Trần Quỳnh Hoa
Ngày 28/12/2024, tại Khách sạn Công Đoàn đã tổ chức lễ ra mắt tập thơ “Thương chi lạ” của nhà thơ Nguyễn Sỹ Bình. Đây là tập thơ thứ ba của tác giả, sau hai tác phẩm “Bốn mùa thương nhớ” (NXB Hội Nhà văn, 2022) và “Còn lại yêu thương” (NXB Hội Nhà văn, 2022); nhan đề tập thơ luôn có chữ “thương”, thể hiện một tâm hồn thơ trữ tình tha thiết với quê hương, con người và cuộc sống ngày hôm nay.
Nhà thơ Nguyễn Sỹ Bình sinh năm 1963 tại Hà Nội. Khi Mỹ đánh phá miền Bắc từ năm 1968 đến 1972, anh theo bà nội về quê ngoại Hà Nam sơ tán khi mới 5 tuổi. Cuộc sống làng quê thanh bình và ấm áp tình người đã gieo mầm thơ ca trong trái tim cậu bé Sỹ Bình khi ấy. Lớn lên, anh đi bộ đội, tham gia đơn vị Sư đoàn 470 thuộc Binh đoàn 12; trước ngày ra quân, anh vẫn vùi đầu đọc sách tại Thư viện của Quân Y 48. Sau chiến tranh, những năm đầu đi làm trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, Nguyễn Sỹ Bình vẫn cố gắng chắt chiu mua cho được tờ báo Văn nghệ và Tạp chí Văn nghệ Quân đội mỗi tháng. Vậy mà đến gần sáu mươi tuổi, hồn thơ trong anh mới vươn ra trang giấy, đổ ra những tâm tư và trải nghiệm sống của gần một đời người.
Theo nhà thơ Phạm Đình Ân, tập thơ “Thương chi lạ” là tuyển tập gồm 86 bài thơ viết về bốn chủ đề: tình yêu, thế sự, thời hậu chiến và quần đảo Trường Sa. Thế nhưng số lượng bài nhắc đến tình yêu là tận 50/86 bài, nên có thể gọi đây là tập thơ tình. Được biết Nguyễn Sỹ Bình hiện đang công tác tại Cục Quản lý thị trường Hà Nội, nhà thơ Phạm Đình Ân cứ nghĩ rằng trong “Thương chi lạ” chắc sẽ có các yếu tố kinh tế, kỹ thuật mang tính nghề nghiệp của tác giả. Nhưng hóa ra thơ anh chỉ toàn về tình yêu và cảnh quan đất nước.
Sau khi đọc “Thương chi lạ”, nhà văn Bùi Việt Thắng cảm thấy Nguyễn Sỹ Bình nhất định có mối duyên tơ kỳ bí với Huế. Ngay từ nhan đề “Thương chi lạ”, đây là cách nói của người miền Trung. “Thương chi lạ” cũng là tên một bài thơ trong tập đã được phổ nhạc bởi Thu Phương: “Huế mùa này mưa nhiều lắm phải không/ Mưa rơi trắng bước em về trên phố/… Hàng cây Cối tán như vừa chớm nở/ Che sao được mỗi bước em đi về”. Băn khoăn về chữ “Cối” được viết hoa, nhà văn Bùi Việt Thắng hỏi tác giả và được giải đáp rằng: Cối là một loài cây cổ thụ có rất nhiều ở Huế, hay được dùng làm cối giã hạt tiêu. Nhưng không chỉ với Huế, Nguyễn Sỹ Bình còn viết về nhiều vùng đất khác nhau của đất nước, đặc biệt là chùm thơ về Trường Sa: “Cát trắng, đất cằn vẫn tươi xanh/ Mỗi một nhành hoa bát mồ hôi đổ xuống…” (Lính đảo Song Tử Tây) và về Hà Nội, quê hương yêu dấu của anh: “Sông mùa này không đỏ nặng phù sa/ Mà hờ hững chảy xuôi nơi cuối bãi/… Một năm qua đi giờ cũng là lúc/ Gạt bỏ ưu tư đón năm mới an yên” (Sông Hồng ngày cuối năm). Nguyễn Sỹ Bình hẳn đã phải lòng đất nước. Thơ anh dân dã và sinh động, thể hiện tinh thần đưa thơ đến với mọi người và mọi nhà.
Tác giả Nguyễn Sỹ Bình đã từng tâm sự: “Tôi không định làm thơ đâu. Nhưng những vần thơ cứ theo cảm xúc mà ùa về… Và tôi viết. Khi viết, tôi cũng dồn hết tâm trí, tình cảm để viết.” Hôm nay, được trình làng tác phẩm của mình, với tư cách là hội viên mới của Hội Nhà văn Hà Nội, anh rất xúc động. Mong rằng trong những năm tới, thơ ca của anh sẽ tiếp tục vươn lên, bộc lộ được tiếng lòng giàu cảm xúc và hồn hậu của mình. Một ngày đông nắng ấm như hôm nay cũng có thể được tìm thấy trong thơ Nguyễn Sỹ Bình:
“Khi hạt mưa cuối cùng vừa tạnh
Bầu trời trong, sáng một sắc đông
Những khuôn mặt hanh khô ửng hồng
Sao thấy yêu mùa đông tha thiết…”
(Trích đoạn bài thơ “Mùa đông đã về”)