Ghi chép của KBH
Trong một lần trò chuyện với TTƯT-DS CKII Trần Tựu về những chuyến đi của ông tới các vùng xa xôi, để cứu trợ đồng bào gặp khó khăn trong thảm họa thiên nhiên, tôi rất cảm động về tấm lòng cao cả, bao dung chia sẻ của người thầy thuốc tài năng. Tôi gợi ý với ông rằng, ông có một doanh nghiệp dược, vậy thật phù hợp nếu như có thể lập một chương trình lâu dài, đưa tủ thuốc từ thiện đến với học trò khó khăn vùng cao, tới các trường học nghèo ở nơi xa xôi của đất nước.
Khởi lên một ý tưởng đẹp
Ý tưởng này đã được ông Trần Tựu nhanh chóng đồng ý. Ông lập tức hào hứng chỉ ra những khả năng có thể thực hiện tài trợ tủ thuốc cho các trường nghèo, trong điều kiện thực tế của công ty dược Savipharm mà ông là Tổng Giám đốc. Chúng tôi đồng ý với nhau rằng, trong công tác thiện nguyện, thì một trong những việc làm ý nghĩa và mang lại hiệu quả lớn nhất là hỗ trợ cho những học trò nghèo, góp phần chăm sóc, phát triển thế hệ tương lai của đất nước.
Tôi đã từng đi Hà Giang nhiều lần, trong đó có những chuyến công tác, và vài chuyến đi cùng các tổ công tác từ thiện của Bộ Giáo dục, báo Giáo dục & thời đại, các Biên tập, Phóng viên Đài truyền hình Việt Nam,… nên tôi biết được sự khó khăn, cũng như tình hình sức khỏe, điều kiện học tập rất thấp kém, trang thiết bị cũ kỹ, tồi tàn ở nhiều trường xa trung tâm tại khu vực tỉnh Hà Giang. Có lần, tôi cùng chị đạo diễn truyền hình Dương Bích Thủy, đã đi bộ rất xa, leo lên lưng chừng núi, tới một ngôi nhà nghèo ở huyện Mèo Vạc, để thăm và tặng nhu yếu phẩm cho gia đình 9 cháu nhỏ vừa mất bố mẹ do ngộ độc khi ăn mèn mén mốc. Tôi hiểu rằng, những loại thuốc thường dùng, cùng sự chăm sóc y tế kịp thời, có vai trò quan trọng thế nào đối với người dân và các em nhỏ ở vùng núi cao hiểm trở này.
Khi tôi đưa ra đề xuất về chương trình từ thiện với nội dung tài trợ tủ thuốc cho một trường khó khăn tại huyện Mèo Vạc, TTƯT Trần Tựu đã ủng hộ. Liên lạc với vợ chồng anh Nguyễn Khắc Quyết – Giám đốc đài truyền hình Mèo Vạc, tôi được anh chị giới thiệu cho điểm trường Sán Tớ, một điểm trường với 72 cháu lứa tuổi từ mẫu giáo đến tiểu học thuộc trường Tiểu học Thị trấn Mèo Vạc, Hà Giang. Trò chuyện với thầy Nguyễn Văn Phong, hiệu trưởng nhà trường, tôi được biết, tuy có tiếng là trường tiểu học của Thị trấn, nhưng chưa phải các điểm xa của trường đã được quan tâm đầu tư để có nơi ăn học tương đối chấp nhận được. Thầy nói: “Hầu hết mọi người cứ nghĩ, là trường ở thị trấn rồi nên có điều kiện hơn các nơi xa xôi khác, và không cần quan tâm nữa. Do đó, các đoàn công tác từ thiện không đến với trường. Họ cũng không biết rằng, ngoài trường chính ở trung tâm thị trấn Mèo Vạc, thì nhà trường còn có 4 điểm trường khác đặt tại các nơi xa, trong các khu dân cư trên núi, điều kiện cách trở, thiếu thốn nhiều thứ, trong đó có các loại thuốc thường dùng. Ví dụ điểm trường Sán Tớ chưa được trang bị tủ thuốc. Các em nhỏ hay bị rối loạn tiêu hóa, cảm sốt, viêm đường hô hấp, cúm mùa, bệnh ngoài da, chấn thương, suy dinh dưỡng… rất cần thuốc, thực phẩm chức năng tăng cường sức khỏe, cải thiện chiều cao, cân nặng, và cần các thiết bị y tế sơ cứu.”
