in

Thi Nhân Các: Gặp gỡ đầu Xuân cùng CLB Thơ dịch Hà Nội

T.Linh

Ngày 22/02/2025, không khí đầu xuân Hà Nội mưa phùn thâm u ướt lạnh nhưng Thi Nhân Các lại tràn đầy nhiệt huyết bởi một sự kiện văn học độc đáo. Tại đây, CLB Thơ dịch Hà Nội, trực thuộc Hội nhà văn Hà Nội, đã tổ chức cuộc gặp gỡ đầu xuân với những tâm hồn đam mê thơ ca, với sứ mệnh không chỉ truyền tải những tinh hoa văn học nước ngoài tới bạn đọc VN, mà sẽ tiến tới việc giới thiệu, quảng bá thơ Việt qua nhiều ngôn ngữ.

Dịch giả Nguyễn Hữu Thăng – Chủ nhiệm CLB thơ dịch HN phát biểu

Trong sự kiện đầu xuân năm nay, dịch giả Nguyễn Hữu Thăng – Chủ nhiệm CLB thơ dịch HN cho biết, CLB hiện có 38 thành viên, trong đó có đến 4 thành viên đã bước qua ngưỡng 80 tuổi. Điều đặc biệt, cao tuổi nhất trong đại gia đình CLB chính là dịch giả Nguyễn Xuân Hòa, năm nay đã 88 tuổi mà vẫn dành ra ít nhất 2 tiếng mỗi ngày để dịch thơ – một minh chứng sống động cho niềm đam mê văn học không biên giới của các bậc tiền bối. Tại buổi gặp gỡ, Ban tổ chức đã trao tặng những món quà ý nghĩa cho 4 dịch giả ngoài 80 tuổi như một lời tri ân sâu sắc vì sự cống hiến không mệt mỏi cho văn hóa thông qua công việc dịch thơ, tôn vinh “Chân, Thiện, Mỹ” qua ngôn ngữ.

Toàn cảnh buổi gặp gỡ tại Thi Nhân Các

Không khí của buổi gặp gỡ càng trở nên sôi nổi và thấm đẫm tâm huyết khi các diễn giả chia sẻ những trải nghiệm và khát vọng của mình đối với nghệ thuật dịch thơ ca. Dịch giả Linh Chi – doanh nhân Nguyễn Trọng Thắng, người sáng lập Thi Nhân Các – đã nhấn mạnh rằng đầu thế kỷ 20, một số phong trào văn học đã gặp không ít khó khăn do hạn chế về kinh phí. Chính vì thế, dự án “Đường văn” – ấn phẩm được thành lập cách đây hai năm – ra đời với mục đích xây dựng một phong trào mới, tạo nguồn dinh dưỡng tinh thần cho các nhà văn, nhà thơ tiếp tục con đường sáng tác và nghiên cứu.

Dịch giả Linh Chi – doanh nhân Nguyễn Trọng Thắng, người sáng lập Thi Nhân Các – chia sẻ tại sự kiện

Doanh nhân Nguyễn Trọng Thắng, với nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm của một người yêu văn học, đã không ngại dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh để tạo ra nguồn vốn hỗ trợ cho hoạt động phát triển văn học. Anh mong muốn, trong tương lai, bên cạnh việc dịch xuôi những tác phẩm nước ngoài, CLB Thơ dịch Hà Nội còn sẽ tích cực tham gia vào công cuộc “dịch ngược” – giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới, góp phần đưa tác phẩm của các tác giả Việt vươn ra quốc tế và đạt được những giải thưởng danh giá.

Giáo sư Tạ Phương cũng bày tỏ mong muốn được tìm kiếm và dịch những nguồn thơ xuất sắc của nền văn học quốc tế, nhằm mang đến cho độc giả Việt Nam những thành tựu tinh hoa của thơ ca nước ngoài, Những tác phẩm ấy cần được bình chọn thông qua các ấn phẩm của CLB rồi in ấn thành sách hàng năm. Qua đó, các sứ quán nước ngoài cũng góp phần giới thiệu tác phẩm xuất sắc của quốc gia mình, tạo ra một hệ sinh thái dịch thuật phong phú và đa chiều.

Dịch giả Lê Đức Mẫn cũng không quên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa các tác phẩm văn học vào tay độc giả một cách hiệu quả. Theo ông, thay vì in ấn các tập thơ khổ lớn, tốn kém mà chưa thực sự được biết đến bởi sinh viên, thì hãy thử nghiệm một cách phát hành nhanh chóng và tiếp cận được các trường đại học, viện nghiên cứu. Chỉ cần photo tác phẩm và gửi tới các nơi kể trên, sẽ giúp lan tỏa giá trị văn học một cách rộng rãi. Đặc biệt, ông còn chia sẻ về một nhánh nghề dịch ít ai khai thác – đó là dịch lời bài hát. Sau khi đã dịch và in ấn một bộ sưu tập gồm 60 bài hát Việt với lời dịch sang tiếng Nga, ông dự định sẽ tổ chức một buổi biểu diễn ca nhạc, qua đó đưa âm nhạc và thơ ca Việt Nam được chuyển ngữ tiếng Nga, tiếp cận với khán giả quốc tế.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch HNV VN phát biểu tại sự kiện

