Sau buổi biểu diễn
Sherzod Artikov (Uzbekistan)
(Khánh Phương dịch)
Giáo sư Murod Ikromovich nhìn nhanh đồng hồ, sau đó chỉnh lại kính, cúi người một bên rồi vươn cổ nhìn vào sảnh chính của nhà hát.
“Buổi biểu diễn sẽ bắt đầu ngay bây giờ.”
Vào lúc đó, cả hai mắt tôi đều nhìn vào sân khấu có hình ảnh trên tấm áp phích.
“Thưa giáo sư, cái tên vở kịch có vẻ xa lạ với ông phải không?” Tôi nói sau khi cả hai vào chỗ ngồi, nhắc ông ấy về tấm áp phích viết bằng chữ lớn.
Murod Ikromovich có vẻ thiếu kiên nhẫn chờ rèm kéo lên, gật đầu như thể xác nhận và nói: “Đúng vậy.” Sau một vài phút, rèm kéo lên và buổi biểu diễn bắt đầu. Diễn viên bắt đầu diễn vai của họ theo sự chỉ đạo của đạo diễn. Những chuyển động của họ, trạng thái của họ trong các đoạn độc thoại và đối thoại như vẫn còn ở trước mắt tôi. Một số khán giả trong hội trường chăm chú xem với sự thích thú.
“Cho đến nay tôi chỉ đọc tiểu thuyết của Guntekin*” – Murod Ikromovich ghé sát tai tôi nói khi xem” – Đây là vở kịch tuyệt vời của ông ấy, được viết để biểu diễn trên sân khấu. Đúng, như em đã nói “Khalala” là một cái tên lạ cho vở kịch. Nhưng, đừng chú ý đến nó”.
Vở kịch có chủ đề quen thuộc nhưng vì diễn xuất của các diễn viên trên sân khấu khá thú vị nên xem cũng không đến nỗi tệ. Rõ ràng là đạo diễn đã khéo léo lồng ghép các sự kiện, phát triển, đẩy cao trào và có tư duy. Có thể, vì một lý do nào đó, giáo sư đã chăm chú xem cho đến cảnh cuối cùng.
“Thật tuyệt vời, thật tuyệt vời!” – ông vỗ tay không ngớt “Vở kịch này phải được diễn trong các tiết mục của nhà hát”.
Quan sát vở diễn, tôi cũng nhất trí với ý kiến của ông. Thành thật mà nói, cho đến thời điểm này, tôi vẫn nghĩ rằng tiểu thuyết của Guntekin hay hơn cả và tôi không thể nào loại bỏ ý nghĩ này. Có lẽ, đó là bởi vì tôi đã đọc tiểu thuyết của ông từ thời thơ ấu và lúc đó tôi rất thích.
Kết thúc buổi diễn, khán giả vỗ tay hồi lâu cổ vũ cho các diễn viên nữ đã xuất sắc thể hiện vai diễn của mình. Sau những tràng pháo tay, có những người đã tặng hoa tỏ lòng biết ơn, và một số người khác thì xin chụp ảnh với họ kèm những lời chúc chân thành.
“Chẳng bao lâu nữa, vở kịch “Hãy dọn đường cho ngày mai ”của Delmar sẽ được dàn dựng” – Murod Ikromovich nói khi chúng tôi rời hội trường và đến gần tủ quần áo “Nhưng không biết là liệu nó có được dàn dựng hay không?!”
Lấy chiếc áo khoác trong tủ ra, tôi đưa nó cho giáo sư.
“Đừng nghi ngờ gì về điều đó!”
“Em nói đúng” – giáo sư nói trong khi mặc áo khoác, lấy kính và lau chúng bằng khăn lụa “Chỉ là tôi không thể tin vào mắt mình”.
Tôi nhìn ông và mỉm cười.
“Vở kịch của Delmar nằm trong kế hoạch trình diễn của nhà hát. Không cần phải lo lắng đâu”
Không giống như tôi, trước khi ra ngoài, giáo sư cài cúc áo quấn chặt quanh người. Thời tiết bên ngoài cực kỳ lạnh. Tháng 12 đã qua, mùa đông vẫn tiếp tục và có tuyết rơi.
