in

Hành trình dài tới SaVipharm yêu dấu

Nói về việc đi làm cần vượt qua chặng đường gần 100 km mỗi ngày với khoảng 5 giờ ngồi trên xe máy, đó là cả một quá trình đấu tranh tư tưởng, một chặng đường dài, một sự quyết tâm, và đằng sau đó là một động lực to lớn, một sự cảm thông sâu sắc và hỗ trợ không nhỏ từ gia đình chồng tôi.

Nhà tôi ở Củ Chi, cách nơi làm việc là SaVipharm khoảng 48 km. Nhà ba mẹ đẻ ở Tây Ninh còn xa hơn. Thời gian nghỉ thai sản kết thúc, tôi vẫn muốn được bên con và chăm con mỗi ngày, tôi không chọn gửi con cho ông bà ngoại như một số chị em khác, tôi không chọn đi xe buýt cho khỏe người theo lời một số người khuyên bảo vì thời gian di chuyển bằng xe buýt quá nhiều, tôi chọn tự mình lái xe để tiết kiệm thời gian. Thế là hành trình 5 giờ đồng hồ mỗi ngày trên xe máy của tôi bắt đầu. Có thể nói tôi là một đứa “mù đường”, mặc dù đã nghiên cứu đường đi kỹ càng, khi đi còn cẩn thận đi theo hướng dẫn của “Google map”, vậy mà chỉ cần sơ sẩy một chút, tôi đã chạy sai đường. Tuần đầu của tôi là những lần quanh đi quẹo lại, lúc là chặng đi, có khi là chặng về. Từ tuần thứ hai, việc này mới ổn hơn.

Một ngày của tôi bắt đầu lúc 4 giờ sáng, ra khỏi nhà lúc 4 giờ 45 phút, về đến nhà lúc gần 6 giờ chiều. Có những hôm công ty tiếp thanh tra, phải chuẩn bị hồ sơ, tôi về đến nhà đã hơn 8 giờ tối. Chồng đi làm xa, không thường xuyên ở nhà, mẹ chồng đã gần 70 tuổi phải cáng đáng hết mọi việc, vừa chăm cháu, vừa lo bữa ăn cho con dâu. Tôi thức dậy lúc 4 giờ sáng để chuẩn bị đi làm thì bà đã phải dậy sớm hơn để nấu bữa sáng và bữa trưa cho tôi mang theo, mặc dù công ty có cấp bữa trưa cho nhân viên, nhưng tôi thuộc dạng “khó ăn”, cũng để đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho việc nuôi con nhỏ, mẹ chồng tôi không ngại thức khuya dậy sớm chuẩn bị những bữa ăn phong phú cho con dâu.

Những bữa ăn đa dạng, chan chứa tình thương yêu của mẹ chồng chuẩn bị cho con dâu

Rồi sau khi tôi đi, bà phải quay qua chăm cháu nội, hôm nào cháu ngủ ngoan thì bà được nghỉ lưng xíu xiu, hôm nào cháu giật mình thiếu hơi mẹ, quấy khóc là bà phải ẵm bồng vỗ về. Các cô của bé đã có gia đình riêng, cũng ngày ngày chạy qua chăm phụ. Vì đi làm xa, ít khi ở nhà nên mỗi khi được nghỉ, chồng tôi cũng tranh phần chăm con để vợ được nghỉ ngơi. Tôi may mắn được gia đình chồng yêu quý và tận tâm chăm sóc, hết lòng ủng hộ, hỗ trợ trong việc chăm bé để tôi được an tâm làm việc, đây cũng là một trong những nguồn động lực cho tôi sự kiên trì bền bỉ.

Chồng sửa đồ và giặt sạch cho vợ trước ngày đi làm lại
Ba cắt móng tay đầu đời cho con
Ba chơi đùa cùng con trai, tranh phần chăm con để mẹ có thêm thời gian nghỉ ngơi cuối tuần

