Năm 2025 đánh dấu những cột mốc quan trọng trong cuộc đời tướng Nguyễn Huy Hiệu: 60 năm tuổi quân, 50 năm giải phóng Sài Gòn – chiến dịch mà ông trực tiếp tham gia, và 15 năm cống hiến tại Văn phòng Viện sĩ.
Đời binh nghiệp lẫy lừng của còn ông được ghi dấu bởi những kỷ niệm sâu sắc, đặc biệt là 7 ký ức gắn liền với Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị Tổng tư lệnh huyền thoại.
Ký ức 1: Cuộc gặp gỡ đầu tiên
Tháng 7/1970, tại mặt trận B5, tướng Nguyễn Huy Hiệu – lúc đó 23 tuổi, là Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27 – chỉ huy tiêu diệt cụm bộ binh cơ giới Mỹ ở Sáp Đá Mài, Tân Kim, Cam Lộ, Quảng Trị đêm mùng 4, rạng ngày 5/4/1970. Sau chiến thắng, ông từ vị trí Đại đội trưởng đã được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn trưởng.
Cũng sau chiến thắng này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm B5, thì Nguyễn Huy Hiệu được đi cùng Trung đoàn trưởng Phạm Minh Tâm lên báo cáo trực tiếp với Đại tướng. Đây cũng là lần đầu tiên ông gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp để báo cáo về trận đánh.
Trước buổi gặp, ông đã chuẩn bị kỹ lưỡng mọi tài liệu và bản đồ. Khi gặp Đại tướng, ông được yêu cầu không đọc báo cáo mà trực tiếp trình bày trên bản đồ về quy luật hoạt động của địch, cách tổ chức trận đánh và bài học rút ra.
Tướng Hiệu giải thích cặn kẽ cách ông cùng đơn vị theo dõi quy luật của địch suốt 4 ngày đêm. Địch co cụm ở bãi trống Tân Kim, với lực lượng cơ giới mạnh, phòng thủ bằng mìn, rào kẽm gai và pháo cối, pháo sáng bắn xung quanh. Nhận ra điểm yếu ở cụm hậu phương, ông quyết định đánh từ phía sau, nơi địch chủ quan. Chỉ trong 40-45 phút, bằng B40, B41 và lựu đạn chống tăng, đơn vị của ông tiêu diệt toàn bộ cụm bộ binh cơ giới mà không để lại thương vong lớn.
Khi nghe báo cáo, Đại tướng mỉm cười và nói: “Người chỉ huy giỏi là phải tiêu diệt được địch mà giảm thương vong thấp nhất.” Lời dạy này trở thành kim chỉ nam suốt cuộc đời binh nghiệp của ông.
Ký ức 2: Thần tốc trong chiến dịch Hồ Chí Minh
Năm 1975, tướng Hiệu giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1. Nhiệm vụ của ông là cùng đơn vị thực hiện cuộc hành quân thần tốc từ Tam Điệp đến Đông Hà, làm dự bị giải phóng Huế và Đà Nẵng trước khi tiến về miền Nam. Quãng đường dài 1.700km đầy thử thách, nhất là khi đến đèo Ăng-bun, nơi đất bazan phủ kín gây ách tắc. Tình hình lúc đó căng thẳng, nhưng khi ông nhận bức điện từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi qua máy 15 oắt đến, với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng giờ, từng phút để giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng.” Bức điện đã trở thành động lực lớn lao để sĩ quan, chiến sĩ vượt qua trở ngại, cùng đồng lòng chiến đấu dũng cảm.
Tướng Hiệu phổ biến bức điện này cho gần 3.000 quân, tiếp thêm tinh thần vượt qua khó khăn. Đơn vị di chuyển liên tục suốt 12 ngày đêm, sống bằng lương khô, gạo rang, thịt hộp. Nhờ ý chí thép, trung đoàn đã đến đúng vị trí tập kết, mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh với những chiến thắng thần tốc tại Đồng Xoài và Bộ Tư lệnh Thiết giáp Ngụy.
Điểm nổi bật trong chiến dịch là sự “táo bạo” – bỏ qua các vòng ngoài để đánh thẳng vào mục tiêu trọng yếu. Đến 10 giờ sáng, trung đoàn của ông chiếm trọn Bộ Tư lệnh Thiết giáp Ngụy cùng 13 căn cứ và Tổng Y viện Cộng hòa.
Ký ức 3: Lễ kỷ niệm thành lập Quân đoàn 1
Năm 1987, tướng Hiệu lúc này là Tư lệnh Quân đoàn 1, tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm thành lập quân đoàn tại Tam Điệp, Ninh Bình. Ông đã mời Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người ký quyết định thành lập Quân đoàn 1 vào ngày 24/10/1973, về tham dự. Trong buổi lễ, Đại tướng không chỉ bày tỏ niềm vui khi thấy sự trưởng thành của Quân đoàn mà còn chia sẻ những bài học quý giá.
Đại tướng nhấn mạnh: “Cấp chỉ huy chiến dịch phải hiểu được tất cả vấn đề chiến lược để vận dụng sáng tạo trong cách chỉ đạo toàn quân.” Bài học này nhắc nhở tướng Hiệu và các cán bộ về trách nhiệm lớn lao của mình trong việc lãnh đạo và phát triển lực lượng.
Ký ức 4: Tấm lòng Đại tướng
Năm 1994, tướng Nguyễn Huy Hiệu được bổ nhiệm làm Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Trong vai trò mới, ông đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng như đối ngoại quốc phòng, khoa học công nghệ, huấn luyện và nhà trường. Đặc biệt, ông phụ trách Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga – nơi hợp tác giữa các nhà khoa học Việt Nam và Nga trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng công nghệ.
