in

CEO Hồ Hữu Việt: viết để giải tỏa năng lượng

JyKhanh

Nếu bất ngờ, một ngày nào đó bạn bỗng sung sướng rung rinh vì được một chàng lãng tử tài hoa tặng cho mình một bài thơ sâu lắng, một ca khúc nồng nàn, thì trải nghiệm đó quý hơn vàng. Tôi đã từng có trải nghiệm đó với CEO Hồ Hữu Việt… 

Ông đã xuất bản nhiều sách thơ, nhạc, mục đích là để đời vui…

CEO Hồ Hữu Việt

1. Trong giới văn chương vẫn xì xào, Hồ Hữu Việt viết thơ tốc độ bậc nhất, vậy hiện nay ông đã sáng tác mấy ngàn bài thơ rồi? Và lý do nào đã thúc đẩy ông quyết định viết sách? Nhất là sách thơ? 

Quả thực tôi viết thơ hay viết nhạc và lời cho ca khúc là nhằm chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, niềm vui sống như nhiều người ở độ tuổi 60, 70. Cho đến nay, số bài thơ tôi viết có lưu lại trên máy tính là 2.400 bài, số ca khúc tôi viết cả nhạc và lời, hoặc phổ nhạc cho thơ của người khác là 520 ca khúc. Trong số đó hơn 180 ca khúc đã được hòa âm phối khí, thu ca sĩ thể hiện. Các bạn quan tâm có thể vào YouTube, tra Tuyển tập ca khúc – Nhạc sĩ Hồ Hữu Việt để nghe các ca khúc này. Nhưng để có được số lượng khá “đồ sộ” các bài thơ và ca khúc, tôi còn một vài lý do khác. 

Lý do đầu tiên là viết để giải tỏa năng lượng. Ngày trước tôi chơi thể thao hăng quá nên bị một số chấn thương, bây giờ không đi đánh tennis, đánh golf… được nên tôi giải tỏa năng lượng bằng tập khí công, đi bộ và… viết.

Lý do thứ hai là viết để giải tỏa stress, giải tỏa mọi căng thẳng thường nhật của doanh nhân. Càng khi khó khăn căng thẳng, thậm chí áp lực tưởng không chịu nổi thì thơ văn hay ca nhạc luôn giúp mình được thư giãn, thả mình vào một nỗi đam mê lành mạnh, cái thú tìm được tứ thơ đắc ý, niềm vui kiếm được câu từ hay, hoàn thành những câu đối khó, rồi sung sướng khi nghĩ ra giai điệu phù hợp với ca khúc định làm… để phục hồi thần kinh, sự tự tin cũng như khả năng sáng suốt nghĩ ra giải pháp vượt qua khó khăn thách thức. 

Lý do thứ ba là viết thơ, hay sáng tác ca khúc là để động viên gia đình, bạn bè, làm quà tặng vô giá cho người thân, cho những người mình quý mến và tôn trọng.

2. Ông nghĩ sách của mình sẽ ảnh hưởng đến bạn đọc như thế nào?

Tôi viết về các đề tài khác nhau và có những mong muốn khác nhau đến người đọc. Về đề tài Tình yêu, là mong muốn thổ lộ tình cảm chân thật, say đắm cùng biết bao khổ ải phải vượt qua để có được người bạn đời tâm đắc. Về đề tài Gia đình là mong muốn anh chị em ruột thịt, các con các cháu thấm được và truyền lại cho thế hệ sau truyền thống ba má, ông bà để lại, thương yêu đùm bọc lẫn nhau… Về đề tài bạn bè là chia sẻ thành công thất bại, niềm vui nỗi buồn, những kỷ niệm thời thơ ấu, đồng niên đồng khóa, cùng sinh hoạt học tập, thể thao văn nghệ, công tác đoàn, công đoàn, chuyên môn khoa học … Ngoài ra, có hai đề tài sau đây “có vẻ là riêng” của tôi. 

