Năm 2016, nhà văn Trầm Hương ra mắt tiểu thuyết (2 tập) “Trong cơn lốc xoáy”. Đây là câu chuyện có thật về cuộc đời của một người phụ nữ tên Jeannette, con gái nuôi của Giám đốc Tổng thuế ba miền Đông Dương và mối tình bị chia cắt với một sinh viên y khoa yêu nước, vì nghe tiếng gọi non sông, đã xếp bút nghiên tham gia đấu tranh cách mạng.
Tiểu thuyết tái hiện bối cảnh lịch sử của Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định và chứa đựng những day dứt, ám ảnh về thân phận những con người bị đắm chìm trong bi kịch giữa hạnh phúc và khổ đau, giữa được và mất, nỗi thống khổ của số phận con người và niềm tin vào ngày mai trong cơn lốc xoáy của cuộc đời, trong giai đoạn kháng chiến với góc nhìn từ hai phía.
Jeanne Anna Villarialle (tên thân mật là Jeannette) – người phụ nữ trải qua gần một thế kỷ sống với rất nhiều biến cố lịch sử khác nhau. Mối tình giữa một người cộng sản với con gái của ngài Tổng thuế Đông Dương khởi đầu cho những bi kịch kéo dài, bà đã hạnh phúc và đau khổ nhưng không hối tiếc, không chút oán trách bởi ông đã khơi lên trong bà những ý niệm về giá trị tuyệt đối của con người.
Cuộc gặp định mệnh
Hiện nay, trong số các nữ nhà văn viết hồi ký về các nhân vật, có thể nói khó có ai so bì kịp Trầm Hương. Trầm Hương coi nghề viết là sứ mệnh dù chị không được đào tạo nghề viết văn, cũng chưa qua trường ngữ văn. Với chị, viết văn, làm thơ, sáng tác kịch bản, viết lịch sử đều xuất phát từ lòng đam mê.
Trầm Hương không ngừng trau dồi, học hỏi để rồi sau này, từ một cử nhân điện ảnh kiêm kỹ sư nông nghiệp, chị đã chính thức trở thành một thạc sĩ báo chí. Chị từng kể: “Góc nhìn báo chí giúp tôi có được những bài viết được độc giả yêu mến. Lòng tôi vẫn không nguôi tự hỏi: Hiện thực có quá nhiều những con người bình thường làm nên những điều phi thường. Sứ mệnh của mình là ghi lại, viết lại mà không làm nổi, làm không xứng với tầm vóc thì mình thật vô dụng, thật có lỗi. Vì vậy mà tôi miệt mài đi và viết”.
Thêm nữa, môi trường công tác tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ giúp Trầm Hương có nhiều chất liệu từ những nhân chứng sống động của lịch sử. Và, cuộc gặp gỡ giữa bà Jeanne Anna Villarialle và nhà văn Trầm Hương cũng là định mệnh.
Chị kể: “Năm 2005, bà Jeanne Anna Villarialle về Việt Nam, tìm gặp tôi, với ý nguyện được kể cho tôi nghe trải nghiệm cuộc đời gần một thế kỷ của bà. Bà nói Trời sinh ra bà để lặn vào nhiều cuộc đời, chứng kiến những buồn vui, khổ đau, bất hạnh; lúc nếm trải tận cùng đời sống vật chất xa hoa, lúc rơi xuống tận đáy tủi nhục, thống khổ…”
10 năm ròng trong… “cơn lốc xoáy”
Quả thật, viết hồi ký về Jeannette là một công việc rất khó, rất kỳ công. Công việc này kéo nhà văn Trầm Hương vào hành trình đầy thử thách với chính bản thân mình, có lúc nó khiến chị nản lòng, thấy mình như đang bơi trong biển khơi ngồn ngộn tư liệu. “Trái tim yếu đuối của tôi dường như đập những nhịp quá tải trước những bi kịch cuộc đời nhân vật. Nhưng vì sự tin cậy, kỳ vọng của bà, tôi đành phải như con ong hút mật, ngày từng chút một…”, Trầm Hương nói.
