Nguyễn Phương Thảo yêu thơ từ thuở bé, nhưng ở tuổi an nhàn chị mới chịu xuất bản tập thơ đầu tay. “Hương cỏ” là tên mẹ chị âu yếm đặt cho tập thơ với mong muốn con gái luôn sống giản dị, hiền lành và thảo thơm như cỏ mật.
Quả nhiên! Những trang viết của Phương Thảo như mời gọi người đọc bước vào khu vườn dịu dàng, xinh đẹp, và rưng rưng cảm xúc ngay cả khi đã gấp lại cuốn thơ.
Nhỏ bé và chân thật
Phương Thảo không kể nhiều về bản thân. Qua vài dòng giới thiệu, độc giả chỉ biết chị sinh ra ở Hà Tây. Năm 8 tuổi, Phương Thảo theo gia đình về quê Huế sinh sống. Năm 17 tuổi, chị lại gói ghém hành lý sang Hungary làm việc – nơi chị gắn bó đến tận bây giờ.
Với Phương Thảo, Hungary là quê hương thứ hai. Gắn bó mật thiết hàng chục năm với quốc gia nhỏ bé thuộc vùng Trung Âu, Phương Thảo vẫn khôn nguôi nhớ quê mẹ, nhớ tuổi thơ vất vả sớm hôm, nhớ thềm nhà cuối ngõ, nhớ hàng rào tím ngợp hoa, nhớ dáng ai phơi áo trước sân,…
Thơ Phương Thảo vừa mộng mơ vừa thăm thẳm, vừa chân thành, mộc mạc, vừa giản dị vừa đầy ắp thương yêu. Phương Thảo trong thơ nhỏ bé và chân thật hệt như Phương Thảo ngoài đời. Thương lắm khi nghe chị dặn dò con trai:
“Thời gian trôi mẹ luôn thầm nghĩ/ Một ngày kia con khôn lớn nên người/ Những gian nan có thể gặp trên đời/ Đừng bỏ cuộc nếu con chưa gắng sức… Đến một ngày rồi mẹ cũng đi xa/ Điều mẹ biết không bao giờ con đợi/ Mẹ yêu con! Ngàn lần con yêu hỡi/ Mong ước cuối cùng: Hãy sống đẹp, con ơi!”
Dễ thấy, cấu trúc của mỗi bài thơ trong “Hương cỏ” đều thiên về sự ngắn gọn, nhưng bấy nhiêu là vừa đủ để người đọc nắm bắt được từng chi tiết cô đọng, khiến chúng trở nên cực kỳ mạnh mẽ trong việc truyền tải thông điệp.
Dấn thân vào thơ đòi hỏi tính kỷ luật cao ở người viết, đặc biệt là việc lựa chọn từ ngữ và số lượng từ ngữ, để tạo ra một bức tranh sắc nét và chính xác về những gì mình đang cảm nhận. Sự kết hợp giữa ngắn gọn và chi tiết này giúp người đọc tiếp cận cởi mở với tâm trí của nhà thơ và giúp họ thực sự kết nối với nhà thơ.
Sự kết nối đó là khoảnh khắc diệu kỳ mà chỉ có vẻ đẹp và ngôn ngữ của thơ mới có thể làm được. Hãy nghe nỗi nhớ của Phương Thảo khi nghĩ về mẹ:
“Nắng xuân rơi thềm nhà cuối ngõ/ Mẹ lưng còng phơi áo trước sân/ Vườn rau mẹ chăm thấm ướt bàn chân/ Hàng rào tím, trước sân cây ổi đỏ/ Con thương mẹ có một đời nghèo khó/ Côi cút một mình, đổi vui sướng cho con/ Xóm Tri Vu đường mòn lối nhỏ/ Ở phương xa vẫn níu kéo con về/ Lưng mẹ còng, lòng con bỗng tái tê…”
Chiều sâu cảm xúc trong thơ Phương Thảo có thể làm người đọc bật khóc vì đồng cảm, nhưng sau đó là cảm giác rất dễ chịu, hệt như đang đứng giữa khu vườn ngát thơm cỏ hoa. Nổi bật trong tập thơ này còn có bài mang tên “Hạnh phúc” – cái tựa thôi thúc sự tò mò của người đọc: Trải qua nửa đời người, ở lưng chừng con dốc, phụ nữ quan niệm thế nào là hạnh phúc?
Thì đây: “Hạnh phúc là gì không nhìn thấy được/ Chẳng có bóng hình, chẳng có thước đo/ Hạnh phúc có phải là hai chữ nhận, cho?/ Là bát cơm no hay manh áo mặc/ Hạnh phúc là gì mà không màu sắc/ Là lời thề yêu luôn khắc trong lòng?/ Hạnh phúc là gì mà ai cũng tìm mong?/ Ai cũng khát khao và ai cũng đều mơ ước?/ Hạnh phúc là cho, chắc gì người muốn được? Kẻ khao khát tìm, người hờ hững bỏ qua!/ Tất cả rất gần đâu có gì xa/ Hạnh phúc là đây, âm thầm bình dị!”
Sức mạnh trị liệu to lớn của thơ ca
Phương Thảo đa cảm với cả tình yêu và thiên nhiên, thế nên ngay cả khoảnh khắc chấp nhận buông bỏ, chị vẫn cứ mộng mơ và dịu nhẹ đến lạ! Thơ chị như làn gió mát lành khiến người đọc ngỡ mình là bông cỏ đang được vuốt ve.
Ở vị trí người viết, Phương Thảo đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình: Cởi mở và trung thực về cảm xúc. Đó cũng là sức mạnh trị liệu to lớn của thơ ca. Đọc và viết thơ đều thu hút các giác quan cùng với cảm xúc của chúng ta, làm cho loại hình nghệ thuật này mang tính trải nghiệm và cực kỳ hiệu quả trong việc kết nối với tâm trí.
Nào, hãy cùng thưởng thức trọn vẹn tập thơ “Hương cỏ” để khám phá khu vườn cảm xúc của Nguyễn Phương Thảo.
Tiểu Mai
GIPHY App Key not set. Please check settings