Đầu tiên là đề tài Doanh nghiệp. Tôi thấy hứng thú viết về đề tài này vì nghĩ rằng doanh nhân viết về mình, về doanh nghiệp của mình thật hơn, sát hơn, đầy đủ hơn. Tôi đã viết nhạc và lời ca khúc đầu tiên về doanh nhân là Hành khúc doanh nhân. Vì trước đây tôi có làm Tổng giám đốc Vinpearl Nha Trang nên tôi biết khá rõ những khả năng, năng lực và các công trình của Vingroup. Tôi thực sự yêu mến và tự hào về doanh nghiệp này, nên đã có nhiều sáng tác cả nhạc và lời các ca khúc về Vingroup như: Công viên chủ đề Vinwonder, Thành phố không ngủ, Mơ thành thực rồi Hội An, Tỏa sáng Hội An, Tự hào Vinfast, Tự hào xe buyt điện, Trái tim Vingroup, Tình người Times City, Nha Trang Vinpearl, Ước mơ PVF, Cảm xúc Vinpearl, Vinhomes Ocean Park, Về Phú Quốc Vinpearl, Đêm Đảo Rều, Đảo Rều Vinpearl, Vinhomes Riverside, Người Tiên phong, Tự hào xe điện Vinfast.

Những bài thơ, hay các ca khúc, lúc thì mong muốn chia sẻ niềm vui nỗi buồn “riêng” của doanh nhân, lúc thì đúc rút bài học từ kinh nghiệm và thất bại của bản thân, lúc thì ca ngợi khích lệ doanh nhân, doanh nghiệp vươn lên hướng tới thành công… Trong thể loại này, những bài thơ và ca khúc mang tính “tự sự” thì phần lớn tôi giữ lại cho riêng mình, chỉ chia sẻ với vợ con hay bạn bè thân thiết. 

Tôi tự đánh giá đấy là những bài “rất hay”! 

Đề tài thứ hai là dành cho thiếu nhi. Bạn thân của tôi là Tiến sĩ Toán – Lý Nguyễn Lê Anh khi thấy tôi viết thơ về các loại cây cỏ hoa lá, các con thú rừng và vật nuôi đã rất hưởng ứng, động viên tôi vì các bài thơ này đặc biệt giúp trẻ em thành phố hiểu biết thêm về thiên nhiên. Khi bắt đầu viết ca khúc tôi cũng dành cho thiếu nhi khá nhiều bài. Có thể kể các bài thơ ca về thực vật như: Cây bưởi, Cây chuối, Hoa ráy dại, Chua me đất, Hoa gạo, Hoa sữa, Hoa sen, Dạ yến thảo Mexico…

Về động vật có các ca khúc như Con rùa, Gấu Bắc cực, Con hổ, Dê núi, Gà trống choai, Đàn vịt trời, Đàn ngỗng, Em chó, Em mèo, Chim chèo bẻo, … 

3. Ông có thể chia sẻ về những trải nghiệm đặc biệt hoặc kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình viết sách?

Viết thơ đã giúp tôi có khả năng chủ động về ca từ khi sáng tác ca khúc. Tôi đã viết những bản trường ca để ghi nhớ những năm tháng không thể nào quên. Trước hết đối với tôi là Rừng nguyên thủy Cúc Phương, với những năm học sơ tán lớp 4 và lớp 5 được ba tôi khi ấy đang làm Giám đốc đầu tiên Vườn Quốc gia Cúc Phương cho hai anh em tôi “đi theo” đến nơi ba làm việc. Anh em chúng tôi được ba tôi gửi vào sống trong nhà của đồng bào dân tộc Mường một năm, rồi năm sau được gửi vào trường sống với các thầy giáo. Nên hiểu biết của tôi cũng đủ đầy và tình cảm thì thật đậm sâu. Thêm vào đó, từ năm 2003 tôi và em trai Hồ Hữu Nam lại đến xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình nghiên cứu lập dự án và sau đó đã đầu tư xây dựng thành công Khu Du lịch Nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Cúc Phương (Cuc Phuong Resort), đưa vào hoạt động đúng vào dịp Đại Lễ Nghìn năm Thăng Long Hà Nội, ngày 10/10/2010. Chỉ có tình yêu vùng sâu vùng xa này cùng những trải nghiệm đặc biệt mới giúp tôi hoàn thành bản Hợp xướng 4 chương Cúc Phương Mãi Yêu Thương, mà mỗi mùa Lễ hội, Ban tổ chức Lễ hội Cúc Phương lại mở loa to cho nhân dân và khách tham gia được thưởng thức.

Một trải nghiệm sâu sắc nữa là ba năm học Khối chuyên Toán thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội. Cuộc sống tự lập nơi sơ tán cùng khoa Toán ĐHSP Hà Nội tại xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, Hà Tây, niềm say mê học toán, đá bóng, bơi sông Đáy với biết bao kỷ niệm vui buồn, vượt qua khó khăn để lớp Chuyên Toán chúng tôi đoạt giải nhất đồng đội, cá nhân tôi đoạt giải nhì thi Toán toàn miền Bắc lớp 10 năm 1972. Tôi cũng đã viết một bản Hợp xướng 4 chương về Trường chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội.

