Tốt nghiệp Khoa kỹ thuật Trường Đại học kỹ thuật TP.HCM nhưng Phùng Hiệu có duyên với thi ca và thành danh trên con đường đầy chông gai này.
Thắp sáng những ngõ tối đáng sợ của hiện thực đời sống
Lý do đưa Phùng Hiệu đến với thế giới ngôn từ có lẽ xuất phát từ câu hỏi “Sứ mệnh của thi ca là gì?”.
Từ khi còn rất trẻ, Phùng Hiệu đã xuất xưởng nhiều tác phẩm và tạo được những dấu ấn nhất định với bạn đọc: Tình không dám ngỏ (Thơ, NXB Văn Học, 2008); Thức giấc (Thơ, NXB Thanh Niên, 2010); Trong thế giới nguỵ trang (Thơ, NXB Trẻ – Wikibook, 2014); Dấu chân biển cả (Thơ, NXB Văn hóa Văn nghệ, 2018); Biên bản thặng dư (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2019).
Đáng chú ý, “Biên bản thặng dư” là một trong những tập thơ để đời của Phùng Hiệu. Sức nặng của tác phẩm chính là những nỗi niềm trắc ẩn giàu cảm xúc của tác giả. Giới chuyên môn nhận định “Biên bản thặng dư” đánh dấu một bước chuyển ngoạn mục trên con đường thi ca của Phùng Hiệu. Anh không ngại thể nghiệm các hình thức biểu đạt mới, mở rộng biên độ tự do trong sáng tạo, phản ánh và lý giải hiện thực bề bộn, phức tạp của đời sống con người thời hiện đại.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng phải thốt lên rằng: “Mọi sự thật diễn ra trên thế gian này là sự thật dành cho thi ca, nuôi dưỡng thi ca và xác lập tư cách nhà thơ. Nhưng sự thật lớn hơn thế là sự thật trong trái tim nhà thơ trước đồng loại. Và nhà thơ Phùng Hiệu đã mở ra sự thật ấy”.
Cứ xem cách Phùng Hiệu gieo cảm xúc vào câu chữ sẽ thấy anh sinh ra để viết:
“Chợt một ngày ngôn ngữ đa đoan/ Đừng hỏi tại sao/ Có những vần thơ được rót từ đáy cốc/ Khi nhìn vào chiếc ly/ Tôi bỗng thấy cả sông ngòi và đại dương trong đó/ Chảy miên man hình tượng ngôn từ”.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, với tập thơ “Biên bản thặng dư”, Phùng Hiệu vượt qua cả hai thách thức. Thách thức thứ nhất là lòng quả cảm của nhà thơ khi cất tiếng về những bất hạnh, bất công, về sự thật trong thế giới này; Thách thức thứ hai là thách thức của nghệ thuật thơ ca.
Thực tế là người làm nghệ thuật như Phùng Hiệu cần có can đảm để dành thời gian cho bản thân và đào sâu, đến những phần đen tối, đáng sợ nhất trong hiện thực đời sống và để chúng tỏa sáng qua những bài thơ của mình.
Dũng cảm dập tắt tiếng ồn thế giới bên ngoài
“Chợt một ngày tôi nhận ra tôi/ Từng lang thang dưới bầu trời chữ nghĩa/ Tôi nghe được tiếng hát của mưa/ Tiếng cười của nắng/ Tiếng nói của cỏ cây/ Tiếng rên của mây/ Tiếng buồn của đất… / Tiếng núi đồi hoa cỏ yêu nhau/ Tôi nghĩ thế giới này có thể sẽ mất đi/ Nhưng còn lại vần thơ nhân cách.”
Trong thế giới hàng tỷ người, chỉ rất ít người đủ dũng cảm để đến một nơi nào đó yên tĩnh, dập tắt tiếng ồn ào bên ngoài và bắt đầu lắng nghe chính mình; để biết mình thực sự là ai, và với trái tim rộng mở đón nhận bất cứ điều gì mình gặp phải.
Dường như tất cả những trải nghiệm – thất vọng, đau buồn, tổn thương, khao khát và hạnh phúc đều sống và mở rộng trong mỗi câu thơ của Phùng Hiệu mà chúng ta có thể đọc được.
“Những tia nắng đan xen/ Trong khu rừng cao su ngái ngủ/ Đêm bình nguyên trở giấc/ Mồ hôi quyện hạt sương khuya…”
“Tại sao con người phải chém giết lẫn nhau/ Mang hơi thở vùi sâu trong đáy mộ/ Chúng ta hiện diện trong thế giới này/ Một lần duy nhất/ Hãy “thương người như thể thương thân”/ Nếu là con người cần phải có chữ tâm/ Và đừng quên tinh thần chữ đức.”
Dõi theo hành trình thi ca của Phùng Hiệu thì có thể thấy anh luôn ý thức tự điều chỉnh bản thân. Ngay từ khi bắt đầu sáng tác, anh làm thơ theo kiểu truyền thống, nhưng khi đã tiếp cận với thực tế không gian thi ca đương đại thì Phùng Hiệu đã dần chuyển hướng để hòa nhập theo nhịp điệu ấy. Đây là sự cố gắng và nỗ lực rất đáng được ghi nhận đối với một cây viết như anh.
Suy cho cùng, thơ là một bộ môn nghệ thuật thể hiện tính cách cá nhân vô cùng mạnh mẽ. Trong mỗi bài thơ, câu chữ của như lột trần tâm hồn tác giả. Điều đó làm tăng thêm nét độc đáo của tác giả mà không ai có thể bắt chước.
“Nếu tôi chết xác thân này dâng hiến/ Đừng chôn tôi hoang phí một nấm mồ/ Trong di ảnh khắc hai từ di nguyện/ Để linh hồn luôn hát khúc hư vô…!”
Những câu thơ như thế, ngay cả người không thích thơ cũng cảm thấy nặng lòng. Đó là biệt tài của Phùng Hiệu.
Box:
Nhà thơ Phùng Hiệu sinh năm 1976 tại Đà Nẵng, lớn lên ở Định Quán, Đồng Nai Tốt nghiệp Đại học kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, đang sinh sống và làm việc tại TPHCM. Từng công tác tại các báo: Nhà báo và Công luận, Nhân đạo và Đời sống, Pháp luật Môi trường, Môi trường Đô thị Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn TP. HCM (Khóa VIII), Thường trực Trang web Văn chương TPHCM – Diễn đàn văn học Hội Nhà văn TPHCM. Chủ biên Văn chương phương Nam.
Tiểu Mai
Ảnh:
GIPHY App Key not set. Please check settings