Kiều Bích Hậu
Sau khi rời khỏi Sa mạc Sahara, nơi mà Mohamed Moukhariq đã tổ chức cho chúng tôi một đêm thơ đầy ấn tượng, tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác kỳ diệu ấy. Dưới bầu trời đầy sao, chúng tôi ngồi trên cát mịn màng, đọc thơ giữa những cơn gió cuốn theo cát bay lơ lửng. Không gian xung quanh như tan vào từng câu thơ, phiêu lãng và bồng bềnh như say trong lửa sa mạc. Cái lạnh của đêm hòa quyện với cái ấm nóng của lửa cháy, tạo nên một cảm giác khó tả, đưa hồn thơ bay cao và xa hơn bao giờ hết. Đêm đó, chúng tôi thực sự đã sống trong những giấc mơ đẹp nhất của mình, giữa sa mạc Sahara rộng lớn và huyền bí.
Dịch giả Mohamed Moukhariq đã chào đón tất cả chúng tôi, những nhà thơ đến từ khắp năm châu, với lời chào đầy phấn khích và kỳ lạ: “Chào bạn đến với thành phố điên rồ nhất thế giới, Safi của Maroc”. Đúng 4 giờ sáng, chúng tôi đặt chân đến Safi, thành phố nơi Mohamed sinh sống.
Safi là một thành phố ven biển tuyệt đẹp với tòa pháo đài cổ được người Bồ Đào Nha xây dựng hơn 500 năm về trước, nằm ngay bên Đại Tây Dương xanh thẳm. Mohamed chia sẻ rằng ở đây, mọi thứ đều điên rồ, và chúng tôi – hơn ba mươi nhà thơ đến từ khắp năm châu – cũng là những nhà thơ điên rồ nhất thế giới.
Quả thực, Safi đã chào đón chúng tôi không chỉ với những hồn thơ bay bổng nhất, những trí tưởng tượng lãng mạn nhất và những ý tưởng điên rồ nhất. Tại đây, tôi đã nảy ra một ý tưởng rằng mình cũng sẽ hành động giống như những nhà thơ và dịch giả Maroc này, sẽ tổ chức tại đất nước tôi một chuyến du thơ dọc Việt Nam, để các nhà thơ năm châu dừng chân tại bất cứ thành phố nào ven biển, đọc thơ trước sóng. Việc người Maroc đón những tài năng văn thơ từ khắp nơi tới đây là một cuộc chơi tất tay với thơ, khi họ phải chi hàng triệu đô la cho chuyến du thơ đắt đỏ khắp Maroc này suốt từ ngày 18-29/04/2024.
Mohamed nói rằng họ sẽ tổ chức cho chúng tôi 12 ngày tuyệt đỉnh cùng thơ ca và văn hóa đậm đặc. Chuyến du lịch thơ ca này sẽ đưa chúng tôi đi khắp đất nước Maroc, mỗi nơi đều giới thiệu nền văn hóa đặc sắc của địa phương. Chúng tôi sẽ đi qua năm thành phố gồm Laayoun, Safi, Tangier, Rabat, và Marrakech, tham dự cả chục sự kiện khác nhau như liên hoan thơ, hội thảo, đối thoại, và tọa đàm.
Ngay ngày đầu tiên khi đến Laayoun, tôi đã được tham gia vào một cuộc đối thoại văn hóa của Diễn đàn phụ nữ vì hòa bình dân chủ và phát triển. Tại đây, tôi ấn tượng ngay với Mohamed Moukhariq, người đã dịch hai bài thơ của tôi sang tiếng Ả Rập: “Cơn giận” và “Phiên bản nước”. Mohamed dường như là trung tâm của mọi sự kiện, bởi anh không chỉ là người tổ chức, người phiên dịch mà còn là người dẫn chương trình và điều phối tất cả các hoạt động xung quanh, kết nối liên lạc với địa phương và ban tổ chức các sự kiện ở năm thành phố.
