Không chỉ là nhà báo chuyên nghiệp, Nguyễn Mạnh Hà còn là ca sĩ, tốt nghiệp khoa Thanh nhạc (Nhạc viện Hà Nội). Nhưng, có lẽ độc giả và khán giả của anh cảm thấy bất ngờ nhất khi biết anh là tác giả tập thơ “Sự tích chúa”.
Giải mã những cảm xúc cá nhân
Thực tế, Nguyễn Mạnh Hà luôn có niềm đam mê đặc biệt với mảng thi ca. Anh từng được giải thưởng trong cuộc thi Sáng tác văn học Tầm nhìn thế kỷ do báo Tiền Phong tổ chức năm 1999-2001, có nhiều thơ đăng trên các báo Tiền Phong, Tuổi trẻ, Cordit Poetry Review (Australia).
Thời điểm ra mắt tập thơ “Sự tích Chúa”, một số bài đã được phổ nhạc và Nguyễn Mạnh Hà đã thể hiện những tác phẩm của chính mình trong sự hưởng ứng nồng nhiệt của khán giả.
Nhiều độc giả tò mò về cái tựa của tập thơ. Nhưng khi thưởng thức gần 200 trang thơ của Nguyễn Mạnh Hà, họ hiểu rằng đích đến không phải là một niềm tin tôn giáo, mà là sự giải mã những cảm xúc cá nhân trước biến động của cuộc sống, là tìm về sự khởi nguồn, sự tồn tại cũng như sự ra đi của số phận loài người.
Nguyễn Manh Hà tâm sự, trong thời gian giãn cách do đại dịch, cảm hứng thi ca trong anh bỗng bừng dậy sau nhiều năm ngủ quên. Khi có nhiều thời gian đối diện với bản thân, anh phát hiện điều gì đó mới lạ, khuấy động não trạng mình, “gây nên một nỗi bất an lớn kèm theo sự tò mò lớn cũng không kém”.
Trong tập thơ, Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ những mạch suy nghĩ sâu sắc và giàu tính liên tưởng. Ở bài “Một thuyết âm mưu, anh viết: “Quá khó để chế ra thứ mình không nhìn thấy/ Nhưng nó thấy mình/ Không giết được nó/ Nhưng nó giết được mình/ Bất cứ lúc nào…”
Thơ của Nguyễn Mạnh Hà rất… bất thường! Không nhiều vần điệu mượt mà, “Sự tích Chúa” do NXB Thanh niên phát hành, chinh phục người đọc bởi sự độc đáo và thú vị trong thế giới tâm tưởng của tác giả.
Nghệ thuật không lý luận. Xét ở khía cạnh này, Nguyễn Mạnh Hà đã thành công khi tìm ra cho mình một vùng bay riêng trên bầu trời thi ca. Thơ của anh thuộc về lĩnh vực của cảm xúc, của sự nhạy cảm và trí tưởng tượng. Sáng tạo nghệ thuật tạo nên những mối liên kết rất mạnh mẽ giữa con người với con người, con người với sự việc, con người với thiên nhiên, vượt ra ngoài ngôn ngữ, tín ngưỡng và văn hóa.
Không xã hội nào mà không có nhà thơ
Nói về Nguyễn Mạnh Hà, Joe Dolce – ca sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ Úc bày tỏ: “Thơ Nguyễn Mạnh Hà có gì đó hơi đi trước thời cuộc. Bằng một thứ ngôn ngữ siêu thực, hài hước và đầy sáng tạo, thơ anh có khả năng cho chúng ta một cách nhìn nhân từ hơn về chính mình”.
Qua tập thơ “Sự tích Chúa”, Nguyễn Mạnh Hà cho thấy không có xã hội nào mà không có nhà thơ. Ngay cả khi hành động sáng tạo được thực hiện trong cô độc, các nhà thơ không sống trong bong bóng. Họ không phải là những ẩn sĩ, bị nhốt trong nhà, mà là những người tạo ra một vũ trụ mà họ cho chúng ta chia sẻ. Cho dù thơ của họ được viết ra hay hát lên, các nhà thơ đóng một vai trò giáo dục rất quan trọng.
Trong bài “Sao”, Nguyễn Mạnh Hà viết: “Muốn trở thành ngôi sao/ Hãy cống hiến đời anh/ Cho mọi người/ Bởi ai cũng có nhu cầu mở rộng tầm mắt/ Ai cũng thấy cuộc sống của họ không đủ cho chính họ/ Như quần áo đối với đứa trẻ đang không ngừng lớn…”
Thi ca không xa rời thực tế, và những thực tế này nằm sâu trong chúng ta đến mức chúng chỉ có thể được thể hiện thông qua thi ca.
Trong thế giới vỡ mộng của chúng ta, chúng ta có xu hướng quên rằng thi ca tồn tại. Đó cũng là thử thách đối với những nhà thơ giàu tính sáng tạo và đột phá như Nguyễn Mạnh Hà. Dẫu sao, thơ vẫn là một phần không thể thiếu của khoa học nhân văn.
Tiểu Mai
Ảnh:
1. Nhà báo, ca sĩ, thi sĩ Nguyễn Mạnh Hà.
2. Tập thơ “Sự tích Chúa” – NXB Thanh niên phát hành.
GIPHY App Key not set. Please check settings