và để thưa với ông rằng tôi đã được trao giải Nobel. Tôi biết rằng sẽ không ai hạnh phúc hơn cha tôi khi ông nghe được điều này. Tôi chưa thấy ai có tình yêu và sự tôn trọng dành cho văn bản và những người tạo ra nó, và tôi ước ao rằng cha tôi có thể biết rằng Viện Hàn lâm Thụy Điển đã trao cho tôi Giải thưởng lớn này. Vâng, đó là một nỗi buồn sâu thẳm mà tôi không thể thưa với người.
Những ai từng ngồi trên chuyến tàu đêm cũng đều biết là có những phút giây dài ghê, khi mà con tàu lướt đi thật êm ái, không một tiếng động. Tất cả tiếng xập xình, hối hả ngưng hẳn và âm thanh của bánh xe hóa thành giai điệu êm dịu, thanh bình. Dường như các toa xe không chạy trên đường ray và các thanh tà vẹt mà lướt trong không khí. Thế đấy, đó là cảm giác của tôi khi ngồi trên toa tàu và mong ước gặp lại người cha già của mình. Đoàn tàu chuyển động nhẹ nhàng và im lặng đến mức tôi khó có thể tưởng tượng được mình đang ở trên mặt đất này. Và thế là tôi bắt đầu mơ mộng: “Nghĩ xem nào, nếu đang đi gặp Cha trên Thiên đường! Thì mình đã từng nghe những điều như thế với người này kẻ khác- thế thì tại sao lại chẳng xảy ra với mình?”. Đoàn tàu vẫn tiếp tục lao đi nhưng con đường trước mặt vẫn còn dài, và những suy nghĩ của tôi chạy đua với nó. Cha tôi chắc sẽ ngồi trên chiếc ghế xích đu ngoài hiên, trước mặt người là khu vườn đầy nắng, hoa lá và chim chóc. Dĩ nhiên rồi, cha tôi đang đọc Truyện dòng họ Fritjofs (Fritjofs Saga) , nhưng khi trông thấy tôi, người sẽ đặt cuốn sách xuống, đẩy mắt kính lên trán rồi đứng dậy và tiến về phía tôi. Người sẽ nói: “Chúc một ngày tốt lành, con gái à, gặp con cha vui mừng quá”, hoặc:“ Làm sao, con ở đây, con khỏe không, con yêu?, như người vẫn thường làm vậy.
Người sẽ lại ngồi trên chiếc ghế xích đu và sau đó ngạc nhiên hỏi rằng, tại sao tôi lại đến gặp người. “ Con chắc là không có chuyện gì rắc rối chứ?”, người đột ngột hỏi tôi. Tôi sẽ trả lời: “Không, thưa cha, tất cả đều ổn”. Nhưng sau đó, lúc chuẩn bị báo tin cho người, tôi quyết định giữ nó lại thêm chút nữa và nói vòng vo nửa vời. Tôi sẽ nói: “Cha ơi, con đến để xin cha lời khuyên, vì con mắc nợ rất nhiều.”
Người sẽ trả lời: “Cha e rằng sẽ không giúp được gì cho con trong vấn đề này. Người ta có thể nói về nơi này, trông giống như điền trang cũ ở Värmland của chúng ta, nó có mọi thứ trừ tiền bạc”.
“Ồ, con không nợ tiền bạc, thưa cha.” “Điều đó thậm chí còn tồi tệ hơn,” người sẽ nói. “ Hãy kể cho cha nghe từ đầu, con gái à”.
“Thưa cha, người không giúp được gì cho con đâu, bởi vì mọi sai lầm ban đầu là do cha. Cha có còn nhớ là mình đã từng chơi piano và hát những bài hát của Bellman cho bọn trẻ chúng con nghe và ít nhất đôi bận mỗi mùa đông, cha cho chúng con đọc Tegnér, Runeberg và Andersen? Đó là lần đầu tiên con mắc nợ. Cha ơi, làm sao con có thể đền đáp công ơn cho những người đã dạy con biết yêu những câu chuyện cổ tích, yêu những bản anh hùng ca, mảnh đất chúng ta đang sống và cuộc sống con người, trong thống khổ và vinh quang?”