Mohamed làm việc không ngừng nghỉ, từ dẫn chương trình, tham gia đối thoại, hội thảo, đến trả lời mọi thắc mắc của các nhà thơ quốc tế. Anh nói nhiều đến nỗi đến ngày thứ 8 thì anh mất giọng và ho khan. Tôi đã tặng anh một tuýp thực phẩm chức năng SaViMulti Focus để tăng năng lượng cho anh vì biết rằng anh đã làm việc quá sức. Anh ấy cảm ơn tôi, và sáng hôm sau nói với tôi rằng, có lẽ, tôi là người thấu hiểu anh nhất, nên đã lo lắng thực sự cho sức khỏe của anh. Thật may, sau hai ngày dùng viên vitamine tổng hợp đó, anh đã dần lấy lại sức lực, và tiếp tục phiên dịch, dẫn chương trình cho cả đoàn.
Chương trình thường kết thúc vào lúc nửa đêm, ăn sáng đến 2 giờ sáng rồi đoàn các nhà thơ mới về khách sạn, hôm sau lại tiếp tục chương trình từ sớm hoặc di chuyển đường xa sang một thành phố khác. Lịch làm việc hấp dẫn nhưng vô cùng căng thẳng. Mohamed phải nói rất nhiều, làm việc với cường độ cao, không ngừng nghỉ, thời gian ăn và ngủ hạn chế, có đêm anh chỉ ngủ được vỏn vẹn hai tiếng đồng hồ, vậy mà bất chấp mệt mỏi, anh vẫn làm việc và hỗ trợ chúng tôi đầy nhiệt huyết. Anh luôn sẵn sàng chia sẻ và giải thích với các nhà thơ nước ngoài về những ý nghĩa văn hóa của vùng đất mới đến, của bất cứ hành vi hay đặc điểm nào tại địa phương.
Một kỷ niệm đáng nhớ là buổi tối hôm ấy ở thủ đô Rabat, sau khi thực hiện xong chương trình lúc gần nửa đêm, chúng tôi mới ăn bữa đêm. Mặc dù rất mệt nhưng Mohamed vẫn hào hứng trả lời mọi câu hỏi của tôi và một nhà thơ khác về văn hóa đạo Hồi, về đức vua Maroc và đời sống gia đình đặc biệt của người đạo Hồi tại Maroc. Dù bận trả lời, Mohamed vẫn giữ nguyên nụ cười, và đĩa thức ăn của anh vẫn còn đầy. Khi được hỏi về chương trình ngày mai, anh giang hai tay ra và nói: “Trời ơi, ngày mai là việc của ngày mai, còn bạn hãy nhìn đây, trước mắt tôi là một đĩa xa-lát đẹp như một bài thơ, tại sao tôi phải lo về ngày mai.” Câu trả lời của Mohamed khiến tôi bật cười và cảm nhận được triết lý sống của người Maroc.
Mohamed Moukhariq đã không chỉ dịch thơ mà còn mong muốn dịch một hợp tuyển thơ của Việt Nam để giới thiệu với cộng đồng nói tiếng Ả Rập. Lòng nhiệt tình và thiện chí của anh khiến tôi cảm động sâu sắc. Tôi yêu nhất là những lúc anh đọc thơ tôi bằng tiếng Ả Rập với giọng đọc đầy nhiệt huyết, truyền cảm hứng cho khán giả, anh trình diễn thơ hay hơn cả chính tác giả của nó. Mohamed Moukhariq là một phần văn hóa của Maroc mà tôi sẽ luôn nhớ mãi.
Khi trở về Việt Nam, tôi vẫn thường xuyên hỏi thăm và lo lắng khi thấy anh bị ốm, sức khỏe sa sút, phải đi bệnh viện kiểm tra tổng thể sau chương trình thơ kéo dài mười hai ngày khắp đất nước Maroc. Mohamed Moukhariq, với lòng nhiệt huyết và cống hiến của mình, đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi và chắc chắn cả trong lòng tất cả những nhà thơ đã tham gia chuyến du lịch thơ ca điên rồ này. Không chỉ tôi, mà mọi nhà thơ quốc tế sau khi về nước, đều nhớ anh và bày tỏ tình cảm với Mohamed Moukhariq. Riêng tôi, vẫn ước ngày nào đó sẽ được đón Mohamed tới Việt Nam.
GIPHY App Key not set. Please check settings