Một ngày tiêu tốn hơn 13 giờ cho việc di chuyển và làm việc, tôi chỉ còn 11 giờ cho sinh hoạt cá nhân, ăn uống, nghỉ ngơi, chăm con, dạy con và ngủ cùng con. Bà nội đã quần quật cả ngày với cháu, nên tối đến, tôi không thể làm phiền bà thêm nữa. Về đến nhà, tôi phải tắm thật nhanh, ăn vội chén cơm, làm vệ sinh cá nhân rồi lao vào phòng với con, để bà về phòng nghỉ ngơi. Những ngày con vui vẻ, ti giỏi, ngủ ngoan thì tôi khỏe hơn đôi chút, có những đêm con quấy khóc, dỗ mãi không nín, tôi vừa phải gồng mình căng mắt thức cùng con, vừa sợ tiếng khóc của con làm ảnh hưởng giấc nghỉ của bà. Những lúc ấy, tôi chỉ biết lặng lẽ khóc cùng con để rồi sáng hôm sau mang cặp mắt “gấu trúc” đến công ty. Cứ như thế, dù trời quang mây tạnh, hay gió mưa mịt mùng, bất kể thời tiết mát mẻ hay sương sớm rét buốt, tôi vẫn đều đặn đi về trên con đường ấy. Và không ít lần tôi suýt đâm xe vào người khác do ngủ gục khi đang lái xe. Thật cảm tạ ông bà tổ tiên đã phù hộ tôi an toàn, không có sự việc đáng tiếc nào xảy ra. Những ngày sau đó, bình cà phê sữa là người bạn đồng hành không thể thiếu, chốc chốc, tôi phải tấp xe vào lề đường, nhấp ngụm cà phê để giữ cho mình đủ tỉnh táo. Nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng suôn sẻ và nhiều may mắn như vậy. Ngày hôm đó, cũng như bao ngày khác, tôi thức dậy khi trời còn tối om, ra khỏi nhà khi còn chưa sáng, kèm theo cơn mưa dai dẳng. Đi được hơn một phần năm đoạn đường, người đi trước phanh gấp, thế là tôi có một cú đo đường ra trò, xe và người đôi nơi, sau khi trượt một đoạn đường đủ làm rách bươm cái áo mưa đang mặc trên người, tôi cũng hoàn hồn nhận ra việc gì đang xảy ra, một dòng chất lỏng màu đỏ nóng hổi nơi cánh tay cứ thế tuôn ra, chạy dọc xuống bàn tay rồi nhỏ xuống đường. Tôi được người đi đường dìu vào lề đường, thăm hỏi qua loa vài câu rồi ai cũng tiếp tục công việc của mình. Lúc ấy, câu hỏi đặt ra cho tôi là “quay về để băng bó vết thương, xin nghỉ việc một ngày hay tiếp tục đi làm?”, nhưng rồi tôi nhanh chóng đưa ra quyết định, về nhà trong tình trạng thương tích thế này chỉ khiến bà nội lo lắng thêm, cũng không chăm con được, thế là tôi tiếp tục chạy xe về phía công ty, trên đường đi vì còn sớm nên chưa có phòng khám nào mở cửa, chạy đến Trung tâm Y tế Quận 7, vẫn chưa làm việc, thế là tôi chạy thẳng vào Bệnh viện quận 7. Nhìn cách mọi người hốt hoảng nhìn tôi, chỉ hướng tôi đi vào phòng cấp cứu, tôi có thể tưởng tượng được bộ dạng thương tích của mình lúc đó đáng sợ thế nào. Khi được các điều dưỡng xử lý vết thương, họ hỏi han ân cần, rằng tôi có người nhà đi cùng không, tự dưng tôi lại chạnh lòng, một chút tủi thân, nước mắt đọng ở bờ mi, dù tôi biết rằng mình không nên có suy nghĩ như vậy, người nhà không ai biết tôi xảy ra tai nạn, nếu biết họ chắc chắn cũng vạn phần lo lắng, và chính vì không muốn họ lo lắng, tôi đã chọn tự mình xử lý, thì tôi phải mạnh mẽ vượt qua. Còn một lý do tôi không muốn gia đình biết mình gặp sự cố là vì tôi sợ họ quá lo lắng cho tôi đi đường xa mà bảo tôi đổi việc khác gần nhà. Đó là điều tôi không muốn, tình yêu với công việc này vẫn còn trong tôi, sự quý mến đối với đồng nghiệp vẫn còn đấy, và hơn hết món nợ ân tình với công ty vẫn còn canh cánh trong lòng.

Ngay sau ngày xảy ra tai nạn, tôi vẫn đi làm như thường lệ, trên đường về, trời đổ mưa to, tôi đang lái xe chầm chậm vì sự cố ngày hôm qua vẫn còn ám ảnh, thế mà cô bé đang lái xe ngay trước mắt tôi ầm một cái ngã xuống đường, nguyên nhân do người sau phóng nhanh lướt qua cô bé làm cô giật mình lạc tay lái, cũng may cô bé không bị thương tích nặng nề. Liên tiếp hai ngày chứng kiến hai vụ tai nạn ngay trước mắt, tôi có phần e dè về việc lái xe đi đường xa. Hôm sau tôi quyết định đi làm bằng xe buýt, vẫn xuất phát cùng thời gian, nhưng tôi phải lần lượt đi qua 3 tuyến xe để đến được chỗ làm, thời gian dài hơn đi xe máy 1,5 giờ. Khỏi phải nói đến lượt về, gần 8h tối tôi mới về được đến nhà. Hôm sau, tôi vẫn đi xe buýt, nhưng chọn tuyến xe khác, chỉ cần 2 tuyến là đến nơi làm, nhưng thời gian di chuyển thì vẫn không có cải thiện. Tôi về đến nhà đã mệt rã rời, chưa kể đi trên những tuyến xe buýt đường dài ấy, tôi phải đứng suốt chặng để nhường chỗ cho người già, người khuyết tật, vốn dĩ tôi lại bị say xe, cảm giác khó chịu vô cùng. Hôm sau, tôi lại quay về với chiếc xe máy, vẫn đều đặn đi về, chăm chỉ làm việc.

Con trai tôi mỗi ngày lớn hơn, biết nhiều thứ hơn, nhìn thấy con khôn lớn từng ngày, gia đình vui vẻ hạnh phúc, cũng tiếp thêm cho tôi sức mạnh vượt qua những khó khăn trở ngại, tiếp tục niềm đam mê công việc của mình.

Vài hình ảnh sinh hoạt đời thường cùng con

Châu Nguyệt Tiên

What do you think?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

GIPHY App Key not set. Please check settings

Thần đồng duy nhất Việt Nam 2 lần lập kỷ lục, làm Tổng Biên tập báo nước ngoài, nhận thư chúc mừng từ Tổng thống Mỹ

Hãy ngừng bắn ngay!