“Thưa giáo sư Murod Ikromovich” – tôi nói sau khi cả hai đi ra ngoài, “Ông có cho rằng hôm nay có ít người đến rạp đúng không?”
“Có vẻ như vậy” ông trả lời ngay lập tức. “Tôi cũng đang nghĩ về nó.”
“Theo ý kiến của em, cả tên của vở kịch và nhà văn đều không khiến mọi người quan tâm”.
Khi vị giáo sư đi trước tôi và đến cầu thang ngăn cách nhà hát với đường phố, ông dừng lại một lúc, nhìn chằm chằm vào lớp tuyết rơi trước mặt “Em có nghĩ rằng ngày nay người ta phân biệt các vở kịch viết cho sân khấu không?” – Ông nhìn tôi hỏi, miệng mỉm cười.
Ông thận trọng đi xuống cầu thang, không đợi câu trả lời của tôi, ông đứng sang một bên và đợi tôi đi xuống. “Con người đã thay đổi rất nhiều kể từ khi bước sang thế kỷ XXI” ông nói mà không để ý đến câu hỏi của mình chưa được trả lời “Bởi vì sự tiến bộ của khoa học công nghệ, mọi người xem xét lại thái độ của họ đối với văn học nghệ thuật. Hầu hết mọi người đã không còn đến thư viện hoặc các buổi hòa nhạc, nơi biểu diễn nhạc cổ điển. Và đến lượt các rạp hát. Những người đến rạp hôm nay để xem tác phẩm của Guntekin và những người đến xem tác phẩm của Delmar vào lần sau, rồi những người ngồi xung quanh em và tôi, là một phần nhỏ không thay đổi của nhân loại. Chính vì số người ít ỏi này mà phép lạ được gọi là Nhà hát vẫn còn tồn tại. Sự lỗi thời về mặt tinh thần ngày nay đã trở thành bệnh dịch”.
Như thường lệ, Murod Ikromovich đã gặp một số người quen trong số những người đến rạp hôm nay, ông chào họ bằng cách gật đầu.
“Bây giờ người ta chia thành hai loại: người thế kỷ XX và người thế kỷ XXI. Những người ở thế kỷ XX đến thư viện, các buổi hòa nhạc cổ điển, các bảo tàng nghệ thuật, thiên nhiên và nhà hát vì họ yêu và trân trọng văn học, âm nhạc cổ điển, nghệ thuật và lịch sử, đồng thời họ hiểu rõ rằng họ cần chúng để trưởng thành về mặt tinh thần. Em nghĩ đâu là nguyên nhân của chuyện này? Điều này là do trong thời thơ ấu của họ, họ lớn lên nghe những câu chuyện cổ tích như “Ba anh em dũng cảm”, “Buratino”, “Nữ hoàng tuyết”, “Mèo đi ủng” và văn hóa dân gian do bà của họ kể lại và những lời ru của những người mẹ. Những người cha của họ thì đọc sách trong ánh sáng mờ tối và đôi khi dưới ngọn nến, họ đã đọc sách của Abdulla Kadyri *, Chingiz Aytmatov * và Leo Tolstoy mượn từ các thư viện. Họ mua sách từ các hiệu sách bằng tiền tích cóp. Hàng tuần ở trường, các giáo viên đưa họ đi du ngoạn đến các bảo tàng mỹ thuật, lịch sử hoặc truyền thuyết địa phương. Lớn lên yêu nhau, họ thường bẽn lẽn và rủ nhau đi xem kịch. Đây là cái cớ để yêu nhau và họ tôn trọng điều đó. Đó là lý do tại sao họ vẫn có thời gian để đến thư viện, các buổi hòa nhạc cổ điển, bảo tàng và nhà hát.
