Trong ngành dược Việt Nam, Tiến sĩ Trần Tựu được biết đến là một nhà lãnh đạo xuất sắc, có công lớn trong việc cải tiến hệ thống sản xuất, cung ứng dược phẩm chất lượng cao, và tiên phong đưa dược phẩm Việt ra thị trường nước ngoài, ngay cả khi Việt Nam bị phương Tây cấm vận sau giải phóng. Tính đến nay, với hơn 50 năm hoạt động trong lĩnh vực này, ông Trần Tựu đã ghi dấu ấn sâu đậm qua những thành tựu và vai trò quan trọng mà mình đảm nhiệm.
Thời kỳ mới giải phóng, khi đất nước còn vướng phải những khó khăn của cấm vận, ông Trần Tựu đã tỏa sáng trong vai trò Giám đốc Xí nghiệp Dược 2/9. Dưới sự lãnh đạo của ông, xí nghiệp này đã sản xuất và xuất khẩu dầu cao Sao Vàng sang Liên Xô và các nước khối XHCN.
Trước những khó khăn do cấm vận, thiếu ngoại tệ nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất, Dược sĩ Trần Tựu đã đưa ra chủ trương thúc đẩy nghiên cứu nguồn dược liệu của Việt Nam để sản xuất thuốc. Xí nghiệp 2/9 là cơ sở đầu tiên của ngành Y tế trong nước công bố nghiên cứu chiết xuất từ cây vàng đắng chất berberin; nghiên cứu từ cây cỏ sữa lớn lá làm thuốc chữa bệnh lỵ và bệnh đường ruột rất hiệu quả.v.v… nghiên cứu từ các cây tinh dầu Việt Nam để sản xuất Dầu gió nâu, Dầu gió xanh, được người dân đón nhận và sử dụng rộng rãi. Khi dầu cao Sao vàng với bản quyền của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 3 (thuộc Tổng công ty Dược) được xuất sang Liên Xô và các nước Đông Âu, Trần Tựu nhận thấy, nếu biết tổ chức hợp tác sản xuất, nguồn nguyên liệu tinh dầu trong nước có thể từng bước được giải quyết; về quy trình sản xuất, nếu được chuyển giao, có thể nghiên cứu cải tiến, cơ giới hóa trong hoạt động sản xuất, năng suất nhất định sẽ được nâng cao.
Với việc đưa dây chuyền mới vào sản xuất, năng suất lao động tăng vọt: Xí nghiệp Dược 2/9 đã sản xuất thành công với sản lượng năm cao nhất đạt 59 triệu hộp dầu cao Sao vàng xuất khẩu, chiếm hơn 50% tổng sản lượng của tất cả các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm này.
Dược sĩ Trần Tựu được cử đi dự Đại hội thi đua toàn quốc, được Hội đồng nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Xí nghiệp Dược 2/9 đã được tặng thưởng một Huân chương Lao động hạng Nhì, một Huân chương Lao động hạng Nhất và được đánh giá là một trong 10 doanh nghiệp dẫn đầu trong hoạt động đổi mới, sáng tạo của TP.HCM.
Làm Tổng Giám đốc Liên hiệp các Xí nghiệp Dược TP.HCM
Sau đó, khi được giao nhiệm vụ làm Tổng Giám đốc Liên hiệp các Xí nghiệp Dược Tp.HCM, Trần Tựu đã nghiên cứu, xây dựng phương án mới, kiên trì thuyết phục đi đến đồng thuận sắp xếp lại cơ sở vật chất của các đơn vị, tiến hành điều chuyển các cơ sở bao gồm nhà xưởng của một số đơn vị chưa khai thác hoạt động hiệu quả cho các đơn vị có tiềm năng nhưng thiếu cơ sở vật chất, tạo động lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh chung của toàn Liên hiệp.
