Nguyễn Sỹ Bình sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nhưng tuổi thơ từng về quê ngoại tại Bình Lục, Hà Nam sơ tán. Cảnh làng quê yên bình, cuộc sống nơi nông thôn thấm đượm tình người vẫn in đậm trong tâm trí ông.
Hiện tại, trong vai trò người quản lý thị trường, Nguyễn Sỹ Bình vẫn không ngừng thổn thức với nghệ thuật. Tập thơ “Bốn mùa thương nhớ” ra mắt năm 2022 là minh chứng sống động cho điều đó. Công việc hàng ngày lúc nào cũng răm rắp những nguyên tắc, quy định rất đặc thù, nhưng khi bước vào thế giới thi ca, Nguyễn Sỹ Bình thực sự là một nghệ sĩ tài hoa. Mở đầu cuốn thơ, độc giả ngay lập tức được ru vào không gian nhẹ bẫng, bay bổng và rất đỗi dịu dàng của ngôn từ, ngỡ như được viết bởi tâm hồn “không tuổi”:
“Tiếng chuông gió làm không gian xao động/ Đưa hồn anh từ ký ức trở về…/ Có những lúc khi trời chiều nhạt nắng/ Tựa bên nhau mình cùng ngắm hoàng hôn…”
Sử dụng thể loại thơ đơn giản, không chơi chữ, không quá gò bó về quy luật, thơ Nguyễn Sỹ Bình hướng tới bất cứ ai có cùng tần số với mình – những người dễ rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên, của tình người và tình đời:
“Tháng ba về hoa gạo cháy không gian/ Như báo trước một mùa hè rực nắng/ Để không còn mưa xuân trên phố vắng/ Để bước vào những ngày tháng nồng say…”
Cõi trần đẹp tựa cõi mơ
Nguyễn Sỹ Bình từng kể: “Chẳng biết từ lúc nào tình yêu đối với văn học và đặc biệt là thơ đã nhen nhóm trong tâm hồn tôi… Tôi yêu thơ của nhà thơ Nguyễn Bính gần gũi thân thương, thơ của nhà thơ Xuân Diệu lãng mạn bay bổng, những áng thơ hào hùng nhiệt huyết của nhà thơ Tố Hữu”.
Với Nguyễn Sỹ Bình, được sáng tác, được sống với đam mê nghệ thuật chính là cách để trả nợ với đời, để vơi đi nỗi niềm và để kiếm tìm bản ngã. Thơ của ông thể hiện rõ nét tài hoa và tâm hồn giàu cảm xúc. Nhờ có thơ, Nguyễn Sỹ Bình được thỏa sức tự do bay bổng trong đời sống nghệ thuật. Những lúc buồn vui, thổn thức, ông có thể mượn thơ để gửi gắm nỗi lòng. Tập thơ “Bốn mùa thương nhớ” thể hiện rõ nét cho chất thơ thăng hoa cùng nghệ thuật ngôn từ.
Thơ Nguyễn Sỹ Bình dễ gần, dễ chạm tựa những loài sinh vật tồn tại trong thế giới tự nhiên. Có lẽ độc giả đều thích cách ông nhắc đến các loài hoa:
“Loa kèn nở ồ tháng tư rồi nhỉ/ Để trong tôi bao ký ức ùa về/ Nhớ lại thời đi học thật ngô nghê/ Yêu ai đó mà lòng không dám hỏi…
Mưa xuân rơi nhẹ lên cánh hoa/ Hạt mưa giăng mắc trông nhạt nhòa/ Từng giọt như sương vương nhè nhẹ/ Trên nụ tầm xuân sáng hôm qua…
Như những đốm lửa giữa trời xanh/ Hoa phượng bung ra cháy hết mình/ Sắc hoa đỏ thắm như màu máu/ Trong tàn huyết mạch trong tim anh
Những bông hoa lan đua nhau khoe sắc thắm/ Như chứng tỏ mình mới là hoa vương/ Dù quanh năm chịu đựng trước gió sương/ Vẫn tỏa ngát hương thơm đầy quyến rũ…”
Hoa ban tím một vùng trời thương nhớ/ Cánh hoa rơi như reo rắc chút tình…/ Anh và em đi trong mùa ban nở/ Tím trời xanh tím cả những ước mơ…”
Nguyễn Sỹ Bình mượn hoa để tôn vinh, ca ngợi những “nàng thơ” của mình, vừa nhẹ nhàng vừa ý tứ nhưng cũng rất mạnh mẽ, dũng cảm. Mà “nàng thơ” của ông đâu chỉ là hoa, đôi khi họ còn là gió, là mưa, là nắng. Tất cả những gì Nguyễn Sỹ Bình mang vào thơ đã tiết lộ trọn vẹn tâm hồn của một thi sĩ đầy suy tư.
Những ai đang làm công việc sáng tạo nghệ thuật hẳn sẽ hiểu, có những lúc, câu chữ cứ ào ạt tuôn trào, chỉ muốn viết và viết. Tác giả Nguyễn Sỹ Bình là thế. Tình yêu và nỗi nhớ trong ông là vô kể. Chính thế mà thơ ông chẳng giống ai. Câu chữ của ông vô tư, hồn nhiên, chân chất, mộc mạc như chính con người ông.
Sống hết mình trong vũ trụ đam mê
Nhân tình thế thái, tình yêu con người, yêu công việc, yêu quê hương đất nước,… là bản sắc bao trùm trong suốt tập thơ “Bốn mùa yêu thương”.
Có lần, Nguyễn Sỹ Bình tâm sự: “Tôi cứ viết và viết, dồn hết tâm trí, tình cảm để viết. Tôi viết với tất cả tình yêu, sự biết ơn; viết như một sự tri ân dẫu có muộn mằn với người thân, với cuộc đời. Tập thơ “Bốn mùa thương nhớ” là sự ghi nhận sự nỗ lực của bản thân tôi, một kỷ niệm đẹp trân trọng trong cuộc đời của tôi”.
Đúng thế, làm nghệ thuật chính là trả nợ đời, mà cái “nợ” này khiến cả tác giả và người đọc đều hân hoan, hạnh phúc. Bởi thế mà khi gấp lại cuốn thơ, độc giả cứ mãi vương vấn những câu chữ ngòn ngọt, dìu dịu như thế này:
“Khi nắng chiều phai nhạt dưới rặng tre/ Cũng là lúc khói lam chiều lan tỏa/ Cả thôn làng thật thanh bình êm ả/ Cảnh và người như bức họa đồng quê
Sao hôm nay lòng tĩnh tâm đến lạ/ Chẳng âu lo, chẳng suy nghĩ đến ai/ Thật thanh thản, tỉnh giấc sáng sớm mai/ Thấy hạnh phúc và bình yên đến vậy…”
Đi qua ngày giông bão, con người sẽ lại trở về với vẻ trầm mặc, thích ưu tư, hồi tưởng và hướng về ngày mai. Quá khứ – hiện tại – tương lai dường như đã được xóa nhòa ranh giới. Tất cả đều là cảm xúc, là nỗi niềm chất chứa. “Bốn mùa thương nhớ” khép lại bằng những ưu tư, nhưng tâm hồn người nghệ sỹ cứ mãi ngân nga cùng những giai điệu tuyệt đẹp:
“Chiều một mình bơ vơ nhớ về em/ Người con gái lần đầu gặp gỡ/ Con tim anh đã run lên trăn trở/ Đây có phải định mệnh của đời tôi…”
Tiểu Mai
GIPHY App Key not set. Please check settings