Trong 10 năm, Trầm Hương luôn mang theo cây bút và cuốn sổ bên mình, để khi đêm về, người phụ nữ 80 tuổi cách nửa vòng trái đất gọi điện về bất chợt lúc nào, chị cũng có thể kịp ghi lại. Đôi khi có nhiều chi tiết, nhân vật lịch sử phải kiểm chứng, chị lại phải vào thư viện tìm đọc cả nghìn trang tư liệu. Rồi hàng loạt các chuyến đi về, hàng trăm cuộc gặp gỡ ở đủ các địa danh giữa nhân vật và nhà văn để bộ tiểu thuyết hoàn thành đúng như kỳ vọng.
Không thể kể xiết cái khó của người viết hồi ký nhân vật, bởi trong hồi ký, thời gian luôn phức tạp. Người viết luôn phải điều hướng giữa “thời điểm đó” của sự kiện và “hiện tại” của bài viết, và thậm chí tim óc người viết phải di chuyển qua lại giữa nhiều thời điểm khác nhau để có được sự linh hoạt và sáng tạo to lớn mỗi khi đặt bút. Thời gian có thể xoay tròn, kéo dài ra hoặc tự cuộn lại thành nhiều lớp. Điều kỳ diệu xảy ra ở khoảng trống giữa chúng. Đôi khi, hồi ký chính là sự kết hợp lộn xộn của các sự kiện trong cuộc sống rồi từ đó rút ra sự mạch lạc và ý nghĩa. Trầm Hương đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình bằng cả lý trí và con tim.
“Trong cơn lốc xoáy” đã được trao giải A cuộc thi sáng tác về đề tài Cách mạng và kháng chiến năm 2015 của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Thành tích này đã chứng minh cho nghị lực và sức làm việc không biết mệt mỏi của nhà văn Trầm Hương.
Nỗ lực phi thường của Trầm Hương đã cho độc giả “Trong cơn lốc xoáy” thấy cuộc đời của Jeannette còn hơn cả tiểu thuyết. Như Trầm Hương từng nói: “Con người của huân, huy chương khác với con người tiểu thuyết. Jeanne Anna là người dám nói lên sự thật – những sự thật bi thương nhất trong cuộc đời của mình, những sự thật khi bà chứng kiến nhiều số phận đàn bà Việt, từ hai phía, nỗi cô đơn thống khổ của họ trong hai cuộc chiến tranh”.
Năm 2016, có mặt tại buổi ra mắt cuốn tiểu thuyết đặc biệt, nhân vật chính – bà Jeannette – nghẹn ngào rơi nước mắt. Bà tâm sự: “Trên tất cả, người đàn ông đó cho tôi cảm nhận sức mạnh tình yêu, vì nó, người ta có thể làm được cả những điều kỳ diệu lẫn những chuyện điên rồ. Cho đến cuối đời, tôi vẫn sống với tình yêu ấy cho dù tôi không phải người phụ nữ thủy chung theo cái nhìn thông thường của một chuẩn mực xã hội nhất định…”
Câu chuyện gần 1.000 trang sách đã phác họa nên chân dung cả một xã hội trải dài từ những năm đầu thế kỷ XX tới giai đoạn sau năm 1975. Mối tình trái ngang ấy đã đưa Jeannette đi qua những cuộc phiêu lưu, mạo hiểm, từ bỏ cả giai cấp thượng lưu để đi theo tiếng gọi tình yêu nhưng cuối cùng vẫn dang dở.
Nhà văn Trầm Hương cho biết, trong 10 năm, bà Jeannette mặc dù đang chữa bệnh ở Mỹ và đã cao tuổi nhưng phải đi đi về về trong rất nhiều lần làm việc chung. Với một tình yêu sâu sắc, một ý chí mạnh mẽ mong cuốn sách ra đời, cả hai người phụ nữ đã vượt qua những khó khăn, cách trở để hoàn thành 2 tập của bộ tiểu thuyết. Những độc giả yêu sách, nếu đã được nghe về cuộc gặp gỡ định mệnh của họ, chắc chắn sẽ muốn tìm đọc “Trong cơn lốc xoáy” để xem tình yêu làm nên điều kỳ diệu bằng cách nào.
Tiểu Mai
GIPHY App Key not set. Please check settings