in

Uống hết vị đắng cuộc đời

Nguyễn Trác

        
Sông vẫn chảy dẫu biết mình gặp thác

Dẫu biết mình sỏi đá dưới lòng sâu  

(Dòng sông)

Đấy là hai câu thơ vừa chấp nhận vừa không chấp nhận, nó thể hiện sự thấu hiểu của nhà thơ trước hiện thực và tinh thần nhà thơ trong cuộc sống.

Nhà thơ Nguyễn Đắc Lập, sinh ra và hiện sống ở Hà Đông năm nay anh đã ngoại 70.

Tôi quen biết anh cũng đã gần 20 năm. Hồi ấy, buổi trưa Nguyễn Đắc Lập hay từ Hà Đông ra Hà Nội bằng xe buýt rồi đến cơ quan chúng tôi. Tôi cũng hay gặp anh ở cuối phố Nguyễn Du, nơi giao cắt với đường Trần Bình Trọng. Tạng người xương xương gầy, quần áo tầm tầm giản dị, ăn nói hiền lành.  Giữa phố xá tấp nập – nơi chỉ vài bước chân tới ga Hàng Cỏ – trông anh thấy ngay là người vất vả. 

Khi biết anh làm thơ sớm – có thơ in từ ngày mới học lớp 5 – tôi đã tự hỏi “giữa thời buổi kinh tế thị trường đang chộn rộn nhộn nhạo thơ là gì mà hấp dẫn con người này đến không thể buông bỏ được vậy. Vâng. Thơ ca là gì mà khiến ta phải đánh đổi cả số phận! Nó là một ly rượu, một bông hoa, một cơn bão hay duyên phận tiền định.

Rồi qua vài người bạn tôi biết Nguyễn Đắc Lập vốn là kĩ sư lâm nghiệp từng lên rừng xuống núi lấy “mười năm trồng cây trăm năm trồng người” làm sự nghiệp, một người lính lấy tình yêu quê hương đất nước làm sức mạnh. Hết chiến tranh anh về dạy học tại trường trung cấp kinh tế lâm nghiệp. Một lần cùng về Hưng Yên tôi có gặp một nữ sinh viên cũ của anh đang làm việc ở tỉnh. Trong dịp đó anh kể tôi nghe về quãng đời làm thầy giáo. Rồi anh mời tôi vào Hà Đông thăm nhà, một ngôi nhà trong ngõ cũng tầm tầm và hơi khuất lấp. Tôi là con trưởng trong gia đình, anh cũng là con trưởng nhưng kém may mắn hơn, thế là bao chuyện về anh em nhà cửa lại được anh tâm sự. Chúng tôi dần dần thân hơn từ đấy.

Trong buổi giao lưu giữa các nhà văn Việt Nam và các nhà văn Hàn Quốc tại Hội Nhà văn Việt Nam vừa qua, Nguyễn Đắc Lập tặng tôi tập “Thơ tuyển Nguyễn Đắc Lập” một cuốn sách dày hơn 200 trang, bìa cứng sang trọng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã có một hình ảnh thật đẹp về anh trong lời giới thiệu tập thơ “Hoa sa mạc”. “Tôi hình dung anh (NĐL) như một cái cây thi thoảng những chiếc lá lại vang lên khi có ngọn gió đi qua. Anh làm thơ giản đơn như vậy”. Thật đáng để ta kính nể và yêu quí một thi sĩ  làm thơ “giản đơn” như lẽ sống ở đời, tất nhiên như trời đã sinh ra nhất thiết cần phải vậy. Nhưng những ngọn gió nào luôn thổi qua tâm hồn thi sĩ của anh? Trong thơ Nguyễn Đắc Lập hay nhắc đến hai chữ Cuộc đời. Cuộc đời anh và cuộc sống còn nhiều buồn tủi xung quanh là ngọn gió không ngừng nghỉ thổi qua tâm hồn anh, qua cái – cây – số – phận – đời – anh làm rung lên những chiếc lá để thi ca vang vọng.

Tâm sự về thơ Nguyễn Đắc Lập viết: Thơ là nhu cầu thể hiện nội tâm, là khát vọng khôn cùng về cái đep. Thơ ca sẽ biến những gì tốt đẹp thành bất tử.

Còn Otavio Paz, nhà thơ Mexico viết “Thơ là cái còn lại để an ủi ta” 

Có lẽ Nguyễn Đắc Lập đã tìm thấy cả nhu cầu cả khát vọng lẫn niềm an ủi cho mình qua thơ.

Tạng văn như tạng người. Thơ Nguyễn Đắc Lập hiền làn, mộc mạc, giản dị và nhiều nghĩ ngợi nhưng là sự giản dị thâm trầm và đắng đót. Thơ anh thấm đẫm một nỗi buồn man mác – hầu như bài nào cũng buồn – nỗi buồn sinh ra từ hoàn cảnh, từ nhân tình thế thái.

Tôi đã đi gần cả cuộc đời để tìm hạnh phúc

Hạnh phúc không thấy

Bất hạnh như số phận

Đeo đẳng cuộc đời

…………………………….

