in

Cuộc chiến khốc liệt dưới góc nhìn nhân văn

Tiểu thuyết “Pailin thời máu lửa” – NXB Hội Nhà văn.

Năm 2021, nhà văn Nguyễn Văn Hồng ra mắt cuốn tiểu thuyết mang tên “Pailin thời máu lửa” và ngay lập tức gây được sự chú ý lớn trên văn đàn.

Kể lại câu chuyện là thêm một lần đau…

“Pailin thời máu lửa” tái hiện sự kiện năm 1978, khi chính quyền Khmer Đỏ thực hiện chính sách thù địch chống Nhà nước Việt Nam và tàn sát dân Campuchia.

Ngay cả thời bình, địa danh Pailin vẫn gây cảm giác rờn rợn cho người nghe mỗi khi được nhắc đến. Cuộc chiến ở Campuchia, ở góc độ vũ khí, là cuộc chiến sử dụng mìn nhiều nhất. Nhưng thật kỳ lạ, khi những ký ức của một thời máu lửa tràn về trên những trang viết của nhà văn Nguyễn Văn Hồng, cảm giác rờn rợn dường như đã vơi đi nhiều.

“Ngước mắt nhìn lên, vùng trời Pailin như cái chảo gang khổng lồ úp xuống, tưởng chừng đưa tay là có thể sờ được. Sương mù giăng đầy trên các sườn núi. Tầm nhìn bị thu hẹp dưới mười mét. Mưa như trút. Những bọng nước từ trên không vỡ ra đổ ào xuống đất…

“Đứng trên chốt 505 nhìn về hướng Tây, từng đàn cò trắng bay về đậu trên những ngọn tre, ngọn dừa phía bên kia biên giới. Bên đó là nơi yên bình…”

“Lá cà phê khô rang như những chiếc bánh đa nướng, chạm vào nhau nghe lao xao, chỉ cần một tàn thuốc lá rơi xuống, nó có thể bắt lửa, thiêu rụi cả cánh rừng trong chốc lát…”

“Thần chết thập thò, ẩn hiện mọi lúc, mọi nơi trên cái mặt trận đáng ghét này…”

Cái khó của nhà văn khi dấn thân vào đề tài chiến tranh là lựa chọn bút pháp – tái hiện bối cảnh một cách chân thực mà vẫn níu giữ được độc giả, dắt họ đi đến trang sách cuối cùng mà không quá ám ảnh về những gì đã diễn ra.

Nếu nói rằng Nguyễn Văn Hồng viết “Pailin thời máu lửa” để chữa lành thì cũng đúng, nhưng chưa đủ, bởi trải nghiệm thực tế của tác giả có lẽ phức tạp hơn thế một chút. Nắm giữ những câu chuyện trong tay khiến chúng trở nên chân thực hơn và đáng lo ngại hơn là chúng sẽ gợi lên những cảm giác giống hệt như một người đã trải qua vào thời điểm đó. Kể lại câu chuyện là thêm một lần đau.

Tuy nhiên, phải đối mặt với những ký ức theo cách như vậy, người viết mới có thể giải phóng bản thân khỏi sự đau đớn.

Ở giữa cuốn “Pailin thời máu lửa”, Nguyễn Văn Hồng trấn an độc giả bằng những câu mang tính chiêm nghiệm: “Cuộc vui nào rồi cũng qua đi, nỗi đau nào theo thời gian rồi cũng bị quên lãng,… Thần chết thập thò, ẩn hiện mọi lúc, mọi nơi trên cái mặt trận đáng ghét này…”

Tiếp đó, ông “vẽ” lại bối cảnh bằng bút pháp dịu nhẹ, như một cách vỗ về người đọc: “Bên ngoài, trời nổi gió, lùa vào cánh cửa. Những áng mây đen từ đâu kéo đến, che lấp mặt trời, không gian như tối sầm lại làm dịu đi cái nắng nóng của mùa khô khắc nghiệt đang hoành hành nơi đây… Đầu hồi nhà, những tấm tôn va vào nhau loảng xoảng đánh thức hai người sau cơn đê mê…”

Nhà văn Nguyễn Văn Hồng

Sự tiếp nối sau những mất mát

Hầu hết các nhà văn viết về chiến tranh đều đặt bút viết vì lý do đơn giản: họ phải làm gì đó với những ký ức khủng khiếp này. Họ phải biến chúng thành một thứ gì đó có giá trị. Viết lách là một phương tiện mang tính xây dựng để bộc lộ một số cảm xúc mạnh mẽ bên trong, và nếu việc tham gia vào nó giúp ích cho ai đó trên con đường chữa lành vết thương, thì điều đó càng có ý nghĩa hơn nhiều.

Nhắc đến Pailin, những ai tường tận lịch sử hẳn là sẽ nghĩ đến màu đỏ – màu của máu – cuộc diệt chủng kinh hoàng nhất trong lịch sử loài người… Nhưng rõ ràng, khi đọc “Pailin thời máu lửa”, người đọc hiểu rằng những phản ứng cảm xúc đáng sợ nhất đối với sự kiện khủng khiếp của chiến tranh, trên thực tế, là điều bình thường. Họ được thở hắt ra một cách nhẹ nhõm khi biết điều đó, một niềm an ủi mà nhà văn có thể mang lại.

Một ý nghĩa nhân văn khác mà cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Văn Hồng mang lại cho độc giả chính là sự hồi sinh, sự tiếp nối sau những mất mát tàn khốc”:

“Nếu tôi có mệnh hệ gì, sau này lớn lên, cho nó đi tìm người đàn ông này. Bố nó đấy!”. Nói xong, Nari đi ngay trước khi lính Pôn Pốt tràn vào xã!… Và rồi cô đã ngã xuống trên mảnh đất đã từng nhuốm máu của những người lính tình nguyện…”

Viễn cảnh về sự đoàn tụ được Nguyễn Văn Hồng “vẽ” ra ở trang cuối là một kết thúc đẹp cho cuốn tiểu thuyết. Nó mang lại cảm giác an tâm và vui vẻ cho người đọc. Đó cũng là thành công của tác giả – kết thúc có hậu là một kho báu của thế giới viết lách.

Tiểu Mai

What do you think?

Written by Trúc Anh

Vietnamese, English, Thai, Chinese

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings