Kiều Bích Hậu
Những bức ảnh có thể kể nhiều hơn một câu chuyện, và trong cuộc đời binh nghiệp giàu ý nghĩa, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu trân quý nhất bốn bức ảnh, bởi chúng đánh dấu những mốc son đáng nhớ trong sự nghiệp và chiến tích vẻ vang của ông.
Đầu tiên là bức ảnh ông chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, biểu tượng của lòng dũng cảm và trí tuệ quân sự Việt Nam. Tiếp theo là bức ảnh chụp với Tổng thống Nga Putin, thể hiện sự ghi nhận qua trình làm công tác hợp tác quốc tế của ông. Thứ ba là bức ảnh với bà má trao tấm bản đồ để ông tiến vào tham chiến giải phóng Sài Gòn năm 1975, một ký ức thiêng liêng về cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước. Cuối cùng là tấm ảnh khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 27 anh hùng, biểu trưng cho lòng tri ân và tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh vì tổ quốc. Những bức ảnh này không chỉ là những khoảnh khắc, mà còn là những câu chuyện về lòng yêu nước, sự dũng cảm và tinh thần đoàn kết.
Nói đến tướng Hiệu, công chúng nghĩ ngay đến một vị tướng gắn liền với quá khứ chiến tranh vẻ vang của dân tộc. Nhung một quá khứ vẻ vang là như thế nào? Nếu để miêu tả về một quá khứ vẻ vang, tôi sẽ “mượn” quá khứ của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu để làm ví dụ chính xác nhất cho từ “vẻ vang”.
Nếu nói về các chức vụ mà tướng Hiệu từng giữ, ông lần lượt trải qua các chức vụ Tiểu đội trưởng đến Trung đoàn phó, Trung đoàn trưởng (năm 1965-1975); được bổ nhiệm chức vụ Sư đoàn trưởng Sư đoàn 390 (năm 1980); Phó Tư lệnh thứ nhất Quân đoàn 1 (năm 1987); Tư lệnh Quân đoàn 1 (năm 1988); Phó Tổng Tham mưu trưởng (năm 1994); và Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng (năm 1999).
Vậy nếu kể về câu chuyện đáng nhớ của tướng Hiệu trong quá khứ, với một người như ông chắc hẳn mỗi tháng mỗi ngày trôi qua đều là những câu chuyện đặc biệt, khắc sâu trong trái tim ông đến tận bây giờ và mãi mãi về sau. Chuyện kể dài chẳng biết khi nào mới đến hồi kết, ấy thế mà may mắn lại có bốn bức ảnh của ông xuất hiện, mà những bức ảnh không đơn thuần chỉ là “bức ảnh”, đó là những bức ảnh “biết nói” kể về bốn câu chuyện đáng nhớ trong quá khứ của tướng Hiệu.
1. Bức ảnh đầu tiên đó chính là hình ảnh của tướng Hiệu và Tổng thống Nga – Vladimir Vladimirovich Putin.
Được chụp vào năm 2007, khi đó tướng Hiệu là Thượng tướng – Uỷ vên Trung ương Đảng, Thứ trưởng bộ Quốc phòng, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn Việt Nam. Ông tham gia hội nghị quốc tế tại nước Nga cùng với 22 quốc gia ở Thái Bình Dương – những quốc gia liên quan đến vùng biển và dầu khí. Trước khi tham gia hội nghị này, tướng Hiệu có đọc được một bài báo nói về sự cố thiên tai thường xảy ra ở Việt Nam, mỗi năm trung bình diễn ra từ 6 đến 10 trận bão lớn như: lũ quét, lũ ống, lũ bùn, sạt lở đất, lốc,…
Ở các vùng như miền Trung, Điện Biên, Quảng Ngãi, Quảng Nam là những nơi hay xảy ra các trận động đất. Mặc dù động đất ở Việt Nam nếu so sánh với các quốc gia khác độ nguy hiểm vẫn chỉ ở mức trung bình, nhưng nhìn chung đó vẫn là sự cố về thiên tai – một sự cố vẫn thường xuyên xảy ra tại vùng Đông Nam của châu Á. Ngoài vùng đồi núi, thì sự cố thiên tai cũng hay xuất hiện tại vùng biển. Với diện tích bờ biển dài hơn 3200 ki-lô-mét thì thiên tai xảy ra trên dọc bờ biển là rất lớn và gây ra rất nhiều nguy hiểm đối với đồng bào đánh bắt cá ven biển, ví dụ như các khu vực đảo Cồn Cỏ, Bạch Long Vĩ, Côn Đảo,…
Đây là một trong những loại sự cố nghiêm trọng mà tướng Hiệu muốn tìm cách khắc phục. Vậy nên khi tham gia buổi hội nghị quốc tế tại Nga, ông đã chia sẻ về thảm hoạ thiên tai của Việt Nam đã phải đối mặt với các “cơn thịnh nộ” của Mẹ Thiên Nhiên hay của các trận chiến tranh khủng khiếp ra sao với 22 quốc gia, để nước bạn hay toàn thế giới có thể hiểu và cùng chung tay, giúp đỡ Việt Nam tìm ra những giải pháp ngăn ngừa thảm hoạ thiên tai, hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất về người và của. Bởi đối với ông, điều quan trọng nhất chính là mạng sống con người.