Thầy Nguyễn Văn Phong quê ở huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đã lên với vùng cao Hà Giang từ khi 17 tuổi, học sơ cấp sư phạm một năm tại Mèo Vạc, sau đó đi dạy các điểm trường xa xôi từ năm 1995. Tiếp đó, thầy đi học trung cấp và Đại học sư phạm tại Hà Giang (hệ vừa học vừa làm do trường Cao đẳng sư phạm Hà Giang liên kết với Đại học sư phạm Hà Nội 2). Đã 28 năm, tính đến năm 2023 này, thầy gắn bó với các con ở nơi vùng núi cao nhất nước. Theo thầy, thì cái khổ nhất về thể chất mỗi ngày phải vượt qua đó là đường xá, nơi đây núi cao, đường hẹp, thời trước còn chưa được làm đường nhựa đúng quy chuẩn, cứ mưa là đất sạt lở rất nguy hiểm. Có ngôi trường heo hút trên đỉnh đồi, chỉ một mình thầy dạy các em tất cả các môn học, thì còn nỗi khó nữa là cơ sở vật chất cũng như đời sống tinh thần rất thách thức. Hẳn rằng cần có không chỉ tình yêu với các em, trách nhiệm với thế hệ trẻ nơi khó khăn, mà trong thầy Phong còn là một sứ mệnh thay đổi điều kiện và tiềm năng giáo dục cho trẻ em ở vùng cao. Với sứ mệnh cao cả ấy, mới có thể khiến một người thầy nhiều năng lực gắn bó, cống hiến cả thời thanh xuân đẹp đẽ nhất của mình nơi núi cao, vực sâu, rừng thẳm heo hút này.
Thu hút người đồng hành
TTƯT Trần Tựu nói với tôi, rằng nếu có thể, nên mời thêm một số đơn vị đồng hành cùng Savipharm trong chuyến đi từ thiện lên Mèo Vạc. Bởi công tác từ thiện cũng như một cuộc cách mạng, cần có đồng chí, đồng đội. Tôi chia sẻ điều này với hai vị lãnh đạo của công ty Ethos Việt Nam và công ty May Xuất khẩu Ninh Bình. Thật sự may mắn, khi cả hai vị nữ lãnh đạo tại hai công ty này ngay lập tức nhận lời chung tay đóng góp cho nhà trường bằng những món hàng vốn là sở trường của mình. May Ninh Bình lập tức xin thông tin về số lượng học sinh và tuổi của các con để may tặng mỗi con một áo ấm. Công ty Ethos Việt Nam tặng các con tủ sách ươm mầm tài năng. Công ty May Ninh Bình cũng gửi tặng các con thuộc lứa mẫu giáo của trường nhiều bánh kẹo. Sau khi biết điểm trường Sán Tớ còn có lớp mẫu giáo, một số anh chị trong Trung tâm cung ứng phía Bắc của Savipharm cũng đã gom góp thêm bánh kẹo gửi đoàn công tác lên trao tặng các bé. Lúc này, không khí hào hứng đã lan tỏa trong nhóm những người tham gia chuyến đi thiện nguyện, và những đồng nghiệp liên quan. Cảm giác được chung tay làm một việc ý nghĩa thật tuyệt vời. Nó trở thành động lực để chúng tôi làm việc, cống hiến tận tâm hơn, quên đi áp lực và sự mệt mỏi thường thấy. May Ninh Bình dường như nhanh hơn cả, đã hoàn thành việc may áo rét cho các con ở điểm trường Sán Tớ từ đầu tháng 2.2023, trong lúc Savipharm và Ethos nỗ lực gom thuốc và sách theo nhu cầu riêng của nhà trường.
