in

Các nhà văn, nhà thơ, nhà báo kể chuyện khai bút đầu Xuân

Khai bút đầu xuân không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn là cơ hội để nhìn lại bản thân, định hình tương lai và khát khao những giá trị cao đẹp của cuộc sống.

Trong thế giới văn hóa của dân tộc Việt Nam, năm mới là thời điểm chuyển giao giữa những chuỗi ngày cũ và những hy vọng mới, là cơ hội để mỗi người chúng ta tìm lại chính mình, kết nối với tâm hồn và nghề nghiệp của mình. Khai bút đầu xuân, một truyền thống sâu đậm, là nghệ thuật viết lên những dòng cảm xúc đầu tiên của năm mới và cũng là một hành động mang ý nghĩa tinh thần, kỷ niệm những giá trị văn hóa, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Với những nhà thơ, nhà văn, nhà báo, khai bút đầu xuân thường là một thói quen, một nghi lễ linh thiêng, gắn bó với sứ mệnh và trách nhiệm của họ trong việc truyền tải những ý nghĩa, những thông điệp sâu sắc đến với độc giả, đến với cộng đồng. 

Nhà thơ Trần Nhuận Minh

Nhà thơ Trần Nhuận Minh (Quảng Ninh) chia sẻ: “Tôi viết trong tất cả các ngày, các giờ, bất kể ngày nào, giờ nào, nếu có ý tưởng và xúc cảm. Có khi đang ngủ, bật dậy, ngồi viết luôn xong một bài thơ. Các bài thơ tôi đều viết một lèo, đứng lên là xong ngay, chỉ khi đưa in mới đọc lại sửa, nhưng thường ít khi phải sửa. Bài thơ đã đến với tôi là đến cùng một lúc với tất cả cấu tứ, hình hài, thể thơ, ngôn ngữ và hình ảnh. Và vì thế, tôi “khai” bất cứ lúc nào mà không chọn ngày, chọn giờ. Thường 21h, tôi đi ngủ và 2 giờ sáng dậy viết, không có gì viết tôi mới đọc một quyển sách nào đó.

Đã hơn 15 năm nay, Tết nào tôi cũng về quê Điền Trì (Hải Dương). Năm nay, tôi viết được 2 bài giữa những cơn ho vào khoảng từ 4 đến 5h sáng mùng 1 Tết. Viết xong, tôi gọi chú Trần Đăng Khoa (nhà thơ Trần Đăng Khoa) phải dậy nghe qua điện thoại, xem có được không? Vừa đọc vừa ho. 

 Yên Tử

(Tặng Bùi Đình Tuấn)

Ra khỏi cửa rừng rồi, ong vẫn bay theo ta

Vì hương của hoa đã ngấm vào vai áo 

Cái vị hương thiền ngát thơm còn lại từ thời Phật Hoàng

Giữ cho hồn ta bình yên, sau bao nhiêu giông bão…

Ong ơi, ong ơi, em hãy về rừng đi

Cuộc thế này không phải của em, 

ngay cả tiếng em bay, cũng chẳng ai nghe thấy

Vai áo anh đầy vị đắng của nắng mưa

Em không nhận ra sao?

Bày ong đã thưa …

Lòng tự nhiên thảng thốt

Quay lại phía sau. Xanh ngát một vòm trời

Lạy Phật tổ  – Một vùng trí tuệ

Vị mật của nhân gian –  nuôi sống đến muôn đời…

Thơ nằm trên cỏ

Làm Người là làm thơ. Làm thơ là làm Người            

Nhà thơ, nhà báo Đoàn Mạnh Phương

Đối với nhà thơ, nhà báo Đoàn Mạnh Phương (Hà Nội), việc khai bút đầu năm chính là cơ hội để thể hiện những cảm xúc, suy tư của bản thân, là dịp để ngẫm nghĩ về nghề nghiệp, về tầm quan trọng của nghệ thuật và trách nhiệm của một nhà văn, nhà báo trong xã hội.

Với ông, nghề văn, nghề báo không chỉ đòi hỏi sự tài năng, kiến thức chuyên môn mà còn nhạy cảm, trách nhiệm và lòng biết ơn. 

Khai bút đầu năm là thời điểm để mỗi người trong chúng ta định hình lại mục tiêu, hướng tới những điều tốt lành, tinh khiết nhất trong dòng chảy chậm thiêng liêng của ngày Tết đầu năm.

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Chu Nhạc

Trong không gian yên bình của buổi sáng mùng 1 Tết, nhà văn – nhà báo Nguyễn Chu Nhạc (Hà Nội) đã tạo ra một nghi lễ đầy ý nghĩa – khai bút đầu xuân – với sự kiên nhẫn và tinh thần sáng tạo. Mỗi ngày, ông thường thức dậy sớm, lúc 7 giờ, bước vào không gian riêng tư và bắt đầu ngày mới bằng một ấm trà mạn thật nóng.