Cha sẽ ngồi thẳng người trên chiếc ghế xích đu với ánh mắt kinh ngạc. “Cha rất mừng vì khiến con mắc món nợ đó,” người nói. “Vâng, cha có thể đúng, thưa cha, nhưng hãy nhớ, đó không phải là tất cả. Cha nghĩ xem con có bao nhiêu chủ nợ. Hãy nghĩ về những người lang thang nghèo khổ, vô gia cư, những người đã từng rong ruổi khắp vùng Värmland khi cha còn trẻ, họ đóng vai kẻ ngốc nghếch và ca hát nghêu ngao. Con mắc nợ họ cùng những trò tinh nghịch, quỉ quái của họ! Và những ông cụ, bà lão ngồi trong ngôi nhà nhỏ xám xịt, họ ra khỏi rừng, kể cho con nghe những câu chuyện tuyệt vời về thủy thần, về con quỷ khổng lồ và những thiếu nữ bị mê hoặc dụ dỗ lên núi. Chính họ dạy con rằng có thơ trong đá cứng, rừng rậm. Và hãy nghĩ, thưa cha, về tất cả những nam tu, nữ tu nhợt nhạt, má hốc hác trong tu viện tối tăm, những cảnh quang họ nhìn thấy và những giọng nói mà họ nghe được. Con đã vay mượn ở họ kho tàng thần thoại. Và hành trình gian khổ của những người nông dân đến Jerusalem- con mắc nợ họ khi viết về những chiến công vẻ vang đó? Và con không chỉ mắc nợ con người, con mắc nợ với cả thiên nhiên. Động vật đi trên mặt đất, chim muông bay trên trời, cây cối và hoa lá, tất cả chúng đã kể cho con nghe những bí mật của chúng”.
Cha sẽ mỉm cười, gật đầu, trông chẳng có chút gì lo lắng. “ Nhưng cha ơi, cha không hiểu là con phải oằn lưng gánh nợ hay sao?” Tôi sẽ nói và càng làm ra vẻ nghiêm trọng.”Không ai trên trái đất biết là bằng cach nào mà trả được món nợ đó, nhưng con nghĩ ttreen Thiên đường, cha sẽ biết”. “Chúng ta trả”. cha tôi sẽ nói với vẻ tự nhiên và thư thái như th Johan August Strindberg là một nhà viết kịch, tiểu thuyết gia, nhà thơ, nhà viết tiểu luận và họa sĩ người Thụy Điển ường lệ: “Đừng sợ, con à, sẽ có phương thuốc chữa trị cho nỗi ưu phiền của con.”
«Vâng, thưa cha, nhưng đó chưa phải là tất cả. Con còn mang ơn những người đã kiến tạo và đúc kết ngôn ngữ ngôn ngữ của chúng ta thành một công cụ tốt như nó vốn có, đồng thời dạy cho con cách sử dụng nó. Và, sau đó, con làm sao mà không mắc nợ những người đã viết văn, làm thơ thời trước, những người đã biến việc viết thành nghệ thuật, những người đốt đuốc soi đường, mở lối? Những người Na Uy vĩ đại, những người Nga vĩ đại đã viết khi con còn là một đứa trẻ, chẳng phải con đã mắc họ hàng ngàn món nợ? Chẳng phải con đã được sống trong thời đại mà nền văn học của đất nước con đã đạt đến đỉnh cao nhất, được chiêm ngưỡng những vị hoàng đế bằng đá cẩm thạch của Rydberg, thế giới thơ ca của Snoilsky, những câu chuyện kể của Strindberg, những chuyện dân gian của Geijerstam, những con người hiện đại của Anne-Charlotte Edgren và Ernst Ahlgren, thế giới Phương Đông của Heidenstam?. Sophie Elkan, người đã thổi hồn vào lịch sử, Fröding và những chuyện cổ tích của ông về vùng đồng bằng Värmland, những truyền thuyết của Levertin, Thanatos của Hallström, quang cảnh Dalekarlian của Karlfeldt, và nhiều nữa, trẻ trung và mới mẻ, tất cả đã nuôi dưỡng trí tưởng tượng của con, đã thôi thúc con ganh đua, và giúp cho những giấc mơ của con đơm hoa kết trái – chẳng phải là con không nợ nần gì họ hay sao?”.
Cha sẽ nói: “Vâng, vâng. Con nói đúng, món nợ của con rất nặng, nhưng đừng sợ con gái à, chúng ta sẽ có cách trả thôi mà”.
