in

Tướng Hiệu – Nguồn cảm hứng sống từ văn chương nghệ thuật

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu

Khi chúng ta tìm kiếm trên mạng từ khoá “Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu”, hàng loạt bài viết ca ngợi ông hiện lên, kể về một vị tướng anh dũng đã tham gia những trận chiến đấu quyết liệt để bảo vệ độc lập và tự do cho tổ quốc. Dù từng trải qua những thời khắc khốc liệt, chứng kiến bao cảnh tàn ác của chiến tranh, tướng Hiệu vẫn luôn giữ lại cho mình một góc sáng trong tâm hồn dành cho văn hoá và nghệ thuật.

Từ những ngày tháng xa xưa cho tới hiện tại, ông vẫn luôn trân trọng và giữ gìn tình yêu ấy. Từ quê hương Hải Hậu (Nam Định), đến những nơi mà ông từng đặt chân, mỗi nơi đều có những điều khiến ông ấn tượng và thích thú mà mỗi khi nhắc đến, trái tim ông lại rung động. Qua những chia sẻ đầy cảm xúc, ta có thể cảm nhận được tình yêu của ông dành cho văn hoá, âm nhạc và văn học mãnh liệt nhường nào.

Có lẽ, quê hương Hải Hậu chính là nơi khơi nguồn cảm hứng nghệ thuật trong ông. Khi kể về quê hương của tướng Hiệu, nơi có những địa danh nổi tiếng như: Chợ Cồn – Văn Lý, hay Nhà thờ Đổ, nơi gắn liền với kỷ niệm thời thơ ấu ông đã cùng bố mình đến thưởng thức thánh ca vào mỗi buổi chiều cách đây hơn 70 năm. Hay Cầu Ngói, chùa Lương… với công trình kiến trúc dân gian đặc sắc, dù đã trải qua hàng trăm năm tuổi, nhưng những cụm di tích này vẫn còn vẹn nguyên. Tướng Hiệu chia sẻ rằng quê hương ông là nơi giao thoa văn hóa với hai tôn giáo lớn: đạo Phật và Công giáo. Vào mỗi buổi chiều, tiếng chuông chùa vang vọng khắp không gian, còn buổi tối, chuông nhà thờ ngân vang, hòa quyện tạo nên một giai điệu đặc trưng và độc đáo, mang đậm dấu ấn của vùng đất Hải Hậu (Nam Định).

Ngoài những địa danh nổi tiếng, ông còn nhớ đến bài thơ “Bến sông tuổi thơ” của nhà thơ Nghiêm Thị Hằng mà ông đặc biệt yêu thích, bà cũng chính là tác giả của bài hát nổi tiếng “Mùa hoa cải” mà mỗi lần nghe, hình ảnh ký ức tuổi thơ yên bình và sâu lắng lại hiện lên thật rõ ràng. Hay vở kịch “Đại đội trưởng của tôi” của Đào Hồng Cẩm, đây cũng là một tác phẩm để lại dấu ấn lớn trong lòng ông.

Bộ phim “Bến sông tuổi thơ” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lê Hoài Nam, lấy cảm hứng từ chính cuộc đời của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu. Nhà văn Lê Hoài Nam từng có nhiều cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với tướng Hiệu, từ đó ông trở thành nguồn cảm hứng để tác giả sáng tạo nên tác phẩm này. Tiểu thuyết kể về tuổi thơ, quê hương, và hành trình chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của vị Thượng tướng – Tiến sĩ, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Ngoài ra, tác phẩm văn học “Bão biển” của nhà văn Chu Văn cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong trái tim vị tướng. Sau này, tác phẩm được chuyển thể thành bộ phim “Ngày lễ thánh”, nhận được sự quan tâm và đón nhận nồng nhiệt từ đông đảo khán giả.

Khi đến Quảng Trị, nơi được cho là quê hương thứ hai của ông, những bài hát như Tiếng đàn Ta Lư”, nhắc đến trận chiến mà ông từng tham gia, “Đêm ven bờ Hiền Lương”, và “Con suối La La”, nơi ông tìm thấy hình bóng mình trong đó, đã trở thành những giai điệu không thể thiếu trong cuộc đời ông.

Với thủ đô Hà Nội, tướng Hiệu yêu thích những bài hát như “Em ơi Hà Nội phố” của Phú Quang và “Mùa xuân bên cửa sổ” của nhạc sĩ Xuân Hồng. Những di tích văn hóa nổi bật như Quốc Tử Giám, Chùa Một Cột, Cột Cờ Hà Nội, Cầu Thê Húc, Tháp Rùa gắn liền với kỷ niệm và niềm tự hào về dân tộc. Đặc biệt, ông thường xuyên đến Chùa Trấn Quốc, nơi mang lại cảm giác yên bình và thiêng liêng.

Không chỉ yêu mến các tác phẩm nghệ thuật trong nước, mà với nền văn học nghệ thuật của nước Nga, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cũng dành tình cảm đặc biệt cho những tác phẩm kinh điển như “Thép đã tôi thế đấy” của tác giả Nikolai A.Ostrovsky, “Suy nghĩ và nhớ lại” của tướng Giu-cốp, và tiểu thuyết “Sông Đông êm đềm” (Mikhail Aleksandrovich Sholokhov). Những tác phẩm này đã mang đến cho ông cảm nhận sâu sắc về ý chí sắt đá và lòng kiên cường của con người, truyền cảm hứng cho ông luôn vượt lên khó khăn để đạt thành tựu lớn. Về âm nhạc, các ca khúc Nga như “Ka – chiu – sa” (Katyusha) và “Triệu bông hồng” cũng để lại dấu ấn mạnh mẽ trong trái tim ông, gợi lên những giai điệu vừa hào hùng vừa trữ tình.

Qua từng lời chia sẻ, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu thể hiện tình yêu sâu sắc của ông dành cho nghệ thuật và văn hóa, khắc họa hình ảnh một tâm hồn giàu cảm xúc, luôn biết trân trọng những giá trị cao đẹp. Và theo thời gian, ông đã “thực hiện hoá” tình yêu ấy, biến chúng thành những tác phẩm văn học, những cuốn sách quý giá do chính tay ông viết hoặc kể lại để các nhà văn, nhà báo chắp bút viết lại.

What do you think?

Written by Khanh Phuong

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

Sự hài hoà giữa sức mạnh và trí tuệ

Tướng Hiệu và ký ức về nhà ngoại giao tài ba Lý Văn Sáu