Gấp rút chuẩn bị cho đủ số thuốc mà gần 1000 học sinh ở trường chính Tiểu học Mèo Vạc và điểm trường Sán Tớ cần, ngày 21.02.2023, đoàn công tác từ thiện của ba đơn vị: Savipharm, Ethos Việt Nam, May XK Ninh Bình cùng lên đường. Cung đường Hà Nội – Hà Giang – Mèo Vạc dài gần 600 km, nhất là đoạn từ Hà Giang lên Mèo Vạc được coi là một trong những cung đường khủng nhất Việt Nam. Bởi toàn bộ đường đi vắt trên sườn núi, bò quanh đỉnh núi cao hiểm trở, cheo leo. Con đường hình dải lụa biến ảo, thoắt ẩn thoắt hiện trong sương mây, khi thì hiện ra như một nàng rắn trắng uốn khúc trườn bên sườn núi, lúc lại biến mất hoàn toàn sau vách đá cao dựng đứng. Chúng tôi vừa lo lắng, vừa phấn khích khi xe liên tục bám quanh các khúc cua tay áo mà một bên là đỉnh núi, một bên là vực thẳm hun hút sâu. Lắm khi mây ào đến phủ kín cả núi rừng, tầm nhìn không quá 5 mét, chúng tôi đã chìm trong biển mây trắng sữa, không còn thấy cả vực sâu. Phải là những tay lái cừ khôi mới có thể bình tĩnh bám đường, lái xe đi trong mây trên đỉnh núi như vậy. Tôi tự nhủ, cảm giác phiêu bồng này đâu phải lúc nào cũng có được! Đèn xe bật sáng, chiếc xe nhẫn nại bò chầm chậm lên đỉnh núi, chúng tôi căng mắt phóng tầm nhìn vào mây mù…
Xe của Savipharm có hai tay lái đổi nhau, xe Ethos chỉ có một người lái. Vậy nhưng chúng tôi cuối cùng vẫn bám sát nhau để đến thị trấn Mèo Vạc vào lúc 18h, khi trời vừa sập tối. Trên đường đi qua Việt Trì, xe Ethos đã đón đại tá Hoàng Văn Nghiệp, công tác tại chương trình phát thanh – truyền hình quân đội đi cùng để đưa tin về sự kiện hôm sau. Anh Nghiệp vui vẻ thông báo cho đoàn công tác, anh có cô bạn gái tên Vinh, học cùng từ thời lớp 5, giờ đã sinh sống và làm việc ở Mèo Vạc, cô ấy mời anh cùng cả đoàn ghé nhà cô dùng bữa tối. Cả đoàn vui vẻ nhận lời, và một bữa lẩu cháo vùng cao đặc biệt được dọn ra, gà đen, chim câu, xúc xích, thịt lợn gác bếp và rau cùng thảo dược, rượu táo rừng được rót ra ngời lên màu hồng thơm ngát. Câu chuyện rôm rả đưa môi mềm hơi rượu ngọt. Đáng tiếc cho hai chàng lái xe chính, không được nếm thử và uống cho đã thứ rượu hồng trên đỉnh nhân gian này. Vậy là chuyến đi như đã được nối dài, khi chúng tôi được kết bạn với những con người chân tình trong suốt hành trình như thế.