Hàng năm, mỗi dịp Tết âm lịch, tướng Hiệu dẫn đầu đoàn Bộ Quốc phòng đến chúc Tết Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây là cơ hội để ông báo cáo về tình hình hoạt động của Bộ Quốc phòng và những tiến bộ khoa học mà Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga đạt được. Đại tướng rất yêu quý các nhà khoa học Nga, vì vậy tướng Hiệu thường đưa các chuyên gia từ trung tâm cùng tham gia đoàn để gặp và báo cáo trực tiếp với Đại tướng.
Trong một lần đến chúc Tết, tướng Hiệu mang theo bó hoa tươi và thay mặt đoàn gửi lời chúc đến Đại tướng. Khi ông chúc Đại tướng sống đến 100 tuổi, Đại tướng khẽ mỉm cười, từ chối và khiêm tốn nói: “Không nên chúc như thế.” Tướng Hiệu nhanh trí đổi lời chúc thành: “Chúc Đại tướng sống hơn 100 tuổi!” Lúc ấy, Đại tướng bật cười, gật đầu và đồng ý. Tuy nhiên, sau đó, ông ghé sát tai tướng Hiệu nói nhỏ: “Có người nói Đại tướng sẽ sống đến 103 tuổi.”
Ngay khi rời nhà Đại tướng, tướng Hiệu kể lại lời này cho mọi người, và ai cũng tự hỏi: Liệu đó có phải là một sự tiên tri? Sau này, khi Đại tướng thực sự qua đời ở tuổi 103, lời nói ấy trở thành một kỷ niệm đặc biệt khắc sâu trong lòng tướng Hiệu và những người từng có mặt hôm ấy.
Ký ức 5: Kỷ niệm 50 năm Điện Biên Phủ
Năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tướng Nguyễn Huy Hiệu cùng Bộ quốc phòng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì hội nghị quốc tế tại Hà Nội với sự tham gia của đại diện từ 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là dịp để thế giới hiểu thêm về nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Việt Nam.
Tại hội nghị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp, nhấn mạnh vai trò của chiến tranh nhân dân, sự phối hợp giữa ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, quân dân du kích và tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc. Ông ca ngợi sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặc biệt là những hy sinh to lớn của đồng bào dân tộc Tây Bắc Việt Bắc.
Điều khiến tướng Hiệu xúc động là xuyên suốt bài phát biểu, Đại tướng không nhắc đến bản thân mà chỉ tập trung nói về tập thể, từ chiến sĩ đến đồng bào dân tộc. Sự khiêm nhường và tinh thần trách nhiệm ấy làm nên hình ảnh một nhà lãnh đạo giản dị nhưng vĩ đại.
Ký ức 6: Bài báo về Thiên tài Quân sự
Năm 2013, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời ở tuổi 103, cả nước chìm trong niềm tiếc thương vô hạn. Tướng Nguyễn Huy Hiệu lúc đó đang từ Nam Định lên Hà Nội, nhận được tin buồn và ngay lập tức viết bài báo và liên hệ tới đồng chí Phúc Nguyên – Tổng Biên tập báo Quân đội Nhân dân trong đêm. Bài viết có tiêu đề “Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Thiên tài quân sự” được đăng trang nhất vào sáng hôm sau, trở thành một lời tri ân sâu sắc đến vị Tổng tư lệnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trong bài báo, tướng Hiệu tôn vinh tài năng chiến lược xuất chúng của Đại tướng, người đã dẫn dắt quân đội vượt qua những thời khắc cam go nhất của lịch sử. Ông khẳng định Đại tướng là một thiên tài quân sự với những chiến lược mang tầm vóc toàn cầu, đồng thời là người thầy lớn đã truyền cảm hứng và bài học quý báu cho nhiều thế hệ lãnh đạo quân đội, trong đó có chính ông.
Ký ức 7: Lời tiên tri và những ngày đưa tiễn Đại tướng
Sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời ở tuổi 103, lễ tang của ông được tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Bạn bè quốc tế, người dân từ khắp nơi xếp hàng dài hàng cây số trên đường Hoàng Diệu để chờ viếng Đại tướng.
Khi Đại tướng mất, thông tin về lời tiên tri của ông rằng mình sẽ sống đến 103 tuổi nhanh chóng lan rộng. Các bạn trong nước và quốc tế đã tìm đến tướng Nguyễn Huy Hiệu để phỏng vấn về câu chuyện đặc biệt ấy. Tướng Hiệu trả lời rất nhiều cơ quan báo chí, chia sẻ chi tiết về lần trò chuyện đặc biệt giữa ông và Đại tướng.
Trong suốt lễ tang, tướng Hiệu không chỉ dẫn các đoàn quốc tế đến viếng mà còn xuất hiện trên truyền hình cùng giáo sư Vũ Khiêu và đồng chí Hữu Ước để chia sẻ những kỷ niệm đặc biệt về Đại tướng. Khi linh cữu Đại tướng được đưa về quê nhà Quảng Bình để an táng, tướng Hiệu cùng đoàn tiễn đưa không kìm được xúc động. Ông nói rằng sự ra đi của Đại tướng là một mất mát to lớn, nhưng những gì ông để lại sẽ sống mãi trong lòng dân tộc và bạn bè quốc tế.
KBH
GIPHY App Key not set. Please check settings