Những chia sẻ của nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch HNV VN tại buổi gặp gỡ đã làm nổi bật giá trị nghệ thuật và sự cần thiết của công việc dịch thuật. Ông cho rằng để có thể dịch thuật hay, cần phải có ba yếu tố then chốt: sự giỏi giang về ngoại ngữ, khả năng sử dụng tiếng Việt chuẩn mực và tài năng văn chương. Theo ông, các dịch giả ở CLB không chỉ là những người thạo ngôn ngữ mà còn là những “nhà thơ” thực thụ, người có khả năng biến ngôn từ thành tác phẩm nghệ thuật sống động. Ông cũng nhấn mạnh rằng sự kết hợp giữa dịch giả và tác giả, cũng như sự hợp tác chặt chẽ với biên tập viên bản ngữ có tài văn là yếu tố then chốt để thành công trong việc quảng bá văn học Việt ra thế giới.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa còn chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ của riêng mình khi các tác phẩm của ông được dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau – từ tiếng Pháp cho đến tiếng Nga – và dù đạt được nhiều giải thưởng danh giá, nhưng đôi khi lại không nhận được sự quan tâm xứng đáng từ độc giả. Qua đó, ông mong muốn rằng trong tương lai, người dịch không chỉ đơn thuần là chuyển ngữ mà còn phải được hiệu đính, tinh chỉnh bởi biên tập bản ngữ, sao cho bản dịch thể hiện được tinh hoa của tác phẩm gốc, nhằm mang đến cho độc giả quốc tế một hình ảnh chân thực, sâu sắc về văn học Việt Nam.

Năm 2025 còn có ý nghĩa đặc biệt khi kỷ niệm 100 năm ngày mất của nhà thơ Sergey Aleksandrovich Yesenin – hiện tượng văn học của thế kỷ bạc ở Nga. Với cuộc đời đầy bí ẩn và tác phẩm trung thực phản ánh cả những mặt tốt đẹp lẫn xấu xa của đời sống, Exenhin đang được các dịch giả của CLB đặt mục tiêu tập trung dịch toàn bộ tác phẩm của ông. Sự kiện này là dịp tưởng nhớ một nhà thơ vĩ đại và mở ra cơ hội để độc giả Việt Nam được thưởng thức những tác phẩm đầy chiều sâu của nền văn học Nga.

Qua cuộc gặp gỡ đầu xuân tại Thi Nhân Các, CLB Thơ dịch Hà Nội đã khẳng định vai trò của mình như một “người trung gian” tinh túy, gắn kết các giá trị văn học truyền thống với hiện đại, mở rộng giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và thế giới. Những tâm huyết, tài năng và sự cống hiến của các dịch giả, từ những người đã qua ngưỡng 80 tuổi cho đến thế hệ trẻ, đang dần khẳng định rằng dịch thuật không chỉ là công việc chuyển ngữ mà còn là nghệ thuật sáng tạo, là cầu nối văn hóa giữa các dân tộc, khiến văn học trở nên sống động, giàu cảm hứng và tràn đầy sức sống, kết nối con người vì tình nhân ái.

Những lời chia sẻ, những kế hoạch và dự án đầy triển vọng của các thành viên CLB hứa hẹn một hình ảnh mới cho văn học Việt Nam trên trường quốc tế. Khi mà mỗi bản dịch không chỉ là sự chuyển tải ngôn ngữ mà còn là quá trình “hòa nhập” văn hóa, thì sự cống hiến của các dịch giả chính là mang tinh hoa văn học nước nhà đóng góp vào kho tàng văn học TG, để văn học nước nhà được tiếp thêm sức mạnh mà vươn lên, khẳng định vị thế và giá trị của mình trên bản đồ văn học thế giới.

*Được thành lập vào năm 1997 theo Quyết định của Hội Nhà văn Hà Nội, CLB Thơ dịch Hà Nội đã qua nhiều năm xây dựng và phát triển với đội ngũ dịch giả thuộc nhiều lứa tuổi, từ những người trẻ nhiệt huyết cho đến các bậc nghệ sư giàu kinh nghiệm. Thành viên của câu lạc bộ không chỉ cần thông thạo ít nhất một trong bốn ngoại ngữ gồm tiếng Pháp, Trung, Anh, Nga mà còn phải có năng khiếu làm thơ, giúp cho tác phẩm khi được chuyển ngữ vẫn giữ được cái hồn của ngôn từ gốc. Qua đó, CLB đã tạo ra những cầu nối văn học vững chắc giữa văn học Việt Nam và các nền văn học phương Đông lẫn phương Tây.

What do you think?

Thơ Azam Abidov – Uzbekistan