Không chỉ là một thói quen mà việc uống trà cùng viết thư pháp nho đã trở thành một nghi thức tinh thần, là dịp để ông tìm kiếm sự kết nối với bản thân và với mọi người xung quanh. Mỗi nét chữ trên tờ giấy là một phần của trái tim, là cách để ông chia sẻ những suy tư, những ước mơ và tình cảm trong dịp đặc biệt này.

Khác biệt với việc viết những bài văn, những bài báo mang tính chuyên môn, việc viết thư pháp nho của Nguyễn Chu Nhạc là một cách để ông thể hiện tinh thần đẹp, lòng biết ơn và tình cảm đối với bạn bè, đồng nghiệp và người thân. Mỗi nét chữ, mỗi đường nét được cẩn thận lựa chọn, là một biểu hiện của sự quan tâm và tình cảm chân thành từ trái tim ông.

Hình ảnh của Nguyễn Chu Nhạc, với ấm trà và bút mực trong tay, mỗi sáng mùng 1 Tết, không chỉ là hình ảnh của một nhà văn, nhà báo uyên bác và chuyên nghiệp mà còn là hình ảnh của một con người đầy tình cảm và sự tôn trọng đối với truyền thống văn hóa, giá trị nhân văn.

 Nhà thơ Nguyễn Đình Tâm

Nhà thơ Nguyễn Đình Tâm (Hải Phòng) xưa tới nay không quá câu nệ việc khai bút vào mấy ngày đầu xuân, bởi ông có một ấn tượng không thú vị lắm về mùa này. Tuy nhiên, năm nay ông cũng cầm bút để bắt đầu viết một cuốn trường ca mới, về nhân vật lịch sử, hai nhân vật hậu duệ dòng họ Lý lánh nạn và cư trú tại đất Cao Ly, đó là tể tướng Lý Dương Côn và thái tử Lý Long Tường.

Viết cuốn trường ca này, ngoài việc thỏa mãn ý tưởng sáng tác, ông còn mong muốn thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, ngoại giao văn hóa giữa hai nước Việt – Hàn.

Với nữ sĩ Vũ Thanh Hoa (Vũng Tàu), khai bút là một nét đẹp ngày xuân, nhất là thói quen rất thú vị của các nhà văn, nhà thơ. Có những năm “mạch viết” chảy xuyên suốt từ trước giao thừa cho đến năm mới, viết liên tục các bài tản văn, thơ, truyện… có năm lại trầm lắng để quan sát, cảm nhận, suy ngẫm sau đó mới đặt bút khai xuân những dòng đầu tiên có thể khi đó Tết đã qua… Tức là Vũ Thanh Hoa không thúc ép mình phải nhất thiết viết trong thời điểm nào, mà để cảm xúc thực sự dẫn dắt mình.

Trong bao cảm xúc dạt dào, nhiều cung bậc, Vũ Thanh Hoa đang chờ sự lắng đọng để có thể đặt bút khai xuân vào ngày mùng 9 Tết Giáp Thìn…

Nữ sĩ Vũ Thanh Hoa

Nữ nhà văn – dịch giả Khánh Phương cho biết: “Cũng giống như một số nhà văn, nhà thơ và những người theo đuổi nghệ thuật viết lách, tôi thường có thói quen khai bút đầu xuân hàng năm. Thói quen này thường được thực hiện vào những ngày đầu tiên của năm mới để bày tỏ ý chí, ý định và tinh thần mới trong việc sáng tác.

Năm nay, tôi đã khai bút vào ngày mùng 2 Tết, viết về những dự định và mục tiêu cho năm mới. Đối với tôi, việc khai bút đầu năm có ý nghĩa lớn. Đôi khi nó giúp tôi tự đánh giá lại bản thân, đặt ra những mục tiêu cụ thể và tạo động lực để tiến tới trong sự nghiệp viết lách của mình.

Ngoài ra, viết vài dòng nhật ký về tình yêu và cảm xúc cũng là cách để tôi lưu giữ những kỷ niệm quan trọng trong cuộc sống và tình cảm. Đối với tôi, những dòng chữ ấy không chỉ là ghi chép đơn thuần, mà còn là dấu ấn của trái tim, là cách để tôi lưu giữ cảm xúc sâu thẳm nhất”.

Nhà văn, dịch giả Khánh Phương

Khai bút đầu xuân không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn là cơ hội để mỗi người chúng ta nhìn lại bản thân, định hình lại tương lai và khát khao hướng tới những giá trị cao đẹp nhất của cuộc sống.

Sao Khuê

Nguồn: Vietnamnet

What do you think?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

Kỷ lục gia nhỏ tuổi toả sáng tại xứ nhãn lồng Hưng Yên

Nghịch cảnh nở hoa: từ trẻ tự kỷ thành Kỷ lục gia Guinness