Sau bữa tối, đoàn chúng tôi đến khu nghỉ làng Mông thôn Pả Vi, thuộc địa phận huyện Mèo Vạc. Do quen chị Hằng, chủ dãy homestay Mèo Vạc Clayhouse, nên chúng tôi đã đặt trước phòng nghỉ trong khu nhà gỗ mộc mạc, ấm áp mà rất phong cách theo kiểu nhà người Mông xưa. Ai nấy đều trút một hơi thở dài khoan khoái vì cuối cùng cũng được nghỉ yên ấm trong căn phòng tiện nghi. Dù đã thấm mệt, nhưng tôi vẫn không đành lòng bỏ qua vẻ đẹp về đêm của khu nghỉ làng Mông Pả Vi này, nên rảo bước một vòng trong ánh đèn vàng quyến rũ dưới làn mưa phùn ảo diệu. Tôi gặp nhiều bạn trẻ người nước ngoài đi thành từng nhóm, cười nói vui vẻ, nét mặt ngời lên hạnh phúc vì được ở trong khung cảnh độc đáo, bao quanh là núi cao vút hùng vĩ nguyên sơ. Một bạn nam người Âu còn mặc áo mưa mỏng, tay xách chiếc đài phát ra bản nhạc vui nhộn, vừa đi vừa nhún nhảy theo nhạc. Có bạn ôm nhau nhảy múa trong tiếng nhạc đầy năng lượng. Dường như sự hào hứng của họ lan sang cả tôi. Tôi chợt nghĩ, dù có đi đến tận cùng trái đất, thì nơi này, như cái rốn của Mèo Vạc vẫn là nơi đáng đến nhất trước khi về với vũ trụ mênh mông. Cao nguyên đá Đồng Văn, thị trấn Mèo Vạc, đỉnh trời Lũng Cú,… với núi đá tai mèo lởm chởm cao chất ngất, hoa cải vàng lộng lẫy rải rác bên bờ rào đá, bông ngô phất cờ giữa khe đá tai mèo, ngàn cơn mưa hoa mận trắng điểm trang phủ lên mái ngói xếp thâm u, màu tím hồng hoa tam giác mạch ửng lên quanh sườn núi, và dòng sông Nho Quế xanh uốn lượn dưới vực sâu, và lớp lớp ruộng bậc thang viền những đường lượn mềm kỳ diệu như tấm khăn vàng, khăn xanh vắt lên núi cao… Bức tranh ảo diệu đó nơi nào có được!
Sức mạnh truyền cảm hứng
Sáng sớm hôm sau, ngày 22/02/2023 chúng tôi lên đường đến điểm trường chính Tiểu học Mèo Vạc. Tại đây chúng tôi tiếp xúc với Ban giám hiệu nhà trường, Lãnh đạo thị trấn, cùng trò chuyện để hiểu thêm tình hình của nhà trường và các trò nhỏ trong điều kiện hiện tại. Tiếp đó chúng tôi thăm phòng đọc sách, phòng y tế nhà trường. Những thùng thuốc của Savipharm tài trợ đã được chuyển đến, chia ra một phần lớn để lại tại phòng y tế trường chính, phần còn lại được đưa lên điểm trường xa nhất ở thôn Sán Tớ. Phải vượt thêm gần chục cây số đường rừng gập ghềnh, đường núi cheo leo trong cơn mưa trắng xóa mù mịt, chúng tôi mới tới điểm trường Sán Tớ, nơi diễn ra buổi Lễ trao tặng tủ thuốc Savipharm cho điểm trường. Trong lúc các anh em trong đoàn cùng các thầy giáo bốc dỡ các thùng thuốc, sách, áo, bánh kẹo, quạt điện từ xe xuống khu vực làm Lễ trao, thì chúng tôi cùng các cô giáo đón các em nhỏ vào căn nhà văn hóa thôn Sán Tớ, được lãnh đạo thôn cho nhà trường mượn để tổ chức sự kiện. Nhìn các em bé xíu, mặc đồng phục nhưng đầu để trần, nhiều em không quàng khăn trong cái lạnh tê tái, tay quệt nước mũi tuôn ngang mặt mà cảm động, thương xót. Thạc sĩ Nguyễn Thu Hà – Giám đốc Trung tâm cung ứng phía Bắc của Savipharm ái ngại nói: “Con mình ở nhà thì bao lớp áo mũ, lại được ở trong phòng ấm áp. Còn các con ở đây áo không đủ ấm, nước sạch lại quý như vàng, điều kiện vệ sinh thiếu thốn, tránh sao được bệnh đường hô hấp, bệnh ngoài da… Có đi tận nơi mới hiểu từng viên thuốc quý giá với các em và thầy cô như thế nào.” Quả vậy, khi xe đi trên đường núi cao, chúng tôi hay nhìn thấy cảnh bên thùng nước, chị tắm cho em, cứ thế mà dội nước lạnh lên người giữa trời đất hoang hoải trống chếnh và cái lạnh căm căm như cắt da cắt thịt. Lạnh thế này và thiếu nước thế này, thì cả tháng các em mới được tắm một lần chăng!? Chúng tôi bảo nhau, tắm nước lạnh giữa trời gió rét như thế, đến voi cũng lăn quay vì cảm lạnh nữa là người! Thật thương và cũng thật cảm phục các em bé vùng cao! Chỉ có thể giải thích rằng, nhờ sức mạnh sinh tồn bản năng mà các em có thể sống và lớn lên trong điều kiện ngặt nghèo, khắc nghiệt đến thế.
