in

THƠ KHÚC HỒNG THIỆN

Nhà báo, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa KHÚC HỒNG THIỆN – Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam. Sinh năm 1983, quê Hưng Yên, tốt nghiệp K10 khoa Sáng tác & Lý luận-Phê bình (Trường đại học Văn hóa Hà Nội), hiện sống và làm việc tại Hà Nội, công tác tại Báo Nhân Dân. Đã xuất bản một số tác phẩm thơ, văn, chính luận và chuyên luận được nhiều bạn đọc biết đến.

thơ Khúc Hồng Thiện

Người dưng

Cứ nghĩ đến em là anh muốn khóc

dù bao năm bao tháng đã qua rồi

ngày vẫn cũ dẫu không còn sôi nổi

mưa vẫn chiều và mây vẫn xa trôi

Cứ nghĩ đến em là anh muốn khóc

chiếc khăn rằn theo suốt tuổi thanh xuân

đã mang anh đi khắp cao nguyên đá

từ bấy đến giờ gió vẫn như tân

Cứ nghĩ đến em là anh muốn khóc

bình pha lê trong trẻo tuổi thơ đầu

em vẫn giữ như đó là báu vật

mà ta thì có xứng đáng nào đâu

Cứ nghĩ đến em là anh muốn khóc

bởi tìm đâu ánh mắt nhớ thương nào

có đôi lúc ta giận hờn vô cớ

để đến giờ trong dạ vẫn xôn xao

Cứ nghĩ đến em là anh muốn khóc

chẳng phải vì yếu đuối trước hàng cau

mà chỉ bởi anh chẳng quên chuyện cũ

và bởi vì thương nhớ vẫn trong nhau.


Vòng xòe

Xòe cho Tú Lệ trổ đòng

Ngòi Thia mãi chảy một dòng mây xanh

Xòe cho bầu bạn vây quanh

cháy lên ngọn lửa đượm tình muôn phương

Xòe bên nhau những ngày thường

lửa ơi ở cuối con đường cháy lên

Xòe từ Yên Bái, Điện Biên

khăn piêu em gửi về miền đảo xa

Cà Mau, Đồng Tháp… một nhà

vòng xòe còn rộng mãi ra vô cùng

Xòe đi cho hạt trĩu bông

xòe đi để gọi ngàn sông đổ về

Biển khơi giữ trọn lời thề

siết chặt tay trước hội xòe nước non.


Còn thức trong mơ

Ai còn mắc kẹt trong mơ

từ đêm ta tỉnh giấc trưa đang nồng

em còn ở đó hay không

nghe ai mà vẫn chờ trông đến giờ

còn đây xao xác bãi bờ

lòng ta cùng với xửa xưa hôm nào

nét cười như đã hanh hao

người đi về phía chiêm bao đượm buồn

còn chăng xao động trong hồn

thì em cứ việc dỗi hờn vì ai…


Nẻo về minh đạo

Đó là con đường sáng

để mọi người cùng đi

nhân văn và minh triết

dù ta không thiết gì

Người đời hay ganh ghét

so tiền bạc đã đành

nhưng có người vẫn hỏi

thế nào là thông minh

Ôi, trần gian mộng mị

mỗi người chỉ một đời

đã cùng nhau hoạn nạn

sao bây giờ xa xôi

Thế nào là minh đạo

ai cắt nghĩa cho vừa

thì tâm tư thế giới

như tách trà sang trưa.


Con và Lịch sử

Trước sân bảo tàng lịch sử

Con hồn nhiên chạy tung tăng

Từ viên gạch nhà họ Khúc

Qua hàng bia Đinh-Lý-Trần…

Thời gian quá ư dằng dặc

Hiện thời con chưa hiểu đâu

Nhưng bố chẳng còn nông nổi

Mây bay điềm tĩnh trên đầu

Nước non bao phen binh lửa

Lòng người muôn nỗi hiểm sâu

Lời vua như dao chém đá

Nhân dân thì vẫn dãi dầu

Nay tuy qua hồi nguy biến

Cỏ xanh thỏa sức bời bời

Sân sau có cây gạo cổ

Lửa trời – đá đổ mồ hôi

Con gái, lại đây ta bảo

Mai sau sẽ khác bây giờ

Nhưng hãy giữ câu chung thủy

Và nuôi bền những ước mơ!