CEO Hồ Hữu Việt

4. Có sự kiện hoặc tình huống nào đặc biệt đã giúp ông hoàn thành tác phẩm không?

Một số sự kiện đặc biệt giúp tôi hoàn thành bản Hợp xướng 4 chương thứ ba mang tên Đất Nước. 

Đầu tiên là với sự kiện Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, tôi đã tổ chức một buổi Biểu diễn nghệ thuật giới thiệu về Tín ngưỡng Thờ Mẫu, với sự thể hiện của nghệ sĩ Lan Hương và nhóm Múa hình thể tại Nhà Hát Tuổi Trẻ để chào mừng. Sự kiện này rất ấn tượng và làm tôi nảy ra ý tưởng chọn một chương viết về Người mẹ Việt Nam anh hùng.

Điều đặc biệt thứ hai là những kết quả khoan khảo sát địa chất và khảo cổ học của Việt Nam và Quốc tế cho thấy vùng đồng bằng Bắc bộ hiện nay được bồi đắp bởi phù sa của các dòng sông Hồng, sông Đà, sông Mã, sông Lam… sau thời kỳ băng tan ở Bắc cực và Nam cực, vùng này đã chìm sâu trong nước biển 120 m. Rồi tôi được biết về những nghiên cứu lịch sử Việt Nam thông qua đình, chùa, đền, miếu của anh Nguyễn Chí Công. Các sự kiện này thôi thúc tôi viết một bản Hợp xướng 4 chương mang tên ĐẤT NƯỚC. Chương 1, Thiên nhiên tươi đẹp; Chương 2, Người mẹ anh hùng; Chương 3, Tình yêu và chiến công; Chương 4, Khát vọng tương lai.

5. Có nhân vật hoặc sự kiện cụ thể nào mà ông cảm thấy ấn tượng nhất, đến mức đã đưa vào sách?

Nhân vật ấn tượng nhất trong một số bài thơ và ca khúc tôi viết là cụ Định Quốc Công Nguyễn Bặc, là người cùng năm sinh và mất cùng năm với Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng, với chức Tể tướng (Định Quốc Công) của nhà Đinh và là Thủy Tổ của họ Nguyễn chính thống làm vua của nước Việt.

6. Điều gì khiến ông chọn cụ Định Quốc Công Nguyễn Bặc để viết vào sách? 

Khi đến xã Cúc Phương, huyện Nho Quan đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng Cuc Phuong Resort, tôi được ông Sáu, thầy Mo người Mường cho biết, tên khởi thủy của xã Cúc Phương là Mường Thung Lá. Đây là vùng đất Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng phân cho Định Quốc Công Nguyễn Bặc. Cụ đã đưa con cháu, người dân quê mình từ Gia Viễn, Ninh Bình vào đây sinh sống, lập nghiệp trên vùng rừng núi nguyên sinh thành quê hương mới. Sân tập Golf của Cuc Phuong Resort tình cờ nằm đúng trên khu đất dinh cơ trước đây của cụ, cụ đang là Thần hoàng làng của cả xã Cúc Phương. Bởi vậy tôi đã cho dựng Cây hương thờ Thần hoàng làng, cũng như trong một số bài thơ và ca khúc đều nhắc đến cụ, như ca khúc “Hai huy chương vàng Cúc Phương”, hay hợp xướng “Cúc Phương mãi yêu thương”.

7. Ông thu xếp thời gian viết sách như thế nào khi công việc kinh doanh rất bận rộn?

Như tôi đã nói, viết thơ hay ca khúc là cách để tôi giải tỏa năng lượng, giải tỏa căng thẳng, áp lực và để động viên chính mình cũng như gia đình, bạn bè, nên mỗi khi có thời gian, tôi đều “tranh thủ” viết. Tranh thủ ở đây nghĩa là mỗi khi có tứ thơ hay, có giai điệu ưng ý hay có cảm xúc bất chợt, tôi đều dùng điện thoại để ghi nhớ lại. Rồi khi nghỉ ngơi, tôi viết tiếp ca khúc trên máy tính kết nối với điện thoại. Do đó trong điện thoại của tôi còn rất nhiều bài thơ cùng ca khúc đang viết nháp.

8. Ông có bí quyết hay phương pháp nào để cân bằng giữa việc viết sách và quản lý công việc kinh doanh? 