“Thưa cha, con không nghĩ rằng cha thực sự hiểu điều đó khó khăn đối với con như thế nào. Cha không nhận ra rằng con cũng mắc nợ cả độc giả của mình. Con mắc nợ họ rất nhiều – từ vị Vua già và hoàng tử út của ông, người đã gúp con đi lang thang khắp miền Nam để học nghề, đến những em học trò nhỏ đã viết nguệch ngoạc bức thư cảm ơn Nils Holgersson. Điều gì sẽ xảy ra với con nếu không ai muốn đọc sách của con? Và đừng quên tất cả những người đã viết về con. Hãy nhớ đến nhà phê bình nổi tiếng người Đan Mạch, người mà chỉ với vài lời, đã kết nối con với bạn bè ở khắp Đan Mạch! Và ông ấy là người có thể pha trộn mật ong với cao lương mĩ vị điêu luyện hơn bất kỳ ai ở Thụy Điển đã từng làm trước ông ấy. Bây giờ ông ấy đã chết. Hãy nghĩ về tất cả những người ở nước ngoài đã làm việc vì con. Cha ơi, con nợ họ lòng biết ơn vì cả những lời khen chê của họ”.
Cha sẽ nói: “Vâng, vâng” và tôi sẽ thấy ông trầm ngâm đôi chút. Chắc chắn, người đã bắt đầu hiểu ra rằng sẽ không dễ để giúp tôi.
“Thưa cha, hãy nhớ đến tất cả những người đã giúp đỡ con!”. Tôi sẽ nói. “Hãy nghĩ đến người bạn thủy chung của con, Esselde, người đã cố gắng mở toang những cánh cửa cho con khi mà chẳng ai dám tin con. Hãy nghĩ đến những người khác đã lưu giữ và bảo vệ tác phẩm của con! Hãy nghĩ về người bạn tốt, người bạn đồng hành của con, người không chỉ đưa con về phương nam, chỉ con thấy tất cả những vinh quang của nghệ thuật, mà còn khiến cuộc sống của con hạnh phúc, tươi sáng hơn. Tình yêu đã dành tất cả cho con, danh dự, phần thưởng! Bây giờ lẽ nào cha chẳng hiểu vì sao con đến cha để hỏi rằng làm thế nào để con có thể trả những món nợ đó?”.
Cha cúi đầu xuống và trông không còn nhiều hy vọng nữa.
“Cha đồng ý, Con gái à, tìm người giúp không dễ, nhưng con có chắc là mình không còn nợ nần ai nữa chứ ?”.
“Vâng, tất cả những món nợ đó đã nặng trĩu rồi, nhưng vẫn chưa phải là món nợ lớn nhất của con, thưa cha. Đó là lý do tại sao con phải đến gặp cha để xin một lời khuyên”. Cha sẽ nói: “Cha không thể hiểu làm thế nào mà con có thể nợ nhiều hơn nữa». Tôi sẽ nói: “Ồ, vâng”, tôi sẽ nói và sau đó kể cho người nghe tất cả.
Cha sẽ nói: “Cha không thể tin được Viện Hàn lâm…”, nhưng khi nhìn tôi, soi vào khuôn mặt tôi, người sẽ biết đó là sự thật. Và sau đó, mọi nếp nhăn trên khuôn mặt cha sẽ runlên và nước mắt sẽ trào trên khóe mắt của người.
«Tôi có thể nói gì với những người đã đề cử con với những người quyết định trao Giải thưởng cho con- hãy nghĩ về điều đó, thưa cha, họ đã cho con nhiều hơn cả danh dự và tiền bạc. Họ đủ xác tín để chọn lựa, vinh danh con trước toàn thế giới. Làm thế nào con có thể trả hết món nợ này? »
Cha sẽ ngồi xuống, nhưng vẫn không thốt ra được lời nào như ý. Sau đó, lau khô những giọt nước mắt vui sướng trên mắt, người vỗ bàn tay vào thanh ghế xích đu và nói: “Cha sẽ không vắt óc suy nghĩ về một vấn đề mà trên trời dưới đất không ai giải quyết được. Cha rất vui mừng vì con đã được trao giải thưởng Nobel, và cha không phải nghĩ ngợi gì nữa!”.
Thưa Bệ hạ, thưa các vị Hoàng thân, thưa quí bà và quí ông! Tôi sẽ chẳng thể nhận được câu trả lời nào tốt hơn cho tất cả các câu hỏi của mình, tôi chỉ đề nghị quí vị cùng nâng cốc rượu mừng mà tôi có vinh dự được dành cho Viện Hàn lâm Thụy Điển.
Bùi Xuân dịch từ bản tiếng Anh
Nguồn: http://www.nobelprize.org.
GIPHY App Key not set. Please check settings