Chia sẻ với đại diện Ethos Việt Nam, đơn vị tài trợ tủ sách văn học và sách kỹ năng cho nhà trường, thầy Phong nói, các em học sinh tiểu học ở đây trình độ kém hơn so với học sinh ở điểm trường chính, dù có thể cùng hệ lớp, nên các em không đọc được sách nhiều chữ, các em chỉ có thể đọc và thích thú với truyện tranh. Sau khi khảo sát tình hình thực tế, bên Ethos sẽ điều chỉnh kế hoạch và sẽ tiếp tục gửi truyện tranh lên bổ sung vào tủ sách dành cho các em tiểu học của điểm trường Sán Tớ.
Tận tay mặc từng tấm áo ấm, chia từng chiếc bánh, kẹo cho từng em nhỏ, chúng tôi, những người từ thành phố hiện đại và tiện nghi, cứ lặng đi trong cảm xúc mạnh chạm tới đáy tim. Chúng tôi phải làm gì đây để có thể đem lại chút đổi thay, cải thiện nho nhỏ cho ngôi trường này, cho các em bé này. Những ánh mắt háo hức sáng lên trên gương mặt còn lem nhem mũi dãi, những tấm áo ấm đặt may đúng lứa tuổi mà như quá dài rộng trên thân thể còm nhỏ thiếu dinh dưỡng của các bé khiến lòng chúng tôi rưng rưng. Không ai cất lên được lời nào, nhưng tôi biết, trong lòng mỗi người đã tự đổi thay, đã dấy lên một tâm nguyện mới. Sẽ bớt đi những đòi hỏi cho bản thân, sẽ bớt đi những phàn nàn về hoàn cảnh, sẽ trân trọng và biết ơn sâu sắc hơn những gì mình đang có, sẽ can đảm đứng lên và đi, sẽ dũng cảm vượt đường dài nhọc nhằn, đến tận nơi khó khăn nhất, và sẽ thêm vào từng giọt từng giọt yêu thương, thấu cảm, thêm vào nỗ lực hàng ngày, để cho đi, để trao tặng, và để chia sẻ nhiều hơn,…
Và điều này rất lạ, qua chuyến đi thiện nguyện thật ngắn ngủi, nhưng mang lại cho chúng tôi một kế hoạch mới thật dài cho tương lai. Trong phút giây tĩnh lặng trên đường về, tôi cảm thấy mình cần biết ơn các em nhỏ vùng cao khó khăn này, bởi dường như chính các em đang truyền cho tôi thêm động lực mới, yêu cuộc sống hơn, bao dung và biết đùm bọc, san sẻ hơn, sống tiết kiệm hơn và có ích hơn nữa. Chuyến đi này, chính là một phương pháp tu rèn cả thân, tâm hữu hiệu.
Chú thích ảnh:
1a,b,c – Đoàn công tác trao tủ thuốc, tủ sách, áo ấm tặng học trò điểm trường Sán Tớ, thuộc trường Tiểu học Mèo Vạc, Hà Giang.
2-Nhóm học trò trường chính Tiểu học Mèo Vạc biểu diễn tiết mục văn nghệ chào mừng đoàn công tác thiện nguyện
3-Chia bánh kẹo cho các trò nhỏ
4a,b-Những gương mặt nhỏ đáng yêu tại điểm trường Sán Tớ
GIPHY App Key not set. Please check settings