Cùng nhau ghi nhớ

Chung bàn chung lớp chung trường

Chung thầy cô, cả con đường đi chung

Bạn nam bạn nữ ta cùng

Học chung lịch sử cha ông huy hoàng

Nối vòng tay bước lên đàng

Chung câu hát giữ giang san Lạc Hồng

Vẫn nguyên trên mặt Trống Đồng

Mỗi người mỗi việc một lòng hòa ca

Hôm nay bè bạn chúng ta

Dù trai dù gái cũng là học sinh

Nhớ lời Bác dạy đinh ninh “Năm điều” ghi nhớ học hành cho ngoan.


MƯA ĐỒNG VĂN

Lên đây chẳng bán mua gì

chỉ xanh với núi chỉ ghi với chiều

cứ chầm chậm đá mà yêu

cứ vời vợi gió mà liều bước chân

Mưa Đồng Văn chợ tần ngần

tôi ngồi đếm giọt qua dần kẽ tay

vẫn đây chồng ngất ngư say

vẫn kia vợ đợi tháng ngày… còn thương

vẫn Hạnh Phúc một con đường

vẫn huyền thoại đá và sương cuối trời

Thôi đừng mưa thôi đừng rơi

đừng nâng chén cạn để rồi long-đen

tỉnh ra phố cổ đã đèn

đá và đá lại coi phên dậu này!


CHÊNH CHAO TÍCH CHÈO

Làng mình vào hội hay chưa,

Để cho Thị Kính bỏ chùa đi xin?

Nô biệt tích, Mầu bặt tin

Trăm năm gửi lại oan khiên với đời

Mầu, Nô góc bể chân trời

Chiếu chèo phó mặc mồ côi một thằng

Lênh đênh biết mấy mùa trăng

Thấp cao chân Thị cứ dằng dặc xa

Từ đời xưa đến đời ta

Mỗi lần xin lại đi ba bốn vòng

Thế mà thằng bé vẫn không…

Thị Kính vẫn bế trong lòng như xưa

Làng mình vào hội hay chưa,

Để cho tôi được lên chùa nhận con!


NHẬN

Còn đây lăng tẩm đền đài

Mà bao thiên tử đã ngoài trăm năm

Uy quyền một thuở xa xăm

Dấu chân vương giả giờ nằm dưới rêu

Nhân dân từ những túp lều

Nung vôi chở đá chống chèo bè xuôi

Dựng lên những điện những ngôi

Rừng thiêng nước độc cũng thôi đành lòng

Sông Hương núi Ngự thong dong

Cùng thường dân vẫn long đong phận người

Qua bao sóng bạc trùng khơi

Làm nên một cuộc chuyển dời bể dâu

Ngói son nay đổi sang nâu

Cùng nhau về nhận lại màu núi sông

Ta về nhận mặt cha ông

Trên từng viên gạch nửa hồng nửa đen.


NÓN BÀI THƠ TẶNG MẸ

Mẹ thường quen đội nón mê

quai buộc dây chuối đi về đồng xa

quanh năm chẳng biết lụa là

áo tơi một mảnh sương sa cuối làng.

Con thầm: con lớn, con sang

nón bài thơ Huế, sẽ mang tặng Người

và vuông áo tím một đôi

bù xưa, mẹ thiệt một thời làm dâu.

Quanh quanh chưa bạc mái đầu,

con chưa kịp lớn đã rầu… mẹ ơi!

vẫn nón mê, vẫn áo tơi

vẫn thương con, vẫn… mà trời bắt đi

Hôm nay đến Huế thầm thì

con mua áo nón mang về… “Người xem,

rồi cười, áo để cho em

nón nhường dâu, mẹ có quen đâu mà…”

Giấc mơ bừng tỉnh hiên nhà

từ lâu mẹ đã đồng xa chẳng về

cùng áo tơi với nón mê

một chiều đông lạnh bốn bề vắng tanh.

Nón bài thơ, áo thị thành

hóa tro mà chịu tang mình đi thôi

Niết bàn cũng chẳng xa xôi

dưỡng tu đạo hạnh một đời nước non

đồng quang mẹ dẫu chẳng còn

vẫn nguyên lời dặn cháu con nhân từ!

Khúc Hồng Thiện.


Nhà thơ Phan Hoàng nói về thơ 1-2-3 tại Liên hoan Thơ quốc tế Thượng Hải

“Đất và Máu” – tiểu thuyết giúp hậu thế thấu hiểu về máu lửa chiến tranh những năm 45 được phát hành toàn cầu

Vẻ đẹp người công nhân thời đại 4.0 vẫn truyền năng lượng mạnh mẽ

What do you think?

7.8k Points
Upvote Downvote

Written by Admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

Nhà thơ Phan Hoàng nói về thơ 1-2-3 tại Liên hoan Thơ quốc tế Thượng Hải

“Còn lại yêu thương” trong thơ Nguyễn Sỹ Bình