Tôi vẫn nhìn đời ngơ ngác

………………………………………

Sao thì xa lắc

Còn tôi đi gần hết cuộc đời

(Hạnh phúc)

Xa xót một đời cây chưa một lần hoa nở 

(Thơ bất chợt 1)

 Nhiều lúc Nguyễn Đắc Lập thảng thốt:

Hạnh phúc

Sao em cứ giấu mặt đi   

(Thơ bất chợt 1) 

Rừng vẫn đấy mà anh là người khác

Em cũng vậy thôi rụng lá bao lần

(Thơ bất chợt 2)

Thơ Nguyễn Đắc Lập mạnh ở điệu buồn nhưng đó là nỗi buồn khiến ta trân trọng. Anh không chỉ buồn cho  số phận riêng mình- mà rộng lớn hơn thế – còn buồn vì những số phận không may mắn khác và buồn cả vì “Cái vách ngăn nằm giữa lòng người” (Vách ngăn).

Anh luôn nhớ tới cuộc đời gian truân của Mẹ nhưng nhớ hơn những lời Người dạy. Anh chia sẻ với Nguyễn Trãi những đau buốt khi nghĩ đến sự thâm hiểm của lòng người. Anh bồi hồi khi cuộc đời còn cay cực mà Cúc Phương vẫn bốn mùa xanh tốt và sáng nào anh cũng dậy sớm với mặt trời như để thanh lọc mình, như để được tiếp nhận những năng lượng mới, tiếp nhận nụ cười trẻ em ríu ran như mùa xuân phía trước (Sáng nào tôi cũng dậy sớm với mặt trời).

Nhiều bất hạnh nhưng không kêu ca – dẫu đau quặn lòng vẫn “êm ả như không” – đấy là điều không phải ai cũng làm được. Anh luôn tin vào sự tốt đẹp của cuộc đời như tin sa mạc cũng có thể nở hoa. Bài “Hoa sa mạc” được anh lấy làm tên cho một tập thơ. Anh biết Cuộc đời luôn có những lối rẽ bất ngờ cho ai có niềm tin và biết kiên nhẫn chờ đợi.

Nguyễn Đắc Lập hay làm thơ ngắn, có những  bài  thật ngắn, cô đúc giản dị như thơ Haiku Nhật Bản, toàn bài chỉ là những gợi mở như bài “Hoa nở”:

Vời vợi trăng

Dìu dịu hương

Ngấn lệ

Tính triết lý ẩn sau những câu thơ của anh cũng là điều bạn đọc dễ nhận ra. Đó là những triết lý gần gũi với đời sống và cũng khiêm nhường giản dị chứ không cao sang to tát, đôi khi cụ thể như một lời nói “vừa đi vừa ngủ là cách đi của kẻ đường dài” đôi khi lại mông lung tưng tửng:

Đưa tay hứng tháng ngày rơi

Chạnh thương bao áng mây trời xa xa…

(Lịch)

Tôi thích những bài như “Chiều”, “Một đoạn”, “Quán nghèo bia hơi”, “Ngõ nhỏ”, “Sáng nào tôi cũng dậy sớm với mặt trời”, “Một đoạn”…

Ở “Chiều” là sự đan xen trầm lắng giữa cảm xúc và trí tuệ. Điệp khúc “Những người thân / chẳng thấy quay về” và biến thể “Chỉ Người đi mãi mãi không về” tạo nên sự da diết ám ảnh xa xót của mất mát. Ở “Quán nghèo bia hơi” là điệp khúc của những buồn đau lỡ làng hiện hữu ngay trong đời sống  bao người hàng ngày bên ta. Ở ‘Một đoạn” lại là điệp khúc của những bất lực những trớ trêu bí ẩn ngăn cách ta với người, người với ta, ta với ước mơ, ước mơ với hiện thực “tưởng vài bước chân mà đi không tới”. “Ngõ nhỏ” kiệm lời mà ám ảnh.

Nguyễn Đắc Lập có những câu thơ hay. Cái hay của thơ anh không phải cái hay của những vấn đề nóng bỏng thời sự, mới lạ của hình ảnh, độc đáo của ngôn ngữ  hay tân kì của tứ mà là cái hay của những bộc bạch chân thành, những rủ rỉ rù rì cảm động, của những chuyện tưởng không có gì mà khiến ta day dứt.

Nhưng công bằng mà nói, bên những câu hay vẫn có câu còn dễ dãi thiếu một chút công phu lao động nghệ thuật.

Tài năng là vô cùng và mỗi người có một đóng góp riêng nhỏ bé. Trong bài “Cảm nhận về thơ” in đã lâu Nguyễn Đắc Lập viết “Sống thế nào thì thơ như thế. Bắt nhịp được cuộc sống, phát hiện được vẻ đẹp của nó với tấm lòng chân thực, nhà thơ mới mong có được một cái gì góp ích cho đời”.

Uống hết vị đắng cuộc đời sẽ thấy vị ngọt ở đáy cốc 

(Thơ bất chợt 3)

Cùng với nhà thơ tôi tin điều đó và chúc mừng anh.

What do you think?

Written by Nhi Nhi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

Thơ song ngữ Anh – Việt tác giả Hy Lạp: Eva Lianou Petropoulou

Nhà văn/Dịch giả Khánh Phương ra mắt sách song ngữ “Vị tướng kết tinh tâm ngôn giữa đời thường”