Ngoài địa bàn Thành phố, Liên hiệp các Xí nghiệp Dược và các doanh nghiệp tiên phong trực thuộc đã mở rộng các hoạt động hợp tác, liên doanh liên kết với các xí nghiệp liên hợp dược, các doanh nghiệp địa phương trên toàn quốc trong hoạt động khai thác các nguồn dược liệu, tinh dầu, đẩy mạnh hoạt động sản xuất và cung ứng thuốc.
Đóng góp cho sự đổi mới cơ cấu ngành Dược Việt Nam
Với kinh nghiệm tích lũy được từ các vị trí quản lý trước đó, Trần Tựu được giao nhiệm vụ mới tại Bộ Y tế, là nghiên cứu xây dựng Đề án chuyển Liên hiệp các Xí nghiệp thành Tổng Công ty Dược Việt Nam với cơ cấu, tổ chức, hoạt động phù hợp, hiệu quả. Được sự chấp thuận và hỗ trợ của Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Tổng công ty đã xây dựng thành công Đề án Quy hoạch tổng thể – đầu tư phát triển Tổng công ty Dược Việt Nam giai đoạn 1996 – 2025 của Trần Tựu.
Với tinh thần cộng đồng trách nhiệm, 24 doanh nghiệp thành viên thuộc Tổng công ty Dược Việt Nam đã luôn gắn bó cùng vượt qua các trở ngại, đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các nguồn lực, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Do vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Dược giai đoạn 1995-2005 đã có bước phát triển mạnh với doanh thu tăng trưởng bình quân trên 10%/năm, góp phần cùng ngành Dược cả nước đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho yêu cầu phòng và chữa bệnh, trong đó gần 50% tổng giá trị thuốc chữa bệnh được sản xuất trong nước.
Xây dựng SaVipharm – Doanh nghiệp tiên phong trong hoạt động Khoa học – Công nghệ và đổi mới quản lý
Ngay sau khi nghỉ nhiệm vụ tại Tổng Công ty Dược Việt Nam, Dược sĩ Trần Tựu đã bắt tay vào việc xây dựng Công ty CP dược phẩm SaVipharm.
SaVipharm đặc biệt chú trọng đầu tư cho hoạt động Khoa học Công nghệ. Chiến lược nghiên cứu phát triển được xác định: nghiên cứu phát triển các generic mới, đón đầu các sản phẩm sắp hết bản quyền, chuẩn bị cho việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới công nghệ cao có chất lượng tương đương với các sản phẩm nước ngoài cùng loại, thay thế các thuốc nhập khẩu.
GSK đã trở thành Tập đoàn Dược đa quốc gia đầu tiên ký kết hợp tác với SaVipharm. Bộ Y tế Nhật Bản đã tiến hành thanh tra và cấp giấy chứng nhận GMP Nhật Bản cho SaVipharm vào tháng 12.2010. Từ tháng 10.2011, SaVipharm đã hợp tác với GSK tiến hành xuất khẩu dược phẩm sang thị trường Nhật Bản và sau đó đã mở rộng ra 3 quốc gia Cambodia, Malaysia, Lào. Ngày 28.11.2019, SaVipharm đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GMP châu Âu cho tất cả các dạng sản phẩm.
SaVipharm là một trong rất ít doanh nghiệp dược đạt cả 2 tiêu chuẩn cao GMP Nhật Bản, GMP châu Âu; SaVipharm đã nghiên cứu thành công, đưa ra thị trường trên 300 sản phẩm, thuộc 12 nhóm thuốc chất lượng cao, mang thương hiệu Việt, giúp chữa lành bệnh tật và chăm sóc sức khỏe lâu dài cho người Việt Nam và người nước ngoài. Chính vậy nên SaVipharm đã 2 lần đạt danh hiệu Ngôi sao thuốc Việt (2015-2024) do Bộ Y tế trao tặng.
Trần Tựu đã và đang làm nên những điều kỳ diệu trong ngành dược Việt Nam. Dù có nhiều thành tích đóng góp cho ngành dược nhưng phần thưởng lớn nhất đối với ông là được học tập, rèn luyện và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe con người.
GIPHY App Key not set. Please check settings