Việt Nam cũng đã tích cực đưa ra nhiều biện pháp khắc phục, đặc biệt nhất vẫn là huy động cả hệ thống chính trị tham gia chiến dịch phòng chống thiên tai cứu hộ cứu nạn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tổ chức phong trào “Phủ xanh đất trống đồi trọc” nhằm mục đích khôi phục lại màu xanh ở ven biển, đất liền, và cả những vùng đã bị chiến tranh tàn phá.
Buổi hội nghị kết thúc và thu hút được sự quan tâm của tổng thống Putin, ông đã đi gặp và giao lưu, trao đổi với tất cả các Trưởng đoàn. Và bức ảnh bắt tay giữa tướng Hiệu và tổng thống Putin “ra đời”.
2. Bức ảnh thứ hai được chụp khi tướng Hiệu được trao bằng Viện sĩ của Nga về Nghệ thuật chiến tranh.
Một tấm bằng danh giá dành cho tướng Hiệu khi ông đã cống hiến 9 năm phụ trách ở Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga và cùng với các nhà khoa học người Nga thực hiện nghiên cứu 3 hướng cơ bản: độ bền nhiệt đới, y sinh nhiệt đới và sinh thái nhiệt đới.
Trong thời gian phụ trách ở Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga, ông đã viết 7 công trình khoa học về quân sự và đối ngoại, góp phần tham mưu cho Đảng và Nhà nước để nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện với Liên bang Nga. Với 7 công trình khoa học quân sự có giá trị, tướng Hiệu đã được Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga bầu và trao bằng Viện sĩ về nghệ thuật chiến tranh vào ngày 2/4/2010. Điều đáng tự hào hơn nữa khi ông là người nước ngoài và cũng là người Việt Nam đầu tiên được nhận tấm bằng danh giá này. Bên cạnh đó, ông là đồng Chủ tịch Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, đã góp phần lớn trong việc tăng cường và củng cố mối quan hệ chiến lược, hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia Việt Nam và Liên bang Nga.
Và khi nhắc đến Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, chắc chắn sẽ phải kể đến phương châm “4 tại chỗ” do chính ông là “nhà sáng lập”. Xuất phát từ chiến tranh chống Mỹ, đứng giữa bão lũ thiên tai khi gió cấp 5 khiến máy bay không thể bay được, lũ quét ngập xe cũng không lội nước đi được, ông và đồng bào kiên cường cố gắng chống chọi với thiên tai, thì đó là lúc phương châm “4 tại chỗ” xuất hiện: Chỉ huy tại chỗ, Lực lượng tại chỗ, Vật chất tại chỗ và Hậu cần tại chỗ. Và cho đến bây giờ, phương châm này vẫn được áp dụng toàn quốc, vẫn luôn được sử dụng trong phòng chống bão lũ, cứu hộ cứu nạn của Việt Nam. Không những vậy, Nhà nước dựng 1 bộ phim có tên “Vị tướng 4 tại chỗ” và bộ phim đã được phát sóng rộng rãi vào đầu năm 2024.
Tích luỹ biết bao kiến thức từ những ngày tháng ông thực tiễn chiến đấu, chỉ huy và nghiên cứu, tướng Hiệu đã chắp bút và xuất bản nhiều đầu sách với các đề tài nói về Khoa học quân sự. Trong đó có các quyển như:
– Nghiên cứu số 1 vấn đề về nghệ thuật quân sự Việt Nam
– Vận dụng phương châm 4 tại chỗ trong phòng chống thiên tai
– Quân đội với vấn đề giải quyết hậu quả sau chiến tranh
Đối với ông, tất cả những tác phẩm đó như một rương báu chứa đựng những câu chuyện, kinh nghiệm và kiến thức mà tướng Hiệu đã trải qua và đúc kết suốt bao năm tháng.
3. Bức ảnh thứ ba là khi tướng Hiệu gặp Bà Má (Má Sáu Ngẫu) tại Lái Thiêu
Đây là tấm ảnh mang ý nghĩa lịch sử rất lớn. Khi đó tướng Hiệu là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 30B, Quân đoàn 1.