Bí quyết của tôi đơn giản là, đối với tôi, viết thơ và sáng tác nhạc chính là nhu cầu giải tỏa năng lượng, giải tỏa căng thẳng và áp lực trong quản lý công việc kinh doanh. Bởi thế riêng việc viết đã là nhu cầu và biện pháp cần thiết để cân bằng tinh thần rồi, tôi chả phải làm thêm gì nữa cả. Còn về cân bằng quỹ thời gian ít ỏi của doanh nhân vì quản lý công việc kinh doanh rất bận rộn thì tôi đã đào tạo được đội ngũ cán bộ nhân viên hiểu biết công việc, tự giác hoàn thành nên vẫn chủ động được thời gian cho việc viết thơ và ca khúc.

9. Quá trình nghiên cứu và thu thập thông tin để viết sách của ông diễn ra như thế nào?

Tôi thường lấy cảm hứng và thông tin để viết thơ và ca khúc bằng các cách khác nhau. Nhiều bài thơ và ca khúc tôi lấy cảm xúc từ những bài viết kèm theo ảnh đăng của các Nhiếp ảnh gia, cũng như tôi phổ nhạc các bài thơ của các nhà thơ đăng trên facebook. Xuất thân là dân toán nên tôi rất thích thể loại thơ Thất ngôn bát cú bởi vì thể loại này đòi hỏi niêm luật chặt chẽ, lại yêu cầu trong mỗi bài phải có hai câu đối, đối nhau “chan chát” dòng trên với dòng dưới luôn. Mỗi bài phải có mở bài giới thiệu, rồi tả ngoại cảnh bằng hai câu đối, tả nội tâm bằng hai câu đối khác, kết luận phải chặt chẽ súc tích. Khó vậy đấy, nhưng dân toán vốn thích khó mà…

Cách nữa là mỗi khi đến những vùng miền nào, dù quen hay lạ, tôi thường chụp ảnh để ghi nhớ cảm xúc. Có thể tứ thơ hoặc giai điệu nhạc đến ngay thì viết hoặc ghi âm lại bằng điện thoại. Sau đó thường là tìm hiểu trên google để có thêm thông tin. Có những đề tài cần thiết phải tìm sách mua và đọc thêm. Một số đề tài cần có cảm xúc trực tiếp thì phải có kế hoạch đến được nơi đó. Đặc biệt đó là khi viết về các doanh nhân, doanh nghiệp thì hầu như bắt buộc là phải đến được các công trình họ đã đầu tư xây dựng để có được những cảm xúc thật sự.

10. Ông có dựa vào những nguồn tài liệu cụ thể hay có những cuộc phỏng vấn, khảo sát nào để có được thông tin cần thiết?

Có chứ, ngày nay tra google ta đã biết được khá nhiều thông tin. Tùy yêu cầu với từng bài viết mà tôi đặt ra cho bản thân việc tiếp tục cần thiết tham quan, khảo sát hay phỏng vấn trực tiếp những người trong cuộc.

11. Ông cảm thấy việc viết sách đã thay đổi bản thân ông như thế nào? Có những kỹ năng hoặc kiến thức mới nào mà ông học được qua quá trình viết sách? Sách có mang đến ông những người bạn mới?

Việc viết thơ và ca khúc trước hết làm thể hiện bản thân. Khi đọc thơ hay nghe ca khúc tôi viết, gia đình và bạn bè nhận ra các tính cách và khả năng của tôi. Còn người mới quen cũng dần nhận ra, nên trong mạng xã hội, việc kết bạn hay hủy bỏ kết bạn phụ thuộc vào việc mình thấy có hợp nhau hay không. Đọc bài viết cũng như đọc những lời bình luận giúp hiểu hơn về con người tác giả.

Khi viết thơ hay viết ca khúc, tôi phải tự học và học hỏi thêm nhiều. Điều đó giúp mình mở mang thêm kiến thức, ví dụ về thể loại thơ, thể loại ca khúc. Nhưng đặc biệt hơn, viết thơ và ca khúc cho tôi quen biết, thậm chí thân thiết với những người bạn mới. Đó là các anh các chị cây đa cây đề, hoặc những bạn còn rất trẻ, chuyên nghiệp hay nghiệp dư trong làng văn thơ hay các nhạc sĩ, ca sĩ trong sáng tác, hòa âm phối khí, thể hiện và thu âm ca khúc. Nhờ thế, tôi càng có điều kiện để nâng cao kiến thức và khả năng viết của bản thân.

What do you think?

Bộ sưu tập Lụa Âu Cơ của nhà thiết kế Xuân Thu sắp ra mắt

Thơ Eva Petropoulou Lianou (Hy Lạp)