Còn ở thế kỷ XXI, con người nhìn cuộc sống dưới góc độ của tiến bộ khoa học công nghệ. Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ khiến họ ít quan tâm hơn về mặt tinh thần. Họ không cần bất kỳ mộng tưởng hay sự viển vông nào, thậm chí ít nói về gu thẩm mỹ nghệ thuật. Họ chỉ cần một cuộc sống dựa trên phép tính chính xác và gắn với chương trình/kế hoạch cụ thể trung bình khoảng 8 năm, đó là điều cho họ hạnh phúc. Đối với họ, thế giới tưởng tượng và mộng tưởng cũng như thế giới nghệ thuật, được điều chỉnh bởi sự phát triển của khoa học công nghệ. Do đó họ không cần thư viện với những cuốn sách giấy được lưu trữ trên các giá sắt đặt bên trong tòa nhà; hoặc Bản giao hưởng thứ Năm của Beethoven hoặc một thế giới âm nhạc cổ điển được sáng tác từ vở opera “Don Juan” của Mozart; cũng như chả cần bảo tàng bao gồm các bức tranh do Monet, Cèzanne, Renuar hoặc tranh siêu thực của Picasso. Cuối cùng, một nhà hát không nằm ngoài tác phẩm của Guntekin hoặc Delmar.
Một mặt, không thể đổ lỗi cho họ. Suy cho cùng, thay vì nghe những câu chuyện cổ tích thời thơ ấu, họ lớn lên nghe bà tính lương hưu với sự trợ giúp của máy tính kỹ thuật, và thay vì những bài hát ru, họ nghe mẹ nói chuyện điện thoại với bạn bè. Họ phát hiện ra rằng cha của họ luôn hăng hái rửa hoặc sửa chữa chiếc xe bốn bánh của mình. Các giáo viên ở trường thì miễn cưỡng đưa các em đi tham quan bảo tàng hoặc công viên thiên nhiên. Khi họ gặp đối phương được gọi là tình yêu, họ rủ nhau đến nhà hàng, khách sạn trong thành phố với những cánh cửa tự động mở ra khi mọi người đến gần, hoặc những công viên giải trí có các điểm thu hút có thể gây đau đầu và buồn nôn… ”
Dường như, giáo sư cảm thấy lạnh gáy vì ông không nói nữa. Cách nhà hát không xa có một bến xe buýt. Chúng tôi đi bộ lên đó. Khi chúng tôi lên xe, gió lạnh càng thổi mạnh hơn. Gió đông thổi không những lạnh mà còn rất mạnh. Khi gió thổi vào cửa kính xe buýt, nó phát ra tiếng ồn như tiếng rú. Ngay sau đó, tuyết chuyển thành mưa tuyết, mỗi lúc thêm nặng hạt. Những giọt nhỏ bằng hạt đậu đập vào cửa sổ xe buýt và ngay lập tức làm ướt tất cả các cửa sổ.
“Giá như tôi có thể vào nhà bằng cách nào đó” Murod Ikromovich đứng dậy khi xe buýt đến bến nhà ông.
Rõ ràng là từ ánh mắt và khuôn mặt của ông đều toát lên việc ông cảm thấy lạnh. Ở tuổi của ông thì đó là đương nhiên.
“Hẹn gặp lại vào ngày mai” ông nói, rồi bắt tay tôi khi bước ra khỏi xe buýt.
Tôi chào tạm biệt ông và ngồi trước cửa sổ xe buýt. Khi ông xuống xe, ông đã tiến đến chiếc gương trước khi xe buýt rời đi và lớn tiếng nói điều gì đó với tôi. Lúc đầu, tôi không hiểu ông nói gì. Một mặt bị cản trở bởi tiếng gió thổi liên tục, mặt khác, mọi suy nghĩ của tôi đều dồn vào những suy tư hiện tại của ông. Rõ ràng, ông ấy đã nói: “Buổi ra mắt thật tuyệt!”.
Chú thích:
Rashod Nuri Guntekin – nhà văn, tiểu thuyết gia và nhà viết kịch vĩ đại người Thổ Nhĩ Kỳ (1889-1956)
Delmar– Nhà văn, tiểu thuyết gia, nhà viết kịch và nhà biên kịch người Mỹ (1903-1990)
Abdulla Kadyri– nhà văn và tiểu thuyết gia vĩ đại người Uzbekistan (1894-1938)
Chingiz Aytmatov– nhà văn và tiểu thuyết gia vĩ đại người Kyrgiz (1928-2008)
GIPHY App Key not set. Please check settings