Trong tấm ảnh, là hình ảnh Bà Má – má tên là Sáu Ngẫu (từng là giáo viên dạy tiếng Pháp trong Sài Gòn) đang cùng tướng Hiệu xem bản đồ, tướng Hiệu nhờ má Sáu Ngẫu cung cấp thông tin và tuyến đường đi từ trục đường 13 vào tới Sài Gòn. Khi ông đưa tấm bản đồ cho má xem, má đã nói rằng má không rành tấm bản đồ này và đã vào buồng lấy một tấm bản đồ khác của má. Trên tấm bản đồ có chữ viết của má được đánh dấu và ghi rõ các ký hiệu quan trọng với nét chữ rất đẹp.
Má nói: “Từ đây vào đến Lái Thiêu khoảng 5 ki-lô-mét có trường Huỳnh Văn Lương, nơi đào tạo hạ sĩ quan địch do một đại tá chỉ huy với khoảng 2.000 tên lính. Ngày mai khi di chuyển, các con không nên đánh ở đây để tránh hoang phí đạn và hy sinh người của quân ta. Cần đánh thẳng vào Lái Thiêu và ngay sau đó nhanh chóng chiếm lấy cầu Vĩnh Bình, đây là điểm khó, bởi chúng dựng rất nhiều chướng ngại vật như thùng phuy đựng cát, rào dây kẽm gai, mìn,… nếu không đánh chiếm được thì xe của các con không thể đi vào Sài Gòn.”
Sau sự chỉ dẫn tận tình và chi tiết của má Sáu Ngẫu, tướng Hiệu và đồng đội đã chuẩn bị suốt đêm tới 4 giờ 30 sáng ngày hôm sau để tấn công vào Sài Gòn. Ông thầm biết ơn và cảm ơn má, hứa với má rằng sẽ quay lại thăm má và đồng bào sau khi quyết chiến và giành được thắng lợi.
Như đã hứa sẽ về Lái Thiêu sau khi giành thắng lợi, Trung đoàn 27 đã vẻ vang hoàn thành nhiệm vụ vào sáng ngày 30/4/1975 và quay trở lại Lái Thiêu, thăm má Sáu Ngẫu và đồng bào.
Bức ảnh cuối cùng chính là hình ảnh của Khu tưởng niệm 2352 liệt sĩ Trung đoàn 27 và Bia chiến tích Khẩu đội 5, Đại đội 16 và Trung đoàn 27.
Sau khi kết thúc chiến tranh, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và Ban liên lạc Cựu chiến binh Đại đội 16, Trung đoàn 27 đã kêu gọi sự hỗ trợ để xây dựng khu tưởng niệm cho hơn 2.500 liệt sỹ.
2.500 là con số rất lớn, tướng Hiệu chia sẻ rằng đây là một sự hy sinh mất mát lớn nhất. Khi một trung đoàn chỉ có nhiều nhất là 2.000 người, nhưng sự hy sinh ở đây lại lên tới 2.500 người, tức nhiều hơn một trung đoàn. Và trong đó, đồng chí Trung đoàn trưởng Cao Uy cũng đã chiến đấu và hy sinh ở đây.
Khu tưởng niệm tại Quảng Trị được khánh thành vào ngày 14/8/2016, được xây dựng trên diện tích khuôn viên hơn 500 mét vuông, trong đó gồm 1 nhà bia chính, 14 bia làm bằng đá ghi danh hơn 2.500 liệt sĩ của Trung đoàn 27 đã chiến đấu và hi sinh trên chiến trường Quảng Trị. Theo thông lệ vào ngày 27/7 hàng năm, các anh em cựu chiến binh của trung đoàn sẽ cử đại diện đến đây để làm lễ và tri ân, tổ chức phát quà cho các đối tượng chính sách trên địa bàn này.
Khu tưởng niệm này được mở ra để tri ân và tưởng nhớ các đồng chí, đồng đội và đồng bào đã anh dũng xả thân hy sinh vì tổ quốc. Đối với tưởng Hiệu mà nói, đây là một điều rất xúc động khi có những cái tên được ghi danh trên bia mộ, nhưng hài cốt của họ lại không thể tìm thấy. Nhưng đối với người thân gia đình của họ, nơi đây như một sự an ủi duy nhất cho nỗi nhớ thương người đã khuất, họ tới viếng thăm, ôm lấy tấm bia có khắc tên người con của họ và bật khóc. Hiện nay, nơi này đang được kêu gọi tiến hành xây thêm tháp chuông và nhà đón tiếp khách.
Qua 4 bức ảnh, 4 câu chuyện khác nhau, nhưng chúng ta đều có thể nhìn thấy một điểm chung lớn nhất đó chính là tấm lòng yêu nước của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu được thể hiện rõ qua sự cống hiến, xây dựng và phát triển không ngừng vì lợi ích của đất nước Việt Nam xuyên suốt từ khi ông mới chỉ là “cậu thanh niên” cho đến khi ông trở thành Thượng tướng, nhà khoa học quân sự của Việt Nam.
GIPHY App Key not set. Please check settings